Trang

Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2012

ÔNG HOÀNG ĐỨC NHÃ NÓI VỀ VỤ TRUNG QUỐC ĐÁNH CHIẾM HOÀNG SA

http://phamvietdao2.blogspot.com/2011/12/ong-hoanh-uc-nha-noi-ve-trung-quoc-anh.html



Lữ Giang.
Đài BBC đã cho phổ biến trong hai ngày 1 và 3.10.2011 bài phỏng vấn ông Hoàng Đức Nhã về vấn đề Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và vấn đề Hoàng Sa do Quốc Phương thực hiện.
Ông Hoàng Đức Nhã là cựu bí thư của Tổng Thống Thiệu và là cựu Tổng Trưởng Dân Vận Chiêu Hồi VNCH dưới thời Tổng Thống Thiệu. Ông cho biết ông đã làm việc với Tổng Thống Thiệu từ tháng 10/1967 đến 1975.
 
Trước đó, nhân kỷ niệm 10 năm cố Tổng Thống Thiệu qua đời (29.9.2001-2011), đài BBC cũng đã phỏng vấn ông Nhã về ông Thiệu và cho phổ biến trong các ngày 23, 26 và 29.9.2011. Ông Nhã cho rằng thất bại của Miền Nam được "định đoạt bởi Hoa Kỳ", nhưng ông không giải thích tại sao Mỹ bỏ VNCH mà không bỏ Nam Hàn và Đài Loan. Những lời ông phát biểu hoàn toàn trái ngược với các bằng chứng lịch sử mà Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng đã công bố trong hai cuốn “Khi Đồng Minh Tháo Chạy” (2005) và “Tâm Tư Tổng Thống Thiệu” (2010), và những bằng chứng lịch sử mà chúng tôi đã đưa ra.
 
Nhìn chung, ông Nhã có trình độ nhận định chính trị rất tầm thường nên không thể biết được những gì đã xẩy ra cho VNCH, nhất là những mặt trái đàng sau. Chúng tôi sẽ cho ông Nhã thấy Mỹ đã dùng Tướng Khiêm và Tướng Thiệu lật đổ ông Diệm và đưa ông Thiệu lên làm Tổng Thống VNCH để làm gì, tại sao Hoa Kỳ chọn ông Thiệu, và họ đã đánh lừa ông Thiệu như thế nào để ông ta tự ý quyết định rút khỏi Cao Nguyên và miền Bắc Trung Phần không theo binh pháp nào, khiến Miền Nam bị mất và hàng triệu người lâm cảnh điêu linh. Nhưng hôm nay chúng tôi chỉ muốn nói đến cách nhìn và phản ứng của Tổng Thống Thiệu khi vụ Hoàng Sa xẩy ra theo như sự tường thuật của ông Hoàng Đức Nhã
 
LỜI KỂ CỦA HOÀNG ĐỨC NHÃ
Đài BBC cho biết trước tiên ông Nhã thuật lại phản ứng của cố Tổng thống Thiệu khi được biết Trung Quốc chiếm Hoàng Sa:
"Tổng thống Thiệu đã ra lệnh phải giữ vững lãnh thổ bằng bất cứ giá nào và đồng thời về phía chính trị, ông huy động toàn bộ bộ máy ngoại giao của chúng ta (VNCH) phản kháng. Đặc biệt hỏi thẳng Đại sứ Hoa Kỳ.”
 
Ông Nhã thuật lại đã chất vấn Đại sứ Hoa Kỳ lúc đó, Graham Martin, về điều mà ông cho là "khó tin" trong việc Hoa Kỳ "không biết" trước về động thái tấn công của Hạm đội hải quân Trung Quốc tấn công quần đảo này vào tháng 01 năm 1974:
Ông Nhã tiết lộ: "Chính tôi đã hỏi thẳng Đại sứ Hoa Kỳ: sao phía Hoa Kỳ thấy như vậy, với bao nhiêu phương tiện quan sát trên máy bay, từ biển, trên phương diện điện tử, có thể thấy rõ sự di chuyển của hạm đội Trung Quốc mà sao không cho phía VNCH biết." 
 
"Ông Đại sứ Martin nói với tôi 'cái chuyện đó chúng tôi không thể nào thấy được' thì tôi nhớ chỉ cười và nói 'khi các ông thấy được một người lính cộng sản di chuyển trên đường mòn Hồ Chí Minh, mà không thấy được một hạm đội của Trung Quốc tiến về Hoàng Sa thì đó là một chuyện khó tin."
 
Ông Nhã cho rằng tới nay vẫn còn nhiều giả thuyết vì sao Hoa Kỳ đã "làm ngơ," và Trung Quốc đã chiếm quần đảo này vào thời điểm đó:
"Có giả thuyết nói Hoa Kỳ phải nhượng bộ cái đó cho Trung Quốc để nhờ Trung Quốc áp lực cho cộng sản Bắc Việt thi hành Hiệp định Paris... Rồi có thể Trung Quốc thấy lúc đó Hoa Kỳ đã rút ra khỏi Việt Nam, đây là cơ hội để họ chiếm cái đảo mà theo họ có rất nhiều dự trữ dầu hỏa, khí đốt."
 
ÔNG THIỆU MẮNG ÔNG NIXON
 
Sau khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, ngày 22.1.1974, Tổng Thống Thiệu đã gởi cho Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon một văn thư như sau:
Kính gởi: Ngài Richard Nixon, Tổng Thống Hoa Kỳ,
Tòa Bạch Ốc, Washington, D.C.
Kính thưa Tổng Thống,
 
“Tôi mong Tổng Thống lưu tâm đến tình trạng nghiêm trọng hiện nay gây nên bởi hành động quân sự của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa trong vùng quần đảo Hoàng Sa ngoài khơi bờ biển Trung phần Việt Nam. 
 
“Việc tôi tiếp xúc trực tiếp với Tổng Thống trong cách thức khẩn cấp này phản ảnh sự quan tâm lớn lao của tôi trước những biến chuyển gần đây ở nơi ấy.
 
“Tôi tin Tổng Thống nhận thức rõ những hành động chiến tranh Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đã gây ra ở quần đảo Hoàng Sa là sự vi phạm trắng trợn chủ quyền và sự vẹn toàn lãnh thổ của VNCH. Chủ quyền của quốc gia chúng tôi trên những hòn đảo này được dựa trên lịch sử, điạ lý và những căn bản pháp lý cũng như dựa trên sự kiện VNCH từ lâu đã thực thi việc cai quản một cách hữu hiệu trên những đảo này.
 
“Ngày 11 tháng 1 năm 1974 Bộ Ngoại Giao Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đã đưa ra bản tuyên cáo đòi hỏi chủ quyền trên quần đảo này, và Bộ Ngoại Giao của chúng tôi đã lập tức bác bỏ luận điệu vô căn cứ của họ.
 
“Tiếp theo yêu sách ngày 11 tháng 1 năm 1974, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đã dùng vũ lực để chiếm một phần lãnh thổ quốc gia chúng tôi. Họ đã đưa binh sĩ và chiến hạm vào trong khu vực các đảo Cam Tuyền, Quang Hòa và Duy Mộng thuộc quần đảo Hoàng Sa và đã đổ bộ quân lính lên các đảo này.
 
“Để đối phó với các hành động gây chiến và để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và nền an ninh quốc gia của VNCH, lực lượng Hải quân Việt Nam hiện diện trong vùng đã ra lịnh cho lực lượng xâm nhập rút ra khỏi vùng.
 
“Thay vì tuân lệnh, các chiến hạm Trung Cộng từ ngày 18 tháng 1 năm 1974 đã chọn thái độ gây hấn với lối vận chuyển khiêu khích và đã tác xạ vào các toán lính và các đơn vị Hải Quân đưa đến sự thiệt hại về nhân mạng và vật chất.
 
“Ngày 20 tháng 1 năm 1974 Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đã gia tăng mức độ chiến tranh. Họ đưa phi cơ vào oanh tạc 3 đảo Cam Tuyền, Vĩnh Lạc và Hoàng Sa, trên các đảo này có quân của VNCH trú đóng và ngoài ra họ cũng đã đổ bộ quân lính để chiếm đoạt những đảo này.
 
“Sự gây hấn hiện tại đối với VNCH không những chỉ đe dọa chủ quyền và an ninh của VNCH mà còn tạo nên mối hiểm họa cho nền hòa bình và sự ổn định trong vùng Đông Nam Á. Điều này hoàn toàn đi ngược lại văn tự và tinh thần của Bản Thông Cáo Chung Thượng Hải.
 
“Bằng cách công khai xử dụng vũ lực để xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, Trung Cộng đã ngang nhiên vi phạm luật quốc tế, hiến chương Liên Hiệp Quốc, hiệp định Paris ngày 27 tháng 1 năm 1973 mà họ đã cam kết tôn trọng và chứng thư sau cùng ngày 2 tháng 3 năm 1973 của hội nghị thế giới về Việt Nam mà Trung Cộng là một nước ký tên vào. Trên thực tế, điều khoản 1 của hiệp định Paris và điều khoản 4 của chứng thư sau cùng đã là một sự giao ước cho tất cả các nước, nhất là cho các nước ký vào chứng thư là phải tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ cuả Việt Nam.
 
“Sự đe dọa nghiêm trọng đến nền hòa bình đang diễn ra và chỉ có thể tránh khỏi nếu Trung Cộng bị bắt buộc chấm dứt vai trò của kẻ xâm lược và hành động hiếu chiến đối với VNCH.
“Sự lấn chiếm lãnh thổ VNCH của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa không những vi phạm trắng trợn luật pháp và trật tự quốc tế mà còn tạo nên nghi ngờ về sự hiệu lực của hai thành quả đáng kể nhất trong chánh sách ngoại giao của Tổng Thống, đó là Bản Thông Cáo Chung Thượng Hải và hiệp định Paris ngày 27 tháng 1 năm 1973.
 
“Vì thế tôi viết thư này đến Tổng Thống để yêu cầu chánh phủ Hoa Kỳ hết lòng hỗ trợ chúng tôi về vật chất và chánh trị cần thiết mà chúng tôi cần đến để đưa đến sự phục hồi nguyên trạng và dàn xếp êm đẹp việc tranh chấp quốc tế trong quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
 
“Nhân cơ hội này, tôi xin đoan chắc lại với Tổng Thống lòng qúy mến sâu xa của tôi.”
Ký tên: Nguyễn Văn Thiệu 
 
Bức thơ này do ông Kỳ, Phụ Tá Đặc Biệt Chánh Trị của Ngoại Trưởng Vương Văn Bắc mang đến Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ trưa ngày 23.1.1974 và đã được Đại Sứ Martin chuyển về Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vào lúc 6 giờ chiều. 
 
Thay vì viết thư trả lời cho Tổng Thống Thiệu, khoảng 3 tuần sau, Tổng Thống Nixon đã gởi điện văn cho Đại Sứ Martin chỉ thị đến gặp và nói chuyện trực tiếp với Tổng Thống Thiệu về quan điểm của Hoa Kỳ. Chúng ta không thể biết được một cách chính xác nội dung cuộc nói chuyện đó như thể nào. 
 
KHÔNG BIẾT “ĐỒNG MINH” LÀM GÌ!
Đọc những lời biện bạch của ông Hoàng Đức Nhã và văn thư Tổng Thống Thiệu gởi Tổng Thống Nixon, chúng ta thấy tầm nhìn của hai nhân vật này quá thấp và quá ngắn, Họ không biết “Đồng Minh” đang làm gì, Miền Nam mất là chuyện không có gì khó hiểu.
 
1.- Vần đề giữ vững lãnh thổ
Ông Hoàng Đức Nhã cho biết: "Tổng thống Thiệu đã ra lệnh phải giữ vững lãnh thổ bằng bất cứ giá nào và đồng thời về phía chính trị, ông huy động toàn bộ bộ máy ngoại giao của chúng ta (VNCH) phản kháng…”
 
Khi ra lệnh như vậy, hoặc Tổng Thống Thống không nắm vững tương quan lực lượng giữa hai bên khi hải chiến trên biển, hay biết nhưng cứ “cương” để tránh trách nhiệm, còn sống chết mặc bay! Đó là bản chất của ông Thiệu. 
 
Chúng tôi đã trình bày về tương quan lực lượng giữa hai bên trong bài “Hoa Kỳ tiết lộ về Hoàng Sa”: Trung Quốc đã xử dụng một lực lượng Hải Quân hùng hậu gồm hơn 16 chiếc đủ loại, từ tàu đánh cá ngụy trang Nan Yu cho đến hai 2 chiến hạm loại Hainan 281, 282, 2 chiến hạm loại Jiangnan 271, 274 và 4 Phi Tiển Đỉnh Komar mang số 133, 137, 139, 145. Trong khi đó, lúc đầu HQ/VNCH chỉ có Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ 16. Những ngày tiếp theo HQ/VNCH mới tăng cường thêm các chiến hạm HQ 4, HQ 5 và HQ 10.
 
Đặc biệt chúng tôi nhấn mạnh: khi thực hiện “Việt Nam hoá” chiến tranh theo đúng lịch trình của kế hoạch “Accelerated Turnover to the Vietnamese” (ACTOV), Hoa Kỳ có giao cho  HQ/VNCH một số chiến hạm nhưng họ đã gỡ đi các giàn phóng phi đạn được trang bị trên đó, trong khi nhiều chiến hạm Trung Quốc có trang bị giàn phóng phi đạn và được không quân yểm trợ.
 
Xin nói rõ thêm Trung Quốc đã xử dụng 4 phi tiển đỉnh 70 tấn loại Komar được trang bị hỏa tiển hải-hải loại Styx. Tài liệu do Tổng Cục Chiến tranh Chính Trị của Quân Lực VNCH phổ biến nói rõ chiến hạm HQ 10 của VNCH đã bị trúng hỏa tiển Styx của Trung Quốc.
 
Như vậy, dù đánh cận chiến hay đánh ở tầm xa, HQ/VNCH cũng không thể chống lại Trung Quốc được. Lúc đó, Bộ Tư Lệnh HQ/VNCH ra lệnh lực lượng đang chiến đâu rút lui là đúng.
 
2.- Việc Hoa Kỳ không thông báo
Ông Nhã cho biết chính ông đã hỏi thẳng Đại sứ Hoa Kỳ tại sao Hoa Kỳ có thể thấy rõ sự di chuyển của hạm đội Trung Quốc mà không cho phía VNCH biết. Khi hỏi như thế, ông Nhã đã tỏ ra không nắm vững tình hình.
 
Trong bài “Hoa Kỳ tiết lộ vụ Hoàng Sa”. Chúng tôi đã nói rõ Tùy Viên Quân Sự Hoa Kỳ ở Sài Gòn cho biết có khoảng 17 chiến hạm Trung Quốc và 4 tàu ngầm đang hướng về Hoàng Sa. Ông ta cũng cho biết các phản lực cơ chiên đấu của Trung Quốc sắp cất cánh từ đảo Hải Nam để tấn công các chiến hạm của VNCH. Bộ Tư Lệnh Hải Quân VNCH biết rõ hàng không mẫu hạn USS Enterprise của Hạm Đội 7 đang có mặt trong vùng sắp xẩy ra cuộc chiến nên đã yêu cầu cho phi cơ VNCH hạ cánh xuống USS Enterprise để được tiếp liệu xăng, nhưng Hoa Kỳ từ chối.
 
3.- Lý do tấn công của Trung Quốc
Trong bài “Tái hiện tin mật về xung đột Trung – Việt trong trận hải chiến Tây Sa năm 1974” của Trung Quốc đăng trên website canglang.com, Trung Quốc cho biết sở dĩ họ phải mở cuộc tấn công vì từ tháng 8 năm 1973, sau khi Mỹ rút, Nam Việt đã liên tiếp đưa tàu quân sự xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc. 
 
Trong thực tế không có chuyện đó. Đầu năm 1974, QL/VNCH chỉ cho chiến hạm HQ 16 chở quân ra thay toán quân đã mãn hạn ở Hoàng Sa mà thôi.
 
Sở dĩ Trung Quốc đã đưa quân chiếm Hoàng Sa vào đầu năm 1974 vì sợ đảng CSVN “quỵt nợ" hay “xù nợ” sau khi chiếm được Niền Nam nên đã ra tay trước. Năm 1958, để có đủ viện trợ đánh chiếm Miền Nam, qua công hàm ngày 14.9.1958, Hà Nội đã bán Hoàng Sa cho Bắc Kinh. Do đó, Trung Quốc phải “xiết nợ” trước trước khi đảng CSVN chiếm Miền Nam cho chắc ăn.
 
4.- Vấn đề Mỹ không can thiệp
Khi gởi văn thư đề ngày 22.1.1974 cho Tổng Thống Nixon trách Mỹ đã không can thiệp như đã cam kết, Tổng Thống Thiệu chẳng hiểu gì tình hình ở Mỹ. Ông Bùi Diễm, Đại Sứ Đặc Mệnh Toàn Quyền của VNCH tại Hoa Kỳ cũng không báo cáo gì cho Tổng Thống Thiệu biết.
Ngày 29.6.1973 Hạ Viện Hoa Kỳ biểu quyết dự luật cấm các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ trên toàn lãnh thổ Đông Nam Á. Dự luật nầy đã được lưỡng Viện thông qua ngày 21.9.1973. Đến ngày 12.10.1973, lưỡng Viện lại thông qua dự luật hạn chế quyền của Tổng Thống trong việc đưa quân đội Hoa Kỳ ra ngoại quốc.
 
Quan trọng hơn cả, ngày 7.11.1974, lưỡng viện Quốc Hội đã vượt qua quyền phủ quyết của Tổng Thống Nixon, thông qua “Nghị quyết về Quyền Chiến Tranh” (War Powers Resolution) thường được gọi là “Đạo Luật về Quyền Chiến Tranh” (War Powers Act), vì nghị quyết này nó có giá trị như luật, sửa đổi Tiết 50, Chương 33, gồm các điều từ 1541 đến 1548 của Bộ Luật Liên Bang (United States Code). Nghị quyết này đòi hỏi Tổng thống trong mọi trường hợp có thể, phải tham khảo ý kiến với Quốc Hội trước khi đưa Quân Lực Hoa Kỳ vào những tình trạng chiến tranh hoặc vào những tình huống sắp xảy ra chiến tranh, và sau mỗi lần đưa quân tham chiến như vậy sẽ tham khảo thường xuyên ý kiến với Quốc hội cho đến khi Quân Lực Hoa Kỳ không còn tham gia vào chiến sự hay rút ra khỏi các tình huống như vậy.
 
Các đạo luật nói trên cho thấy chính phủ Hoa Kỳ đã quyết định “đóng cửa rút cầu” không còn muốn cho quân đội Hoa Kỳ dính líu đến cuộc chiến ở Đông Dương nữa. Việc hình thành các đạo luật này được tranh luận rất ồn ào trên các cơ quan truyền thông của Hoa Kỳ, cả thế giới đều biết, chỉ Tòa Đại Sứ VNCH tại Wasington DC và Tổng Thống Thiệu không quan tâm tới!
 
Tôi nhớ trong năm 1974 Tổng Thống Thiệu có nhờ một phái đoàn Thượng Viện VNCH qua Mỹ vận động xin thêm viện trợ. Phái đoàn do Thượng Nghị Sĩ Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Ủy Ban Ngân Sách Thượng Viện cầm đầu. Khi về, phái đoàn đã thuyết trình tại Dinh Độc Lập do Trung Tướng Đặng Văn Quang chủ tọa. Tôi cũng được đi theo nghe. Thượng Nghị Sĩ Thành cho biết ông và phái đoàn đã gặp một số dân biểu và nghị sĩ Hoa Kỳ. Họ đều nói rằng trong hiện tại họ không thể làm gì được. Họ khuyên VNCH nên tìm một đường lối để tồn tại và đợi khi tình hình cho phép, họ sẵn sàng giúp đỡ.
 
Tôi thấy đây là những lời khuyên rất chân thành, nhưng với trình độ chính trị thấp kém, Tổng Thống Thiệu không quan tâm đến, ông cứ ôm chặt mấy lá thư bảo đảm không còn giá trị của Tổng Thống Nixon và chôn sống VNCH.
 
Ngày 27.12.2011
 
Lữ Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét