Trang

Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2012

Hoàng Khương là người sót lại của rừng cười? (*)

http://gocomay.wordpress.com/2012/01/05/716-hoang-kh%C6%B0%C6%A1ng-la-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-sot-l%E1%BA%A1i-c%E1%BB%A7a-r%E1%BB%ABng-c%C6%B0%E1%BB%9Di/


Suốt hai đêm qua, không biết có phải bị choáng sau khi nghe tin và coi tấm hình nhà báo Hoàng Khương (người dũng cảm trong đấu tranh chống tiêu cực tham nhũng) đầu trần bị kẹp giữa hai nhân viên an ninh, một sắc phục, một thường phục chở tới nơi tạm giam bằng xe máy… đã khiến tôi khó ngủ. Hay chỉ tại thởi tiết mưa nắng thất thường những ngày qua ở xứ này?
Vụ nhà báo Hoàng Khương ở báo Tuổi trẻ vừa lâm vào vòng lao lý, khiến tôi lẩn thẩn liên tưởng tới các đồng nghiệp của anh Khương ở các xứ “giẫy chết” đang lạc nghiệp ra sao?
Công bằng mà xét, nghề nhà báo dấn thân cho đấu tranh chống cái ác. Cho sự minh bạch và tiến bộ xã hội thì ở đâu cũng đều nguy hiểm. Những ai quan niệm, chỉ có tác nghiệp báo chí ở những nơi bom rơi đạn lạc hay ở các xứ sở hà khắc về chính trị hay tôn giáo chủ mới gặp khó khăn trở ngại đều là sự ngộ nhận nực cười.
Ở nơi May đang sống, cách đây vài tuần, có xẩy ra vụ ngài tổng thống Wulff đáng kính có cuộc gọi và nhắn tin (vào điện thoại cầm tay) có ý đe doạ người phụ trách (Chefredakteur – như chức TBT ở xứ ta) tờ báo Bild nhằm ngăn chặn một thông tin bất lợi cho ông ta. Không ngờ gặp hoạ, như lửa đổ thêm dầu, khiến uy tín của ông hiện như đang trên bờ vực thẳm.
1,h=343_bild.jpg
Cuộc liên lạc điện thoại giữa Tổng thống Christian Wulff và TBT Kai Diekmann (Báo Bild – Đức) đã trở thành một vấn đề “nóng” của truyền thông xứ người- Ảnh: bild.de
Vụ việc lùm xùm này báo chí trong nước đã đồng loạt đăng tải từ hôm 24/12/2011. Đó là việc vay tiền với lãi xuất thấp từ tay vợ một người bạn (làm doanh nghiệp) nửa triệu EURO của cá nhân ông Wulff để mua nhà riêng từ năm 2008, khi ông chưa lên làm tổng thống. Chuyện đó ở xứ ta, bé như con muỗi. Nhưng ở cái xứ minh bạch đang “giẫy chết” này thì lại thành phức tạp. Bởi không ở sự vay tiền. Mà rắc rối là món nợ nần cá nhân này đã không được khai báo với quốc hội (thực sự của dân) trước khi ông làm lễ tuyên thệ nhậm chức!
Mang tiếng là xã hội có tự do dân chủ. Nhưng luật pháp của họ chặt chẽ (“mất tự do”) tới mức, trước khi làm bất cứ một việc quan trọng nào. Nhỏ như làm nhân viên (làm thêm) cho một hãng bảo hiểm. Lớn hơn như làm đơn xin nhập quốc tịch nước sở tại chẳng hạn đều phải khai báo lý lịch. Đặc biệt phải khai báo tỷ mỷ về kinh tài như chuyện có công nợ hay vay mượn tiền bạc của ai không? Với dân thường đã vậy, một nguyên thủ quốc gia như tổng thống mà dấu nhẹm chuyện vay tiền mua nhà như thế là can tội lừa dối dân. Nay dù ông ta đã thành khẩn xin lỗi nhân dân, xin lỗi báo chí rồi. Song vấn đề này đã và đang làm nóng tất cả những phương tiện thông tin đại chúng suốt mấy tuần qua. Theo cái nhìn của May, khả năng ông Wulff và chính đảng cầm quyền của bà thủ tướng Merken quyền uy bậc nhất Âu châu (CDU) giữ vững được chiếc ghế cho người cùng hội cùng thuyền như ông ta là thiên nan vạn nan.
Có người nêu thắc mắc là tại sao một tờ báo tưởng chừng như đại ”lá cải” (có số lượng phát hành khá lớn) như tờ Bild Zeitung lại dám đương đầu không ngại va chạm với một chính khách uy tín hàng đầu quốc gia như tổng thống Christian Wulff?
cover.jpg
Câu hỏi chính là ở chỗ, dù có màu sắc “lá cải” chuyên đăng các tin gái điếm cởi trần cởi chuồng và những tin xe cán chó và chó cán xe… thượng vàng hạ cám nhằm quảng cáo cho tất cả các dịch vụ làm ăn nhỏ như quảng cáo rao vặt cho mấy cô gái điếm từ hạng sang cho tới hạng ế; quảng cáo cho thuê nhà; mua bán ô tô mới cũ; quảng cáo thuê và tìm việc làm… Nhưng mảng chính trị xã hội cũng vẫn được tờ báo quan tâm theo đuổi. Đặc biệt là các vụ bê bối lớn nhỏ của các chính khách cũng được tờ Bild luôn để mắt tới. Đó chính là lý do, ngay sau vụ lùm xùm về cú tin nhắn của ngài tổng thống với người phụ trách tờ báo (Chefredakteur). Lượng phát hành của Bild đột ngột tăng vọt. Các báo khác hăng hái nhảy vào tham gia bình luận (“đánh hôi”) cũng được “thơm lây” nhờ sự kiện rùm beng này. Làm báo ở xứ “giẫy chết” kể cũng sướng. Chả ai có thể lấy lý do ”Personal Datenschutz” (“bảo mật thông tin cá nhân”) mà bịt miệng được họ. Kể cả việc nhà báo xăm soi vào đời tư của những người nổi tiếng – người của công chúng hay các chính trị gia hàng đầu. Đơn giản có các tin “giật gân” đưa lên báo thì mới câu được khách. Một số của nhật báo Bild từ 30 tới 50 trang chỉ bán với giá rẻ dề 60 xu (tiền Euro) thôi nhưng với lượng độc giả khổng lồ ở đủ mọi tầng lớp, những nhà báo sắc xảo (cỡ như Huy Đức hay Hoàng Khương) cũng khoẻ re nhờ nhuận bút cao ngất trời…
Mặc dù vậy làm báo ở xứ này, nếu đụng chạm tới quyền con người (nhân quyền) của đám dân thường lại phải rất cẩn trọng. Nếu ở ta, việc đưa ảnh của một người nào đó (chỉ để minh họa), phóng viên sơ ý không xin phép hay không có sự đồng ý của đương sự… thì vẫn vô can. Nhưng ở xứ họ, nếu bị kiện sẽ phải hầu tòa, phải đền bù danh dự và nhân phẩm thì có khi sạt nghiệp chứ không thể bỡn được! Ở mọi nơi công cộng, không có biển cấm quay phim chụp ảnh, bất kể ai (dù nhà báo hay không) đều có thể thoải ghi hình. Nhưng gặp người khó tính có dị ứng với báo chí đôi khi cũng bị lôi thôi. Bản thân May cũng đã gặp trường hợp này rồi. Hồi tháng tư năm 2010, trước tiền sảnh một trường đại học ở München (Đức), trong khi chờ quay tư liệu một cuộc phỏng vấn ông hiệu trưởng nhà trường (cho một trung tâm du học của Việt Nam), gặp đúng vào giờ tan tầm đông nghịt người, thấy có một tay sinh viên khá đẹp trai ăn mặc Cowboy rất bắt mắt, May đã dùng chiếc Sony-Camera quay cận chân dung người này mà chưa kịp hỏi xem anh ta có đồng ý hay không. Chắc do bức xúc với một tay đầu đen lạ hoắc gốc Á châu… anh chàng ngổ ngáo này đã đòi xem hình và yêu cầu phải xóa ngay cái cảnh quay có rõ mặt anh ta…
Chuyện khác ở nơi May tới làm việc (nhà trẻ) năm ngoái, trong giờ ra chơi có một cháu gái nhỏ 4 tuổi thường tới chỗ May đang làm việc chào hỏi rất thân thiện. Lại còn đòi bắt chước làm các công việc của May nữa. Các cô giáo giữ trẻ trông thấy cũng vui vẻ không có ý kiến gì. Một hôm thấy cháu khoe sắp tới ngày sinh nhật, được mẹ mua áo mới và cắt tóc nữa… Khi thấy cháu chạy nhày tung tăng như chú chim non dưới ánh nắng ban mai ngược sáng tuyệt đẹp, máu nghệ thuật nổi lên, May lấy ngay chiếc Lumix nho nhỏ vẫn mang bên người ra chớp vội được vài tấm. Ảnh rất đẹp, có hồn. Thấy cháu đòi xem hình vừa chụp, May cũng dại dột cho cháu xem. Không ngờ cháu thích qúa về khoe ngay “vừa được chụp ảnh đẹp” với mẹ. Bà mẹ nổi cơn tam bành liền khiếu nại với bà phụ trách nhà trẻ đồng thời báo ngay với công an. Ngay hôm sau hai người công an địa phương tới tận nhà riêng của May hỏi tường tận về chuyện chụp ảnh. Thấy không có vấn đề gì nghiêm trọng cả, họ chỉ yêu cầu xóa bỏ mấy tấm hình (trong máy) đó và căn dặn “bận sau nếu có muốn chụp ảnh trẻ con cần hỏi bố mẹ (hay cô giáo) của cháu trước”! Nhưng cảm hứng và sáng tạo nghệ thuật (chộp hình ảnh) nào có chờ đợi được mấy thủ tục nhiêu khê đó?
Chuyện nữa đã lâu, cách đây ngót 18 năm, có một lần không biết do ai giới thiệu mà thông tín viên thời sự nổi tiếng là Ngô Vĩnh Phúc – thuộc Ban Việt ngữ đài BBC-London có gọi điện cho May xin phỏng vấn về cuộc biểu tình của khoảng hơn 400 người Việt Đông Âu chống lệnh trục xuất của chính phủ Đức tại quảng trường (quên tên) dưới chân tượng đài nhà soạn nhạc nổi tiếng Betthoven ở Bonn (lúc ấy vẫn là thủ đô của Tây Đức). Hôm đó May có mặt chứng kiến và ghi hình bằng máy quay video S-VHS do người bạn nhờ cậy. Nội dung anh Vĩnh Phúc hỏi chỉ xoay quanh cuộc biểu tình diễn ra từ giờ nào tới giờ nào? Người biểu tình giương các biểu ngữ ghi những gì? Thành phần gồm những ai; độ tuổi như thế nào? Khẩu hiệu những người tham gia hô ra sao và ước lượng khoảng bao nhiêu người hiện diện?…. Chỉ vài câu tưởng vô thưởng vô phạt thế mà cũng phải xưng rõ tên tuổi và cả lời cam đoan “hoàn toàn đồng ý để BBC công bố tên thật và toàn bộ cuộc phỏng vấn trên sóng của BBC trong bản tin thời sự tối ngày… tháng… năm…”. Qua cách làm đó mới thấy sự đưa tin của các hãng truyền thông lớn có uy tín là vô cùng cẩn trọng. Trong bất kỳ cuộc phỏng vấn dù dài ngắn như thế nào, bao giờ cũng có thủ tục xin phép đối với người được phóng viên lựa chọn có đồng ý xưng danh tính để trả lời phỏng vấn hay không? Ở mỗi câu hỏi người được phỏng vấn có thể trả lời hay giữ thái độ im lặng là tùy ý muốn! Ngay cả trước giờ phát sóng, nếu người được phỏng vấn lại đổi ý, có thể gọi điện đề nghị dừng phát sóng, dù chương trình đã làm có tốn kém tới đâu, nhà đài cũng sẽ nghiêm chỉnh đáp ứng. Chính vì thế các hãng truyền thông lớn xứ người thường tránh được tối đa những kiện tụng rắc rối trong qúa trình tác nghiệp của họ.
Liên hệ với trường hợp ”gài bẫy công an” để viết báo chống tiêu cực của nhà báo Hoàng Khương, tôi cũng đã thăm dò qua những nguồn đáng tin cậy ở nơi tôi cư ngụ thì được biết, luật pháp xứ người ta cũng không khuyến khích những vụ “gài bẫy” để bắt tận tay day tận trán những sai phạm của nhân viên công lực của nhà nước (những con “sâu” hại) để viết bài như thế. Nhưng luật dù sắt đá tới đâu cũng dễ châm chước và cảm thông với những nhà báo chọn cách làm việc bất đắc dĩ nhưng hiệu qủa đó. Nếu những người chủ động tham gia làm “chim xanh”/ “chim mồi” mà không hề có tư thù cá nhân, chỉ với mục đích bất vụ lợi. Cũng như trong bóng đá, khi hậu vệ quyết liệt lao vào cản phá sự dốc bóng uy hiếp khung thành của tiền đạo đối phương mà người hậu vệ chạm chân được vào bóng (xoạc trúng bóng) thì dù có bị trọng tài bắt lỗi cũng không bị phạt nặng so với việc cản người không bóng hay cản phá thô bạo kiểu “bỏ bóng đá người”.
Trong cuộc sống ở bất cứ lĩnh vực nào cũng có người tốt kẻ xấu. Dù ngành công an hay báo chí cũng vậy, bên cạnh những chiến sỹ công an (hay nhà báo) tận tụy, trong sạch và hết lòng vì nhân dân, hết lòng vì độc giả cũng còn không chỉ một vài ”con sâu làm rầu nồi canh” mà có khi cả ổ cả đám. Trong vụ việc của Hoàng Khương (HK), nếu các chiến sỹ CSGT của xứ ta mà hoàn toàn liêm chính chí công vô tư thì liệu nhà báo HK có bẫy được và đánh bay được tới mấy chục mạng khoác áo “người thi hành công vụ” để mãi lộ nhũng nhiễu người dân tham gia giao thông… hiện diện rất rõ nét trong bốn năm chục bài phóng sự đăng trên báo Tuổi Trẻ gây rung động dư luận trong suốt thời gian qua hay không?
Nay thay vì “chỉnh đốn đảng” nhằm diệt trừ tham nhũng, tận diệt “bầy sâu” để cứu nước, cứu đảng và chế độ, những người khoác áo bảo vệ luật pháp lại vơ đũa cả nắm, tận diệt tuốt cả đám sâu lẫn người “bắt” sâu thì chúng ta phải hiểu cái quyết tâm chống tham nhũng của các vị chuyên chém gió kia có thành thực không?
Có rất nhiều ý kiến trái chiều nhau về việc làm của Hoàng Khương. Người ưa thì khen anh Khương dũng cảm, không ngại hiểm nguy, dám vào tận hang cọp để bắt cọp. Người không ưa thì cho HK cũng chả tốt lành gì, cũng tham gia hối lộ…
Người đang viết những dòng này cũng không hề quen biết nhà báo Hoàng Khương ngoài việc có được xem một số bài phóng sự điều tra. Lại không nằm “trong chăn” nên chả dám lạm bàn vượt ra ngoài sự hiểu biết của mình. Nhưng trong sâu thẳm từ gương mặt dễ coi ấy, từ cái cười hiền dịu ấy, tôi có một niềm tin “Hoàng Khương vô tội”!
images654851_pv1.jpg
Trong khi có những đồng nghiệp của anh thường chọn cách “án binh bất động” hay lợi dụng cương vị nhà báo lề đảng để xoay xỏa tìm cách móc nối thoả hiệp ăn chia kiếm lợi với “bầy sâu” để vinh thân phì gia thì anh Khương lại chọn phương thức “đấu tranh – tránh đâu”?
Không rõ có phải nguyên nhân gây chứng mất ngủ của tôi trong những ngày qua có liên quan tới chuyện lao lý của Hoàng Khương khiến dư luận (trong đó có tôi) bức xúc? Nhưng qua lời của nhà báo Huy Đức trong bài Án Lệ Hoàng Khương thì hoạ có gỗ đá mới không mảy may động lòng:
“Hành vi của Hoàng Khương chỉ nguy hiểm cho những kẻ tham nhũng chứ không hề nguy hiểm cho xã hội. Có thể, sau khi bắt Hoàng Khương trên báo chí chỉ còn tin cảnh sát giao thông trả lại tiền hối lộ chứ không còn “ăn” hối lộ. Nhưng, không phải những thông tin như thế sẽ làm cho xã hội tốt đẹp hơn, bởi điều mà người dân cần là tham nhũng không còn chứ không phải là những nhà báo chống tham nhũng không còn nỗ lực để khui ra tham nhũng.” (**)
“Vụ việc của nhà báo Hoàng Khương gây xôn xao dư luận vốn đang bất bình về tình trạng tham nhũng lan tràn và công tác chống tham nhũng không hữu hiệu tại Việt Nam”. Đó bình luận của đài VOA ngày 03/01/2012.
Còn tờ An ninh Thủ đô thuật lời luật sư Vũ Lợi cho rằng ký giả Hoàng Khương không có động cơ phạm tội hình sự vì hành vi của ông chỉ xuất phát từ mục đích chống tham nhũng.
Để kết cho entry này, xin mượn lời của một nhà báo nữa phát biểu đã được blog của nhà báo Hương Trà (Cô Gái Đồ Long) dẫn lại rằng: “Hoàng Khương là người sót lại của rừng cười. Cánh rừng ấy sau vụ mùa này sẽ phải trụi lá.”
Nghĩ mà buồn. Song vẫn chưa mất hết hy vọng. Như cổ nhân nói “Càn khôn bĩ cực thái lai”!
Mong sao sang xuân, “Cánh rừng cười… trụi lá” ấy sẽ sớm nẩy lộc đâm chồi!…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét