Trang

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

Thêm một bằng chứng Hoàng Sa là của Việt Nam

http://quechoa.info/2012/01/28/them-m%E1%BB%99t-b%E1%BA%B1ng-ch%E1%BB%A9ng-hoang-sa-la-c%E1%BB%A7a-vi%E1%BB%87t-nam/

NGUYỄN KHẮC PHÊ

Bìa cuốn sách “Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa & Trường Sa”

Trước thềm Xuân Nhâm Thìn, nhà giáo lão thành Thân Trọng Ninh gọi điện cho tôi:
- Mình nhận được sách từ Pháp rồi. Cậu xuống đi!
Ông không dài dòng, vì quả tim của ông lão 90 tuổi đang lúc “trục trặc”, nhưng niềm vui khiến giọng nói của ông như trẻ lại.

Khoảng nửa tháng trước, ông đã trao cho tôi một tài liệu mà bà Yvette Amiot Thân Trọng – một cô dâu của họ Thân – từ Pháp vừa gửi về – một bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Tài liệu là bản phô-tô từ một một cuốn sách nên ông đã đề nghị bà Yvette gửi cho cuốn sách đã xuất bản tại Pháp. Và hôm nay cuốn sách từ Pháp đã về đến Huế.

Đó là cuốn “La souveraineté sur les archipels Paracels et Spratleys” (“Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa & Trường Sa”) của tiến sĩ Monique Chemillier Gendreau (NXB L’ Harmattan, Paris, 1996), trong đó có lá thư (nguyên văn chữ Pháp) viết từ Huế ngày 23 tháng giêng năm 1929 của Khâm sứ Trung Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương (Hà Nội) liên quan tới quần đảo Hoàng Sa. Ông Thân Trọng Ninh đã dịch lá thư và nội dung quan trọng nhất chúng ta đọc thấy dưới đây là một bằng chứng rằng quần đảo Hoàng Sa từ lâu đã thuộc về Việt Nam:

“…Trong quyển sách viết về “Điạ lý Nam Kỳ” dịch ra tiếng Anh và đăng trong “Báo của Hội Châu Á xứ Bengale” năm 1838, Đức Ông Jean-Louis Taberd, giám mục xứ Isauropolis, giám mục tông toà xứ Nam Kỳ, Cao Miên và Champa đã viết về việc vua Gia Long đã đem quân ra chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa năm 1816 và đã làm lễ thượng kỳ lá cờ Nam Kỳ một cách long trọng tại đó.

Một trang nguyên bản lá thư của Khâm Sứ Trung kỳ…

Tuy nhiên vẫn có sự nghi ngờ về tính xác thực của sự kiện chính vua Gia Long đã đích thân chỉ huy sự chiếm đóng Quần đảo, nhưng sự chiếm đóng này là có thực và đã được khẳng định trong các biên niên ký của Chính phủ An Nam hay là “Đại Nam Nhất Thống Chí” quyển số 6, và “Nam Việt Địa Dư” quyển số 2, về địa lý nước An Nam xuất bản vào năm thứ 14 triều vua Minh Mạng và sau cùng trong “Đại Nam Nhất Thống Chí” quyển 6 về địa lý dưới triều vua Duy Tân.
Những tài liệu nói trên được lưu giữ tại các thư viện của Chính phủ An Nam đã cung cấp thêm cho chúng tôi nhiều chi tiết sau đây:

Trong những triều đại trước đây, một đội quân gồm 70 lính tuyển mộ trong dân chúng làng Vĩnh An đã được phái ra đóng đồn tại quần đảo Hoàng Sa, lấy tên là “Đội Hoàng Sa”; một đội khác mang tên “Đội Bắc Hải” được thành lập sau đó và được đặt dưới quyền chỉ huy của Đội Hoàng Sa….

Dưới triều vua Minh Mạng có nhiều phái bộ của Chính phủ được gửi ra nghiên cứu và khai thác tại Quần đảo. Một phái bộ đã phát hiện một ngôi chùa cổ trong đó có ghi một dòng hàng chữ.

Năm 1838, nhà vua lại phái ra Quần đảo một đội thợ xây cùng các nguyên vật ;iệu để xây dựng một ngôi chùa và một tấm bia nhằm đánh dấu kỷ iệm sự có mặt của họ đã đến đây….

Nhà nước được chúng ta bảo hộ đã khẳng định từ lâu đời chủ quyền của họ đối với quần đảo Hoàng Sa và ngài Thân Trọng Huề, nguyên là Thượng thư Bộ Binh, qua đời năm 1925, trong một bức thư đề ngày 3 tháng 3 năm ấy, đã viết “những hòn đảo này luôn luôn thuộc chủ quyền của nước An Nam, việc này không có gì để bàn cãi cả…”

Đoạn tiếp theo nhấn mạnh vị trí quan trọng của quàn đảo Hoàng Sa trong việc lưu thông và lập căn cứ quân sự để sử dụng khi tấn công đất liền.

Nhà giáo Thân Trọng Ninh chăm chú xem cuốn sách vừa gửi từ Pháp về.

Xin được lưu ý ông Thân Trọng Huề (1869-1925) là một trong những nhân vật nổi tiếng của dòng họ Thân danh giá mà tiêu biểu hơn cả là tiến sĩ Thân Nhân Trung, tác giả câu nói bất hủ đã đã ghi trên một tấm bia tại Quốc Tử Giám (Hà Nội): “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Năm 2010, trong dịp kỷ niệm 1000 họ Thân cũng tại Văn Miếu (Hà Nội), đã có bài viết nêu công lao của ông Thân Trọng Huề “đã buộc nhà đương cục Pháp phải ký vào văn kiện công nhận lãnh thổ Việt Nam bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa” nhưng chưa có bằng chứng cụ thể.

Nay, với lá thư của Khâm Sứ Trung Kỳ đã dẫn ở trên, việc đó mặc nhiên được xác nhận, đồng thời thêm một bằng chứng khẳng định chủ quyền lâu đời của Việt Nam đối với Hoàng Sa.

Nội dung này có thể có nhà nghiên cứu đã biết, nhưng việc một phụ nữ Pháp, chỉ với “chức danh” duy nhất liên hệ đến đề tài này là cô dâu của một gia đình họ Thân định cư ở Pháp nhiều chục năm trước vẫn luôn hướng về Việt Nam, chăm chú tìm những tư liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa gửi về  cho một ông giáo già ở Huế là điều rất đáng để chúng ta suy nghĩ. Lẽ nào một “bà đầm” bên Tây, một ông lão gần đất xa trời còn biết đau đáu về một vùng lãnh thổ của Việt Nam bị nước ngoài ngang nhiên chiếm đoạt, quan tâm tìm thêm bằng chứng lịch sử để đòi họ thực thi theo luật pháp quốc tế mà những cơ quan công quyền, những vị chức trọng quyền cao lại cảm thấy “khó khăn” mỗi khi lên tiếng đòi chủ quyền cho Tổ quốc mình?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét