Tháng 10 năm 2006, lũ trắng Quảng Bình. Thiệt hai nặng nề nhất là
hai huyện Tuyên Hoá và Minh Hoá. Cay cực vì lũ thuộc về đồng bào dân tộc
Mã Liềng, Sách, Rục. Từ ngày 2 đến mồng 4/10 lũ chia cắt nhiều vùng dân
cư. Trong khoảng thời gian này, cán bộ chủ chốt tỉnh Quảng bình do Bí
thư tỉnh uỷ Hà Hùng Cường và chủ tịch tỉnh Phan Lâm Phương lại dẫn đầu
đoàn lãnh đạo Quảng Bình đi nước ngoài- đi trong khi biết lũ lớn đang
vào, đi với lý do ” không thể thay đổi kế hoạch”.
Thế mới có chuyện.
Tôi, Minh Phong ( Phóng viên báo Sài Gòn Giải phóng), Phan Phương (
phóng viên báo Quảng Bình) gặp anh Chất, chủ tịch huyện Minh Hoá. Đang
lũ lớn nhưng gặp chủ tịch huyện quá dễ vì ông ta vẫn đang trong phòng
làm việc. Hỏi, lũ lớn lắm phải không anh? Dạ. Lũ lớn. Toàn huyện ngập
lênh láng, nhiều xã ngập trắng. Nhất là xã Thượng Hoá bị cô lập. Thế các
anh đã có ai vào Thượng Hoá chưa? Dạ anh em báo cáo lũ ngập đường vào
xã tới 4 cây số, không ai vào được. 7 ngày rồi mất liên lạc với xã. Phó
Bí thư tỉnh ủy vào đến đoạn đường ngập, thấy lũ lớn quá, quay về. Phó
chủ tịch UBND tỉnh vào đến đoạn đừng ngập, thấy lũ lớn quá, quay về. Ba
anh em nhìn nhau ngán ngẩm. Thôi đ
Tôi lái xe chở Phan Phương và Minh Phong đến xã Thượng Hoá.
Tình hình đúng như chủ tịch huyện Minh Hoá nói. Con đường vào xã
Thượng Hoá ngập trắng trong lũ. Trước, đây là con đường bê tông, nay là
biển nước. Đoạn đường qua Hung Trâu dài chừng 4 cây số ngập trắng, ngập
lên cả cột điện.
Minh Phong xuýt xoa: mần răng vô anh?
Phan Phương nói: Chỗ sâu nhất cũng phải 7 mét mà nước đang chảy xiết. Có bơi vào cũng chết cóng vì lạnh.
Tôi nói: Về đã.
Quay về thành phố Đồng Hới, mua mấy cái săm ô tô rồi lại chất lên ô tô chạy lên.
Chúng tôi quyết định vào xã Thượng Hóa. Đồn biên phòng 525 cử một
chiến sỹ. Hỏi đồn trưởng, thế mấy ngày nay có ai liên lạc ra không.
Không. Nước ngập thế là bị cô lập. Chúng tôi nói chúng tôi bơi vào. Đồn
trưởng đùa: nếu các nhà báo vào được, tôi bái phục. Anh em chúng tôi còn
chưa dám. Thấy chúng tôi cương quyết, đồn cử một chiến sỹ khoẻ nhất
theo cùng. Anh là Đinh Hoà.
Chúng tôi bơm căng ba cái săm ô tô. Kéo mấy khúc gỗ khô lại néo với
nhau làm bè. Tôi vác từ trên xe xuống một bao tải bánh trái, lương khô,
gạo, mỳ tôm, kẹo bánh để vào cho bà con. Ba anh em góp lại được hai
triệu, mua hết.
Cởi tung quần áo.
Vừa dìm người xuống, cả nhóm chúng tôi nhảy tót lên, co gập người.
Ui trời lạnh thấu xương. Mùa này giá rét, nước lạnh đã không dám sờ tới,
đằng này đây là thác lũ, lạnh như kem. Đinh Hoà nói: Nước lạnh lắm, các
anh cẩn thận chuột rút.
Tôi hô: Một hai ba nhảy nào. Thằng nào còn chui lên véo chim đấy.
Liều.
Trong nhóm, tôi cao tuổi nhất. Minh Phong, Phan Phương thanh niên.
Đinh Hoà cũng thanh niên. Noi gưong lão già tôi, tất cả lại lao xuống.
Cắn răng chịu lạnh. Toàn thân tê cứng. Chúng tôi bấu tay vào săm ô tô,
vào bè gỗ, đẩy người đi.
Mênh mông nước.
Gần một tiếng trôi qua, tất cả đuối sức mà nhìn lại cũng chỉ mới bơi được một quãng.
Tôi hét: Nghỉ chút đã, cứng hết chân tay rồi.
Phan Phương: Anh ghé vào lùm cây kia nghỉ đi anh Vinh, bọn em đi trước.
Đinh Hoà và tôi ghé vào một lùm cây đã ngập gần đến ngọn. Tôi định
với tay vào một cành cây để đu người lên khỏi nước thì hốt hoảng lao
xuống. Ui trời, một ổ rắn mấy chục con đang đeo bám trên ngọn cây, thè
lưỡi ra trước mặt.
Đinh Hoà kêu: Anh Vinh, chết rồi, em bị chuột rút ở bàn chân, không đạp nước được, cứng rồi.
Tôi nói: Cố gác bàn chân lên bè gỗ tao xử lý cho.
Tôi nhoài nửa người lên bè gỗ, vạch quần đái vào bàn chân của Đinh
Hoà. Nhưng mà trời ơi, cả tiếng đồng hồ ngâm trong nước lạnh buốt, thằng
” em trai” co lại, chẳng thấy đâu. Phải vuốt, phải dỗ dành mãi nó mới
hoạt động trở lại. Tôi đái lên bàn chân Đinh Hoà. Chưa ăn thua, tôi dùng
sức ẩy Đinh Hòa nằm hẳn trên bè gỗ. Mày đái tiếp đi. Đinh Hoà cũng vạch
quần đái. Rồi tôi xoa bóp chân cho cậu ấy. Một lúc thì đỡ.
Đi tiếp.
Phan Phương nói: Anh Vinh, bây giờ có em chân dài rơi xuống trên phao này, anh mần răng?
Tôi làu bàu: Thì biết ngắm thôi, mần chi được, thun hết rồi.
Tất cả cười.
Bơi đến tiếng thứ 3 thì tất cả im lặng.
Chỉ còn biết cố sức đẩy người đi.
Mệt đến độ tôi không còn cảm giác chân tay mình là gì, tất cả cứng ngắc.
May lúc này thì nước không chảy xiết nữa.
Minh Phong vừa thở vừa nói: Nếu mấy anh em mình chết lũ, sẽ được phong là liệt sỹ.
Phan Phương càu nhàu: Liệt sĩ cặc. Đang mong sống, ai muốn chết mà liệt sĩ.
Tôi nói: Hay là họ sẽ nói mấy thằng nhà báo điên. mắc mớ chi mà phải bơi vô dân.
Đinh Hoà nói: Thực sự em cảm phục các anh.
Tôi nói: Bọn mình nghe lãnh đạo tỉnh, huyện nói không thể vào xã này
được vì lũ lớn, ức quá thì vào thôi. Chính quyền họ có thể huy động ca
nô, thuyền chứ. Sao lại bỏ dân cô lập trong lũ như thế?
Minh Phong nói: Thì hôm qua ông chủ tịch huyện nói đã làm tờ trình xin thuyền vào mà mãi không có.
Lại tờ trình.
Khùng.
Vào bờ. Ba anh em vội vã mang áo quần. Ngồi co ro với nhau. Lạnh đến mức lưng tôi cứ cong gập xuống như muốn gãy.
Còn phải bơi thêm hai khúc đường ngập nữa mới qua khỏi Hung Trâu vào tới xã Thượng Hoá.
Xã này có 3 thôn: Thôn Ón là của người Rục, thôn Mò o ồ ồ của người Sách và thôn Yên Hợp là của người Mã Liềng.
Chúng tôi chạm vào thôn Ón đầu tiên.
Sĩ quan biên phòng Trần Ngọc Lĩnh, người được giao nhiệm vụ công tác
tại thôn thấy chúng tôi mừng quýnh. Nhưng khi biết chúng tôi là nhà
báo, Lĩnh nói: bà con đói cả vùng rồi, đứt bữa hết rồi. Gạo anh em biên
phòng còn một bao mấy ngày trước chia cho bà con hết. Mỗi nhà vài lon
thôi, giờ thì hết sạch rồi. Cao Xuân Tư phó thôn kể: Thôn em có 55 hộ,
237 người, ba tháng nay trong nhà không còn hột gạo, một số nhà còn sắn
ăn, nhà hết sắn thì vào rừng đào củ mài, củ nhút. Nhà không có ai khoẻ
vào được rừng là đói rục. Trưởng thôn Cao Xuân Tình: Bà con đói kiệt
mấy ngày vừa qua, bị lũ cô lập hết, vào rừng đào củ mài cũng không
được.
Chúng tôi vào thôn.
Khủng khiếp.
Tôi không hình dung được, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa lại có một
thôn sống trong cảnh lay lắt như vậy. Tan hoang. Nhà nào cũng đói. Nhà
chị Cao Thị Liên đang ngồi ôm đứa con nhỏ, đói lả, bên chị là cái nồi
chứa những con nòng nọc. Đó là món ăn duy nhất còn lại trong ngày của
nhà chị.
Nhà ông Cao Xuân Hiếu, 7 người đang ngồi, nằm trên nền đất, đói lả.
Nhà nào cũng như vậy. Cái đói bao trùm.
Chúng tôi chia vội bánh kẹo, gạo, mỳ tôm cho bà con, cho các cháu nhỏ.
Hình ảnh cảm động nhất là khi chúng tôi tập trung trẻ con trong thôn
tới để chia kẹo, tất cả các cháu ngồi trật tự và nhận bánh kẹo rất từ
tốn. Trông các cháu rất thương vì đói và vì cả sợ chúng tôi.
Chúng tôi nhờ một con thuyền quay ra ngay. Nói là thuyền của dân,
thực chất chỉ là mấy cái thùng phuy ghép lại, buộc lên trên mấy tấm ván,
đi rất nguy hiểm trong nước lớn, nhưng dù sao thì cũng nhanh và đỡ phải
bơi ra. Mấy thanh niên trong thôn Ón giúp chúng tôi chèo thuyền này ra.
Tối đó tôi viết ngay bài trên báo Lao Động khẳng định bà
con ở xã Thượng Hoá đói vì nước lũ cô lập và trong nhiều ngày, lãnh đạo
tỉnh, huyện xã đều không ngó ngàng. Bà con thì ở trong này, uỷ ban xã
lại ở ngoài đường Hồ Chí Minh, thấy lũ lên cũng không ai vào nắm tình
hình.
Bài báo cũng khẳng định: lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã bỏ dân trong lũ.
Bí thư, chủ tịch tỉnh trong khi nước lũ ngập trắng nhiều nơi, nhưng
vì kế hoạch có trước, nên cứ thế dẫn tất cả cán bộ đầu ngành đi nước
ngoài.
Phần này báo cắt không in.
Sau khi truyền bài và ảnh đi, tôi gọi điện thoại cho anh Vương Văn
Việt xin gạo cứu đói cho dân. Anh Việt nói, ngày mai sẽ cho xe chở ngay 5
tấn gạo vào liền.
Sau khi báo phát hành, Thủ tướng Chính phủ, Tổng Bí thư phát công văn khẩn cấp yêu cầu lãnh đạo Quảng Bình báo cáo.
Mấy ngày này trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn loan báo
chỉ thị của Trung ương, địa phương nào bỏ dân đói phải cách chức lãnh
đạo.
Bài báo của tôi, của Minh Phong trên Sài Gòn giải phóng, của Phan
Phương trên Công an nhân dân và trên Nông thôn ngày nay …ngay lập tức
đốt nóng dư luận cả nước và đe dọa sinh mệnh chính trị của những quan
chức Quảng Bình.
Anh em tòa soạn gọi cho tôi, tuyệt vời Bọ ơi, một bài điều tra rơi nước mắt.
Phó Tổng biên tập Tô Phán nhắn tin: Thường trực Ban biên tập biểu dương
tinh thần làm việc quyết liệt của Bọ đấy. Tuổi như Bọ mà dám lao vào nơi
nguy hiểm đó rất đáng trân trọng.
Nhà văn Vĩnh Quyền, trưởng văn phòng thường trú báo Lao Động tại miền
Trung- Tây Nguyên ( phụ trách trực tiếp tôi) gọi: Vinh ạ, bài điều tra
hay dễ sợ. Tuyệt quá, anh sẽ đề nghị thưởng hí.
Dư luận Quảng Bình xôn xao. Có người nói: Lần này lãnh đạo Quảng bình bị mất chức với Trung ương.
Thằng Minh Phong và Phan Phương cười tít mắt vì được nhiều người khen.
Minh Phong ao ước: Em nhận tiền thưởng bài điều tra ni, em mua cái áo ấm
mới anh ạ. Phan Phương nói: Em nhận tiền thưởng, em thay cái dy động để
cho oai.
Ngay sau đó là một cuộc chiến thực sự giữa những người phát hiện sự thật và những người cố chống chế né tránh sự thật.
Một cuộc chiến căng thẳng và đang mang lại nguy hiểm cho ba anh em chúng tôi.
KỲ 2
MÀN KỊCH ( 1)
Ngay trong đêm tôi viết xong bài, truyền ra tòa soạn, tôi gọi cho anh
Chất chủ tịch huyện Minh Hóa: Ngày mai bằng mọi giá anh phải tìm một con
thuyền gỗ, chở gạo vào cho đồng bào. Họ đang kiệt quệ vì đói. Không lý
gì một chủ tịch huyện như anh lại không thể kiếm một con thuyền gỗ chở
gạo vào trong đó được. Anh lấy thuyền nơi khác, cho lên ô tô, chỉ vài
giờ đồng hồ là bà con đã có gạo, tại sao cả 7 ngày nay không làm. Anh
Chất dạ dạ dạ. Tôi nói, báo Lao Động ngày mai sẽ mang vào cho bà con 5
tấn gạo. Anh điện cho xã tổ chức người cùng chúng tôi mang vào ngay. Anh
Chất dạ dạ dạ.
Sáng hôm sau, ngay trong chường trình chào buổi sáng của VTV 1, mục
điểm báo, truyền hình dành thời gian rất dài đọc và bình luận về bài
điều tra dân đói của tôi trên Lao Động. Hàng trăm bản in từ trang điện
tử báo Lao Động đến ngay các vị cán bộ ngành, huyện Quảng Bình. Cũng
sáng đó, báo Sài Gòn giải phóng, báo Công an nhân dân, báo Nông thôn
ngày nay đồng loạt ra mắt. Tất cả đều khẳng định, 600 người dân của bà
con dân tộc Sách, Rục, Mã Liềng đang đói và bị chính quyền các cấp bỏ
rơi. Xôn xao khắp tỉnh. Điện thoại các nơi tới tấp gọi về tỉnh. Ngay
chiều hôm đó là công điện khẩn của Thủ tướng. Hôm sau là công điện của
Tổng Bí thư yêu cầu Quảng Bình báo cáo ngay.
Đoàn lãnh đạo Quảng Bình vội vã rút ngắn thời gian công tác nước
ngoài, chạy về tỉnh vì điện của Thủ tướng yêu cầu báo cáo ngay những nội
dung đã phản ánh trên báo Lao Động.
Không ai nói công khai, nhưng sau khi có công điện của Thủ tướng,
sóng ngầm rất mạnh. Người lo lắng. Kẻ hả hê. Người hoang mang. Kẻ chửi
mắng.
Chúng tôi nhận được chỉ thị của tòa soạn bắt đầu chiến dịch hỗ
trợ bà con. Hàng trăm cú điện thoại gọi cho tôi ở nhiều công ty, cá
nhân trong cả nước thông báo về việc nhiều nơi đang khẩn trương quyên
góp gạo gửi về giúp đồng bào. Máy điện thoại của Minh Phong cứ đổ chuông
suốt vì những cú gọi, vì những chỉ đạo của tòa soạn, vì những thông báo
gạo cứu trợ của các nơi sẽ về giúp đồng bào. Minh Phong cười tít mắt:
Sướng quá anh Vinh ơi, bà con có gạo, không ai quay lưng với đồng bào
trong lúc hoạn nạn.
Tôi, Minh Phong, Phan Phương lại bám xe chở gạo của Báo Lao Động lên ngay Thượng Hóa.
Sau những tiếng dạ dạ dạ của chủ tịch huyện Đinh Minh Chất, chúng
tôi lên xã, cùng xe gạo từ Quỹ tấm lòng vàng báo Lao Động, nhưng hình
như có chuyện gì đó ở Ủy ban xã, mọi người nhìn chúng tôi lạnh nhạt.
Phan Phương lúng túng nhìn đống gạo: Mần răng đưa vô được anh?
Tôi cáu: Nước rút gần một nửa đường rồi, huy động người chở vô chứ răng.
Minh Phong làu bàu: Xã này lạ, không thấy ai lo lắng chi cả. Bài
viết anh em mình phê bình trách nhiệm của họ, họ tức, họ không hợp tác.
Tôi gọi một chiếc công nông chở khẩn cấp trước mắt 5 tạ gạo vào. Lại
thuê một số thanh niên bám theo xe, đến chỗ nào đường ngập thì bốc gạo
xuống, kết bè gỗ đẩy gạo vào. Bằng mọi giá hôm nay phải có gạo tận tay
dân.
Nước rút nhanh ghê gớm. Hôm qua bơi 4 cây số, hôm nay nước đã rút gần 2/3 đường.
Gạo huyện cũng đã vào tới nơi.
Cán bộ huyện lúc đó hăng hái ào ào vào xã. Họp. Họp. Họp. Báo cáo. Trong thôn ra báo cáo. Ngoài huyện vào nắm tình hình.
Nhưng không ai hỗ trợ cho chúng tôi mang gạo vào. Chúng tôi phải tự
thuê xe, phải tự thuê người, phải cùng với nhóm thanh niên vác cả gạo
vào cho dân.
Tôi nói với phó thôn Ón: Anh gọi bà con đến, chia ngay cho bà con, chia ngay lập tức
2 tiếng sau, 5 tạ gạo đầu tiên chia xong. Tôi, Minh Phong, Phan
Phương đi từ đầu thôn đến cuối thôn. Những bếp lửa đỏ rực. Có nhà nhanh
tay đã nấu chín cơm. Vợ chồng con cái xúm vào nồi cơm trắng ăn với muối,
với bột canh, với rau rừng nhưng ánh mắt bà con sáng rực vì 3 tháng
nay, hầu như không còn ai biết đến một hạt gạo.
Những cuộc hội ý từ xã đến huyện đến thôn.
Có cái gì đó khang khác ở thái độ cán bộ thôn với chúng tôi. Những
cái bắt tay rụt rè. Những cái nhìn rụt rè. Những câu nói vội vã. Lời cám
ơn vội vã.
Anh Lĩnh cán bộ biên phòng cắm bản đã né chúng tôi và nói nhanh: Có việc rồi, các anh đừng lại gần, có gì em sẽ báo sau.
Bà con thì không cần quan tâm gì hết, trẻ con người lớn hồ hởi đón từng bao gạo nhỏ, hồ hởi thổi cơm và ăn sì sụp suốt ngày.
Đó là ngày đầu tiên sau 3 tháng đói kém, sau 7 ngày bị lũ cô lập, bà con được ăn cơm no.
Chúng tôi vui lắm nhưng ba anh em bắt đầu nói với nhau: Thận trọng, có vấn đề rồi.
Điện cho anh Chất chủ tịch huyện nói về tỉnh họp. Điện cho Bí thư
huyện ủy nói về tỉnh họp. Điện cho trưởng đồn biên phòng nói về tỉnh
họp. Điện cho chủ tịch xã nói về tỉnh họp.
Tôi nhìn Phan Phương và Minh Phong: Về tỉnh.
Chúng tôi về tỉnh ngay trong ngày.
Tôi tiếp tục viết bài về việc gạo từ Quỹ tấm lòng báo Lao Động đã tới tay đồng bào.
Phan Phương cũng viết. Minh Phong cũng viết. Minh phong còn được ”
vinh dự” vào gặp Bí thư tỉnh ủy Hà Hùng Cường. Gặp đột xuất. Vì Phong
làm báo Đảng thì Bí thư gặp là chuyện thường. Phong điện cho tôi. Tôi
nói ngay việc cần làm. Phong nhận thức ra rất nhanh. Chuyện này nói vào
kỳ sau nữa.
Thường vụ tỉnh ủy họp qua buổi trưa. Sau đó là các cuộc họp riêng
lẻ. Sau đó ủy ban tỉnh điện mời báo Quảng Bình, Thông tấn xã Việt Nam,
Đài phát thanh truyền hình Quảng Bình chuẩn bị theo đoàn lãnh đạo tỉnh
ngày mai lên Thượng Hóa. Chúng tôi nắm thêm, tỉnh đội, bộ đội biên phòng
được giao nhiệm vụ đưa gạo cứu trợ lên. Tôi điện hỏi văn phòng ủy ban
sao không thông báo cho 3 chúng tôi đi cùng. Câu trả lời ấm ớ kiểu như
sao giấy mời không đến nhỉ.
Tôi gọi Minh Phong, Phan Phương ra quán cà phê: Tối nay phải lên lại
thôn Ón. Có việc rồi. Tôi về nhà xin vợ tiền rồi vội vã quay xe vào
Đồng Hới chở hai thằng ” đệ tử” Minh Phong và Phan Phương lên thôn Ón
ngay chiều tối.
Vứt xe ngay giữa đường rừng, chúng tôi lại bơi qua hai khúc đường ngập nước để vào bản Ón.
Tình hình thay đổi trầm trọng.
Cán bộ thôn né tránh.
Cán bộ lạ mặt rất đông, gần như phong tỏa.
Một vài thanh niên quen chúng tôi từ trước thì thào: Bà con mang ơn
các anh lắm, không có các anh, bà con không có gạo ăn, chưa bao giờ vào
mùa lũ bà con lại được nhận gạo nhiều thế này, nhưng cán bộ dặn bà con,
ngày mai tỉnh về không được nhà nào nói thiếu đói, chỉ nói gạo có hết
nhưng còn sắn, còn ngô ăn, không đói.
Minh Phong vò đầu bứt tai: Sao lại thế này?
Phan Phương khịt khịt mũi im lặng.
Tôi nói: Người ta đang muốn khẳng định ngược lại: Dân ở đây không
đói như anh em mình phản ánh. Bởi vì nếu công nhận, Thủ tướng chắc chắn
sẽ cách chức hoặc kỷ luật. Ghi âm hết nhé.
Chúng tôi đi từng nhà. Nhưng đến nhà nào cũng thấy kè kè một hai cán bộ đi theo.
Người dân không nói mà chúng tôi cũng chẳng làm được gì.
Tất cả mỗi nhà dân đã được quán triệt: Không đói. Hết gạo thì có hết gạo nhưng nhà nào cũng có sắn, ngô, khoai ăn, không đói.
Tối. Ba anh em nằm ở một nhà dân.
Chúng tôi giả vờ ngủ.
Cho đến khi thấy mấy cán bộ đi xa, chúng tôi mới ngồi dậy thì thào
với mấy thanh niên làng thì được biết, cán bộ huyện, xã dặn bà con,
không được nói gì với nhà báo, ngày mai cán bộ tỉnh về, phải nói không
có ai sốt rét, không có nhà nào đứt bữa…vân vân.
Tôi và Phan Phương, Minh Phong thì thào: Màn kịch rồi. Phải cảnh giác. Họ đang muốn đảo ngược thế cờ.
Chúng mày sợ không? Tôi hỏi.
Minh Phong: Em đéo sợ chi.
Phan Phương cười khì khì: Em chỉ là phóng viên hợp đồng của báo Quảng Bình, người ta đuổi là cùng, sợ chi anh. Anh sợ không?
Tôi nói vấn đề không phải là sợ hay không sợ mà là bảo vệ sự thật.
Muốn thế phải nỗ lực, phải giữ gìn băng ghi âm, phải theo dõi chặt các
diễn biến. Cuộc chiến bắt đầu rồi đây.
Đêm nay không đuợc ngủ- Tôi dặn.
Rồi giải thích: Ngay cả việc kẻ xấu có thể làm hại.
Hai thằng đồng nghiệp thương mến của tôi im lặng lấy lương khô ra ăn.
Minh Phong làu bàu: Anh em mình vượt lũ vào đây, viết bài, để mang gạo về cho dân sao họ lại chơi thế này.
Phan Phương khịt khịt mũi: Họ không chơi thế này thì còn gì nữa mà viết bài anh hè.
Tôi phì cười.
Tôi im lặng chọn tất cả băng ghi âm đã ghi được lời của dân trong
đêm vào một vỏ bao mỳ tôm rồi nhét ở vách nhà. Minh Phong rút thẻ nhớ
máy ảnh kỹ thuật số gói vào giấy cho xuống đế giày.
Im ắng.
Vẫn nghe tiếng chân cán bộ bước qua lại các nhà.
Không khí căng như dây đàn.
———————- Phan Phương CM: Đêm đó ở bản Rục là đêm trắng. Không biết anh giả vờ ngủ
nhưng em cũng không tài nào chợp mắt được. Tâm trạng em lúc đó quả thật
rối bời, nghĩ thân phận thằng phóng viên hợp đồng báo tỉnh như em rồi sẽ
ra răng? Không phải em sợ nhưng nghĩ những việc anh em mình làm không
thể bị đối xử như vậy, rồi buồn. Vậy thôi…Hồi hộp hơn là bài báo của em ở
báo Quảng Bình hôm đó không biết thế nào?( sau này em mới biết là đã bị
bóc khi đã lên khuôn) Nếu bài báo đó đăng ở báo Quảng Bình thì sẽ thế
nào nhỉ
KỲ 3
MÀN KỊCH ( 2)
Tôi bước ra ngoài trời đêm.
Trăng sáng kỳ lạ. Trăng lạnh. Mảnh làng người Rục dưới chân núi im lặng.
Người Rục là một tộc người thiểu số sống chủ yếu trong hang đá. Năm
1959, bộ đội biên phòng đã tìm và đưa bà con ra ở thành làng. Cách đây
mấy năm, nhà nước đầu tư hàng chục tỉ đồng xây dựng nhà cửa, đường,
trường học, trạm xá cho đồng bào, những mong đồng bào có cuộc sống đổi
thay, sống ổn định, thoát khỏi cảnh du canh du cư. Dự án được thực hiện
về cơ sở hạ tầng tương đối khá, nhưng kỳ lạ là người ta đã chọn một nơi
đất canh tác không có, đất trồng lúa không có, thành ra, bà con muôn đời
đã ăn sắn, ăn ngô, ăn củ rừng, về đây, những mong có lúa có gạo ăn lại
tiếp tục ăn sắn, ăn ngô, ăn củ rừng. Chuyện này nói sau.
Một thanh niên làng đứng cạnh tôi hỏi: Cán bộ báo Vinh có thấy đêm
nay có điều chi khác?. Tôi chưa kịp trả lời thì anh nói: Làng không có
con nít khóc. Vì sao? Dạ. Vì nhờ mấy cán bộ báo cho gạo, đêm ni con nít
ăn no, ngủ, không khóc.
Im ắng.
Gần sáng rồi. Vẫn thấy thấp thoáng bóng cán bộ đi lại.
Anh thanh niên lại nói: Ngày ni, cán bộ bắt bà con dọn sạch đường sá, làm vệ sinh nhà cửa, ngày mai đón cán bộ tỉnh.
Đúng vậy. Mấy ngày nay đường làng bê bết phân trâu, nay được dọn
sạch. Bếp núc nhà ai cũng gọn gàng. Trẻ con được tắm rửa. Đồ đạc trong
nhà được sắp xếp không còn nhếch nhác, hoang tàn như trước.
Họ muốn lãnh đạo tỉnh và ống kính quay phim ghi nhận một cuộc sống nền nếp, tươm tất, no đủ chăng?
Một cuộc sống khác với những gì chúng tôi đã phản ánh là đói kiệt, là hoang tàn, là bơ phờ trong cơn đói chăng?
Để làm gì? Trong khi phải đi cứu dân đói thì những nhà chức trách biểu diễn màn kịch này để làm gì.
Sáng sớm, cán bộ huyện, cán bộ xã tới tấp về thôn. Ai cũng tất bật. tay
chủ tịch xã trong cái áo bơludông bộ đội xăng xái đến từng nhà dân ngó
nghiêng, quát nạt làm vệ sinh, dọn nhà cửa, gằm ghè với lũ thanh niên,
gằm ghè với 3 anh em chúng tôi.
Bộ đội biên phòng kết bè thành con phà nhỏ, giăng dây bên này bên
kia để chuẩn bị chở đoàn cán bộ tỉnh qua con hói cuối cùng trước khi vào
thôn.
9 giờ sáng.
Bên kia con hói, hàng chục chiếc xe con đủ loại tràn đến. Lúc này
nước đã rút hết, chỉ còn con hói này nữa. Đoàn xe lãnh đạo tỉnh., lãnh
đạo huyện, lãnh đạo các ngành ùn ùn kéo tới đông như trẫy hội. Mấy cái
xe tải quân sự chở gạo, mỳ tôm , nhu yếu phẩm cứu trợ dân rú ga inh ỏi.
Cả bến sông nhỏ ồn ào náo động. Tiếng người. Tiếng động cơ ô tô. Tiếng hò hét. Tiếng ra lệnh.
Bà con thấy nhiều người nhiều xe thì chạy ra xem.
Tôi nói với Minh Phong: Giá như mấy tháng nay, cán bộ lãnh đạo các
cấp về đây nắm chắc tình hình, cứu trợ bà con thì tốt biết bao. Bây giờ
thấy phê bình lãnh đạo bỏ dân thì tất cả ào ào về, đúng là bi hài.
Minh Phong làu bàu: Thấy báo viết phê bình, thấy công điện Thủ
tướng, tất cả bắt đầu rối lên kéo đoàn kéo lũ đi cứu trợ, đi thăm dân.
Phan Phương khịt khịt mũi: Ai không biết tình hình, thấy cảnh này cảm động muốn khóc anh hè?
Có vẻ như Bí thư tỉnh ủy Hà hùng Cường và chủ tịch tỉnh Phan Lâm
Phương rất ngạc nhiên khi vừa bước từ dưới chiếc phà tự tạo lên đã nhìn
thấy 3 anh em chúng tôi.
Bí thư Hà Hùng Cường chào rất to: Chào nhà báo
Nhưng không bắt tay và bước thẳng.
Chủ tịch Phan Lâm Phương cũng bước thẳng.
Đoàn cán bộ đi theo cũng bước thẳng.
Phía sau, gạo bắt đầu chuyển lên bờ. Cánh thanh niên và bộ đội lấy xe bò kéo gạo về thôn.
Mấy thanh niên nói to: Chưa khi mô gạo về thôn nhiều như ri. Có
người hiểu tình hình nói: Không có mấy cán bộ báo kêu dân đói, lấy mô ra
gạo nhiều rứa.
Đoàn cán bộ tỉnh đến từng nhà dân.
Chủ tịch Phan Lâm Phương vào nhà ông Cao văn Hiếu thấy gạo: Ua
chầu, gạo đây sao nói với nhà báo là đói. Ông Hiếu nói: Gạo cán bộ báo
mới cho hôm nay. Ông Chủ tịch lờ đi, bước sang nhà khác.
Tôi đi bên Bí thư Hà Hùng Cường. Tôi bày tỏ thái độ không đồng tình
với cái cách cán bộ ép dân nói dối đêm qua. Ông Bí thư im lặng. Tôi nói:
Anh đã xem phim chuyện làng Nhô chưa? Anh định biến làng này thành làng
Nhô à?
Ông Bí thư im lặng.
Đoàn cán bộ vào nhà chị Cao Thị Hóa. Hỏi nhà chị ăn nòng nọc đúng
không. Chị Hóa nói, không có chi ăn thì ăn nòng nọc thôi. Mà nòng nọc
cũng hết rồi.
Có ai đó nói thì thầm với Bí thư tỉnh ủy câu gì đó, Bí thư Hà Hùng
Cường quay sang tôi: Nòng nọc là đặc sản của bà con ở đây. Tôi nổi điên
lên: Nếu ai đó nói nòng nọc là đặc sản thì mở cửa hàng bán nòng nọc đi.
Bí thư im lặng đi tiếp.
Sau gần một giờ kiểm tra tình hình ở thôn Ón, đoàn cán bộ tập trung cán bộ cốt cán thôn ở một ngôi nhà.
Người dân kéo đến.
Truyền hình tỉnh, phóng viên báo tỉnh hăng hái làm việc.
Tôi bấm Minh Phong len vào thật sát và những máy ghi âm mang theo mở hết. Phải ghi không sót bất cứ một từ nào.
Bí thư, Chủ tịch tỉnh ngồi một góc. Quanh đấy là cán bộ. Trước mặt là ông trưởng thôn.
Bí thư hỏi: Tình hình lũ lụt vừa qua thế nào, anh báo cáo đi
Trường thôn nói: Dạ bà con 3 tháng nay không có gạo, mấy ngày lũ cô lập, bà con đói.
Chủ tịch tỉnh gợi ý: Anh nói xem nói chung là có bộ đội biên phòng giúp, dù có hết gạo nhưng vẫn đủ sắn, ngô ăn phải không?
Trưởng thôn: Dạ bà con đói.
Một thanh niên ở đâu xông vào:
-Cho cháu phát biểu. Cháu là dân. Cho cháu phát biểu. 3 tháng nay bà
con chỉ biết ăn sắn, sắn hết thì đi đào củ mài trên rừng, có mấy bà con
đói quá bỏ nhà vô hàng đá ở…Mấy ngày lũ vừa rồi nhà nào cũng đói hết.
Củ mài cũng không lên rừng được vì nước lũ to lắm, đói lắm…Cháu nói thật
với các bác như rứa.
Một sĩ quan biên phòng chen vào: Anh nói năng lung tung gì thế, đi chỗ khác,
Tôi bước lên: Anh không định cho dân nói sự thật à?
Tay sĩ quan biên phòng lùi lại.
Anh thanh niên vừa lùi ra vừa nói to: Dân đói thì bọn cháu báo cáo là dân đói. Rứa thôi.
Bí thư tóm tắt vài câu, đại khái là bà con phải cố gắng vượt qua,
hôm nay tỉnh, huyện mang gạo về cho bà con, chúc bà con vượt qua khó
khăn, xây dựng thôn xóm tốt đẹp, chăm lo sản xuất…
Đoàn lãnh đạo tỉnh sang thôn Mò o ồ ồ và thôn Yên Hợp.
Bên đó 3 tháng nay cũng không còn hạt gạo nhưng sắn , ngô thì còn,
nhưng nhiều gia đình vẫn trắng tay, chạy ăn từng ngày, coi như đứt bữa.
Tôi nói với Minh Phong và Phan Phương: Hiểu rồi, về thôi.
Chúng tôi quay về.
Suốt dọc đường ba anh em buồn ghê gớm. Tôi nói, tao hy vọng, Bí thư
và Chủ tịch tỉnh gặp dân chỉ cần nói: Chúng tôi xin lỗi bà con, vì bà
con gặp khó khăn vì lũ lụt mà cán bộ lên chậm, quan tâm chậm, chúng tôi
xin lỗi, chỉ cần thế thôi thì tao sẵn sàng viết một bài ngay.
Nhưng không phải như vậy.
Họ lên để khẳng định họ rất quan tâm đến bà con.
Họ lên để ti vi quay, để cho cả tỉnh biết, đời sống của nơi đây không như báo chí phản ánh. Để rồi chúng mày xem.
Minh Phong cười khùng khục: tay trưởng thôn dù đã được quán triệt cả
đêm cách phát biểu có lợi cho lãnh đạo tỉnh, thế mà vì bản chất thật
thà chất phác của người dân tộc, vẫn nói bà con đói, bà con đói.
Chúng tôi cùng phì cười.
Tối đó, ti vi Quảng Bình phát phóng sự về chuyến thăm nhân dân xã Thượng Hóa của đoàn lãnh đạo tỉnh.
Ui trời ơi, thực tế khó khăn bay biến đâu hết, chỉ thấy những bao
ngô đổ ra, chỉ thấy những bao gạo đổ ra, chỉ thấy người dân cám ơn cán
bộ. Những lời phản ánh chân thực bà con đói, bà con đứt bữa không thấy
xuất hiện, chỉ thấy hình ảnh nhà dân hồ hởi nhận gạo.
Tôi tắt ti vi và im lặng.
Một màn kịch hoàn hảo theo tỉnh thần chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh. Hơn
thế, VTV 1 còn phát mấy phút về tin lãnh đạo tỉnh lên thăm đồng bào và
lời Bí thư Hà Hùng Cường nói với bà con với giọng cảm động, đầy chia sẻ,
đầy trách nhiệm.
Nêu ai không có thực tế tại nơi đây, tất cả đều cảm động.
Và ngay ngày hôm sau, làn sóng dư luận Quảng Bình dậy lên: Báo Lao
Động bịa đặt. Các nhà báo Nguyễn Quang Vinh, Minh Phong, Phan Phương lần
này sẽ bị đuổi việc, dám viết vu khống, dám nói rằng bà con Rục đói,
đứt bữa, có ý đồ chính trị, vi phạm chính sách dân tộc. Có kẻ to mồm hơn
thì nói to nói nhỏ: Khởi tố chúng nó đi.
Quán cà phê chúng tôi vẫn ngồi, thường bao giờ cũng vài chục nhà báo
túm tụm tán phét mỗi sáng, bây giờ chỉ còn 3 anh em chúng tôi.
Hình như bạn bè đồng nghiệp cũng không dám ngồi.
Mấy đêm liên tục, đài truyền hình Quảng Bình phát sóng liên tục cuộc
sống dù còn khó khăn nhưng bà con người Rục xã Thượng Hóa vẫn đủ gạo,
đủ sắn, đủ ngô ăn, không có tình trạng đói như các báo Trung ương nêu.
Rồi cán bộ huyện trả lời phỏng vấn quan tâm dân, cán bộ xã trả lời phỏng
vấn quan tâm dân…vân vân.
Báo Quảng Bình viết mấy bài dài dằng dặc ca ngợi dự án người Rục, mang lại cuộc sông ấm no cho đồng bào.
Chúng tôi nhận được những ánh mắt nghi ngờ.
Phan Phương thốt lên: Sao người ta có thể đảo ngược sự thât như thế này?
Minh Phong bình tĩnh hơn: Đã tung tài liệu mật của anh em mình ra chưa anh?
Tôi hút thuốc, nói chậm: Chưa cần. Phải chờ đã. Tình hình đang căng,
anh em mình đang bị cô lập, bạn bè đồng nghiệp có thằng hèn lẫn tránh
đã đành, thằng tốt cũng vì nhiều lý do mà tránh mặt. Anh nhắc, bảo vệ
ảnh, ghi âm.
Phan Phương hỏi: Mấy ngày tới làm sao anh?
Tôi nói: Không biết. Xem người ta làm gì đã. Bây giờ công việc trước
mắt là tập trung nhận gạo cứu trợ, hướng dẫn cho các đoàn cứu trợ mang
gạo lên cho đồng bào. Mình viết Sự thật này cũng chỉ mong bà con có gạo
ăn, no ấm. Mình không phải viết để hạ bệ ai. Còn người ta muốn né tránh
kỷ luật, người ta phải làm thế thôi.
Động viên mấy thằng em vậy nhưng tôi cũng hoang mang lắm.
Hoang mang không phải vì sợ mình nhận một kết cục buồn, chuyện đó
chẳng sao, miễn là mình trung thực. Hoang mang là vì hình như ai cũng
tin rằng, ba anh em chúng tôi đã viết sai sự thật.
Thậm chí còn có người nói: Bọn mình lên đó, đường khô ráo, nước lũ đâu mà mấy tay nhà báo bảo là bơi 4 tiếng. Nói láo.
Minh Phong điên tiết vì câu nói kháy này lắm.
Tôi an ủi: Kệ họ. Đúng là mấy ngày sau họ lên nước rút hết thì họ
nói vậy. Còn việc chúng ta bơi 4 tiếng vào với bà con có sự chứng kiến
của hàng trăm người dân, của xã, của huyện, của đồn Biên phòng, đôi co
chuyện đó làm gì.
Tập trung hướng dẫn các đoàn cứu trợ mang gạo cho dân đã. Chuyện đó
mới là mục đích chính để các bài điều tra của anh em mình đạt tới.
Đêm ba chúng tôi hầu như không ngủ. Nhắn tin nhau thông báo tình hình, động viên nhau.
Tôi điện cho một số cán bộ lãnh đạo, tất cả đều không cầm máy.
Tôi điện cho lãnh đạo báo Quảng Bình tại sao lại đưa tin thiếu trung thực như vậy. Câu trả lời âm ớ.
Tôi điện cho cậu quay phim truyền hình, tại sao dân trả lời là đói,
là đứt bữa, là hết gạo 3 tháng mà khi về lại cắt đi để làm sai lệch sự
thật mà không biết ngượng? Câu trả lời là bác thông cảm, bọn em làm theo
chỉ đạo. Hèn quá. Người khác hèn không chấp, đồng nghiệp mình hèn thì
rất đau đớn.
Tôi không ngủ được.
————————– CM của Minh Phong: Có một chuyện cay đắng mà em chưa hề nói ra. Hôm nay nói
luôn. Nhân tiện anh nói đồng nghiệp hèn. Hôm đó, chiều đó, xong bài, em
truyền vào Tóa soạn, được phản hồi là bài viết tốt. Thở phào ra quán cà
phê Tháp Nước. Đang ngôi suy nghĩ, tính toán căng như dây đàn thì tự
nhiên (không ngẫu nhiên) có hai nhà báo khác sà vào. hai nhà báo này
trước đó em quý họ vì lớn tuổi, có tuổi nghề cao. Nhưng từ sau chiều đó,
mọi thứ tôn trọng mất đí mà chỉ thấy họ kỳ kỳ thế nào. Họ ngồi hai bên
em, không uống gì, chỉ gọi 2 ly trà đá. Mỗi người một cách, kẻ tung,
người hứng, hai nhà báo đáng kính đối với ai đó bảo em đừng viết bài
nữa, nếu truyền vô Tòa soạn rồi thì xin thu hồi lại đi chứ viết thế là
không ổn, là đứt, là tầm bậy, không ai bảo vệ chú mô. Em vặc lại, không
ổn chỗ nào, tầm bậy chỗ nào, em có bôi nhọ sự thật đâu. Hai bác đi tuyên
huấn chú à? Mớm câu đó xong là họ lộ rõ bản chất nham hiểm, nói lại câu
ngọt như mía lùi: “Tùy chú thôi. Bọn anh nói rứa chú có nghe hay không
là tuỳ, để rồi sau này có chuyện chi lại trách bọn anh không bày vẽ”. Trời đất. Anh thấy có hèn không. hai nhá báo này sơ qua vài dòng rứa
thì anh biết là ai rồi đó. Sau này, một trong 2 người nói với Phan
Phương là bây viết tầm bậy. Phan Phương khịt khịt mũi chửi lại một tăng,
lão ta tắt đài. Hèn quá. Ngoài một màn kịch vụng về thì có một màn kịch
“lấy công” khác của những nhà báo hèn với chính quyền cũng vụng về đáo
để. ——————-
CM của Phan Phương: Có lẽ lần đầu tiên đồng bào Rục đón nhiều ôtô đến vậy anh hè? Sáng
đó,trong đoàn cán bộ tỉnh có những đồng nghiệp đáng kính của anh em mình
nhưng hôm đó sao những gương mặt ấy lại lạnh tanh như thế. Ngày thường
anh em vẫn ngồi uống cà phê với nhau kia mà? Em vẫn còn nhớ như in, lúc
lãnh đạo tỉnh họp mặt bà con lại để nghe “báo cáo” tình hình thì một
người thanh niên (đó là Cao Lành, một người được xem là sản xuất giỏi
nhất bản Ón) đã đứng lên nói lớn:”Cho cháu phát biểu. Cháu là dân. Cho
cháu phát biểu. 3 tháng nay bà con chỉ biết ăn sắn, sắn hết thì đi đào
củ mài trên rừng, có mấy bà con đói quá bỏ nhà vô hàng đá ở…Mấy ngày lũ
vừa rồi nhà nào cũng đói hết. Củ mài cũng không lên rừng được vì nước lũ
to lắm, đói lắm…Cháu nói thật với các bác như rứa. Nếu cháu nói sai thì
cháu xin đi tù…” Lập tức, những chiếc máy ghi âm của các nhà báo đều
chỉa về phía Cao Lành. Em mừng thầm trong bụng: ” Các nhà báo đã ghi
được những lời thật của một nguời dân, sẽ góp một tiếng nói về sự thật ở
bản Rục…” Nhưng em đã lầm anh ạ, sáng mai các bài báo của các nhà báo
đi theo đoàn cán bộ hôm đó được đăng, phát hoành tráng nhưng không mảy
may có một lời nói nào của Cao Lành cả mà tình hình hoàn toàn ngược
lại…? Đáng lẽ em không nhắc lại chuyện ni mần chi nữa cho thêm
buồn…Nhưng đó chỉ là một số cá nhân nhỏ thôi phải không anh? Bằng chứng
là sau đó, rất nhiều những đồng nghiệp trong cả nước đã về Quảng Bình,
lên bản Rục phản ánh sự thật chia lửa cùng anh em mình. Anh phải có một
entry riêng về họ anh nhé
Viết bởi Phan Phương
===================== Còn đây là CM của một cựu sinh viên Đại học Luật gủi cho ông Hà Hùng Cường- GV Thỉnh giảng Luật Quốc tế Đại học Luật
Đọc cái câu thầy Cường nói: ” Nòng nọc là đăc sản của dân vùng
này” mà em buồn quá thầy ạ. Chắc là cho dù bây giờ có nhiều món đồng quê
được nâng cấp lên thành đặc sản trong những nhà hàng sang trọng, thì em
không nghĩ thầy sẽ sẵn lòng thưởng thức cái đặc sản đó. Em hy vọng thầy Cường dù “trăm công ngàn việc” ở trọng trách mới
cũng sẽ cố dành thời gian đọc những bài này. Thầy không biết rằng có bao
nhiêu sinh viên của thầy đã ngưỡng mộ thầy biết bao, hẳn sẽ có bao
nhiêu người ngạc nhiên( hay không ngạc nhiên!!) khi biết thầy đã hành xử
như thế. Nhưng mà em có thể hy vọng thêm được không thầy????: khi thầy
có dịp được soi mình trong những bài viết này và với cương vị mới, quyền
hành lớn hơn thầy sẽ có cơ hội giúp cho người dân nhiều hơn, để làm sao
những người dân không phải ăn” đặc sản nòng nọc”, để những người làm
báo có dũng khí và tấm lòng không phải khổ sở vì dám nói lên sợ thật, để
bộ máy chính quyền thực sự vì dân hơn. Thầy được sinh ra cũng từ nhân
dân đó, tại sao khi có quyền lực trong tay thầy lại bỏ rơi họ! Thầy nghĩ
sao nếu một ngày nào đó, thầy được mời đi dạy về Luật Nhà nước chẳng
hạn, thầy sẽ nói gì với những công chức tương lai! thầy sẽ dạy họ thương
dân cho dù tình thương bé xíu bằng móng tay cũng được hay là sẽ nói vói
họ về nghệ thuật lẩn tránh sự thật! Em xin lỗi vì có lúc thất vọng quá đã hỗn xược với thầy, nhưng em
nhớ về ngày trước khi thầy xuất hiện lung linh trong mắt lũ sinh viên
chúng em và vẫn xin đựoc thành kính gọi thầy là thầy giáo của em. Kính
thầy tha lỗi cho ngừoi học trò bất nhã này. Và em hy vọng trong tương
lai em sẽ được nghe những tin tốt lành về thầy, lúc đó em sẽ ngẩng cao
đầu, mắt long lanh, mặt rạng rỡ mà nói với người bên cạnh là” Thầy giáo
cũ của tôi đấy”, thầy có cho em cơ hội đó không thầy!
Viết bởi Hồng Nhật
KỲ 4
NGẠT THỞ
Mở màn cho cuộc phản pháo những bài điều tra của chúng tôi ngoài Đài
phát thanh truyền hình Quảng Bình, báo Quảng Bình, chính là báo Tuần Tin
tức. Phóng viên Ngọc Châu viết” 600 người dân ở 3 thôn Ón, Mò o ồ ồ và
Yên hợp: Khó khăn là có, kiệt- đói thì không”.
Bài báo làm râm ran không khí phấn khởi trong lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo
huyện Minh Hoá vì đã viết đúng với chỉ đạo: Nêu ra được những khó khăn
của đồng bào chịu mấy cơn lũ liên tiếp, nhưng khẳng định không có ai
đói, không ai đứt bữa, không ai kiệt quệ vì thiếu ăn. Các cấp lãnh đạo
vẫn quan tâm, không bỏ dân trong lũ. Chắc chắn phóng viên Ngọc Châu sẽ
được khen ngợi. Gặp tôi, phóng viên Ngọc Châu nói: trách nhiệm của báo
mình là hướng dẫn dư luận. Điều đó càng khẳng định, thông tin của chúng
tôi là bịa đặt.
Ban biên tập báo Lao Động tỏ ra rất băn khoăn với bài báo của phóng
viên Ngọc Châu trên Tuần Tin tức. Hỏi tôi: Sự thật là sao, bây giờ đã có
báo viết ngược với báo ta. Anh là người điều tra, anh trả lời xem sao?
Tôi nói, hãy tin tôi đi, viết báo là ở chứng cứ. Phóng viên báo họ sau
ba bốn ngày nước rút mới lên, gạo cứu trợ tràn trề, làm sao thấy dân đói
kiệt. Ban biên tập tin tôi.
Sau khi đoàn lãnh đạo tỉnh đi kiểm tra tình hình ở Thượng Hoá về,
ngay hôm sau, tôi thấy ông Ái, phó chủ tịch thường trực Hội nhà báo tỉnh
nhìn tôi có vẻ căng thẳng và với nét mặt quan trọng. Tôi hỏi, hôm nay
anh có vẻ bận nhỉ. Anh Ái huơ tay, ua chầu chầu, tỉnh giao mình ngày mai
tổ chức cho một đoàn nhà báo lên Thượng Hoá.
Tôi điện cho Phan Phương, Minh Phong ra quán cà phê.
Đi theo không? Ba anh em ngồi rất lâu trước câu hỏi này.
Tôi kết luận: Nếu họ mời, mình đi đàng hoàng, Họ không mời mình
không cần đi. Sự thật bây giờ trong tay mình, hình ảnh đấy, tiếng nói
của nhân dân, của lãnh đạo cơ sở công nhận đấy, dù có ai làm gì cũng
không thể thay đổi.
Không khí cẳng thẳng tới mức như đang vào trận. Đài truyền hình
tỉnh, báo tỉnh, tạp chí văn nghệ tỉnh…những cơ quan ngôn luận của tỉnh
lao xao bàn tán. Tỉnh đã quan tâm cho cả đoàn nhà báo của Hội lên thị
sát tình hình là chuyện to. Chưa bao giờ xảy ra chuyện này.
Điều làm tôi buồn nhất là mới đấy, một số đồng nghiệp còn coi nhau
như anh em , bây giờ nhìn nhau đã khác. Nhiều người tránh mặt. Ai cố gặp
thì nói bóng gió rằng, chúng tôi sẽ chết. Có một cậu nhà báo trẻ, coi
tôi như anh, có gì khó khăn cũng kêu anh Vinh ơi giúp em, vợ ốm lần nào
cũng anh Vinh ơi giúp em. Tôi cho tiền cũng có, xin hộ tiền cho nó mang
vợ con đi bệnh viện cũng có, tình cảm sâu nặng. Tôi vẫn tưởng, trong
chuyện này, nó phải an ủi tôi, sát cánh bên tôi, ai ngờ… Hàng ngày nó
bám theo mấy nhà báo khác, bàn bàn tính tính, thì thà thì thầm, gặp tôi
lãng đi, tôi gọi thì tìm cớ bận không gặp, xun xun xoe xoe, nhìn vừa hèn
hạ vừa tội nghiệp. Bi hài là không ai ép nó làm thế nhưng nó đã làm
thế, nó đã tự tách ra khỏi chúng tôi, xúm với nhóm nhà báo tỉnh, tâm
huyết bàn cách viết bài phản pháo. Những ngày đó trông ánh mắt của nó
như ánh mắt của thằng đi ăn cắp. Tôi vừa gịân vừa thương hại. Thôi nó
nghèo, nghèo thì hèn, chấp làm cái gì.
Trong những đồng nghiệp bắt buộc quay lưng, tôi mến Tâm Phùng. Bây
giờ Tâm Phùng đã là phóng viên báo Nông nghiệp, ngày đó là phóng viên
báo Quảng Bình. Nó nói thẳng: Toà soạn phân công em đi, yêu cầu em phải
viết ngược với những gì các anh phản ánh, em phải làm, nhưung các anh
yên tâm, em viết không ngược gì với các anh hết, dân đói, dân khổ thì
mình phản ánh thế, mất việc thì thôi. Bài Tâm Phúng viết rất khéo,
không mếch lòng lãnh đạo nhưng cũng phản ánh được một sự thật cuộc sống
bà con vô cùng gian nan. Dù trước đó, chính Tâm Phùng khuyên Minh Phong
rút lại bài điều tra về dân đói ở bản Rục.
Sau chuyến đi của đoàn nhà báo tỉnh, lại phóng sự truyền hình, lại
ca ngợi dự án ở bản Rục mang lại ấm no cho bà con, lại khẳng định dù khó
khăn nhưng các nhà báo chúng tôi vẫn thấy bà con ấm no, không có gạo
thì vẫn có đủ sắn, ngô, khoai ăn, không đói.
Dồn dập mấy ngày liền, báo chí trong tỉnh thả sức thông tin.
Những thông tin đó càng khẳng định chúng tôi sai.
Chúng tôi cảm thấy ngạt thở.
Bạn bè xa lánh, cán bộ xa lánh, hỏi ai cũng ậm ờ.
Tiếp đến, báo Tiền Phong lại đăng một bài khẳng định hiệu quả của Dự án định cư cho đồng bào Rục.
Không còn gì để nói nữa.
Không khí hoan hỉ của những người được coi là thắng cuộc lan toả khắp nơi.
Ngoại trừ một vài anh em đồng nghiệp biết là mình phải làm theo chỉ
đạo, còn nhìn chúng tôi thông cảm, còn hầu hết là hí hửng, hầu như chờ
một quyết định đuổi việc với 3 anh em chúng tôi.
Thật giả lẫn lộn. Ngay vợ tôi cũng hoang mang, không biết chồng mình
đúng hay người khác viết đúng. Vì tôi viết một bài, họ đáp trả hàng
chục bài, vợ tôi và người dân làm sao hiểu được đúng sai lúc đó.
Minh Phong bỏ cả cơm ngồi phờ phạc ở quán cà phê.
Phan phương bước vào cơ quan, không ai thèm hỏi, không ai thèm nhìn.
Có người nói:” Tao nói với mày rồi, mày cứ chơi với thằng cha Vinh, coi
chừng…”.
Lại nghe tin, cậu Lĩnh sĩ quan biên phòng cắm bản Rục do ” tội” đưa
chúng tôi đi thăm bà con đói khát ngày đầu tiên, nay đã chuyển đến một
vùng còn khó khăn hơn, xa vợ con hơn. Coi như bị kỷ luật ngầm. Lại nghe,
ông trưởng thôn, ông phó thôn Ón cũng bị xã kêu lên kêu xuống, truy xét
trách nhiệm tiếp đón và thông tin cho nhà báo.
Nhà văn Vĩnh Quyền gọi ra: Vinh ơi, em chuẩn bị tất cả chứng cứ để
giải trình với Ban biên tập. Nếu mình thông tin sai mình phải nhận. Tôi
hỏi: Anh tin em không? Vĩnh Quyền nói: Anh tin. Anh tin em có đủ chứng
cứ. Nhưng tình hình có vẻ đang căng đấy em ạ. Lãnh đạo tỉnh gọi điện ra
toàn soạn nói em viết sai hết, bịa đặt hết.
Tôi gọi cho anh Hân Hương, trưởng ban cuối tuần của báo Lao Động đề
nghị in tiếp một phóng sự ảnh về cảnh dân đói trong vùng lũ. Hân hương
hiểu ý tôi, đồng ý ngay. Ban biên tập cũng đồng ý duyệt ngay. Trên Lao
Động cuối tuần, in lừng lững một trang phóng sự ảnh khẳng định là bà con
Rục đói khát, thiếu ăn, đứt bữa, hết gạo. Có cả ảnh mẹ con chị Hoá nấu
nòng nọc ăn.
Phan Phương đột ngột gọi tôi: Anh ơi gay rồi.
Tôi gặp Phương. Phương nói: Báo em mới nhận công văn của tỉnh uỷ yêu
cầu giải trình việc có hay không việc cử phóng viên Phan Phương vào
vủng Rục.
Tôi cáu: Hỏi gì ngu thế. Làm nhà báo, chỗ nào có tin, chỗ nào xảy ra
sự việc thì tới liền, sao lại còn chất vấn là cử đi hay không cử đi.
Thế chẳng lẽ một cảnh sát hình sự đi phép, thấy cướp không hành động với
lý do là đơn vị không cử tôi đi bắt cướp à. Mày yên đấy. Sáng mai đọc
Lao Động biết liền.
Tôi đưa tin ngay: Phóng viên Phan Phương buộc làm giải trình về việc
đã bơi qua lũ vào với đồng bào ngập lụt để viết bài. Hàng loạt trang
báo điện tử dẫn lại tin này trên Lao Động.
Bên tỉnh uỷ im lặng. Cũng không thấy ai giục Phan Phương giải trình nữa.
Phan Phương thấy ảnh mình trên hàng loạt trang báo điện tử thi khịt khịt mũi: Em thành ngôi sao ca nhạc.
Liên đoàn Lao động tỉnh lại nhận được công văn của tỉnh uỷ, yêu cầu
báo cáo trực tiếp với Bí thư tỉnh uỷ Hà Hùng Cường nội dung: Tại sao chở
gạo cứu trợ đồng bào mà không xin ý kiến tỉnh. Anh Nguyễn Quang Tuynh,
chủ tịch Liên đoàn Lao động trả lời thẳng với Bí thư: Chưa có quy định
nào đi cứu trợ cho dân phải xin phép cấp trên hết. Nếu có văn bản yêu
cầu như vậy chúng tôi chịu kỷ luật. Chúng tôi có nhiệm vụ phải huy động
phương tiện xe và người khẩn cấp chở hàng chục tấn gạo từ Quỹ Tấm lòng
vàng báo Lao Động về cứu đói cho dân vùng lũ, việc đó không thể gọi là
sai được. Bí thư Hà Hùng Cường không nói gì.
Sau cuộc đưa đoàn nhà báo đi thị sát Thượng Hoá về, ban tuyên giáo
triệu tập cuộc giao ban báo chí. Gọi là giao ban báo chí thường kỳ nhưng
thực chất là xoay quanh sự thật bà con vùng đồng bào Rục, Sách, Mã
Liềng ở Thượng Hoá đói kiệt không, đứt bữa không. Minh Phong hỏi tôi:
Mình đi dự không anh? Tôi nói không. Phan Phương điện thoại cho tôi mình
đi dự giao ban báo chí không anh, tôi nói không. Không có anh em mình,
mình sẽ nghe ý kiến khách quan hơn và nếu ai đó muốn tố cáo mình víêt
sai sự thật họ cũng dễ nói hơn. Nhưng yên tâm, nội dung cuộc họp ấy mình
sẽ được nghe lại hết. Minh Phong cười, anh cao kiến, không dự mà như
dự. Phan Phương khịt khịt mũi.
Đó là một cuộc giao ban nảy lửa nóng rực. Những ý kiến phê phán
chúng tôi gay gắt. Rồi kết luận: Dù khó khăn, nhưng trước sự chứng kiến
của đoàn nhà báo, bà con vẫn đủ ăn, có hết gạo nhưng vẫn đủ sắn ăn, ngô
ăn, không ai đói. Nội dung cuộc giao ban này là căn cứ để Ban tuyên giáo
báo cáo tỉnh, báo cáo lên Trung ương. Và với nội dung báo cáo này, một
lần nữa khẳng định, những bài điều tra của 3 anh em chúng tôi sai sự
thật.
Sau đó, hai đoàn kiểm tra của 2 Bộ vào, lên thị sát, kết luận: Bà
con dân tộc do thói quen canh tác yếu, nên dù được tỉnh, được nhà nước
giúp đỡ, cuộc sống bà con vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng tuyệt nhiên
không có hộ đói, không có hộ đứt bữa. Minh Phong hét toáng lên trong máy
điện thoại: Anh ơi, họ về kiểm tra khi mà hàng trăm tấn gạo, mỳ tôm cứu
trợ kìn kìn đổ về cho bà con , làm sao thấy đói, thấy đứt bữa như anh
mình đã viết. Nội dung kiểm tra của 2 Bộ là căn cứ để báo cáo Thủ tướng.
Tóm lại, căn cứ vào các báo cáo này thì những bài điều tra của chúng
tôi hoàn toàn sai sự thật.
Tôi nói với 2 đồng nghiệp thân mến của mình: Mục đích viết bài cho bà
con có gạo ăn đã đạt được. Thậm chí lượng gạo cứu trợ đủ cho bà con ăn
cơm vài ba năm. Kho huyện, kho xã, kho biên phòng chật cứng gạo. Chưa
bao giờ bà con ba thôn này lại nhiều gạo đến như vậy. Vì sao? Vì cả nước
đọc bài của chúng ta, đồng lòng góp tiền mua gạo về giúp, thông qua báo
Lao Động, báo Sài Gòn giải phóng cũng nhiều, mà trực tiếp mang gạo lên
cho bà con cũng nhiều, hàng trăm đoàn cứu trợ như vậy. Đó là thắng lợi
lớn. Vì điều này mà 3 anh em bị kỷ luật, bị đuổi việc thì cũng đành.
Nhưng nếu cần thiết, hai em cứ đổ vấy cho anh, anh nhận hết, rằng chính
anh ép các em viết bài. Minh Phong giãy nãy lên: Anh nói chi rứa. Tụi em
có lòng tự trọng làm báo của tụi em chứ. Phan Phương khịt khịt mũi: Anh
đừng lo cho tụi em. Có chết thì cùng chết anh ạ.
Tôi nhìn hai thằng em: Nói vậy thôi, chết thế đéo nào được. Anh em
mình còn một chứng cứ cuối cùng, chứng cử này đủ cho tất cả mọi cố gắng
của họ tan thành mây khói.
Minh Phong hiểu ý: Tung ngay chứ anh
Tôi lắc đầu: Không. Chưa phải lúc. Tao vẫn muốn nhìn thấy rõ ràng sự việc này nó ra làm sao.
Phan Phương khịt khịt mũi: Có anh cứng cỏi thế, bọn em sợ đéo gì.
Trong suốt chừng 10 ngày như vậy, không khí thực sự ngột ngạt với 3 anh em.
Tất cả những công tác chuẩn bị từ đi thị sát, tổ chức đoàn nhà báo
đi thực tế, chất vấn, họp hành, thậm chí là kiểm điểm nội bộ, rồi giao
ban báo chí, đón tiếp và tổ chức cho 2 Bộ vào kiểm tra, tổ chức việc
truyền thông rộng lớn phản pháo lại, tất cả những việc ấy cuối cùng cùng
là tạo cơ sở để lãnh đạo tỉnh Quảng Bình hoàn thành báo cáo với Thủ
tướng Chính phủ về nội dung những bài điều tra của chúng tôi.
Có người thì thầm: Nguyễn Quang Vinh, Phan Phương, Minh Phong đã đứng cận kề đoạn đầu đài.
—————————————————————————————————————————————
CM CỦA THUẬN NGHĨA ( Cộng hòa Đức) Sau loạt bài của Báo Lao động và một số báo khác, liên quan đến vụ
ấy, mà vẫn thấy Bọ và 2 nhà báo kia đàng hoàng tháp tùng đoàn cán bộ
Tỉnh lên bản. Hơn nữa trong tay vẫn còn đầy đủ máy ghi hình, máy thâu
băng và vẫn còn tự do tác nghiệp. Và đến hôm nay vẫn còn tự do viết bài
về đề tài này. Chứng tỏ Tự Do Báo Chí ở ta là chuyện có thật. Bảo vệ Sự
Thật là một công việc gian nan nguy hiểm đến tính mạng, đó đặc điểm
chung của tất cả những người cầm bút trên thế giới chứ không phải chỉ ở
chúng ta. Chính Trị, thực chất là sự tranh dành và cũng cố địa vị quyền lực
của một tập đoàn, và cá nhân trong tập đoàn đó. Chính trường là chiến
trường, ở đó không những là ngòi nỗ cho những cuộc đụng độ súng đạn, mà
còn là trung tâm của những va chạm về khát vọng của những thế lực đối
địch. Ở đó bản năng tự bảo vệ sinh tồn rất cao. Chỉ những bậc thánh nhân đã xuất thế gian mới thoát ra khỏi sự kiềm
tỏa của danh vọng và tiền tài. Những nhà lãnh đạo Tỉnh và Huyện viết
trên, họ không phải thánh nhân. Họ phải tự bảo vệ chính mình. Những thao
tác kỷ thuật chống lại sự cố uy hiếp quyền lợi và địa vị của họ là bản
năng, có tính qui luật, tính tất yếu. Sự cố có từ “phương tiện truyền
thông”, Họ đã lợi dụng “phương tiện truyền thông” làm vũ khí để tự bảo
vệ, Họ “chơi” vậy là rất văn hóa. Sự thật chỉ có một, sự kiện xảy ra không thể thay đổi, Nhưng quan
niệm, và tư duy để nhận thức ra chân lý trong sự thật đó, không phụ
thuộc vào tình tự xảy ra của sự kiện. Mà phụ thuộc vào thái độ của người
tiếp cận sự kiện đó theo gốc độ nào. He he..tui đặt mình vào địa vị của những người bị Báo Chí “áp bức”
và “uy hiếp”. Để thấu cảm những entry này. Thì thấy mình còn quá “nhẹ
tay” “cuộc chiến” truyền thông này cả 2 bên đều chiến thắng, vì kết quả
là dân đã no. Cái mãnh lực hấp dẫn nhất của các entry này là ở chổ Dân
Bản Rục là Ngư Ông, còn ai bại, ai thắng miềng không quan tâm, đó là
chuyện của Cán Bộ.
U ÁM
Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đầy đủ trong tay tất cả những tài liệu để báo cáo Thủ tướng đúng hạn định.
Nội dung báo cáo này tóm tắt 3 phần: Một là khẳng định Dự án định cư
cho đồng bào Rục do Chính phủ đầu tư trên 30 tỷ đồng đang vận hành tốt,
điện, đường, trường, trạm đúng như yêu cầu đặt ra. Bà con bắt đầu quen
với việc canh tác lúa, trồng thêm ngô, sắn và cuộc sống đã dần ổn định
vững chắc. Hai là, dù qua hai cơn lũ lớn, nhưng đời sống bà con tuy khó
khăn nhưng không có người chết đói, không ai đói, không nhà nào đứt bữa.
ba tháng liền hết gạo nhưng nhà nào cũng có ngô, sắn ăn, không bị đói,
không bị đứt bữa. Bà con ở khu vực này vẫn có thói quen dùng lương thực
chính là sắn. Tết, lễ, tỉnh huyện đều trợ cấp cho mỗi gia đình từ 5 đến
10 kg gạo. Do không thể trì hoãn việc đi công tác nước ngoài dù lũ lớn
đang đến, nhưng lãnh đạo tỉnh vẫn phân công cấp phó ở nhà đảm trách
nhiệm vụ, nắm chắc tình hình, bảo đảm tình hình trong và sau lũ ổn định.
Từ những nhận định trên, báo cáo khẳng định những thông tin về việc dân
đói, bị cán bộ bỏ rơi trong và sau lũ là không đúng sự thật. Yêu cầu
Thủ tướng chỉ đạo Cục báo chí và các Ngành chủ quản của các báo Lao
Động, Sài Gòn giải phóng, Công an nhân dân, Nông thôn Ngày nay xử lý
nghiêm những phóng viên viết sai sự thật, gây hoang mang trong quần
chúng nhân dân, ảnh hưởng chính sách dân tộc của Nhà nước ta.
3 anh em chúng tôi có ngay văn bản báo cáo này sớm nhất theo cách của chúng tôi.
Như thói quen nghề nghiệp, chúng tôi nghiên cứu báo cáo này của tỉnh gửi Thủ tướng để tìm giải pháp hồi đáp khi có yêu cầu.
Báo cáo rất dài và lê thê.
Đọc rất mệt.
Chúng tôi chú ý đoạn kết luận về tính xác thực của những bài báo của chúng tôi: Kết luận sai sự thật.
Minh Phong làu bàu: Nói láo không biết ngượng.
Phan Phương khịt khịt mũi: Báo cáo này do Sở Lao động chấp bút đây.
Tôi nói: Viết hay đấy chứ, có lý lắm, logíc lắm, chi tiết lắm, cẩn thận và thuyết phục lắm. Thủ tướng sẽ tin.
Minh Phong quay lại: Anh nói thế thì anh em mình chết, báo mình chết à.
Phan Phương nhìn tôi, khịt khịt mũi.
Nhưng trước khi báo cáo gửi đến Thủ tướng, căn cứ vào báo cáo của
tỉnh Quảng Bình, Cục báo chí ký công văn trực tiếp gửi Thủ tướng và
khẳng định: Các báo Lao Động, Sài Gòn giải phóng, Công an nhân dân, Nông
thôn ngày nay đã bi kịch hoá sự việc, sai sự thật, gây dư luận xấu
trong nhân dân và yêu cầu đính chính và kiểm điểm các phóng viên thực
hiện bài điều tra nghiêm khắc.
Mới chỉ có trong tay văn bản báo cáo Thủ tướng của Cục báo chí, Phó
Bí thư tỉnh uỷ Quảng Bình Lương Ngọc Bính ngay lập tức ký công văn khẩn
gửi tất cả các cơ quan, ngành, đơn vị trong tỉnh, gửi các cơ quan truyền
thông của tỉnh khẳng định thông tin về việc cơn lũ vừa qua, đồng bào ở
xã Thượng Hoá tại ba thôn Ón, Mò o ồ ồ và Yên Hợp đói lả, đứt bữa là
sai, hiện nay các báo Lao Động, Công an nhân dân, Nông thôn Ngày nay,
Sài Gòn giải phóng phải cải chính và kiểm điểm nghiêm khắc các phóng
viên đã đưa tin sai sự thật.
Các Ban biên tập chờ Thủ tướng ra kỷ luật.
Các phóng viên chờ Ban biên tập ra kỷ luật.
Quán cà phê quen thuộc của chúng tôi, nơi tập trung các nhà báo,
sáng nào cũng ồn ào tiếng cười nói của các nhà báo. Hồ hởi, đắc thắng,
khen ngợi nhau và nếu chúng tôi đến, tất cả đều nhìn chúng tôi đầy
thương hại.
Uy tín của Hội nhà báo, báo Quảng Bình, đài phát thanh truyền hình
Quảng Bình, báo Tiền Phong, báo Tuần Tin tức vụt sáng trước mắt các nhà
lãnh đạo tỉnh.
Hầu hết mọi người đều coi như sự việc khép lại, chỉ còn chờ xem các
báo cải chính và xin lỗi lãnh đạo tỉnh Quảng Bình ra sao, các phóng viên
như chúng tôi có bị đuổi việc, kỷ luật mức nào mà thôi.
Nhà văn Vĩnh Quyền gọi điện thoại cho tôi, Email cho tôi liên tục.
Anh em phóng viên thường trú báo Lao Động ở miền Trung gọi điện thoại
thể hiện thái độ rất mạnh mẽ. Ban Biên tập chính thức yêu cầu tôi giải
trình. Báo Sài Gòn giải phóng, báo Nông thôn Ngày nay, báo Công an nhân
dân cũng bắt đầu yêu cầu Minh Phong giải trình, Phan Phương ( vì là cộng
tác viên) nên đề nghị báo cáo sự thật.
Nhà văn Vĩnh Quyền nói với tôi: Nếu Quảng Bình cho rằng bà con người
Rục có thói quen ăn sắn thay cơm thì Vinh nói với tỉnh làm ngay công
văn thông báo trên cả nước, đừng ai gửi gạo cứu trợ về cho bà con nữa mà
gửi sắn. Tổ chức lương thực Thế giới đã khẳng định, lương thực của
người Châu Á là gạo chứ không phải là sắn. Anh Vĩnh Quyền mạnh mẽ: Nếu
thế này, anh sẽ đề nghị Ban biên tập cử một tổ phóng viên ra ngay Quảng
Bình để lật lại hồ sơ về Dự án định cư người Rục mà thực sự là đang tiềm
ẩn nhiều tiêu cực.
Anh Vương Văn Việt Tổng biên tập Lao Động thúc giục tôi làm báo cáo.Tôi
viết ngay. Phần 1 là những chứng cứ. Tôi sẽ nói vào En try tới. Tôi
đăng nguyên văn phần 2 báo cáo của Tôi gửi Thường trực Ban Biên tập:
Phần 2: Quan điểm và trách nhiệm của phóng viên
1. Sau khi vượt lũ vào tận nơi dân đói, không chỉ viết báo, phóng
viên báo Lao Động đã yêu cầu rất mạnh mẽ chủ tịch UBND huyện Minh Hóa
mang ngay gạo vào cứu đói cho bà con. Hỏi bất cứ người dân nào ở ba thôn
này, bà con đều nói: có gạo cứu trợ là nhờ nhà báo.
2.Chúng tôi nhìn nhận vấn đề cuộc sống người Rục theo quan niệm
truyền thồng, quan điểm này phù hợp với tiêu chí đánh giá của chính phủ:
hết gạo là đói là đứt bữa. cha ông ta đã nói :” thiếu cơm nhạt muối”
không có câu ” thiếu sắn nhạt muối”. trong khi tình hình khi chúng tôi
vào, nước lũ vây bọc, sắn ngô đều cạn kiệt, củ mài củ nhút trên núi cao
cũng đã khó kiếm, nhiều gia đình nằm trên manh chiếu rách vì đói. sự
thật đó chúng tôi không thể nào có cách nhìn nhận khác hơn: dân kiệt và
đói. Sau 4 ngày dân được cứu trợ, có cơm ăn, lãnh đạo tỉnh mới vào, các
báo địa phương mới vào, trong đó có báo Tuần Tin tức và Tiền Phong vào
sau cả đoàn lãnh đạo tỉnh, dân đã có cơm ăn, làm sao thấy được cảnh dân
kiệt và đói? Các phóng viên các báo Thanh niên, Công an nhân dân, Lao
động và xã hội, Đầu tư, Người đại biểu nhân dân, Thanh tra vào sau này,
hỏi kỹ, tìm hiểu kỹ, vẫn viết bài khẳng định đồng bào Rục sau lũ là đói
và đứt bữa.
3. Người Rục, người Mã Liềng hay người Kinh chúng ta đều lấy gạo làm
lương thực chính. Tỉnh Quảng Bình nói rằng, đồng bào quen ăn sắn nên dù
có hết gạo cũng không chết đói. Chúng tôi phản đối mạnh mẽ quan niệm
này. dự án định cư đồng bào Rục của chính phủ trên 30 tỷ đồng là mong
đồng bào sản xuất được lượng thực, có gạo ăn, chứ không phải như bây
giờ, sau 5 năm thực hiện dự án, đồng bào vẫn không có đất trồng lúa,
không có thuỷ lợi, không có nước sạch, đói triền miên- như lời chủ tịch
huyện đã khẳng định. trong tất cả nội dung phỏng vấn chính quyền và
người dân bản địa đều vang lên trang trọng chữ gạo, đều tha thiết cần
gạo ăn, đó là một sự thật.
4. Trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình là rất lớn: Lũ lớn ập
đến, dân bị lũ cô lập, đói và đứt bữa nhưng lãnh đạo tỉnh không hề nắm
được thông tin nào hết. Hai cán bộ lãnh đạo tỉnh có lên sau lũ nhưng
nhìn nước lũ rồi quay về. ( nội dung ghi âm gửi kèm)
5. Chúng tôi ý thức chính trị rõ ràng: nhà báo phải dũng cảm lao vào
điểm nóng, vượt qua lũ lớn, đến với dân, vừa viết bài phản ánh để các
cấp chính quyền và nhà nước cứu trợ cho dân, vừa kêu gọi sự giúp đỡ của
toàn cộng đồng, vừa trực tiếp mang vác gạo cùng dân để cứu trợ. Việc làm
của chúng tôi đã có kết quả: Thủ tướng có công điện, sau đó lãnh đạo
tỉnh Quảng Bình cứu trợ, và rất nhiều sự trợ giúp của các cá nhân, đơn
vị trong cả nước. Đồng bào dân tộc ở tất cả các thôn bản trong tỉnh
Quảng Bình vừa rồi đều được cứu trợ đồng loạt, đây là việc làm chưa từng
xảy ra lâu nay. Như thế, nhờ ý thức chính trị và trách nhiệm của một
phóng viên báo chí, chúng tôi đã làm được nhiều việc quan trọng tác động
tích cực đến cuộc sống khó khăn của bà con sau lũ.
6. Đến lúc, này, khi bình tâm xem xét lại tất cả những gì mắt thấy
tai nghe, xem xét lại những chứng cứ, cả những lời tự công nhận của
chính quyền địa phương các cấp ở Quảng Bình, chúng tôi khẳng định chúng
tôi đã phản ánh đúng sự thật và sau đó, nhờ sự thật này, đồng bào dân
tộc và vùng lũ Quảng Bình đã được cứu trợ, đến lúc này, tất cả bà con đã
vượt qua cơn hiểm nghèo của cái đói và đứt bữa.
7. Nếu còn phải viết thêm thì chúng tôi sẽ viết sâu về những bất
cập, sai phạm và thất bại của dự án định cư cho đồng bào dân tộc Quảng
Bình. Vì sự thiếu trách nhiệm của chính quyền, dự án thất bại, lãng phí
tiền bạc của nhà nước mà đồng bào vẫn cứ cay cực sống, vẫn suốt đời đói,
vẫn phải ăn sắn, ngô thay cơm, vẫn phải hái lượm.
Chúng tôi, phóng viên báo Lao Động đã làm hết sức mình trên ý thức
chính trị của một người cầm bút, ý thức công dân để phản ánh sự thật.
Người báo cáo
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh
Phóng viên Thường trú báo Lao Động
Báo cáo gửi đi và tôi không nhận được bất cứ hồi âm nào từ Tòa soạn.
Lại nghe tin Bí thư Hà Hùng Cường trực tiếp làm việc với Chủ tịch
Tổng Liên đoàn Lao Động Việt nam- cơ quan chủ quản của Báo Lao động.
Ban biên tập cử Phó tổng biên tập Vũ Mạnh Cường sang.
Nhà văn Vĩnh Quyền cáu: Nếu là mình, mình không sang. Họ muốn làm
việc với báo thì họ phải sang trụ sở của báo. Nếu sang, khi nói về
chuyên môn của Báo thì về.
Mạnh Cường về đưa ra thông tin xấu. Căn cứ vào báo cáo của tỉnh
Quảng Bình, Chủ tịch Tổng Liên đoàn chỉ đạo Báo Lao Động qua Phó Tổng
biên tập Vũ Mạnh Cường cần phải kiểm tra thông tin ngay, nếu sai phải
cải chính, phải xử lý kỷ luật phóng viên.
Chỉ có thông tin này là khả quan: Chủ tịch Tổng liên đoàn cũng nói
với Bí thư Hà Hùng Cường, việc chuyên môn là do Ban biên tập Báo Lao
Động tự chịu trách nhiệm, Tổng Liên đoàn không thể can thiệp sâu được.
Tổng Biên tập Vương Văn Việt nói với tôi: Bình tĩnh Vinh nhé. Em cố
gắng khẳng định lại chứng cứ, càng nhiều chứng cứ càng tốt. Chúng ta
không sợ sai, nếu đưa thông tin sai thì ta cải chính ngay. Nhưng nếu
chứng cứ chúng ta chắc chắn thì phải đấu tranh đến cùng.
Tô Phán Phó Tổng biên tập và Vũ Mạnh Cường Phó tổng biên tập báo Lao
Động đều ít tuổi hơn tôi, nhắn tin: Bác cứ tự tin, lúc này là chứng cứ,
chứng cứ và chứng cứ bác nhé. Ban biên tập tin vào khả năng chuyên
nghiệp của bác. Đừng nóng giận.
Nhà văn Vĩnh Quyền gọi điện thoại liên tục, động viên tôi, tiếng anh
nhẹ nhàng nhưng rất nung nấu: Mình đồng ý với Vinh, chẳng có thằng
phóng viên nào ngu lại vượt lũ 4 giờ đồng hồ trong giá lạnh, trong nước
chảy xiết, trong nguy hiểm để rồi về phản ánh sai sự thật hết. Viết sai
để mần chi.
Minh Phong, Phan Phương cũng như tôi, buồn, cay đắng, uất ức.
Minh Phong hối thúc tôi tung ra chứng cứ cuối cùng. Tôi không. Tôi
không vội. Hãy chờ xem ra sao. Phải để cho tất cả mọi người đều khẳng
định mình chết rồi, lúc đó mình mới cho họ biết mình làm báo vì ai và
làm báo như thế nào.
Động viên nhau thế nhưng không khí từng ngày vô cùng u ám.
Chúng tôi không buồn đi cà phê nữa.
Lại có tin: Nguyễn Quang Vinh, Minh Phong, Phan Phương bị triệu hồi ra Hà Nội làm kiểm điểm rồi.
Biết thế, tôi nói với hai đồng nghiệp mà tôi thương yêu như em mình, cứ đi uống cà phê bình thường.
Gắng thêm chút thời gian nữa.
Càng chín muồi tung chứng cứ cuối cùng càng hiệu quả. Các đồng
nghiệp khác của anh em mình đang vào cuộc cả rồi. Anh em mình không cô
độc đâu mà sợ. Anh tin vào nhân cách làm báo của những người bạn của
anh.
Nếu Thủ tướng quyết định kỷ luật Báo mình, lúc đó mình sẽ đưa chứng
cứ ” độc” báo cáo hết với Thủ tướng rằng, báo cáo của lãnh đạo tỉnh
Quảng Bình về tình hình đời sống đồng bào Rục trong và sau lũ là dối
trá.
————————
CM CỦA NGUYỄN: Chiều nay nhìn vào mắt Bọ cũng thấy được loạt bài SỰ
THẬT này được Bọ viết ra trong nhiều cảm xúc. “Nói lên được sự thật thì
cũng sướng nhưng mà…buồn” – ánh mắt của Bọ nói lên như vậy. Mong muốn : – Tính quyết liệt mãi mãi còn trong Bọ. - Giữ gìn sức khỏe cho bản thân Bọ ( tức là cho nhiều bạn bè nữa đấy ). Nhìn thần sắc của Bọ chiều nay mà thương: phờ phạc, giọng khàn, dáng
mỏi mệt; NHƯNG : Ánh mắt sáng rực không hề khoan nhượng. Tui nhớ mãi
câu hai anh em mình chiều nay nói với nhau: Mục đích của bài báo đã đạt
được là bà con có gạo ăn cho dù có chuyện gì xảy ra. Tui tự hào có một
người bạn đồng hương là Nguyễn Quang Vinh – Nhà văn – Nhà báo. Giữ gìn sức khỏe Vinh nhé.
Viết bởi Nguyen
KỲ 6
CHIA LỬA
Ngay trong mấy ngày đầu tiên, khi lãnh đạo Quảng Bình đang nỗ lực chứng
mình rằng không có chuyện bỏ dân trong và sau lũ, không có chuyện dân
đói, và trong khi nhiều người tưởng rằng, với sức mạnh cả một hệ thống
công quyền từ tỉnh đến xã, có thể đè bẹp được sự thật phản ánh của những
bài điều tra của chúng tôi; trong khi ngay cả một số đồng nghiệp đã có
thể xả hơi và hí hửng hùa theo chiến thắng áp đảo bước đầu của các cơ
quan truyền thông tỉnh và vài tờ báo kết tội chúng tôi bịa đặt; trong
khi không còn mấy ai tin rằng chúng tôi sẽ vượt qua khó khăn này thì quả
bom thứ nhất ở Báo Đại Đoàn Kết tung ra giữa thanh thiên bạch nhật.
Dù cái tin rất ngắn, nhưng nhà báo Trương Duy Nhất đã làm náo động
tỉnh Quảng Bình. Trước đó, Nhất gọi: Anh Vinh, vì sao trong bài điều tra
của anh, không nói đến việc lãnh đạo Quảng Bình bỏ địa bàn đang nước
sôi lửa bỏng vì lũ để kéo nhau đi nước ngoài? Tôi nói, anh viết, nhưng
tòa soạn cắt. Vì sao cắt? Ông hỏi thế thì tôi hỏi ai? Nhất cười. Cái
giọng ồm àm, ăn to nói lớn của Nhất khiến những ai mới quen rất khó chịu
và…sợ. Nhưng lòng Nhất thẳng băng, không lấp lững, không vòng vo, thích
nói ngay, không thích chửi liền, hơi cực đoan nhưng tốt bụng với bạn bè
và không bao giờ đứng ngoài mọi chuyện thế sự. Nhất lại điện: Em đưa
tin này nhé. Tôi nói với Nhất, chuyến đi nước ngoài này thu hút hầu hết
đội ngũ cốt cán của Quảng Bình, các cấp trưởng của các ngành. Đến như
Giám đốc Sở giao thông quá nóng ruột vì đường sá đang bị sụt lún, gây
ách tắc giao thông, xin lãnh đạo ở nhà chỉ đạo khắc phục vẫn không được.
Chỉ một người duy nhất dám chống lại lệnh xuất ngoại: đó là Đại tá
Nguyễn Quốc Trị, chỉ huy trưởng tỉnh đội Quảng Bình. Tôi hỏi đúng là anh
cương quyết ở nhà để chỉ huy bộ đội giúp dân chống lũ không? Anh Trị
nói: Vinh phải hiểu, mình là chỉ huy quân đội, trong lúc nước sôi lửa
bỏng này, chỉ huy lại bỏ mặt trận sao được. Mình cương quyết ở nhà. Tôi
thông tin hết cho Nhất. Hôm sau báo Đại Đoàn Kết đưa tin: Trong lúc lũ
lớn, lãnh đạo Quảng Bình bỏ dân để đi nước ngoài giao lưu. Một số cán bộ
lãnh đạo Quảng Bình cay cú nhất hai chữ bỏ dân và giao lưu. Tôi điện
cho Nhất thông tin về phản ứng này. Nhất cười khì khì: Ủa, giao lưu thì
chi xấu? Đi công tác hổng lẽ không gặp gỡ, hát hò, uống, cơm nước zui zẻ
là chuyện thường. Bất thường là ở chỗ, họ lại đi trong lúc nhân dân cần
họ có mặt nhất. Đúng là dân Quảng Nam hay cãi. Hì hì.
Hai ngày sau Nhất gọi: Em biết tình hình các anh rất căng. Em ra nhé.
Tôi nói: Nhất ra đi nhưng anh em mình chỉ liên lạc điện thoại thôi,
không gặp nhau. Nhất đồng ý. Nhất nói em phải gặp bằng được ông Hà Hùng
Cường. Em nghĩ cách rồi. Lại cười. 5 giờ chiều hôm sau, Nhất gọi: Anh
Vinh, em và lão Hà Hùng Cường vừa nói chuyện xong đấy. He he he. Tôi
hỏi, ăn cơm nhé. Nhất từ chối: Không, anh ơi, em chạy vô Đà Nẵng trong
đêm đây, phải viết ngay lập tức. Rồi Nhất hạ giọng: Này, anh biết không,
trước mặt lão Hà Hùng Cường, em chửi bọn anh chẳng ra gì đâu. Tôi cười,
tao hiểu mẹo cứt gà của mày rồi. Đi cẩn thận nhé, đang làm việc, trên
đường vào không có chân dài chân ngắn gì đâu nghe chưa? Nhất cười he he
he.
Quả bom thứ hai nổ lớn trên báo Đại Đoàn Kết: Bài phỏng vấn của
Trương Duy Nhất với Bí thư tỉnh ủy Hà Hùng Cường. Nội dung xoáy quanh
chuyện lũ lụt, chuyện lãnh đạo bỏ dân, chuyện dân đói. Điểm nóng nhất
trong bài này có đoạn, Bí thư Hà Hùng Cường hạ cái giọng rất “hàng chợ”
khi nói về tính xác thực của những bài điều tra chúng tôi. Khi Trương
Duy Nhất hỏi, ông đánh giá thế nào về nội dung mấy bài điều tra của các
báo vừa rồi ( ý nói trên Báo Lao Động, báo Công an nhân dân, Sài Gòn
giải phóng), ông Hà Hung Cường buông ra: Đó là mấy tờ báo lá cải, tin
làm gì.
Trương Duy Nhất cò cưa Bí thư cả buổi, ” chôm” được câu đắt giá này là ” chuồn” và he he cười, quên cả ăn.
Câu nói của Bí thư đã làm rung chuyển tòa soạn và phóng viên của ba tờ báo trên, của anh em báo chí và gây ra một sự phẫn nộ.
Nhất đã chia lửa rất dũng cảm và rất kịp thời.
Sau đó một thời gian, Phó Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình ký công văn trả
lời báo Đại Đoàn Kết, lên án mạnh mẽ quan điểm và nội dung của báo Đại
Đoàn Kết phê phán tỉnh Quảng Bình trong vụ lũ lụt. Mấy ngày sau, báo Đại
Đoàn Kết vừa in nguyên văn công văn này vừa tiếp tục in một bài lớn,
phân tích tận cùng gốc rễ trách nhiệm trước dân của lãnh đạo tỉnh Quảng
Bình. Bài viết sắc sảo, chắc chắn, và cột chặt trách nhiệm của lãnh đạo
tỉnh Quảng Bình đã bỏ rơi dân. Tỉnh Quảng Bình im lặng.
Cùng thời gian Trương Duy Nhất ra chia lửa, tôi nghe một cú điện
thoại lạ, tiếng Hà Tĩnh: Anh Vinh à, nhà em là Dũng đây, phóng viên báo
Dân Trí anh ạ, mần răng mà vô được bản Rục. Tôi hỏi Dũng đang ở đâu.
Dũng nói em đi xe máy, mưa to, đường toàn bùn, ì ạch mãi vẫn không biết
đi đường mô vô bản. Tôi nói, ua trời, gần tối, mày vào bản nguy hiểm
lắm, đường đèo dốc, bùn lầy, sụt lở, quay lại huyện ngày mai đi. Dũng
căng: Anh nói chi rứa, em nhận được tin các anh đang bị tỉnh ” đánh”
lại, ở nhà chịu thế đéo nào được. Anh chỉ đường, em vô, chết cũng vô.
Tôi hướng dẫn đường cho Dũng. Hóa ra Dũng đi cùng Xuân Thành phóng viên
báo Công an thường trú ở Hà Tĩnh.
Tôi, Minh Phong, Phan Phương kéo đến Quán cà phê Tháp Nước. Dũng và
Xuân Thành ngồi đấy rồi, thêm cả Nam, phái viên báo Thanh Niên, rồi Hải,
phóng viên báo Đầu tư và một phóng viên báo Gia đình xã hội, một cậu ở
báo Thanh Tra. Giành nhau nói chuyện. Hoa chân múa tay. Cười. Mếu. Ôm
nhau. Cứ như các cánh quân lâu ngày mới gặp nhau, thoát chết trở về vậy.
Dũng nói: Em vô thôn Ón, thấy cán bộ cố ý bám theo. Hỏi dân mới thấy,
mấy ngày nay cán bộ huyện xã cử người thường trực ở thôn, cảnh giác với
nhà báo, giám sát nhà báo. Em máu nhất chi tiết dân bỏ nhà vào hang đá ở
nên bí mật móc hai người dân dẫn đường vào hang đá xem sao nhưng cán bộ
cứ bám riết. Xuân Thành có nghiệp vụ công an, đánh lạc hướng, thế là em
thoát. Ua chầu, bà con ở trong hang khổ như…con heo rừng các anh ạ,
không thể không khóc được. Hỏi sao lại vào hang. Bà con nói, mình không
có chi ăn, mình vô đây để lên núi kiếm củ mài gần hơn, ở thôn vô núi xa,
cái chân yếu, đói, không bước được. Em chụp mấy cái ảnh. Nhưng mà tài,
biết có nhà báo vô, hôm sau, cán bộ ra hang đá, kéo dân về hết. Họ dối
trá hết cỡ.
Minh Phong nói to: Họp cái hè.
Phan Phương khịt khịt mũi cười.
Xuân Thành nói: Thằng cha Phan Phương hắn viết điều tra, hắn ăn
nhuận bút, còn tòa soạn lại cử tui vô thẩm tra sự thật, nếu sai thì cải
chính, không sai mần tới nơi. Ông Hữu Ước Tổng biên tập đọc báo Đại Đoàn
Kết thấy lão Hà Hùng Cường nói báo Công an là báo lá cải, giận run
người.
Hải cười: Chỉ có báo Đầu tư chúng em là báo lớn, các anh lá cải hết.
Xuân Thành thụi Hải: Địt mẹ mày.
Lâu lắm cả 10 ngày nay, quán cà phê này mới rôm rả như vậy.
Rồi kéo nhau đi ăn cơm.
Ồn ào, thằng nào cũng to mồm. thi nhau nói như khát nói, nói, ăn, xì
xụp, gào thét. Nói tục, cười như một lũ mất dạy. Nhưng đó là lũ mất dạy
đáng yêu nhất mà tôi chứng kiến.
Em ơi bia.
Em ơi cho thêm cơm, đói quá, hai ngày nay toàn ăn lương khô, uống nước suối.
Em ơi, cho thêm đĩa thịt. Đéo mẹ, chúng mày ăn uống gì như heo. Nhà
báo mà thế à? Đói bỏ mẹ, giữ ý cứt, hai ngày chạy mấy trăm cây số xe máy
đưởng rừng trong lũ lụt, bùn lầy chưa dập đầu xuống đường là may. Này,
góp tiền lại tối làm một nhát Karaoke nhé, nghe nói các em Quảng Bình
khá lắm hả. Làm tươi mẹ nó đi, Kara làm chi cho mỏi tay. Một nhát bao
nhiêu. Khoảng 100 ngàn thôi. Phan Phương rú lên: Phá giá, các anh phá
giá, 70 ngàn thôi, các anh mần rứa giết bọn em, sau này các em ấy đồng
loạt lên giá thì tiền lấy mô trả.
To mồm nhất là Dũng. Dũng nhìn tôi, nhìn Phong, nhìn Phương: các anh
viết sai bét hết, viết thế tỉnh nó đòi đánh lại là phải. Đói đâu, đứt
bữa đâu. Em chụp ảnh cả đống, ghi âm cả túi kia kìa. Chẳng qua lũ lớn,
chẳng qua cán bộ không ai ngó ngàng, chẳng qua bà con nghèo quá, không
có gạo ăn thì ăn khoai, ăn sắn, hết khoai hết sắn thi ăn cóc, nhái,
nòng nọc, củ rừng, đói thế đéo nào được.
He he he. Khức khức khức.
Tôi nói: Chúng mày vào với bọn tao rất vui. Nhưng mỗi thằng làm một
tờ báo. Chơi thì có thể như anh em nhưng viết thì theo quan điểm riêng,
chứng cứ riêng. Nếu thấy bà con không đói, đủ ăn, no, cứ viết. Nếu thấy
lãnh đạo các cấp Quảng Bình quan tâm đến dân thật, cứ viết. Nhưng chỉ
yêu cầu trung thực.
Hải thúc sườn vào tôi: Anh nói như họp.
Xuân Thành: Em viết còn ghê răng hơn các anh nữa.
Nam thủng thẳng: Dân đói thì viết dân đói, cán bộ thiếu trách nhiệm thì phản ánh thiếu trách nhiệm, có chi hè.
Liên tục mấy ngày sau, báo Thanh Niên, Công an, Thanh Tra, Dân
Trí…đăng hàng loạt bài khẳng định là trong và sau lũ, bà con ba thôn Ón,
Mò o ồ ồ , Yên Hợp là đói, là đứt bữa. cán bộ các cấp thiếu trách
nhiệm, không ngó ngàng đến nhân dân.
Nhiệt độ dư luận trong Quảng Bình lần nữa sôi sùng sục.
10 giờ 30 phút trưa, chuông điện thoại réo, tôi cầm máy. Tiếng con
gái Hà Nội nghe long tim: Em là Nhung ở Ban thời sự Đài Tiếng nói Việt
Nam. Anh Vinh đang ở đâu ạ?. Tôi hơi chột da, lại các em Hà Nội kéo vào
lúc này thì hơi phức tạp chỗ ăn, chỗ ngủ đây, vì kế hoạch của mấy anh
em là tiếp tục lên đường. Anh ơi, anh vào ô tô của anh đi, còn 15 phút
nữa em phỏng vấn trực tiếp anh nhé, anh nói hết, nói đầy đủ những gì các
anh đã chứng kiến trong ngày đầu tiên bơi trong lũ vào với bà con ba
thôn rẻo cao của xã Thượng Hóa. Bọn em đang lên sóng chương trình
chuyên đề cảnh dân đói, phê bình trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh Quảng
Bình, các anh là người đầu tiên bơi trong lũ vào với dân, các anh trả
lời nhé. Anh gọi anh Mình Phong đến nữa, sắp đến giờ lên sóng rồi anh.
Và chương trình thời sự trưa hôm đó, Đài tiếng nói Việt Nam đã làm một
chương trình kỹ càng, có tôi và Minh Phong trả lời. Minh Phong cười tít
mắt với Phan Phương: Cái giọng em Nhung nghe đã, răng gặp em được hè.
Tôi nói, tao tranh thủ điều tra rồi, tuổi em làm chị mày. Minh Phong trố
mắt ua chầu chầu.
Chương trình Thời sự của Đài tiếng nói Việt Nam lại thêm một đợt tấn
công vào những ai mưu toan bóp méo sự thật. Chưa hết, chiều hôm sau,
lúc 17 giờ, Đài tiếng nói Việt Nam lại có mục điểm báo gần 30 phút dành
nói về Sự kiện này.
Nhưng tin này còn vui hơn: Gạo cứu trợ đã về tận tay bà con vùng lũ
hàng trăm tấn. Không chỉ bà con ở ba thôn chúng tôi phản ánh, mà tất cả
các vùng bị ngập lụt gạo đã về. Phần lớn là gạo cứu trợ của cộng đồng xã
hội. Gạo, quần áo, thuốc men y tế, sách vở, lương khô, áo quần…
Tôi đập tay vào cái bụng tròn như bụng ếch của Minh Phong: Bây giờ
không phải chuyện thắng thua giữa anh em mình và mấy lão, đéo cần, dân
no là số 1
———————-
CM CỦA THUẬN NGHĨA(Cộng hòa LB Đức)
Dù rất bận, nhưng cũng phải ghé thăm để nghẹt thở theo Bọ. Chưa
kịp trả lời comment trong blogs mình, nhưng phải com với Bọ cái đã! Sự thật của Bản Rục như thế nào, từ entry đầu người đọc đã đoán
được. Chuyện xảy ra tiếp, về thực chất là không còn là một cuộc bảo vệ
Sự Thật nữa, mà là chuyện cánh nhà báo “Gan cóc Tía” tự bảo vệ mình
thông qua việc chứng minh bài viết của mình. Bản Rục có bị đói kiệt
trong 7 ngày lũ hay không? đó là mấu chất của vấn đề. Bọ chứng minh được
điều đó, phía Bọ thắng, Bọ và đồng nghiệp an toàn. Họ chứng minh Bản
Rục chỉ đói bữa, chứ chưa đói kiệt, họ thắng. Tôi nghĩ rằng viết những entry này mục đích của Bọ không phải dương
oai sự gan dạ của cách Nhà báo. Và cũng không phải kêu gọi lòng dũng cảm
của Nhà Báo. Vì ai cũng biết rằng Sự Dũng Cảm của Nhà Báo là xứ sở của
Sự Thật. Một xã hội muốn có sự công bằng, phải có một chế độ truyền
thông Công Bằng. Một hệ thống truyền thông Công Bằng, tất yếu phải có
những Nhà báo chiến sĩ, những ngọn bút anh hùng. Tôi có cảm nhận rằng, Bọ không ca ngợi sự Dũng cảm, mà Bọ muốn lý
giải một vấn đề : Dũng Cảm nhằm mục đích gì, Và Dũng cảm không phải là
Liều Lĩnh. Trong cuộc bảo vệ sự thật và bảo vệ mình này. Bọ đã chứng minh điều
đó. Mặc dầu có rất nhiều lúc Bọ và đồng nghiệp đã nói “Sợ đéo gì”. Nhưng
chắc chắn Bọ vẫn sợ. Cái hay là Bọ đã khá am hiểu về “Binh Pháp”. Bọ
biết cách “Tri bỉ, tri kỷ”, biết cách “Dĩ Dục Đãi Lao”, biết cách dụng ”
bốn lượng đãi ngàn cân”. Biết chờ thời, biết đưa “Ngọn Nhất Dương Chỉ”
ra lúc nào thì nhằm vào tử huyệt. Biến cái thế ngàn cân treo đầu sợi tóc
thành cái thế vững như bàn thạch. Đó mới là Anh (anh minh) và Hùng
(dũng cảm)= Anh Hùng. Mong rằng thế hệ đàn em trong làng báo nắm được
điều đó, Dũng Cảm mà không bảo vệ được chính mình, dù là vì mục đích gì
thì đó là sự liều lỉnh chứ không phải dũng cảm. Tui lại đặt tui vào địa vị của phía những người đối lập với Bọ. Nếu
tui không tự phụ vào quyền lực của mình, mà đầu tiên nhún nhường, xin
lỗi nhẹ nhàng trước, để cho cú “đánh” của phía Bọ đánh vào khoảng không,
rồi chờ thời cơ cho cánh Bọ chủ quan trong hào quang của chiến thắng,
tìm sơ hở quật ngược trở lại. Bọ “chết” là cái chắc! he he… Sắc bén, đúng sự thật, có lợi cho cộng đồng, nhưng phải đúng thời cơ
và điều quan trọng là bảo vệ được chính mình, đó mới là bản chất anh
hùng của Nhà báo. Hì hì chỉ mạn đàm cho vui, đừng quan trọng hóa nghe
Bọ!
MŨI TÊN ĐỘC Ai làm gì, mặc, hàng ngày chúng tôi vẫn tiếp tục đi về những vùng lũ
để đưa hàng cứu trợ( Người ngồi ngoài cùng, áo sọc là nhà báo Phan
Phương yêu mến của chúng ta, người mang máy ảnh hơi bị điệu chắc chắn là
Bọ Vinh rùi)
Có người lạc quan nghĩ, khi được hàng loạt báo ủng hộ chúng tôi,
khẳng định sự thật, phê bình gay gắt trách nhiệm của lãnh đạo Quảng Bình
thì coi như không còn gì bàn cãi nữa, thông tin của chúng tôi đã được
khẳng định.
Thậm chí thời gian này, lãnh đạo Quảng Bình cũng bắt đầu lúng túng,
không biết ứng xử với dư luận ra sao, trả lời báo chí thế nào. Minh
Phong hồ hởi, an tâm, ngủ một lèo cả ngày, bù những đêm trằn trọc, hôm
sau gặp tôi mắt sưng húp, cái bụng cóc tròn căng, nhìn đẫy đà và sức
lực. Phan Phương bước ra bước vào cơ quan báo Quảng Bình tự tin hơn.
Những đồng nghiệp cơ hội, xun xoe trước đó cũng bắt đầu cẩn trọng. Thái
độ, ý tứ phát biểu của lãnh đạo tỉnh thận trọng hơn. Chủ tịch tỉnh Phan
Lâm Phương gọi cho tôi nói có vài tờ báo muốn phỏng vấn anh. Tôi nói
chân thành, cái anh phải làm là xin lỗi dân một tiếng lúc anh lên đó,
anh đã không làm, thì đừng trả lời báo chí. Tính anh dễ kích động, họ
nói vài câu, anh nổi khùng phát biểu này nọ là vấp. Em không thích căng
thẳng như vậy. Còn nói thật với anh, em rất bất bình trước công văn của
tỉnh gửi Thủ tướng, hay nói trắng ra là rất dối trá. Em sẽ chứng minh
điều đó bằng chứng cớ với Thủ tướng. Tôi rất cáu nhưng nhẹ lời với anh
Phương, đơn giản là anh em chơi với nhau từ hàng chục năm. Anh cũng chỉ
phải làm theo chỉ đạo của Thường vụ. Thường vụ lại do ông Hà Hùng Cường
đứng đầu. Lúc này là lúc tôi cần chứng minh anh em chúng tôi viết Sự
thật có cơ sở, không viết càn, nói càn, mình đã có chứng cứ thì nặng lời
với nhau cũng chẳng ích gì.
Sau khi được bạn bè các báo chia lửa, tình hình dịu xuống.
Phan Phương, Minh Phong lại có vẻ hí hửng, cười cả ngày như đười ươi.
Càng vui, Phan Phương xoang mũi càng khịt khịt tợn.
Tôi nhắc hai em cảnh giác, phải chờ xem tình hình. Họ không dễ gì
nhận khuyết điểm đơn giản vì có nhiều bài phê bình đâu. Vấn đề là công
văn trả lời Thủ tướng vẫn nằm trên bàn Thủ tướng. Và dù nhiều báo ra
tiếp bài, thậm chí có những bài căng như dây đàn như bài của nhà báo
Trương Duy Nhất trên báo Đại Đoàn Kết, thì Thủ tướng cũng không có ý
kiến gì thêm, chứng tỏ, dù được chia lửa, dư luận nhẹ lòng, chúng ta
cũng nhẹ lòng, không thấy cô đơn, nhưng những gì Quảng Bình báo cáo lên
Thủ tướng vẫn còn nguyên giá trị …dối trá. Nên phải cẩn thận. Mấy anh em
hãy giả vờ như rất lúng túng, rất sợ bị kỷ luật, bị đuổi việc, phải
diễn cho giỏi vai trò này để ai đó thù chúng ta họ cũng thấy hả hê, mát
lòng.
Minh Phong cười cười, anh nói làm em thấy lạnh xương sống.
Phan Phương gật gù: Em cũng thấy rứa.
Báo Lao Động đưa cái tin nhỏ xíu: Công ty điện lực 3 ủng hộ 3 triệu đồng mua gạo cho bà con các thôn Ón, Mò o ồ ồ và Yên Hợp.
Tin ấy không còn ai để ý vì hàng ngày, nhiều báo đưa tin hàng trăm
đơn vị gửi gạo ủng hộ đồng bào lũ lụt Quảng Bình. Cái tin ủng hộ 3 triệu
không còn mấy ai quan tâm nữa vì rất bé so với hàng trăm tấn gạo cứu
trợ đã mang về.
Nhưng có một người để ý.
Anh ta là tác giả phản pháo đầu tiên trên báo Trung ương về việc chúng tôi thông tin sai sự thật.
Anh ta là người đã nói trúng cái mong muốn né tránh sai phạm của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình.
Anh ta cay cú vì nhiều báo khác và những cơ quan thông tấn lớn dù
lên Thượng Hóa sau anh ta nhưng vẫn viết bài khẳng định trong và sau lũ,
dân đói, chính quyền bỏ dân.
Và sau khi cái tin nhỏ bé kia trên báo Lao Động vừa ra, anh ta vội vã lên xã Thượng Hóa.
Anh ta hỏi ủy ban xã, anh Nguyễn Quang Vinh có mang 3 triệu đồng
tiền gạo của Công ty Điện lực 3 lên cho địa phương không. Xã nói không.
Anh ta mở sổ sách nhận hàng cứu trợ, dò từng chữ, cũng không thấy gạo
của Công ty Điện lực 3.
Anh ta về.
Mấy ngày sau anh Vương Văn Việt, Tổng Biên tập báo Lao Động gọi tôi
ra Hà Nội ngay. Anh đưa cho tôi xem lá đơn tố cáo. Đơn tố cáo mang tên
chính xác: Nguyễn Văn Ninh, phó giám đốc Dự án xóa nghèo huyện Quảng
Trạch, tỉnh Quảng Bình. Lá đơn tố cáo viết đầy chất điều tra, gửi khẩn
cấp lên Thủ tướng Chính phủ, Ban Bí thư, Tổng Liên đoàn Lao Động Việt
Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban biên tập báo Lao Động, Cục báo chí
Bộ văn hóa thông tin. Nội dung: Chúng tôi đã điều tra kỹ càng và có
chứng cứ xác thực rằng, nhà báo Nguyễn Quang Vinh, phóng viên báo Lao
Động đã lợi dung việc cứu trợ gạo cho đồng bào dân tộc, tham ô tiền.
Toàn bộ số tiền ủng hộ của Công ty Điện lưc 3 đã bị nhà báo Nguyễn Quang
Vinh xà xẻo trắng trợn. Một nhà báo như vậy có xứng đáng là nhà báo
không, có xứng đáng cầm bút viết tiêu cực không….Còn nhiều câu chữ mạt
sát bỉ ổi như vậy nữa.
Tôi biết ngay là anh ta. Anh ta dấu mặt, dùng Nguyễn Văn Ninh ký
tên, đóng dấu vào đơn. Vì anh ta tin rằng, chỉ cần cái tội này tôi đứt,
bị khởi tố.
Lá đơn cũng gửi đến công an tỉnh.
Và một tổ công tác của công an kinh tế lên đường.
Hơn thế, họ còn cử trinh sát ra làm việc với tòa soạn, với công ty điện lực 3.
Một vài cuộc họp cấp tỉnh đã bắt đầu xì thông tin Nhà báo Nguyễn
Quang Vinh ăn chặn tiền cứu trợ gạo. Những cú điện thoại hỏi tôi. Những
ánh mắt dò xét. Cả những lời chửi mắng tôi như chửi một con chó.
Những kẻ xấu hoan hỉ vì chẳng cần đao to búa lớn gì cũng tiêu diệt được Nguyễn Quang Vinh và hạ nhục cho bõ tức báo Lao Động.
Tôi điện cho anh ta, từ tốn hỏi, anh đi xác minh việc Vinh tham ô
tiền cứu trợ đấy à. Anh ta ấm ớ nhưng cũng công nhận. Tôi lại hỏi, anh
thông báo việc này để Nguyễn Văn Ninh viết đơn tố cáo đấy à. Anh ta ấm ớ
nhưng cũng công nhận.
Thế là rõ.
Tổng biên tập Vương Văn Việt hỏi tôi: Thật như đơn tố cáo không em?
Tôi nói : Thật.
Anh Việt hoảng: Thật?
Tôi nói: Họ điều tra rằng 3 triệu đồng tiền gạo chưa về xã Thượng
Hóa là thật. Nhưng họ đã rất vội. Báo ta đưa tin trước, nhưng gạo đã
chuyển ra cho em đâu mà bảo em đưa? Mà nếu em có đưa thì em cũng không
chuyển cho Thượng Hóa nữa vì gạo trên ấy nhiều quá, mà bà con dân tộc Mã
Liềng ở huyện Tuyên Hóa cần gạo hơn.
Anh Việt cúi nhìn lá đơn, vò lại, im lặng nhưng tôi biết là anh rất
căm phẫn sự vu cáo. Tôi nói, ta kiện thằng này ra tòa về tội vu khống
cho vui anh ạ. Ít ra thì cũng để công an điều tra khỏi mất thời gian.
Anh Việt nói, thôi, tập trung vào việc chính hơn em, để anh viết báo cáo
trả lời xác minh tất cả những nơi mà nó đã gửi đơn. Khốn nạn thật.
Bích Thủy, cán bộ văn phòng báo Lao Động tại miền Trung ở Đà Nẵng ấm
ức gọi cho tôi: Trời ơi, sao làng báo mình còn có kẻ khốn nạn thế anh?
Tôi nói, quê anh toàn người tốt, cát vẫn trắng, nhưng em ơi, dù cồn cát trắng mấy vẫn có cứt em ạ. Chấp làm gì.
Ạnh ta sau đó biết là anh ta bị hớ, cúi cúi mặt khi đối diện với tôi.
Tôi coi hành vi tố cáo có chủ đích kia như một mũi tên độc.
X X
X
Có những ý kiến thúc giục báo Lao Động khẩn trương đính chính.
Anh Việt nói, thành tích bơi vào vùng lũ, viết bài, trực tiếp cứu
trợ cho dân của em được Ban biên tập thưởng. Nhưng tiền thưởng phải treo
lại vì vẫn chưa có ý kiến chính thức của Thủ tướng về tính xác thực của
bài báo.
Một số đoàn công tác của Quảng Bình ra Hà Nội. Tích cực nhất vẫn là
Ban Tuyên giáo, vì họ là cơ quan tham mưu cho tỉnh về báo chí, họ muốn
các báo cải chính, và thực hiện hình thức kỷ luật phóng viên.
Một cuộc giao ban báo chí thường kỳ, bất ngờ xuất hiện tình huống,
một vị có trách nhiệm lên thông báo rằng, vừa qua các báo Lao Động,
Công an nhân dân, Nông thôn Ngày nay, Sài Gòn giải phóng đưa tin về lũ
lụt vùng đồng bào Rục tỉnh Quảng Bình là thiếu chính xác, bi kịch hóa
đời sống đồng bào, gây hiểu lầm, gây hoang mang, yêu cầu cải chính và xử
lý kỷ luật phóng viên.
Thông tin đó như là thông tin chính thức dù không có kết luận.
Anh Vương Văn Việt Tổng biên tập gọi cho tôi: Tình hình như vậy Vinh
ạ. Dù nhiều cơ quan báo chí viết bài khẳng định thông tin của chúng ta
đưa là đúng, nhưng họ vẫn cứ cột chặt chúng ta thông tin quá sự thật,
đòi cải chính, đòi xử lý phóng viên. Em ra Hà Nội ngay cho anh. Hàng
ngày anh cũng nhận nhiều điện thoại lắm, phức tạp lắm, không hiểu vì
sao, trong khi Thủ tướng vẫn chưa có ý kiến.
Nhưng sau đó một ngày, Văn phòng Chính phủ gửi thông báo truyền đạt ý
kiến chỉ đạo của Thủ tướng: Theo báo cáo của tỉnh Quảng Bình, đời sống
bà con dân tộc Rục, Mã Liềng, Sách ở xã Thượng Hóa tuy có khó khăn nhưng
không ai đói, không ai đứt bữa như báo chí phản ánh. Phóng viên các báo
đã bi kịch hóa thực tế, gây hiểu lầm, gây hoang mang trong du luận và
làm ảnh hưởng đến chính sách của Nhà nước về đồng bào dân tộc. Thủ tướng
yêu cầu các báo cải chính và xử lý phóng viên theo luật định.
Coi như hết đường.
Không ít những tiếng cười sảng khoái tiễn đưa sớm sinh mạng chính trị của 3 anh em chúng tôi.
Minh Phong buồn lắm, ngồi cúi mặt vào li cà phê.
Phan Phương không khịt khịt như ngày thường mà đưa tay xoa cho cái mũi đỏ lững.
Lại râm ran bàn tán.
Chúng tôi nhận được lời an ủi, chia sẻ và lời nói kháy, móc máy bằng nhau.
Ly cà phê có khi đắng như ly thuốc độc.
Tô Phán, Phó Tổng biên tập báo Lao Động, người từng cầm chịch trang
thời sự của báo, người từng tham chiến muôn vàn vụ tiểu cực, hiểu tôi
hơn cả, gọi điện: Vũ khí bí mật đâu?
Tôi cười.
Bây giờ thì Ban biên tập giao cho hai anh em mình rồi phải đối diện
với rắc rối rồi đây. Hoặc là bác nhận thưởng, uống bia hoan hỉ với anh
em, hoặc là bác chịu kỷ luật, báo mình mất mặt.
Tôi nói: Mình cũng chẳng cần tiền thưởng mà cũng chẳng bị gì hết.
Tô Phán: Thế à? Phải thế chứ. Kinh nghiệm điều tra mà, phải không bác, thông tin đưa ra cuối cùng mới là thông tin trói. He he
Tô Phán rất đằm tính, nói năng lịch lãm, có duyên, không băm bổ,
suốt ngày văng tục như tôi. Tôi thích cha này. Dù hắn là xếp, nhưng ngồi
với nhau, hai thằng nói đủ chuyện trên trời dưới đất, đéo mẹ đéo bọ ỏm
tỏi cả lên.
Tô Phán dặn: Ông chuẩn bị cẩn thận nhé, bảo vệ tài liệu đến mức cao
nhất có thể. Ra ngay. Tôi và ông cùng chuẩn bị báo cáo gửi Thủ tướng.
Tôi chia tay Phan Phương và Minh Phong. Hai thằng cứ bịn rịn, cứ
muốn đi theo tôi. Tôi bảo, chúng mày làm cái gì thế, cứ bình thường đi.
Tao đá cho mỗi thằng một phát bể dái đấy. Cười. Một. Hai. Ba.
Tôi thuê lái xe đánh xe tôi rời nhà sáng sớm nhưng tôi không ngồi trên xe.
Tôi đi tàu.
Làm thế ít ra cũng đánh lạc hướng.
Lúc này tính mạng chẳng quan trọng, chứng cứ tuyệt mật tôi mang theo
người quan trọng hơn nhiều. Cần phải bảo vệ chứng cứ, bảo vệ lòng tự
trọng của một người cầm bút, cái đó quý hơn tính mạng.
Tàu chạy. Tôi mua hai vé nằm ở 2 khoang khác nhau. Chứng cứ cũng cất
dấu ở hai giường nằm ở hai khoang khác nhau. Mất chỗ này, còn chỗ khác.
Tôi chốt chặt cửa khoang ngủ nhưng thức trắng suốt đêm ra Hà Nội.
CM CỦA Phan Chí Thắng ( Blogs Lão Hâm)
Thử viết tiếp: Tàu ra đến ga Hà nội lúc tờ mờ sáng, những ngọn đèn ngái ngủ sau một
đêm thức trắng rọi xuống con đường xe cộ qua lại tung những đám bui mù,
vài tờ bão cũ bẩn bay tấp vào vỉa hè… Bọ Vinh cúi sát vào bà bán xôi hỏi mua gói xôi lạc 2.000đ, để đưa mắt kín đáo quan sát xem có cái đuôi nào không. Cầm gói xôi, bọ nhảy ngay lên cái taxi vừa trườn tới: - Lên Anh Tú Nhật Tân! Gã lái xe taxi thầm nghĩ rằng ít ai lại đi ăn thịt chó vào cái lúc
tờ mờ sáng này nhưng gã ngán khuôn mặt giang hồ của bọ Vinh nên không
dám hỏi. Xe lên đến đường Thanh niên. Đường Thanh Niên chỉ đông vui
chiều tối, giờ này vắng tanh, đủ để bọ biết là không có “đuôi”. Bất ngờ
bọ kêu dừng xe, vội vã chui vào quán cafe ven hồ Trúc Bạch, gọi ly đen
đá. Rít thuốc lá, nhấm nháp thứ nước giải khát quen thuộc, bọ Vinh tận
hưởng những phút thanh bình còn lại trước khi bước vào cuộc chiến khốc
liệt nhất, cuộc chiến cuối cùng của chiến dich “Người Rục đói hay không
đói?” Bà chủ quán cafe tuổi đã xồn xồn, mặt bôi son phấn khá nặng, thầm
đánh giá người đàn ông gai góc đang nhâm nhi ly cà phê, thả khói thuốc
tan trên mặt hồ: “Nếu hắn là của mình…”. Bọ Vinh tinh quái cười với mụ: “Hôm nay anh bận, hôm khác ra Hà nội anh sẽ ghé thăm em”… Bắt một chiếc xe ôm về chợ Đồng Xuân, bọ Vinh đi xuyên qua chợ, sang Chợ Bắc qua, gọi tiếp một cái xe ôm nữa về Toà soạn.
KỲ 8
ĐIỂM TỰA
6 giờ sáng, Tô Phán gọi Bọ ra chưa. Tôi nói ra rồi nhưng tôi còn phải xử lý vài việc quan trọng, hẹn trưa gặp ở Tòa soạn.
7 giờ sáng, Nhung – phóng viên Ban thời sự Đài Tiếng nói Việt Nam
đợi tôi ở Trung tâm kỹ thuật. Tôi nói, Nhung ạ, có một vấn đề mình cần
Nhung giúp. Nhung hỏi luôn, có phải anh cần xủ lý băng ghi âm? Tôi gật
đầu. Băng ghi âm này bọn anh ghi trong một hoàn cảnh đặc biệt, nên tiếng
rất xấu. Tiếng này, anh em mình nghe thì được, nhưng để Thủ tướng nghe
thì không ổn. Nhung gật đầu, anh yên tâm, Đài em mới nhập thiệt bị lọc
tiếng cực kỳ hiện đại. Đi với em.
Tôi theo Nhung vào phòng kỹ thuật. Tôi đợi Nhung. Anh em Ban thời sự
nghe tin Bọ Vinh vụ Rục thì xúm đến. Nhưng tôi không còn lòng dạ đâu để
trò chuyện.
Một tiếng sau, Nhung cầm mấy cái đĩa CD ra, giọng phấn khởi. Tuyệt vời anh ạ. Nghe rõ cả từng tiếng thở. Anh nghe thử nhé.
Nhung cho tôi vào phòng máy đặc biệt.
Đoạn băng ghi âm này được ghi tại phòng họp riêng của tỉnh ủy Quảng
Bình. Có mặt Bí thư Hà Hùng Cường, Chủ tịch tỉnh Phan Lâm Phương, chủ
tịch huyện Minh Hóa Đinh Minh Chất ( nơi xảy ra vụ người Rục) và vài cán
bộ nữa. Cuộc họp này tổ chức ngay sau khi đoàn lãnh đạo tỉnh vội vã từ
nước ngoài về để thực hiện báo cáo theo công điện của Thủ tướng về nội
dung phản ánh một số bài điều tra trên báo Lao Động, Sài Gòn giải phòng
về chuyện trong và sau lũ, bà con người Rục đói, đứt bữa.
Đây là cuộc họp đầu tiên và quan trọng vô cùng, vì chính cuộc họp
này đã thể hiện được hai điều: Một là sự xác nhận của địa phương về tính
xác thực của bài báo, hai là thể hiện sự gian dối ngay từ phút đầu khi
lãnh đạo tỉnh cố sức ép lãnh đạo cấp dưới không được nói dân đói. Bằng
chừng này cho thấy, những thông tin điều tra của chúng tôi là đúng đắn,
và hành vi lấp liếm sự thật của lãnh đạo tỉnh lộ rõ.
Trích ghi âm:
-Lời ông Đinh Minh Chất (ĐMC), chủ tịch huyện Minh Hoá: Báo cáo
với lãnh đạo tỉnh: Xin báo cáo các anh lãnh đạo tỉnh, trước hết xin cám
ơn nhà báo. các anh đã vật lộn vất vã để vào được với đồng bào Rục
chúng tôi và tất cả nội dung bài báo viết về chuyến đi đã phản ánh được
cơ bản, sát thực tế đồng bào Rục, đồng bào mà trình độ phát triển thấp
nhất nước, do vậy được Thủ tướng đầu tư dự án 32 tỷ để bảo tồn đồng bào
này rất ít người còn lại.
-Ông Hà Hùng Cường (HHC) Bí thư tỉnh uỷ Quảng Bình: Nói đầy đủ xem, nói cơ bản sát tình hình.
-Ông ĐMC: Dạ. Sát tình hình. Báo cáo anh, tình hình đồng bào Rục, là
đoàn nào cũng thế, không chỉ có nhà báo, không biết các anh nhà báo vào
được mấy lần, nhưng mà chính thức có đoàn của chị Hoa Phó chủ tịch
nước, đoàn của Chủ tịch Hội nông dân, sau đó đoàn nào đến họ cũng kêu
như thế hết. Và thực tế trong dân thì dân ở đó….
-Ông Phan Lâm Phương (PLP) Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình: Ê. Cái này
tôi nói việc đồng bào Rục mà đồng bào khó khăn là người ta biết rồi.
Nhưng đây tôi muốn nói tình hình vừa qua để như thế báo chí người ta nêu
đúng không chứ còn ông cứ nói thẳng theo việc đó, hai là đừng có nói là
đồng bào người ta kêu như rứa, đồng bào kêu là không được, mình nói rứa
là không được, trách nhiệm của mình sao thì mình cứ nói cho khách quan,
tình hình sau lũ bão, báo nêu như thế này có đúng không? Anh phản ánh
khách quan cho tôi, còn sau đó mình nói trách nhiệm sau, bàn sau, trách
nhiệm của tỉnh như thế nào, trách nhiệm của huyện như thế nào? Trách
nhiệm của các ngành mình nói sau. Nhưng bây giờ, anh bây giờ, tôi nói
khách quan báo nêu như thế này có đúng không. Nói thế cái đã. Thực tế
cái việc sau chứ không nêu chung riêng, ai lại không biết đồng bào Rục
nhà không có, mới ở trong hang ra, đói kém.
-Ông ĐMC: Dạ. Báo cáo đồng chí chủ tịch là, Thiếu gạo rồi là thiếu
thức ăn là có thiếu như bài báo là có thiếu chứ không có đủ, lúc nào
cũng thiếu, thực sự là như vậy. Thứ hai nữa là ở chính quyền thì chúng
tôi chưa kịp cách nào vào được bằng nhà báo. Cái đó là đúng. Chúng tôi
vẫn chưa vào được. Bởi vì lúc nhà báo đi đúng như phản ánh trên báo, tức
là chỗ bơi ngập gần 2 cây số, hôm qua chúng tôi đi thì hơn 1 cây, hôm
trước thì hơn 2 cây số và đúng như vậy. Riêng việc mà để cho bà con chết
đói thì không. Trong đó chúng tôi có một trạm biên phòng, biên phòng
này là trách nhiệm chúng tôi giao cho đồng chí trưởng đồn là thông tin
với đồn và thông tin về địa bàn huyện. Cho nên thông tin hàng ngày là
cập nhật thông tin chứ không phải không cập nhật. Thì vẫn bình thường.
-Ông PLP: Như thế trong này là ông vẫn công nhận vẫn nói cái đói, cái thiếu đói là có, còn chết đói không có.
-Ông ĐMC: Tui vẫn tin rằng, thấy rằng không ai bị chết đói, không ai bị
chết bão, không ai bị chết lụt, khẳng định như thế, còn đói thì đói vẫn
triền miên đói, trăm phần trăm hộ đói, mà đợt bầy tui đã thống kê báo
cáo với tỉnh, ban dân tộc miền núi cũng thống kê rồi, báo cáo các anh
tại sao có là vì dự án 32 tỷ là hết năm 2006 không có nữa đâu, nên không
có viện trợ hàng năm nữa, các năm trước có viện trợ anh ạ. Cho nên có
cấp đầy đủ nhưng mà năm 2006 là không có…
-Ông PLP: Thôi thôi thôi. Cái đó ông nói sau. Nhưng mà ông là chủ
tịch một huyện, mà ông không báo cáo với uỷ ban, mà ông nói là ông xin
trăm tấn gạo mà người ta viết trong báo ông xin trăm tấn gạo, năm mươi
tấn muối, ông xin ba trăm tấn gạo hoặc một ngàn tấn cũng đủ năng
lực..Báo chí bơi được, anh là chủ tịch huyện mà anh không vào được thì
anh phải tìm cách khác vô nắm tình hình cái đã, còn việc có đưa đến các
thứ thì nhờ tỉnh, tỉnh không có thì nhờ Trung ương, một chiếc trực thăng
thì thả xuống đó thì có gì đâu mà Quân khu không cho một chiếc trực
thăng được.
-Ông ĐMC: Dạ không. Nhà báo hỏi, bây giờ cần kíp nhất là thế nào thì
em nói rứa thôi. Năm nay là năm lớn nhất cho nên ngoài dự kiến của
huyện, thực sự, bây giờ lũ của hai cơn bão số 5, số 6 kề liền nhau, chưa
khắc phục được số 5 thì bão số 6 đến, cho nên thời gian có lâu thiệt,
ngoài sự chủ động của huyện
-Ông HHC: Tỉnh có ai lên kiểm tra lũ lụt không?
-Ông ĐMC: Báo cáo đồng chí Bí thư, anh Bính (Phó Bí Thư) anh Thu
(Trưởng ban dân vận) có lên, không đi được đâu hết.
-Ông HHC: Thông tin về việc dân đói và thiếu ăn như thế nào?
-Ông ĐMC: Vì nó đói triền miên ra rứa.
-Ông HHC: Đói triền miên là khác, sao lại đói triền miên? Nói vô
trách nhiệm. Tỉnh nói không có hộ đói. Khẳng định là không hộ đói, tại
sao lại đói triền miên, có nghĩa là còn hộ đói. Còn thiếu ăn là có.
-Ông PLP: Tôi nói với anh Chất như thế này. Cái đói của mình là đói
trong chương trình xoá đói giảm nghèo. Còn báo chí người ta nêu là đói
lả, đói sắp chết…Còn đói bình thường thì nói thế sao được…Trong khi ông
nói ngày nào ông cũng biết, ngày nào ông cũng đi, nhưng mà cuối cùng cái
này tôi về tôi cũng nắm qua, trong cuộc họp và tôi cũng dành gần hết
cuộc họp để nói về tình hình lụt bão của tỉnh, dành nửa thời gian nói về
tình hình bão lụt nhưng mà cũng không ai nói với tôi, anh Hoài (Phó chủ tịch tỉnh) cũng không nói với tôi, tôi đi (Đi Lào cùng đoàn lãnh đạo của tỉnh vào ngày 2.10)
tôi giao cho anh Hoài ở nhà và anh Bính ở nhà cũng không bám được tình
hình đồng bào Rục, trước hết tôi nói thông tin cái đã, anh nắm tình hình
đồng bào cái đã, còn việc xử lý nói sau. Các anh báo rồi mà tỉnh không
xử lý là trách nhiệm của tỉnh. Nhưng mà các anh không báo…
-Ông HHC: Bây giờ anh nói hôm qua đoàn của huyện mang theo những gì cho đồng bào Rục?
-Ông ĐMC: Dạ, báo cáo anh, đoàn của huyện giúp cho đồng bào 1,5 tấn
gạo, 600 gói mỳ tôm, một số mỳ chính, bột canh, mỡ nấu, dầu hoả. Bọn tôi
đã vận chuyển vô đến 10 giờ đêm (8.10) mới xong.
-Ông HHC: Thế hôm qua thì bà con thế nào?
-Ông ĐMC: Bà con phấn khởi anh ạ, thấy gạo là phấn khởi.
-Ông PLP: Vùng trong nước rút hết chưa?
-Ông ĐMC: Dạ chưa, trong vùng Mò o ồ ồ vẫn chưa. Bọn em tăng bo đủ
kiểu. Tui thì tui vô trong nớ liên tục, chỉ có đợt ni không có phương
tiện mà vô. Tui vô đó tui hỏi có nhà nào đứt bữa không, họ nói không đứt
bữa mô chú ạ, nhưng mà là thiếu gạo, nói rõ như rứa, đứt bữa là không
đứt bữa nhưng mà thiếu gạo.
-Ông HHC: Không đứt bữa?
-Ông ĐMC: Dạ, không đứt bữa nhưng mà thiếu gạo thì thiếu. ở đó còn có sắn, sắn ở đó ngon nữa. (Tiếng ai đó: Đồng bào ở đó lâu nay ăn sắn). Lâu nay ăn sắn, ngô làm bồi.
X X
X
Tô Phán Phó Tổng biên tập báo Lao Động nghe lui nghe tới mấy lần băng ghi âm này và nhìn tôi: Thắng rồi.
Rồi kéo tôi lại máy tính. Tôi đã viết xong báo cáo gửi Thủ tướng.
Thêm chứng cứ cuối cùng này là ổn. Băng ghi âm này vô cùng quan trọng,
nó khẳng định hai điều: Lãnh đạo các cấp ở Quảng Bình đã thiếu trách
nhiệm, cho bà con đói, đói triền miên. Hai là cái cách ép Chủ tịch huyện
không được nói dân đói thì quá rõ rồi. Chất lượng ghi âm rất tuyệt.
Nhưng vì sao các ông ghi âm được cuộc này, tớ nghĩ là một cuộc họp kín…
Tôi cười.
Tô Phán pha tôi ấm trà ngon rồi tiếp tục ngồi vào máy tính để chỉnh sửa lần cuối cùng báo cáo gửi Thủ tướng.
Anh nói: Tôi chấp bút báo cáo, nhưng anh Việt sẽ ký. Thủ tướng dù
rất bận với Hội nghị Apec nhưng vì Thủ tướng rất tin cậy và quý mến Báo
Lao Động , do đó đúng 6 giờ chiều nay, tại phòng làm việc của Thủ tướng,
chúng ta sẽ cho Thủ tướng nghe hết đoạn băng ghi âm quan trọng này để
Thủ tướng hiểu rằng, báo cáo vứa qua của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình với
Thủ tướng là gian dối.
Chỉ như thế thôi là được.
Việc còn lại là thái độ chỉ đạo của Thủ tướng.
Nhưng mình tin, với báo cáo và chứng cứ sắt thép này, mình tin, lãnh đạo Quảng Bình không thể cãi…
Tô Phán nói chậm, chắc, mạnh mẽ. Tôi cầm trong tay bản báo cáo gửi Thủ tướng, đọc liền một mạch và gật đầu đồng tình.
Trích Báo cáo của Bảo Lao Động gửi Thủ tướng Chính phủ.
Kính gửi: Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng
Thủ tướng nước chxhcn Việt Nam
Đồng kính gửi : – Ban tư tưởng văn hoá trung ương
- Bộ văn hoá thông tin
- Văn phòng Chính phủ
- Văn phòng Trung ương Đảng
-Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam
-Hội nhà báo Việt Nam
-Cục báo chí Bộ văn hoá thông tin
-Cục báo chí ban ttvh trung ương
Đầu tháng 10/2006, báo Lao Động cùng một số báo đưa thông tin đồng
bào Rục ở miền núi tỉnh Quảng Bình bị đói vì thiếu gạo 3 tháng, phải
ăn sắn, bắp, thậm chí ăn cả củ rừng. trong khi đó lãnh đạo xã, huyện,
tỉnh không lên vùng người Rục định cư để nắm tình hình, chỉ đạo kịp
thời công tác cứu đói. Qua thông tin từ báo chí, Thủ tướng chính phủ đã
yêu cầu lãnh đạo tỉnh Quảng Bình báo cáo sự việc, nhanh chóng cứu trợ
không được để bà con bị đói. ngay sau đó, các báo và các tổ chức nhân
đạo đã chở gạo lên cứu đói bà con người Rục. Cũng do báo chí và sự chỉ
đạo kịp thời của Thủ tướng, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình mới tổ chức đưa
gạo lên cứu trợ bà con.
Tuy nhiên, khi báo cáo Thủ tướng thì các đồng chí lãnh đạo tỉnh
ủy và ubnd tỉnh Qủang Bình chỉ thừa nhận việc đồng bào Rục thiếu gạo
nhưng không bị đói, không đứt bữa như các báo đã thông tin. Theo lập
luận của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, lương thực chính của người Rục là
sắn, bắp, nên việc thiếu gạo không thể nói là đói, là đứt bữa được.
….. Tại văn bản số 140- cv/tu ngày 31/10/2006 gửi Ban ttvh tư, Bộ
vhtt, Văn phòng Trung ương Đảng, hội Nhà báo VN, Tổng lđlđ VN, báo
Lao Động…, tỉnh uỷ Quảng Bình khẳng định: thông tin phản ánh trên
báo Lao Động là “không chính xác, không trung thực, thậm chí bi kịch
hoá, thê thảm hoá tình hình địa phương, gây hậu quả lớn, thậm chí
nghiêm trọng trong dư luận trong nước và quốc tế” .. .; “ những thông
tin đó đã ảnh hưởng không tốt đến việc thực hiện chính sách dân tộc
trên địa bàn tỉnh, nhất là thời điểm chuẩn bị hội nghị Apec”.
Kết luận của tỉnh uỷ Quảng Bình như vậy là một kết luận rất nặng
nề mang tính quy chụp về chính trị đối với một tờ báo chính trị- xã
hội có uy tín trong xã hội, suốt 77 năm qua được Đảng, Nhà nước và công
đoàn giao cho nhiều nhiệm vụ phục vụ cách mạng và đã hoàn thành suất
sắc. Vì vậy, báo Lao Động thấy có trách nhiệm phải báo cáo các đồng
chí toàn bộ sự việc.
Sau khi kiểm tra hồ sơ ( tài liệu, băng ghi âm, ảnh chụp… của
phóng viên có mặt tại chỗ ) và đối chiếu với các hồ sơ, tài liệu liên
quan, báo Lao Động xin trân trọng báo cáo như sau:
1/ Phóng viên báo Lao Động đã vượt lũ đến với đồng bào Rục (khi
chính quyền địa phương chưa hề biết việc thiếu đói của bà con) trực
tiếp chứng kiến thực tế tình hình thiếu đói của bà con:
Ngày 6/10/2006, phóng viên báo Lao Động và phóng viên của một số
báo khác dùng săm ô tô cũ vượt lũ vào với đồng bào Rục trong khi chưa
hề có một cán bộ nào của xã, huyện và tỉnh đến với bà con. Phóng viên
nắm bắt tình hình đời sống khó khăn, thiếu đói của bà con ở bản Ón
trước và sau lũ bằng mắt quan sát, bằng việc hỏi bà con, bằng các cuộc
làm việc với phó thôn, trưởng thôn.
Thực tế là đã ba tháng qua, bà con không có một hạt gạo nào; hai
bản Ón và thôn Mò o ồ ồ của người Rục thậm chí sắn, ngô cũng hết, hoặc
còn lại rất ít, nhiều người dân phải đi đào củ mài, củ nhút, ăn nòng
nọc, 10 hộ gia đình đói quá phải trở vào hang đá sống trở lại theo cách
hái lượm. Những gia đình khác thì đi mót sắn. Thôn Yên Hợp khá hơn,
nhiều nhà còn sắn, ngô nhưng gạo thì nhiều tháng nay cũng đã hết. Thôn
Ón vay bộ đội biên phòng cắm bản 50 kg gạo, chia cho mỗi gia đình một
lon gạo nấu cháo cho các cháu nhỏ. Nhiều gia đình trống hoác, thức ăn
hàng ngày chỉ là những nắm sắn, rau rừng, củ mài, rất ít nhà ở bản Ón,
Mò o ồ ồ có ngô. Một số người của các gia đình nằm lả trên manh
chiếu rách giữa nhà, không ít người mệt lả vì thiếu đói. ( xin gửi
kèm theo nội dung băng ghi âm lời nói của các bộ thôn và bà con
người Rục) .
2/ Ý thức chính trị của báo Lao Động :
Báo Lao Động xin khẳng định, những thông tin mà báo phản ánh về tình trạng thiếu đói của bà con đồng bào Rục là chính xác.
Báo Lao Động có ý thức trách nhiệm chính trị rất rõ: báo chí phải
dũng cảm lao vào điểm nóng, vượt qua lũ lớn, đến với dân, vừa viết bài
phản ánh để các cấp chính quyền và nhà nước quan tâm cứu trợ cho dân,
vừa kêu gọi sự giúp đỡ của toàn cộng đồng, vừa trực tiếp mang vác gạo
cùng dân để cứu trợ. Cụ thể, song song với việc đăng báo về sự việc
này, báo Lao Động đã làm việc và đề nghị lãnh đạo huyện có biện pháp
và phối hợp với Quỹ tấm lòng vàng của báo Lao Động để cứu trợ đồng
bào.
Việc làm của báo Lao Động và các cơ quan báo chí khác đã có kết
quả: Thủ tướng có công điện yêu cầu lãnh đạo tỉnh cứu trợ cho đồng bào,
sau đó lãnh đạo tỉnh Quảng Bình tổ chức cứu trợ. Đồng thời các cá
nhân, đơn vị trong cả nước cũng tham gia cứu trợ cho đồng bào . Đồng
bào dân tộc thiểu số ở các thôn, bản trong tỉnh Quảng Bình vừa rồi đều
được cứu trợ đồng loạt. Như vậy báo chí đã tác động tích cực đến cuộc
sống khó khăn của bà con dân tộc ở Quảng Bình sau lũ. Khi Chính phủ,
chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, báo chí quan tâm không
để người dân tộc ít người bị đói, thì đó là càng củng cố chính sách đại
đoàn kết dân tộc của đảng và nhà nước ta.
Thông tin sự việc và giúp cho cấp uỷ, chính quyền địa phương biết
tình hình thiếu đói của người dân tộc thiểu số, từ đó cấp uỷ, chính
quyền có biện pháp cứu trợ bà con kịp thời , không để xảy ra hậu quả
lớn, không làm ảnh hưởng đến chính sách dân tộc của đảng và nhà nước –
đó chính là ý thức chính trị cao của ban báo lao động.
……………….
3/ Sự thiếu trách nhiệm của cấp uỷ và chính quyền địa phương:
Suốt thời gian diễn ra lũ do bão số 5, số 6 trong năm 2006 gây
ra, mặc dù bị thiếu đói như vậy nhưng bà con người Rục chưa hề được
xã, huyện và tỉnh trợ cấp gạo. ngay trong những ngày lũ do con bão số
6, không có vị lãnh đạo nào của xã, huyện và tỉnh vượt lũ vào với bà
con. Khi phóng viên báo Lao Động phản ánh tình trạng thiếu đói của bà
con đồng thời đề nghị huyện tổ chức cứu trợ, ngày 8/10/2006 chủ tịch
ubnd huyện Minh Hoá- đồng chí Đinh Minh Chất – đã tổ chức thuyền, lực
lượng mang vào cho bà con 1,5 tấn gạo và mỳ tôm.
Ngày 8/10/2006, Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu lãnh đạo
tỉnh Quảng Bình kiểm tra tình hình, khẩn trương cứu đói cho bà con người
Rục, thì cuối giờ sáng 9/10/2006, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình mới họp để
nắm tình hình và ngày 10/10/2006 mới tổ chức đoàn vào kiểm tra đời sống
đồng bào Rục.
Điều đáng nói là tại cuộc họp ngày 9/10/2006, đồng chí Bí thư tỉnh
uỷ và đồng chí Chủ tịch ubnd tỉnh đã có những biểu hiện ngăn không cho
chủ tịch ubnd huyện Minh Hoá báo cáo đúng sự việc dân thiếu đói ( xin
gửi nội dung băng ghi âm kèm theo). và vào thời điểm lãnh đạo tỉnh
đến với bà con người Rục là khi nước lũ đã rút hết, xe ô tô có thể vào
sát bản. Và cũng lúc này – sau 4 ngày được báo chí và các tổ chức xã
hội cứu trợ, bà con đã có gạo ăn no - tỉnh mới đưa gạo, muối, thực
phẩm vào cho bà con. Trong khi tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh, bà con đã
phản ánh : mất mùa ba năm nay, mỗi năm chỉ đủ ăn vài ba tháng, con lại
bà con bị đói, bị thiếu gạo, có gia đình phải ăn củ mài, củ nhút, vào
cả hang đá sống kiểu hái lượm. có người dân bản còn đề nghị được dẫn
lãnh đạo tỉnh vào hang để thấy bà con sống thế nào
Cũng trong ngày đó, khi phóng viên báo Lao Động gặp bà con, bà
con cho biết lãnh đạo xã yêu cầu khi lãnh đạo tỉnh đến thì bà con
không được nói là đứt bữa, không được nói bị đói . Chưa biết ai chỉ
đạo cán bộ xã làm việc đó, nhưng rõ ràng có những biểu hiện cán bộ
bắt dân nói dối để che dấu sự thật.
Trách nhiệm của lãnh đạo các cấp của tỉnh Quảng Bình là rất lớn:
người Rục bị thiếu đói kéo dài mà cán bộ huyện, tỉnh không biết ; lũ
lớn ập đến, dân bị lũ cô lập, bị đói và đứt bữa nhưng lãnh đạo tỉnh,
huyện không hề nắm được thông tin; hai cán bộ tỉnh có lên sau lũ nhưng
nhìn nước lũ rồi quay về; khi báo chí nêu và khi Thủ tướng yêu cầu
cứu trợ cho bà con lãnh đạo tỉnh mới họp để nghe báo cáo và sau đó mới
lên tìm hiểu, kiểm tra. một trong việc làm đáng trách sau đó là lãnh đạo
tỉnh tìm cách phản bác lại thông tin báo chí đưa để né trách trách
nhiệm của mình.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Bình khi báo cáo Thủ tướng đã lập
luận rằng : đồng bào Rục chỉ thiếu gạo chứ không bị đói, không đứt bữa
như các báo đã thông tin. lương thực chính của người Rục là sắn, bắp,
nên việc thiếu gạo không thể nói là đói, là đứt bữa được. Thực tế,
cách lập luận này của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình suy cho cùng là nhằm
né tránh trách nhiệm trước việc để đồng bào Rục bị thiếu đói kéo dài.
nếu các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Bình khẳng định đồng bào Rục
không thiếu đói, báo Lao Động đưa tin sai sự thật, vậy tại sao sau khi
báo phản ánh, lãnh đạo tỉnh lại phải khẩn cấp đưa gạo vào cứu trợ bà
con ?
Chúng tôi còn có thể viết sâu về những bất cập, sai phạm khi thực
hiện của dự án định cư cho đồng bào Rục Quảng Bình. vì sự thiếu trách
nhiệm của chính quyền các cấp ở Quảng Bình, dự án cho đến nay có thể
nói là đã thất bại, gây lãng phí tiền bạc của nhà nước mà đồng bào vẫn
rất khó khăn, vẫn phải ăn sắn, ăn ngô thay cơm, vẫn phải hái lượm. Đó
là điều khó có thể chấp nhận được.
Từ năm 1930 chúng ta có Đảng. từ năm 1945 ( cách đây hơn 60 năm)
chúng ta có chính quyền cách mạng. Suốt gần một thế kỷ qua, Đảng và
Nhà nước ta đặc biệt quan tâm chăm lo đời sống bà con dân tộc thiểu
số. trong tất cả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ ,
trong các văn bản pháp luật của chúng ta đều thể hiện tinh thần này.
Và thực tế, nhà nước đã dành rất nhiều ngân sách để chăm lo cho bà
con. tỉnh Quảng Bình có đủ các cấp uỷ, chính quyền , thế nhưng đồng
bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là bà con người Rục lại sống cực khổ,
thiếu đói như vậy, là không thể chấp nhận được. Hơn nữa, tộc người Rục
được phát hiện từ năm 1960, sau 46 năm hoà nhập cộng đồng các dân tộc
Việt Nam mà người Rục vẫn “không quen” ăn gạo, chỉ ăn sắn, ăn bắp như
lãnh đạo tỉnh Quảng Bình khẳng định, lại càng không thể chấp nhận
được.
……………………….
Kiến nghị:
Qua sự việc này, báo Lao Động kính đề nghị :
- Chính phủ cho kiểm tra lại chương trình giải quyết lương thực lâu
dài cho người Rục để điều chỉnh, có biện pháp khả thi hơn, phù hợp
hơn với thực tế.
- Các cơ quan có thẩm quyền chấn chỉnh tình trạng thực hiện không
hiệu quả của chính quyền các cấp ở Quảng Bình trong quá trình thực
hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các
dân tộc thiểu số, trong đó có người Rục.
- Đề nghị Chính phủ cử đoàn kiểm tra làm rõ thái độ thiếu trách
nhiệm của cấp uỷ, chính quyền các cấp ở Quảng Bình trong việc để cho
đồng bào Rục bị thiếu đói, nhất là trong thời gian bị bão, lũ. bởi vì
việc lãnh đạo tỉnh Quảng Bình kiểm tra và kết luận đồng bào người Rục
không bị thiếu đói như báo chí nêu, là không thuyết phục.
-Chính phủ giao cơ quan có thẩm quyền khoa học tiến hành khảo sát,
nghiên cứu vấn đề người Rục cần gạo hơn hay cần sắn, ngô hơn để ra kết
luận về lương thực chính của người Rục hiện nay là gạo hay sắn, từ đó có
kế hoạch phù hợp trong đầu tư cải thiện cuộc sống cho bà con người Rục.
- Cử đoàn kiểm tra chất lượng các dự án đã đầu tư cho đồng bào Rục (
2 năm với vốn đầu tư 32 tỉ đồng nhưng đang được đánh giá là không có
hiệu quả), để điều chỉnh, xử lý những tồn tại, thiếu sót, nếu người
nào sai phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
- Báo Lao Động xin được đưa thông tin công khai trên mặt báo về
những yếu kém, sai phạm trong việc thực hiện triển khai dự án đầu tư
cho đồng bào Rục ( vốn đầu tư 32 tỉ đồng), đồng thời sẽ tranh luận công
khai trên báo với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình về tình hình thiếu đói của
đồng bào Rục.
Báo Lao Động trân trọng báo cáo các đồng chí và xin ý kiến chỉ đạo .
Kính chúc các đồng chí mạnh khoẻ.
Tm Ban biên tập Báo Lao Động
Tổng biên tập
Tiến sĩ Vương Văn Việt
X X
X
Công văn, báo cáo, những chứng cứ đã được giao trực tiếp cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Tôi an lòng quay về Quảng Bình.
Tô Phán nói rằng, Thủ tướng đã hiểu rõ toàn bộ sự thật. Việc còn lại
là chờ ý kiến chỉ đạo cuối cùng. Nhưng như thế là chúng tôi đã đủ tự
tin để nói rằng, chúng tôi đã trói lãnh đạo tỉnh Quảng Bình vào trách
nhiệm, không thể nào chối bỏ.
Cuộc chiến đang đi vào hồi kết.
Chúng tôi có hai điểm tựa quan trọng: Ban biên tập Báo Lao Động và chứng cứ.
Nhưng sự việc không kết thúc hoàn toàn ở đây.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Cục Báo chí tổ chức cuộc gặp tay đôi giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và các báo.
Vẫn tưởng đó chỉ là cuộc gặp gỡ để ” thông cảm”.
Nhưng không. Đó là một cuộc gặp gỡ nóng bỏng. Cuộc gặp để chứng minh QUYỀN LỰC CỦA SỰ THẬT
KỲ 9
QUYỀN LỰC CỦA SỰ THẬT
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Cục Báo chí, Ban văn hoá Tư tưởng Trung
ương, Văn phòng Chính phủ tổ chức cuộc gặp giữa các báo viết về vụ đồng
bào Rục đói, đứt bữa trong và sau lũ, quen gọi là ” vụ Rục” với lãnh đạo
tỉnh Quảng Bình.
Một cuộc gặp tổ chức quá muộn nhưng dù thế nào thì có nó cũng hơn không.
Đến cuộc này, hai bên có hai tâm trạng: Phái báo chí thì mạnh mẽ,
phấn khởi, tự tin, phía lãnh đạo tỉnh Quảng Bình thì bắt đầu bối rối (
vì vậy đoàn Quảng Bình chỉ cử ra những cán bộ nghe mà không quyết: Một
phó chủ tịch tỉnh, một trưởng ban tuyên giáo, một đồn trưởng đồn biên
phòng) còn các báo thì chủ yếu là Tổng biên tập, phó Tổng biên tập.
Trong 3 anh em chúng tôi, chỉ có Phan Phương có mặt trong cuộc họp này.
Tôi không ra vì chỉ cần Phó tổng biên tập của tôi: Nhà báo Tô Phán là quá đủ.
Báo Sài Gòn giải phóng cũng là lãnh đạo báo, họ cũng không cần Minh Phong có mặt.
Đó là thể hiện sự tự tin.
Riêng Phan Phương, là phóng viên báo Quảng Bình, cộng tác viên báo
Công an, nên anh Hữu Ước cho gọi Phan Phương ra để cùng anh đến cuộc
gặp.
Thấy chỉ có mình được mời, Phan Phương rất ” kiêu”, chia tay chúng
tôi tại quán cà phê, Phương khịt khịt mũi khoe: Chú Ước còn gửi giấy mời
cho em dự Đại lễ 60 năm báo Công an ra số đầu, có chương trình ca nhạc
các em chân dài ở Nhà hát.
Minh Phong nheo mắt: Nhà báo nhớn có khác.
Tôi nói: Mày đừng phát biểu gì, chỉ cần khịt khịt như vậy thôi.
Minh Phong: Khịt khịt thế họ lại tưởng có con khỉ ở bản Rục về dự.
Ba anh em ha hả cười.
Thời gian này ở Quảng Bình im ắng. Nếu có ai nói đến chuyện đồng bào
Rục đói thì chỉ là thì thầm. Các cuộc họp cũng không ai bàn đến. Kiểu
như ngày hôm qua không có chuyện gì xảy ra.
Chúng tôi cũng giữ thái độ bình thường.
Cuộc đời làm báo, chuyện này bình thường, chẳng cay cú, cũng chẳng
hoan hỉ. Chỉ biết bà con no đủ, thậm chí là số gạo cứu trợ này nếu tổ
chức phân phối tốt, có thể giúp bà con đủ lương thực ăn vài năm.
Đó mới là kết quả.
Còn chuyện lãnh đạo, nếu Trung ương thấy lãnh đạo tỉnh có sai phạm
thì kỷ luật, mà thấy cần rút kinh nghiệm thì cũng chẳng sao cả, vì đó
không phải là mục đích bài viết của chúng tôi. Nhưng chúng tôi phải
chứng minh chúng tôi viết đúng vì đơn giản đó là lòng tự trọng của người
cầm bút và chúng tôi trên cả tư cách công dân và tư cách một người làm
báo, chúng tôi không cho phép ai dối trá với nhân dân mình.
Tôi yêu cầu Phan Phương, mày phải ghi âm hết cuộc gặp đó, chẳng làm
gì nhưng ít ra thì ở nhà bọn mình cũng nắm chắc chắn toàn bộ nội dung,
để biết thôi chứ nghe mày kể, câu đực câu cái, không sướng.
Tôi đưa cho Phan Phương cái máy ghi âm tuyệt hảo.
Máy ghi âm này có thể ghi âm được cuộc nói chuyện kéo dài ….3 ngày.
Phương đi.
Hôm sau tôi nói với Minh Phong, bỗng dưng nhớ thằng Phương, cái thằng
hiền như cục đất, ai nói gì oan , cãi mãi vẫn không ra lời, thế mà với
vụ Rục tỏ ra mạnh mẽ can trường ghê gớm. Làm phóng viên một tờ báo địa
phương mà nó không ngại ngần. Viết cho báo tỉnh mình, toà soạn sợ không
dám in, bài bị bóc khi lên khuôn, đã dũng cảm viết cả cho báo Công an
nhân dân và báo Nông thôn Ngày nay, cốt là cùng chúng tôi thông tin một
sự thật thật nhanh đến người đọc. Phương chưa vợ. Yêu nhiều nhưng yêu em
nào cũng chỉ loanh quanh mấy quán cà phê, mấy quán chè thập cẩm, nên
các em..chán. Minh Phong khích: Mày ngu. Yêu rồi thì khẩn trương hun
ngay. Hun rồi thì khẩn trương nắm lấy vú ngay. Mày cứ khịt khịt ở quán
chè, quán cà phê thì các em …biến là phải. Phương tự ái: Kệ tau. Tôi
can: Thôi, rồi sẽ có em đến ôm cứng lấy nó bắt hiếp là xong. Rồi một hôm
có đoàn sinh viên báo chí Huế ra Quảng Bình thực tập. Bốn em ở một
phóng trọ. Mất cắp hết. Phan Phương lao đến giang tay hào hiệp, chiêu
đãi bốn em hai ngày cơm bụi, lại tặng cho em Uyên 200 ngàn về lại nhà để
xin tiền mẹ. Cảm động trước cái tình của Eng Phương, Em Uyên iu…Tưởng
chơi chơi hoá ra chúng nó yêu thật. Tôi nói, năm nay mày cưới, tao cho
20 triệu. Không cưới được. Năm sau tôi nói năm nay mày cưới tao cho 10
triệu. Cũng không cưới được. Năm nay (2009) nếu cưới được 5 triệu.
Phương cười, em cưới Uyên ngay. Chậm năm nữa lại không có đồng nào của
anh. Và khịt khịt.
Tôi chuyển cho Phương thêm cái đĩa ghi âm cuộc họp quan trọng.
Báo công an chuẩn bị như đi chiến đấu: Chuẩn bị đầu đĩa, chuẩn bị
thêm hai cái loa thùng. ( Ui trời, em nói răng mang loa toa rứa, các anh
ấy bảo, loa to cho mấy cha nghe thủng lỗ nhỉ về chứng cớ luôn).
Cục trưởng Cục báo chí mở đầu cuộc họp, tóm tắt vài lời. Đại diện
tỉnh Quảng Bình phát biểu ( nói lại y phoóc báo cáo gian dối gửi Thủ
tướng- đó là điều rất bi hài). Báo chí phát biểu. Thiếu tướng Hữu Ước (
bây giờ đã là Trung tướng và anh hùng lao động) thay mặt báo Công an
phát biểu. Khuôn mặt Hữu Ứoc đỏ gay, tiếng anh gay gắt, tay anh cầm tờ
báo Công an trong tay huơ huơ trong không khí; Lời anh Hữu Ước đại ý:
Tôi nói cho các đồng chí biết, báo tôi in về vụ đồng bào Rục bị đói, bị
đứt bữa trong và sau lũ là đúng, các anh lãnh đạo tỉnh Quảng Bình thiếu
trách nhiệm là đúng, báo tôi in bài này không sai một chữ. Tôi cảm tưởng
các anh ở Ban tư tưởng văn hóa, ở Văn phòng Chính phủ, ở Cục báo chí
không đọc báo, chỉ nghe một phía từ UBND tỉnh Quảng Bình. Các anh tưởng
các anh lên gặp Thủ tướng mà chúng tôi không lên gặp được Thủ tướng à?
Trong khi hàng năm báo Công an nhân dân ủng hộ, cứư trợ nhân dân cả
nước, trong đó có nhân dân Quảng Bình không biết bao nhiều lần, chúng
tôi thương dân thì làm thế, còn các anh thiếu trách nhiệm, báo cáo không
trung thực với Thủ tướng, các anh lại còn đòi chúng tôi cải chính, đòi
xử lý người viết. Đấy. Băng ghi âm phản ánh chính lời thừa nhận của các
anh là dân đói đấy, đói triền miên đấy, các anh cãi đi. Tôi bận, báo tôi
đang chuẩn bị tổ chức 60 năm ngày ra số đầu, tôi không có thời gian,
tôi nói vài lời thế tôi về, còn cán bộ tôi ở lại.
Rồi Hữu Ước ra ngay. Không khí cuộc họp căng thẳng và nóng rực.
Tô Phán phó tổng biên tập Báo Lao Động đứng lên. Hôm nay, tiếng nói của
Tô Phán như lạc đi vì giận, vì bực mình: Chúng tôi đã chuẩn bị đủ chứng
cứ để khẳng dịnh chúng tôi viết đúng, khẳng định bà con đồng bào Rục
trong và sau lũ là đói, thậm chí là đói triền miên. Khi các anh báo cáo
không trung thực với Thủ tướng, chủng tôi đã trực tiếp gặp Thủ tướng để
báo cáo. Tôi nhắc lại với các anh, trong khi phóng viên của chúng tôi
bơi trong lũ đến với đồng bào thì lãnh đạo các anh ở đâu? Ở đâu?
Đại diện báo Sài Gòn giải phóng, báo Nông thôn ngày nay cũng phát biểu như ý kiến của Tô Phán và Hữu Ước.
Anh Nam, Phó tổng biên tập báo Tiền Phong ( Tờ báo có bài phản pháo lại
báo Lao Động, báo Sài Gòn giải phóng, báo Công an…): Tôi không biết
phóng viên chúng tôi vào đó thấy gì lại viết như thế, lại vào sau những
10 ngày, khi mà nước đã rút. Còn với bản thân tôi, tôi tin các đồng
nghiệp của tôi ở báo Lao Động, báo Sài Gòn giải phóng…không nhà báo nào
điên mà bơi trong nước lũ mùa đông suốt 4 giờ đồng hồ, vào được tới nơi
lại viết sai sự thật. Và trong khi họ chứng kiến cảnh dân đói, dân kiệt
sức vì thiêú ăn, họ có viết quá lên vài ba chữ, cũng không sao hết. Tình
cảnh nhân dân như vậy, ai không thương tâm, ai không ứa nước mắt.
Nói tới nói lui như vậy rồi kết thúc.
Cục trưởng báo chí cũng phát biểu xoa bớt không khí căng thẳng chứ cũng không đưa ra kết luận nào.
Sau này cũng không báo nào in thông báo kết quả về cuộc họp này.
Tất cả đều tự hiểu: Báo chí đã phản ánh đúng sự thật và lãnh đạo Quảng Bình thiếu sót.
Kết thúc một cuộc đấu tranh cam go giữa chúng tôi với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình rất…nhạt.
Nhưng đó là việc của cơ quan quản lý Nhà nước không phải là việc của chúng tôi.
Nhiềm vụ của chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc: Từ những bài viết
điều tra đầu tiên đã kêu gọi được hàng trăm tấn gạo đến tay bà con
nghèo của tỉnh Quảng Bình.
Từ vụ việc này, những mùa lũ sau đó, sự chỉ đạo chống bão lũ và khắc phục hậu quả bão lũ của Quảng Bình rất tốt.
Tôi vẫn thường xuyên gặp anh Phan Lâm Phương chủ tịch tỉnh và anh Hà Hùng Cường Bí thư tỉnh uỷ.
Chuyện trò vui vẻ và ai cũng cố tránh nói đến cái vụ Rục.
Sau đó anh Hà Hùng Cường ra lại Hà Nội làm Bộ trưởng Tư pháp, là nơi
trước đó anh đã tạm biệt vào làm lãnh đạo Quảng Bình theo sự phân công
của Đảng.
Ngành Tư pháp là ngành của anh Cường. Vì anh ấy đã bảo vệ xuất sắc
luận văn Tiến sỹ luật và trước khi vào Quảng Bình là Thứ trưởng Bộ này.
Tôi mừng khi anh Cường ra Hà Nội, đơn giản vì lại được gần nhà. Vì
những năm điều động vào Quảng Bình, cứ chiều tối thứ 6, tôi lại thấy anh
nhảy tàu ra Hà Nội thăm vợ con, nghĩ cũng cực lắm.
Mỗi người một công việc. Anh Hà Hùng Cường làm Bộ trưởng, chúng tôi vẫn
làm báo. Mỗi người đều phải tự hứa với mình, hoàn thành tốt công việc và
sống tử tế.
Tôi hy vọng anh Hà Hùng Cường đọc Sự thật này .
Có thể anh chẳng thích thú, thậm chí giận dữ khi tôi viết 9 kỳ liền
chỉ để nói về một vụ vịệc được coi là tai tiếng nhất trong thời gian anh
ấy làm lãnh đạo Quảng Bình. Nhưng mọi thứ dù công khai hay không công
khai, chúng ta cũng phải đối mặt. Tôi tin rằng, anh Hà Hùng Cường hiểu
sâu sắc vì sao tôi viết lại Sự thật, và vì sao chúng tôi phải bảo vệ đến
cùng Sự thật của mình. Cũng như anh hiện nay, trên cương vị mới, chắc
chắn anh lại cùng bao người khác, bảo vệ tận cùng Sự thật cho đất nước,
cho nhân dân. Nói cho cùng, bát cơm của nhà báo, của người cán bộ, hay
của ông Bộ trưởng, của Thủ tướng, tất cả đều do nhân dân làm ra và nuôi
nấng chúng ta. Bát cơm ấy có mồ hôi, nước mắt của chính cha mẹ ta, bà
con anh em ta, làng quê ta. Và chúng ta cần phải cố gắng, cần phải rèn
luyện để không ngượng ngùng và hỗ thẹn khi nâng bát cơm của nhân dân
mình trên tay.
Và cả anh Phan Lâm Phương đang làm nhiệm kỳ Chủ tịch tỉnh Quảng Bình
cuối cùng để về hưu. Tôi và anh gặp nhau thường nhật. Anh em vẫn quý
nhau. Cuộc sống như chặng đường dài, có thể đèo dốc gập ghềnh, có thể
cùng bước trên đại lộ, nhưng nếu chúng ta có tấm lòng, chúng ta vẫn có
thể phê phán sai phạm về công việc của nhau nhưng chúng ta vẫn tiếp tục
là bạn của nhau. Tôi và anh Phương từ sau vụ Rục vẫn quý nhau như bao
năm nay vậy.
Nhưng chắc chắn rằng, sau vụ Rục, những mùa bão lũ sau đó, anh Phan
Lâm Phương đã gây được uy tín rất lớn trong cán bộ và nhân dân bởi những
hành động chỉ đạo, lãnh đạo sâu sát, cụ thể, cương quyết. Hồi cơn bão
số 8 năm 2008, ngay giữ rốn lũ, chủ tịch tỉnh Phan Lâm Phương đã có mặt
khi cơn bão vừa đến và quần quật cùng các cán bộ chỉ đạo quyết liệt việc
phòng chống bão, giảm thiểu vô cùng lớn thiệt hại của nhân dân.
Và những anh em báo chí khác, dù thời điểm ấy có khi quay mặt với
nhau, thậm chí ” làm hại” nhau, nhưng anh em vẫn gặp nhau, cà phê và tán
phét.
Cuộc sống là như vậy.
Khái niệm cuộc sống có vẻ mơ hồ nhưng Sự thật thì hiện hữu.
Người ta nói nhiều về quyền lực.
Tôi chỉ trân trọng nói rằng: Quyền lực thuộc về SỰ THẬT.
Hết.
===================
CM CỦA LÃO HÂM ( PHAN CHÍ THẮNG)
Câu chuyện kết thúc rất “mở”, nó mở ra một cách suy nghĩ, một
cách sống đàng hoàng, cao thượng, tử tế. Ta không thù hằn cá nhân, ta
sẵn sàng tha thứ nếu sự tha thứ đó cần cho nhân dân, cần cho sự tiến bộ
xã hội. Những ai cay cú muốn tìm một kết cục có tính “trả đũa” sẽ không hài lòng vơí hồi 9 của câu chuyện. Nhưng tôi thì tôi nhất trí với Thuận Nghĩa: “Cảm ơn Bọ, rất cảm ơn entry đầy tình người này. Sẽ có nhiều người thất vọng vì đoạn kết này, nhưng với tôi là một thúc kết tuyệt vời nhất, một entry hay nhất trong 9 kỳ này. Cảm ơn! “ Cần có dũng khí và lòng tin để đấu tranh cho SỰ THẬT, rất cần đại
nghĩa để lo cho cái chung, càng rất cần nhân cách để không hằn học, hạ
thấp uy tín những người đã lúc nào đó đã không làm đúng bổn phận, lại
còn vì “tự bảo vệ mình” mà họ đã cố tình làm hại ta. Hoan hô bọ Vinh, theo tôi, tính tư tưởng và tính giáo dục của serie “Sự thật” là rất cao.
Viết bởi pcthang
==================== CM CỦA TẤN ĐỊNH: Tôi đã giành khá nhiều thời gian để đọc đi đọc lại toàn bộ 9 số trọn
bộ SỰ THẬT. Đọc 9 entry của Bọ, đọc cả hàng trăm comment của mọi người,
đọc tất cả các trả lời phúc đáp comment của Bọ Vinh. Đọc nhiều lần, đọc
kỹ và có hệ thống. Cuối cùng tôi cho cả 9 entry của Bọ vào thiết bị nén
cao áp, nén chặt rồi dát mỏng thành một tấm vật liệu siêu bền, cực quý
với kích cỡ nhỏ xinh. Tôi cũng lại cho tất cả các comment cùng các câu
trả lời của Bọ và một lò luyện nhiệt độ cực cao với áp suất cực lớn, tôi
thu được một loại vật liệu mới: một thứ ánh sáng tinh khiết chưa từng
thấy. Tôi dùng thứ vật liệu ánh sáng đó phủ lên, dán lên, tráng lên trên
tấm vật liệu siêu bền kia. Và tôi có trong tay một chiếc GƯƠNG vô cùng
quý hiếm. Rồi hàng ngày hàng giờ, tôi soi mình vào đấy!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét