Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

Những trận đánh khiến người phương Bắc kinh hồn bạt vía

http://vtc.vn/394-341879/phong-su-kham-pha/nhung-tran-danh-khien-nguoi-phuong-bac-kinh-hon-bat-via.htm


Đất nước Việt Nam nhỏ bé mà anh hùng. Trải ngàn năm Bắc thuộc mà không quỳ gối. Những quốc gia hùng mạnh nhất thế giới cũng bị đánh đuổi. Người Việt Nam hiền hậu, nhưng hàng ngàn năm qua chẳng mấy khi được yên bình.

Bài 1: Nhà Tống muối mặt vì thất bại ê chề

Từ khi có lịch sử dân tộc, mở đầu bằng quốc gia Văn Lang, dân tộc ta đã kiên cường, bền bỉ chinh phục thiên nhiên, khai phá đất hoang, quai đê lấn biển và chống sự xâm lược của ngoại bang để tiếp tục sống và phát triển, bảo vệ quê hương đất nước.

Vua Lê Thánh Tông xưa đã từng căn dặn quần thần: “Một thước núi, một tấc sông của ta không nên vất bỏ... Nếu ngươi dám lấy một thước, một tấc đất của Thái Tổ (Vua Lê Lợi) mà đút mồi cho giặc thì tội phải tru di...” (ĐVSKTT-T2-NXBVHTT-Tr.344).

Thông qua những trang ghi chép của thư tịch cổ, chúng ta có quyền tự hào về truyền thống anh hùng bất khuất trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, xử lý khôn khéo, lúc cương lúc nhu trong chính sách đối ngoại của tổ tiên xưa.

Những trận đánh khiến người phương Bắc kinh hồn bạt vía
Tượng Lý Thường Kiệt trong Đại Nam Quốc Tự. 

Mỗi khi đất nước có họa xâm lăng thì nhân dân ta lại đoàn kết một lòng với tinh thần “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” và “Không có gì quý hơn độc lập tự do” (Hồ Chí Minh).

Tên tuổi của các vị vua, các vương triều, các danh tướng gắn liền với các trận đánh lịch sử oai hùng, với các địa danh: Bạch Đằng, Chương Dương, Hàm Tử, Chi Lăng, Đống Đa... đã khiến cho quân xâm lược tháo chạy về tới cố quốc mà còn tim đập chân run, nghe tiếng trống đồng mà lòng khiếp sợ đến bạc tóc trên đầu.

Vua Quang Trung Nguyễn Huệ biểu dụ tướng sĩ trước khi ra Bắc đánh đuổi 20 vạn quân nhà Thanh vào năm 1788 – 1789: “Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng/ Đánh cho chúng chích luân bất phản/ Đánh cho chúng phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ”.

Đưa quân sang phương Bắc tập kích kẻ xâm lược

Năm Kỷ Dậu (1009), Vương Triều Lý do Vua Lý Công Uẩn lãnh đạo đã thay nhà tiền Lê mở đầu kỷ nguyên mới của Quốc gia Đại Việt, đánh dấu một thời kỳ phát triển mới của nước ta với việc dời đô từ Hoa Lư về kinh thành Thăng Long (1010).

Thời kỳ đó nhà Tống đã làm chủ Trung Quốc, nhưng luôn bị các nước nhỏ là Liêu, Hạ xâm lấn. Vua quan nhà Tống chủ trương đánh nước ta ở phía Nam để gây thanh thế và sức mạnh, khiến có thể quay lại đánh thắng Liêu, Hạ ở phía Bắc sau này.

Nhà Tống mua chuộc chia rẽ các dân tộc miền núi với nhân dân miền xuôi, cắt quan hệ buôn bán với Đại Việt, cho người đóng thuyền, tích trữ lương thực, luyện tập thủy quân, gây rối biên giới, lôi kéo Chiêm Thành nhằm uy hiếp và tấn công xâm chiếm nước ta.

Những trận đánh khiến người phương Bắc kinh hồn bạt vía
Ngôi mộ ở Hưng Yên nghi của Lý Thường Kiệt. Ảnh: Phạm Ngọc Dương. 

Các châu Ung – Khâm – Liêm (thuộc Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay) trở thành căn cứ quan trọng, nơi tập trung quân đội, lương thực, khí giới của quân Tống chuẩn bị cho cuộc tấn công Đại Việt vào năm 1075.

Trước âm mưu và hành động xâm lược ngày càng rõ rệt của giặc Tống, Phụ quốc Thái úy Lý Thường Kiệt chủ trương: “Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân ra trước chặn thế mạnh của giặc...”. Triều đình nhà Lý đồng ý với chủ trương triệt phá âm mưu xâm lược của nhà Tống ngay khi còn trong “trứng nước”. Vua Lý Nhân Tông “sai Lý Thường Kiệt và tướng Tôn Đản đem hơn 10 vạn binh đi đánh; đường thuỷ, đường bộ đều tiến” (ĐVSKTT-Tr.328).

Trước tiên Lý Thường Kiệt vạch ra kế hoạch dùng 4 vạn quân (phần lớn là thổ binh tấn công giặc ở biên giới, nhằm thu hút lực lượng địch). Sau đó cho 6 vạn quân vượt biển, bất ngờ đổ bộ đánh chiếm các cảng Khâm (Khâm Châu), Liêm (Hợp Phố) rồi sau đó tiến về thành Ung Châu (Nam Ninh) hợp với đạo quân từ biên giới theo hướng huyện Vĩnh Bình đánh sang.

Ngày 15/9 (20/6/1075) suốt dọc biên giới từ Quảng Yên (Cao Bằng) tới Vĩnh An (Móng Cái) quân ta bất ngờ tấn công phá hủy tất cả đồn trại và tiêu diệt nhiều binh lính, tướng lĩnh địch. Bị đánh đòn sấm sét phủ đầu, quân Tống không kịp đối phó, phần thì bị quân ta tiêu diệt, phần thì buông vũ khí đầu hàng hoặc bỏ chạy.

Ngày 20/10 (30/12/1075) đại quân ta đổ bộ lên Cảng Khâm (cánh quân thủy), địch lại hoàn toàn bị bất ngờ, nhanh chóng bị tiêu diệt hoàn toàn. 4 ngày sau một cánh quân khác của ta đổ bộ bất ngờ vào cảng Liêm, hạ luôn thành này. Từ Châu Liêm một bộ phận quân ta tiến về phía thành Ung Châu nhằm ngăn chặn và tiêu diệt viện binh giặc từ phía Đông và phía Bắc kéo tới.

Trên hai hướng, 10 vạn quân Đại Việt tiến sâu vào đất Tống với mục tiêu chính là triệt phá căn cứ thành Ung Châu với danh nghĩa chỉ đánh quân Tống để giữ nước và đồng thời nhân đó giúp đỡ những người dân nghèo khổ (nhân dân Tống) bị triều đình nhà Tống bóc lột, nên quân đội Đại Việt đã tranh thủ được sự cảm tình và ủng hộ của nhân dân nước Tống ở các thành trên.

Ngày 10 tháng Chạp (18/1/1076), đại quân ta vây chặt thành Ung Châu. Đoán chắc địch có thể từ phía Bắc cứu viện thành Ung Châu, trong lúc đang vây thành, Lý Thường Kiệt đã bí mật phái một đạo quân tiến lên phía Côn Lôn Quan (cách Ung Châu khoảng 40km về phía Bắc – nay là phủ Nam Ninh, tỉnh Quảng Đông) để chặn địch từ Quế Lâm kéo xuống.

Đúng như dự đoán, Đô giám Quảng Tây (Nhà Tống) là Trương Thủ Tiết đem quân đến cứu, bị quân đội Đại Việt phục kích, bất ngờ tấn công, chém Thủ Tiết chết tại trận, khiến quân giặc hoảng sợ tháo chạy tán loạn.

Ngày 4 tháng Giêng (sau 42 ngày vây hãm giặc – quân ta dùng bao đất chồng lên cao ngang mặt thành – do đó đã tiến quân được vào thành và hạ thành Ung Châu, tiêu diệt và bắt sống nhiều quân địch).

Sau khi đã phá tan căn cứ hậu cần quan trọng của giặc, làm phá sản kế hoạch đánh úp nước ta của nhà Tống, Lý Thường Kiệt chủ trương rút quân về nước để củng cố các cứ điểm quan trọng, chuẩn bị chống quân Tống xâm lược sau này.

Đập tan đội quân xâm lược nhà Tống trên đất Đại Việt

“Bính Thìn, năm thứ 5 (1076) – Tống Hy Ninh năm thứ 9) mùa Xuân, tháng 3, nhà Tống sai Tuyên phủ sứ Quảng Nam là Quách Quỳ làm Chiêu Thảo Sứ, Triệu Tiết làm phó tướng, đem quân và 9 tướng hợp với Chiêm Thành và Chân Lạp sang xâm lấn nước ta. Vua sai Lý Thường Kiệt đón đánh. Đến sông Như Nguyệt đánh tan địch. Quân Tống bị chết hơn 1000 người. Quách Quỳ lui quân, lại lấy châu Quảng Nguyên của ta”.

“Tân Dậu năm thứ 6 (1081) – Tống Nguyên Phong năm thứ 4 – trả lại cho nhà Tống những binh lính bắt được ở 3 châu Ung - Khâm - Liêm vì cớ nhà Tống trả lại ta các châu Quảng Nguyên” (ĐVSKTT – Tr.333).

Tháng 10/1076, Quách Quỳ được vua Tống cử làm thống soái chỉ huy 10 vạn quân chiến đấu và 20 vạn quân tải lương tấn công Đại Việt. Đại quân tiến theo hướng Lạng Sơn rồi vào thành Thăng Long. Thủy quân sẽ dọc theo ven biển vào sông Bạch Đằng, tạo thế gọng kìm để tấn công Đại Việt. Sau khi đánh tan các đạo quân thủy bộ của ta, chúng sẽ hội quân, dùng thuyền vượt sông Hồng đánh chiếm Thăng Long.

Sau chiến thắng Ung Châu quân ta đã rút về nước. Biết trước quân Tống sẽ sang xâm lược, triều đình nhà Lý đã chủ động tích cực chuẩn bị đối phó với quân Tống.

Những trận đánh khiến người phương Bắc kinh hồn bạt vía
Tranh Lý Thường Kiệt. 

Ở khu vực sát biên giới, thổ binh, hương binh bố trí ở các nơi hiểm yếu để sẵn sàng tiêu hao, ngăn chặn địch. Quân đội triều đình do phò mã Thân Cảnh Phúc chỉ huy phục kích ở ải Quyết Lý và giáp khẩu (Châu Ôn và Chi Lăng). Ven biển có thủy quân đóng ở căn cứ Vân Đồn (thuộc Quảng Yên) phối hợp với quân bộ đóng ở Ngọc Sơn (Móng Cái) có nhiệm vụ ngăn chặn địch trên vùng biển Đông Kênh (Quảng Ninh).

Chiến tuyến chính của ta là ở trung du, dựa vào bờ nam sông Như Nguyệt đắp đê cao, rào cọc tre, phên dậu ken dày chạy dài từ sườn Đông Bắc dãy Tam Đảo đến sườn Tây Nam dãy núi Nham Điền (Yên Dũng – Hà Bắc), khoảng 100km. Dưới sông, thủy quân ta tập trung trên 400 chiến thuyền đóng tại vùng Vạn Xuân (Phả Lại) sẵn sàng cơ động đánh địch ở các hướng.

Cuối tháng 11/1076, quân Tống đánh chiếm Quảng Yên. Ngày 1 tháng Chạp (1077) đại quân Tống chia làm nhiều đường tấn công Lạng Sơn. Quân Tống chiếm được các châu Ôn, Quyết Lý, Quang Lang, rồi theo đường tắt vượt qua dãy Bắc Sơn tiến đến sông Phú Lương (sông Cầu thuộc địa phận Thái Nguyên ngày nay).

Một cánh quân địch tấn công lực lượng của phò mã Thân Cảnh Phúc. Quân ta phân tán vào rừng núi, dùng lối đánh tỉa, đánh úp, phục kích tấn công vào các đoàn tải lương của địch. Ngày 21 tháng Chạp (18/1/1077) quân Tống do Quách Quỳ và Miêu Lý chỉ huy đóng ở trên đoạn bến sông Như Nguyệt và ở Thị Cầu.

Trên biển, thủy quân ta phục kích chặn đánh tiêu diệt và đẩy lui thủy quân Tống. Chờ mãi không thấy thủy quân đến, Quách Quỳ cho đóng thuyền bè chở quân vượt sông Như Nguyệt tấn công chiến tuyến phòng thủ của ta.

Bị thất bại nhiều lần, Quách Quỳ phải rút quân cố thủ ở bờ Bắc sông Như Nguyệt và hạ lệnh: “Ai bàn đánh sẽ bị chém”.

Quân địch bị tấn công cả ở phía trước và phía sau, lương thực bị thiếu trầm trọng, lòng quân hoang mang dao động. Nằm chắc thời cơ Lý Thường Kiệt chủ động cho quân chủ lực bộ binh và thủy binh phản công giặc.

Tục truyền rằng, vào một đêm quân sĩ ta chợt nghe ở trong đền thờ Trương tướng quân (Trương Hống, Trương Hát) có tiếng ngâm to rằng: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”. (Tạm dịch: Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Cõi bờ ngăn cách tự sách trời/ Cớ chi quân giặc sang xâm lấn?/ Thất bại bay xem sẽ đến nơi” (ĐVSKTT-Tr.330).

Trên đoạn từ Đông Nham Điền đến Tây Vạn Xuân, hoàng tử Hoằng Chân chỉ huy 400 chiến thuyền và hàng vạn quân đánh sâu vào nơi đóng quân của địch. Nhân lúc địch tập trung đối phó ở cánh phải, Lý Thường Kiệt chỉ huy đại quân vượt sông Phú Lương tấn công giặc ở cánh trái.

Theo “Việt Sử Lược” trong trận này địch 10 phần bị tiêu diệt đến 5,6. Quân địch bị đẩy vào thế cố thủ, trước mặt, sau lưng đều bị quân dân Đại Việt tấn công. Lương thảo của giặc ngày càng cạn kiệt. Nắm rõ tình hình bất lợi của giặc, Lý Thường Kiệt chủ động cho người sang gặp Quách Quỳ bàn hòa với điều kiện: “Toàn bộ quân Tống phải rút khỏi đất nước Đại Việt”.

Không còn con đường nào khác, như người sắp chết đuối vớ được cọc, Quách Quỳ vội chấp nhận điều kiện trên và y không chờ lệnh của vua Tống mà lập tức rút ngay quân đội về nước. Tháng 2/1077, 23.400 quân chiến đấu và 3.174 ngựa chiến của Quách Quỳ về tới đất Tống.

Trong hơn 2 tháng chiến đấu anh dũng, quân dân Đại Việt đã tiêu diệt trên 19 vạn quân chiến đấu và quân tải lương, với gần 6.000 ngựa chiến của quân Tống. Toàn bộ lãnh thổ của nhà nước Đại Việt đã sạch bóng quân xâm lược.

Sau chiến thắng, với chính sách ngoại giao khôn khéo của vương triều Lý, triều đình nhà Tống phải công nhận Đại Việt là Quốc gia riêng biệt có chủ quyền, chứ không phải là một quận của nước Tống. Vua Lý là một quốc vương chứ không phải là “Giao Chỉ Quận Vương” như các đời vua Tống trước đây thường “phong”.

Loạt bài về ngôi mộ nghi của Lý Thường Kiệt

Nhà sử học Đặng Hùng

Trận đánh kinh động cả thế giới của người Việt

http://vtc.vn/394-342239/phong-su-kham-pha/tran-danh-kinh-dong-ca-the-gioi-cua-nguoi-viet.htm


Quân sĩ hừng hực dũng khí. Không một người lính nào không thấy vinh dự khi được hy sinh cứu nước. Các chiến sỹ và nhiều người dân đã tự chích vào tay hai chữ Sát Thát (Giết giặc Mông Cổ) để nói lên quyết tâm của mình. 

Đón đọc bài 1:

Bài 2: Ba lần đánh bại Nguyên Mông


Tháng Chạp năm Ất Dậu (1225) Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, chấm dứt giai đoạn nhà Lý cai trị Đại Việt và cũng là thời kỳ mở đầu của vương triều Trần ở nước ta. Trần Cảnh lên làm vua (Trần Thái Tông), phong cho Trần Thủ Độ là Thái sư thống quốc thành quân Chinh Thảo Sự.


Sau khi thay thế nhà Lý (ở giai đoạn này đã quá suy yếu về chính trị, quân sự, kinh tế) - Triều đình nhà Trần tích cực đẩy mạnh việc phát triển kinh tế nông nghiệp, quai đê lấn biển, tiêu diệt các thế lực chống đối, ổn định tình hình chính trị trong nước, chính quyền trung ương tập quyền được củng cố vững chắc hơn so với triều trước.


Ở đất nước Mông Cổ, năm 1206 Thành Cát Tư Hãn lên làm vua. Nhà nước phong kiến Mông Cổ được hình thành và phát triển, nhanh chóng trở thành một đế quốc lớn mạnh chưa từng có trong lịch sử thế giới từ trước đến giờ. Quân Mông Cổ dưới sự lãnh đạo của Thành Cát Tư Hãn đã xâm lược rất nhiều nước Châu Âu và Châu Á.


Ở Châu Âu vó ngựa Mông Cổ đã tiến đến Ba Lan và Đức, Hungari và tới sát Ý vào năm 1242, khiến cả Châu Âu chấn động.


“Theo sử biên niên của nước Pháp thì mối lo sợ trước quân Mông Cổ đã làm đình trệ cả sự buôn bán”. Ở Đức xuất hiện bài kinh cầu nguyện “Chúa cứu vớt chúng con khỏi cơn thịnh nộ của Tác-ta – Mông Cổ”.


Ở phía Nam quân Mông Cổ chiếm Trung Quốc, Cao Ly, tấn công Nhật Bản... Một đế quốc Mông Cổ rộng mênh mông được tạo lập từ bờ biển Hắc Hải đến tận Thái Bình Dương.


Quân đội Mông Cổ với lực lượng kỵ binh thiện chiến đánh đâu thắng đấy! Nhưng cả ba lần xâm lược Đại Việt, với 1 triệu quân, thì bị đánh cho đại bại. Chủ tướng Thoát Hoan phải chui vào ống đồng để quân lính “kéo” về Vân Nam. Toa Đô, dũng tướng khét tiếng của Mông Cổ bị rơi đầu. Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp bị bắt, trở thành vật tế sống ở mộ các vua Trần...


Lịch sử dân tộc đã ghi những chiến công oanh liệt của quân nhân thời Trần vào thế kỉ thứ 13. Đúng như lời thơ hào sảng của Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải sau chiến thắng chống Nguyên Mông: “Chương Dương cướp giáo giặc/ Hàm Tử giết quân thù/ Thái Bình nên gắng sức/ Non nước ấy ngàn thu”.


“Đầu tôi chưa rơi xuống đất xin bệ hạ đừng lo”


Năm 1257, chúa Mông Cổ là Mông Kha tế cờ trên bờ sông Kê-Ru-Len rồi xuất quân đánh nhà Tống (Trung Quốc).


Nguyên sử (Trung Quốc) quyển 209 - phần An Nam truyện chép rằng: “Ngột Lương Hợp Đài (Hốt Tất Liệt chiếm được nước Đại Lý để Ngột Lương Hợp Đài ở lại toan đến đánh chiếm Giao Chỉ), đóng binh ở phía Bắc Giao Chỉ, sai hai sứ giả sang trước để dụ” (SĐD –Tr.467). “Vua Trần Thái Tông không những không chịu đầu hàng mà cho bắt giam sứ Mông Cổ” (VNSL-Tr.120).


Tháng 12, ngày 12, tướng nhà Nguyên là Ngột Lương Hợp Đài xâm lấn Bình Lệ. Sách Nguyên sử - Q.209 chép: “Thấy sứ giả không trở về Ngột Lương Hợp Đài bèn sai bọn Triệt Triệt Đô đem 1000 người chia đường mà tiến đến trên sông Thao ở Kinh Bắc nước An Nam. Lại sai con là A Truật sang giúp và nhòm ngó tình hình. Người Giao (Chỉ) cũng bày nhiều binh vệ. A Truật trở về báo Ngột Lương Hợp Đài để tiến gấp. Sai Triệt Triệt Đô làm tiên phong, A Truật đi sau. Tháng 12, hai quân hợp nhau” (SĐD-Tr.468).

Trận đánh kinh động cả thế giới của người Việt
Đền thờ nhà Trần ở Thái Bình. 

Khi quân Mông Cổ do Ngột Lương Hợp Đài tấn công Bình Lệ, vua Trần Thái Tông tự làm tướng đốc chiến đi trước xông pha tên đạn. Tướng Lê Phụ Trần một mình một ngựa ra vào trận giặc, sắc mặt như thường.


Thế giặc mạnh, quân ta lui về giữ ở sông Lô. Giặc bắn tên như mưa xuống thuyền của vua, tướng Lê Phụ Trần liền lấy ván thuyền để chắn tên cho vua. Trước sự hung hãn và mạnh mẽ của quân giặc, vua Trần dời thuyền đến hỏi Thái sư Trần Thủ Độ. Thái sư trả lời: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất thì bệ hạ không cần lo ngại gì cả” (ĐVSKTT-Tr.470).


Để tránh sức mạnh ban đầu của giặc, quân ta chỉ để lại một bộ phận chặn giặc và làm nghi binh, còn đại quân được lệnh rút về Hưng Yên, Thiên Trường, Long Hưng...


Kinh thành bỏ trống, nhân dân trong thành Thăng Long được lệnh làm theo kế “Thanh Giã” (vườn không nhà trống). Quân Mông Cổ tiến vào thành Thăng Long mới phát hiện cả thành trống rỗng, Ngột Lương Hợp Đài tức giận cho quân cướp bóc, tàn phá kinh thành, giết cả những nam phụ lão ấu trong thành do không sơ tán kịp.


Lương thực của quân giặc mang theo đã cạn, kinh thành lại trống không, kẻ địch đã cố gắng tiến hành những cuộc cướp phá ở những vùng xung quanh thành Thăng Long, nhưng đến đâu chúng cũng gặp sức chống trả mãnh liệt của nhân dân.


Khi quân Mông Cổ tiến đến Cổ Sở (nay là Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội) nhân dân ở đây đã đoàn kết chiến đấu, đánh cho chúng một trận tơi bời, xác giặc ngổn ngang, ngựa chúng sập hầm, trúng chông què, lũ cướp nước tan tác bỏ chạy. Không có lương thảo, binh sĩ mỏi mệt, lại thêm khí hậu khắc nghiệt, quân xâm lược Mông Cổ lâm vào tình thế tiến lui đều gặp khó khăn.


Nắm chắc thời cơ thuận lợi, ngày 24, tháng Chạp năm Nguyên Phong thứ 7 (29/01/1258), vua Trần Thái Tông cùng thái tử Hoảng chỉ huy lâu thuyền ngược dòng Thiên Mạc phá tan giặc ở Đông Bộ Đầu, chiếm lại kinh thành.


Bị đánh bật khỏi thành Thăng Long, quân Mông Cổ quay đầu rút chạy về Vân Nam. Đang lúc chỉ mong thoát thân thì chúng lại bị đồng bào dân tộc vùng núi ở trại Quy Hóa theo trại chủ là Hà Bổng đổ ra tập kích. Bị đánh bất ngờ, quân giặc bỏ chạy tháo thân và bị thiệt hại nặng nề về người, vũ khí, quân trang.

Trận đánh kinh động cả thế giới của người Việt
Tượng Trần Hưng Đạo. 

Khác hẳn với thái độ nghênh ngang hung hãn khi tiến quân vượt biên giới vào Đại Việt, bọn xâm lược Mông Cổ bị đánh cho tan tác, mạnh ai nấy chạy, lén lút tìm đường vượt biên giới trốn chạy cho nhanh. Chúng không còn dám nghĩ đến chuyện cướp bóc, đốt phá, tranh giành của cải như khi mới sang.


Để chế giễu thái độ đó của chúng, người thời bấy giờ đã gọi chúng bằng cái tên rất mỉa mai là “Giặc Phật”. Cuối tháng Giêng (1258), địch hoàn toàn rút khỏi nước ta.


Thắng lợi của quân dân Đại Việt trong chiến tranh lần thứ nhất chống Mông Nguyên, không những đã bảo vệ được nền độc lập dân tộc mà còn bẻ gãy một gọng kìm của quân Mông Cổ định chiếm xong nước ta thì tấn công vào miền Nam Trung Quốc tiêu diệt triều đình nhà Nam Tống.


Cuộc chiến đấu và chiến thắng năm Nguyên Phong thứ 7 do vua Trần Thái Tông và tướng quốc Trần Thủ Độ chỉ huy mãi mãi là niềm tự hào được ghi trên những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam anh hùng.


Vua Trần Nhân Tông sau này trong bài thơ “Ngày Xuân yết bái Chiêu Lăng” đã viết: “Bạch đầu quân sĩ tại .... Vãng vãng thuyết nguyên phong...” (Người lính già đầu bạc ... Kể mãi chuyện nguyên phong).


“Chương Dương cướp giáo giặc, Hàm Tử bắt quân thù”


Sau khi đánh đổ nhà Nam Tống (1279) chiếm toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc, quân Mông Cổ ngày càng trở nên hùng mạnh. Hốt Tất Liệt đổi quốc hiệu là Đại Nguyên, chuẩn bị những cuộc viễn chinh mới để thực hiện mưu đồ thống trị thế giới.


Ở phía Đông chúng chuẩn bị đánh Nhật Bản, phía Nam âm mưu chiếm các nước Đông Nam Châu Á rồi tiến đánh Ấn Độ...


Mục tiêu đầu tiên để tràn xuống Đông Nam Á của quân Nguyên là phải san bằng được Đại Việt. Hốt Tất Liệt huy động một đội quân tinh nhuệ, đông tới 60 vạn người do con trai của y là Trấn Nam Vương Thoát Hoan chỉ huy. Bên cạnh Thoát Hoan còn có hàng chục viên tướng nổi tiếng khác đó là A-Rích-Kha-A, Ô Mã Nhi, Lý Hằng, Lý Quan, Toa Đô...


Năm 1282 Hốt Tất Liệt cử Toa Đô dẫn 10 vạn quân tấn công Chiêm Thành, sau đó Thoát Hoan đem quân tấn công nước Đại Việt ở phía Bắc, tạo thế gọng kìm kẹp quân ta vào giữa hai đạo quân Mông Cổ để tiêu diệt.


Sau chiến thắng năm 1258, nhà Trần chủ trương vừa mềm dẻo, vừa kiên quyết duy trì quan hệ ngoại giao với nhà Nguyên. Nhưng mặt khác vẫn chủ động tích cực chuẩn bị đối phó với âm mưu xâm lược lần thứ hai của giặc.


Năm 1282 nhà Trần không đồng ý cho quân Nguyên mượn đường sang đánh Chiêm Thành, vì biết đây là kế “Giả đò diệt quắc” của giặc. Trái lại quân ta còn tích cực ủng hộ Chiêm Thành chống quân Nguyên xâm lược.


Trước âm mưu xâm lược của Nhà Nguyên ngày càng lộ rõ, tháng 10 (1282) vua Trần tổ chức hội nghị Bình Than cùng triều đình và các vương hầu bàn kế chống giặc.


Vị tướng tài Trần Quốc Tuấn được cử làm Quốc công tiết chế thống lĩnh toàn quân. Hội nghị vương hầu bách quan ở Bình Than có mục đích “bàn kế đánh phòng” và “chia quân giữ nơi hiểm yếu”.


Trần Quốc Toản tuy tuổi còn nhỏ, không được dự họp đã bóp nát quả cam cầm trong tay mà không biết. Sau đó Quốc Toản trở về lập một đội quân hơn nghìn người, sắm vũ khí, đóng chiến thuyền chờ ngày giết giặc cứu nước. Trên lá cờ của người thiếu niên anh dũng đó có 6 chữ: “Phá cường địch, báo hoàng ân” (Phá giặc mạnh, báo ơn vua).


Tháng 8, năm Giáp Thân (1284) quân ta hội quân tại bến Đông Bộ Đầu tổng cộng có trên 20 vạn quân duyệt binh, sau đó các tướng Trần Bình Trọng, Trần Khánh Dư, Trần Quang Khải... được lệnh đem quân trấn giữ các vùng xung yếu trong nước để đề phòng quân Nguyên tràn sang.


Sau đó vua Trần cho triệu tập hội nghị Diên Hồng lịch sử, nhằm động viên sự nhất trí chống giặc trong nhân dân. Yến tiệc được mở ra tại thềm điện Diên Hồng, Vua hỏi các bô lão: “Thế giặc mạnh, chúng ta nên hòa hay nên đánh?”. Trả lời cho câu hỏi của vua Trần là tiếng hô vang của hàng vạn phụ lão “Đánh, Đánh”, “vạn người cùng nói như từ một miệng” (Toàn thư).


Tiếng hô “Đánh” của các phụ lão ở điện Diên Hồng biểu lộ tinh thần quyết chiến của toàn dân Đại Việt. Đúng như người xưa nói: “Người chèo thuyền là dân, người lật thuyền cũng là dân” (Sức dân mạnh như sóng biển). Những bậc phụ lão, những đại biểu có uy tín của nhân dân đã nói lên tiếng nói của cả dân tộc.


Hội nghị Diên Hồng là một cuộc họp mặt đại biểu rộng khắp của toàn dân - độc nhất vô nhị trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Các bô lão đã mang tới cho vua Trần và triều đình câu trả lời quyết chiến của nhân dân ở các lộ trong cả nước, và cũng mang từ Thăng Long về mọi miền quê cái không khí quyết tâm chống giặc giữ nước của hội nghị Diên Hồng và quyết tâm của Triều đình.


Nhà sử học Ngô Sỹ Liên sau này nhận xét: “Đó là Thánh Tông (chỉ vua Trần) muốn xem sự ái hộ thành thật của hạ dân và muốn cho họ nghe dụ hỏi mà cảm kích phát lên” (Toàn thư –Q.5-Tr.44b). Với lòng yêu nước nồng nàn, ở khắp các lộ (thời Trần chia nước làm các phủ - lộ) trong nước có những bảng treo dòng chữ: “Tất cả các quận huyện trong nước, nếu có giặc ngoài đến phải liều chết mà đánh, nếu sức không địch nổi thì cho phép lẩn tránh vào rừng núi, không được đầu hàng” (Theo sách Nguyên sử của Trung Quốc – Q.209-Tr.7).


Trong không khí: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” ấy thì lời hịch của Trần Quốc Tuấn kích động lòng dân và quân háo hức quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của mình: “...Nay các ngươi ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo, thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn, làm tướng triều đình phải hầu quân giặc mà không biết tức, nghe nhạc Thái thường đãi yến Ngụy sứ mà không biết căm. Hoặc lấy việc chọi gà làm vui đùa, hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển... hoặc quyến luyến vợ con, hoặc lo làm giàu mà quên việc nước... nếu có giặc Mông Thát tràn sang... tiền của dẫu nhiều không mua được đầu giặc, chó săn tuy khỏe không đuổi được quân thù... lúc bấy giờ chủ tôi nhà ta cùng bị bắt đau xót biết chừng nào; chẳng những thái ấp của ta không còn, mà bổng lộc các ngươi cũng về tay kẻ khác, chẳng những gia quyến ta bị đuổi, mà vợ con các ngươi cũng bị bắt đi, chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục, rồi đến trăm năm sau, tiếng dơ khôn rửa, tên xấu còn lưu... Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi muốn vui chơi phỏng có được không?


....Vì sao vậy? Giặc Mông Thát với ta là kẻ thù không đội trời chung, mà các ngươi cứ điềm nhiên không muốn rửa nhục, không lo trừ hung, lại không dạy quân sĩ, chẳng khác nào quay mũi giáo mà chịu đầu hàng, giơ tay không mà chịu thua giặc. Nếu vậy, rồi đây sau khi dẹp yên quân giặc, muôn đời để thẹn, há còn mặt mũi nào đứng trong cõi trời che đất phủ này nữa. Vậy ta viết bài hịch này để các ngươi biết rõ lòng ta”.


Bài hịch đã xoáy vào những nỗi uất ức căm thù của tướng sĩ trong bao nhiêu năm, mà phấn kích tinh thần chiến đấu của họ. Quân sĩ hừng hực dũng khí. Không một người lính nào không thấy vinh dự khi được hy sinh cứu nước. Các chiến sỹ và nhiều người dân đã tự chích vào tay hai chữ Sát Thát (Giết giặc Mông Cổ) để nói lên quyết tâm của mình.


Cuối năm 1284 Thoát Hoan tiến quân vào nước ta, giặc chia quân làm 2 mũi đánh vào Tuyên Quang và Lạng Sơn. Quân ta chủ động chặn giặc ở Lạng Sơn rồi lui vào khu vực ở Lạng Giang và Vạn Kiếp.


Thoát Hoan liền chia quân làm ba mũi ý dịnh vây chặt quân ta để tiêu diệt. Với thế mạnh như chẻ tre, quân giặc tưởng chừng như đè bẹp ngay được quân dân Đại Việt, nhưng với thiên tài quân sự của mình, Trần Quốc Tuấn đã nhận định: “Nguyên binh khí nhuệ đang hưng, kíp đánh chẳng bằng kiên thủ chờ suy”.


Sau đó quân ta rút lui để bảo toàn lực lượng theo 2 hướng Thăng Long – Thiên Trường và một bộ phận rút về hướng Quảng Yên để giặc lầm tưởng vua quan triều Trần chạy ra biển.


Ngày 13 tháng Giêng (19/2/1285), quân Nguyên tiến vào kinh thành Thăng Long đã bị bỏ trống. Toa Đô lúc này được lệnh đem quân từ Chiêm Thành tiến ra, Thoát Hoan cho Ô Mã Nhi dẫn quân đi đường biển để tiếp ứng cho Toa Đô đánh từ phía Nam đánh ra.


Tướng Trần Quang Khải của ta dùng lối đánh chặn từng bước, đã chặn đứng được quân Toa Đô ở giáp giới giữa Thanh Hóa và Nghệ An, ngăn không cho chúng ra Bắc.


Tháng 2 (1285) địch cho quân tiến xuống Hưng Yên, Hà Nam, Thiên Trường, truy kích đại quân của vua Trần. Tại bãi Đà Mạc (Hưng Yên) tướng Trần Bình Trọng được lệnh chặn quân truy đuổi của giặc để vua và Đại quân di chuyển về Thiên Trường, Thanh Hóa.


Khi đại quân Nguyên tới, Trần Bình Trọng tả xung hữu đột chiến đấu, nhưng vì địch đông ta ít nên cuối cùng ông bị sa vào tay giặc. Thoát Hoan muốn dụ hàng nên hỏi ông rằng: “Có muốn làm vương đất Bắc không?” Trần Bình Trọng quát lên: “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”....


Thoát Hoan thấy không dụ được ông liền sai quân đem chém. Vua, quan, quân triều đình nhà Trần nghe tin Trần Bình Trọng tử tiết ai cũng tỏ lòng thương xót.


Đi đôi với kế “Vườn không nhà trống”, khắp nơi dân binh kết hợp với quân lính nhà Trần tổ chức đánh úp, đánh tỉa, đánh phục kích các toán quân địch đi sục sạo cướp bóc lương thảo.


Do chủ quan tưởng có thể thắng nhanh, quân Nguyên không tải theo nhiều lương thực vì thế bị thiếu ăn, lòng quân ngày càng hoang mang dao động. Hai mũi quân giặc do Thoát Hoan và Toa Đô chỉ huy lại không kết hợp được với nhau.


Để gỡ thế bí, Thoát Hoan thúc giục Toa Đô nhanh chóng tiến ra Bắc để hội quân với y cho có thêm sức mạnh tiếp tục tấn công Đại Việt. Nắm được ý đồ của giặc, thấy thời cơ đã đến. Vua Trần và Trần Quốc Tuấn quyết định nhằm đạo quân Toa Đô để đánh trận phủ đầu tiêu diệt địch.


Đạo quân Toa Đô đánh nhau với Trần Quang Khải ở Thanh Hóa và Nghệ An mãi không thắng được, lương thực ngày một kiệt quệ. Nhận lệnh của Thoát Hoan phải ra Bắc hội quân nên y cùng Ô Mã Nhi xuống thuyền vượt biển để ra Thăng Long.


Vua Trần và Trần Quốc Tuấn chủ trương không để cho giặc hội quân vì thế đến tháng Tư (1284) đã cử Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật làm tướng chỉ huy, Trần Quốc Toản làm phó tướng cùng tướng quân Nguyễn Khoái đem 5 vạn quân phục kích ở khu vực bến Hàm Tử (thuộc Đông An, Hưng Yên). Quân ta dựa vào lau sậy mọc um tùm hai bên bờ sông để đón đánh thuyền giặc.


Trận địa mai phục vừa xong thì thuyền chiến của Toa Đô dẫn xác tới. Quân ta từ nhiều phía bổ vây địch. Lúc đó, trong đội quân của tướng Trần Nhật Duật còn có Triệu Trung là tướng nhà Tống (đầu quân trong đạo quân của Trần Nhật Duật) mặc áo, đeo cung tên như quân Tống, cũng tham gia chiến đấu rất dũng mãnh đánh đuổi quân Nguyên.


Bị đánh úp bất ngờ quân Nguyên hoảng loạn nhảy xuống sông và bị thiệt hại rất nặng. Số quân còn lại theo Toa Đô rút ra cửa biển Thiên Trường. Thời cơ đã đến, Hưng Đạo Vương và vua Trần chủ động tấn công Thành Thăng Long. Thực hiện sách lược đã được vạch ra, quân ra đã đánh một trận rất lớn và rất tài tình, đó là trận: Chương Dương.


Lúc đó Đại quân của Thoát Hoan đóng ở Thăng Long, chiến thuyền giặc đóng ở bến Chương Dương.


Sau chiến thắng Hàm Tử, Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản cùng các tướng khác được lệnh đem quân đánh Chương Dương và thành Thăng Long.


Phối hợp với quân chủ lực của triều đình còn có các đạo quân binh ở các lộ do Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp, Nguyễn Tuyền chỉ huy. Đây là trận mà quân ta đã phối hợp tốt giữa quân địa phương và dân binh với quân triều đình.


Quân ta bí mật đánh úp, áp sát thủy trại giặc. Bị bất ngờ, quân giặc đạp lên nhau mà chạy lên bờ để trốn về thành Thăng Long. Quân ta truy sát địch tới sát chân thành. Thoát Hoan vội đem đại quân ra tấn công, quân ta giả vờ thua chạy, địch đuổi theo liền bị phục binh của Trần Quang Khải đổ ra đánh, quân Nguyên phải bỏ thành Thăng Long chạy qua sông Hồng, rồi đóng quân tại vùng Kinh Bắc (Bắc Ninh).


Tài liệu thời Nguyên (Trung Quốc) chép: “Thủy lục đến đánh vào đại doanh, vây thành mấy vòng, quan quân (chỉ quân Nguyên) sớm tối đánh khốn đốn, thiếu thốn lương thực, khí giới đều hết”.


Trần Quang Khải đem quân vào thành Thăng Long, cảm khái trước sự dũng mãnh của dũng sĩ và nhân dân, ông đã viết: “Chương Dương cướp giáo giặc/ Hàm Tử giết quân thù/ Thái Binh nên gắng sức/ Non nước ấy ngàn thu”.


Toa Đô đóng quân ở Thiên Trường, cách Thoát Hoan hơn 200 dặm (không biết Thoát Hoan đã thua trận, thoát chạy về Bắc Giang rồi), cho quân tiến về sông Thiên Mạc với ý đồ hợp quân với Thoát Hoan. Khi được tin Thoát Hoan đã bại trận, Toa Đô liền rút quân về đóng ở Tây Kết, rồi cho người đi dò tin tức của Thoát Hoan.


Sau chiến thắng Hàm Tử, Chương Dương, Trần Hưng Đạo cho các tướng Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải chia quân chặn các ngả đường không cho Thoát Hoan và Toa Đô thông tin được với nhau. Tiếp đó Hưng Đạo Vương đem binh đến Tây Kết chia quân đánh trại quân Nguyên và đặt phục binh để bắt Toa Đô.


Quân ta càng đánh càng hăng, quân Nguyên địch không nổi, Toa Đô và Ô Mã Nhi đem tàn quân chạy lên bờ tìm đường bộ ra biển, nhưng bị phục binh của ta vây đánh.


Tương truyền tướng quân Nguyễn Khoái đã bắn chết Toa Đô tại trận, còn Ô Mã Nhi tìm đường chạy vào Thanh Hóa. Khi bị quân ta truy đuổi y đã vội vàng xuống thuyền, một mình liều chết chạy ra biển trốn về Trung Quốc.


Trận Tây Kết diễn ra vào tháng 5/1285, quân ta tiêu diệt toàn bộ 8 vạn quân của Toa Đô (bắt sống hơn 5 vạn quân Nguyên và hàng trăm chiến thuyền cùng nhiều khí giới không kể xiết. Viên tướng Toa Đô bị chém rơi đầu, nhưng với tấm lòng nhân đạo của mình, vua Trần Nhân Tông đã sai khâm liệm và làm lễ mai táng cho y rất chu đáo).


Tin Toa Đô bị chém, Ô Mã Nhi bỏ chạy ra biển làm cho Thoát Hoan và tướng sĩ Nguyên đều hoảng sợ, bàn cách chuồn về nước.


Hưng Đạo Vương đoán biết ý đồ tháo chạy của Thoát Hoan liền sai tướng Nguyễn Khoái và Phạm Ngũ Lão dẫn 3 vạn quân phục sẵn ở bên sông Vạn Kiếp. Hai con ông là Hưng Võ Vương Nghiễn và Hưng Hiếu Vương Úy dẫn 3 vạn quân theo đường Hải Dương ra Quảng Yên, mục đích không cho địch chạy về châu Tư Minh (Trung Quốc).


Hưng Đạo Vương tự mình dẫn đại quân tấn công Thoát Hoan ở Bắc Giang, tiêu diệt một bộ phận lớn quân giặc. Thoát Hoan cố sống cố chết chạy về Vạn Kiếp, tưởng đã thoát thân nào ngờ y chưa kịp hoàn hồn thì bị phục binh của ta đổ ra đánh.


Quân giặc vội vã bắc cầu phao vượt sông Sách (tức sông Thương đoạn chảy qua vùng Vạn Kiếp). Cánh quân của Viên tả thừa Tang-Gu-Tai chưa kịp chạy thì bị quân mai phục của ta từ trong rừng đổ ra đánh, khiến chúng xô đạp nhau chạy làm đứt cả cầu phao, ngã xuống sông chết đuối rất nhiều.


Quân ta do tướng Nguyễn Khoái chỉ huy liên tiếp truy kích giặc. Tướng Nguyên là Lý Hằng bị bắn chết. Thoát Hoan, Phàn Tiếp, A-Bát-Xích, Lý Quán cố sức đánh mở đường máu mà chạy.


Bị quân ra đuổi riết, không còn cách nào khác để thoát thân vì thế Thoát Hoan phải chui vào cái ống đồng để lên trên xe bắt quân lính kéo chạy về phía biên giới. Đến gần châu Tư Minh, tưởng đã thoát thân, quân giặc định nghỉ ngơi rồi đi tiếp nào ngờ lại bị Hưng Võ Vương Nghiễn và Hưng Hiếu Vương Úy “giăng rọ” chờ sẵn từ trước, đổ ra đánh.


Lý Quán bị tên bắn chết ngay tại trận, còn Thoát Hoan nhờ có A-Bát-Xích cố chết bảo vệ nên chạy thoát thân về bên kia biên giới.


Với đội quân 60 vạn người, lúc đầu hùng hổ vượt biên giới kéo sang, khí thế oai phong lừng lẫy bao nhiêu thì khi về như con “Cẩu” cụp đuôi, luồn lách, chui lủi tìm đường thoát chạy về nước. Chỉ trong vòng 6 tháng (tháng Chạp, 1284 đến tháng 6-1285, quân dân Đại Việt đã đánh đuổi hơn nửa triệu quân xâm lược ra khỏi bờ cõi. Đó là nhờ vua tôi đồng lòng, toàn dân quyết chí đồng tâm, đồng sức đánh đuổi quân thù để bảo vệ quê hương đất nước.


“Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/ Non sông ngàn thuở vững âu vàng”


Nhà sử học Ba Tư Ra-xít-út-đin ở thế kỉ 13 đã viết về cuộc kháng chiến oai hùng của người Giao Chỉ (Đại Việt) trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông với những từ sau: “Nước đó có vương quốc riêng, không thần phục Hãn (Vua Mông Cổ), Tu Gan (Thoát Hoan) con trai của Hãn chỉ huy đội quân để ngăn ngừa và chống lại những ai không khuất phục. Một lần Tu Gan đem quân vào nước đó, chiếm lấy các thành thị ven biển và thống trị ở đấy, nhưng bỗng nhiên xuất hiện những đội quân (Giao Chỉ) từ biển, từ rừng, từ núi, đánh tan quân Tu Gan (Thoát Hoan) đang cướp bóc, Tu Gan trốn thoát”.


Trong lúc quân dân Đại Việt hân hoan mừng chiến thắng thì ở bên kia biên giới Hốt Tất Liệt nổi giận vì Thoát Hoan bị thất trận nặng nề. Nóng lòng cần một căn cứ để làm bàn đạp tiến hành xâm lược Đông Nam Á nên vua nhà Nguyên gấp rút cho ngừng việc tấn công Nhật Bản và sai đóng trên 300 chiến thuyền, lệnh cho ba tỉnh Giao Hải - Hồ Quảng – Giang Tây tụ tập quân sĩ định đến tháng 8/1285 thì đem quân theo đường Châu Khâm, Châu Liêm tiến đánh Đại Việt để báo thù.


Rút kinh nghiệm hai lần thất bại trước vì thiếu lương thực, lần này vua Nguyên đặc biệt chú trọng đến việc cho thuyền tải lương đi theo và vạch sách lược tấn công theo lối: “tằm ăn dần dà”.

Trận đánh kinh động cả thế giới của người Việt
Lăng mộ như gò núi của vua Trần ở Thái Bình. 

Biết tin quân Nguyên chuẩn bị lực lượng tấn công Đại Việt, vua Trần hỏi Hưng Đạo Vương: “Thế giặc năm nay thế nào?” Trần Hưng Đạo trả lời: “Năm nay đánh giặc nhàn”. Vua Trần và Trần Quốc Tuấn chia quân chặn địch ở các hướng Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Yên, Vạn Kiếp (Hải Dương) và Long Hưng (Thái Bình).


“Nhà Nguyên phát quân ở 3 sảnh Giao Hoài, Giang Tây, Hồ Quảng. Quân Mông Cổ, quân Hán Nam cùng quân Vân Nam và quân người Lê ở 4 châu ngoài biển chia đường vào cướp. Sai bọn Vạn Hộ Trương Văn Hổ chở 70 vạn hộc lương theo đường biển, lại đặt Chinh Giao Chỉ hành thượng Thư sảnh, cho Áo-lỗ-xích làm Bình Chương Sự, Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp làm tham tri chính sự phụ trách, đều sự tiết chế của Trấn Nam Vương” (ĐVSKTT-Tr.517).


Quân Nguyên chiếm núi Phả Lại và núi Chí Linh để lập căn cứ; Trình Bằng Phi đem 2 vạn binh đánh đồn Vạn Kiếp của ta. Ô Mã Nhi và A-bát-Xích dẫn quân từ sông Lục Đầu đánh xuống Hồng Hà.


Hưng Đạo Vương liền rút quân về giữ Thăng Long, nhưng sau bị Ô Mã Nhi bám riết, thượng hoàng và vua Trần Nhân Tông xuống thuyền đi ra cửa biển Thiên Trường. Ô Mã Nhi đem quân đuổi theo nhưng không kịp, liền kéo quân về Long Hưng (Tiến Đức, Hưng Hà, Thái Bình nơi có mộ tổ tiên nhà Trần ở đó). Y cho người đào phá lăng mộ của nhà Trần.


Thoát Hoan đem binh mã vây đánh Thăng Long, chiếm được thành nhưng sau lại phải rút về căn cứ Vạn Kiếp, Chí Linh, Phả Lại. Hưng Đạo Vương cũng tiến quân tới lập trại để chống chọi với giặc.


Ngày Mậu Tuất, 12/12 (17/12/1287) chiến thuyền của bọn Ô Mã Nhi (xuất phát từ cảng Khâm Châu) tiến vào nước ta. Đoàn thuyền vận tải lương thực của Trương Hổ vì chở quá nặng nên bị tụt lại phía sau. Mấy ngày sau thuyền giặc qua cửa biển Vạn Ninh (Móng Cái), đến Ngọc Sơn chúng gặp tướng Nhân Đức Hầu Trần Da phục binh trên núi phục đánh. Chiến thuyền giặc liền vây bọc lại đánh nhau với quân ta và qua được cửa Ngọc Sơn.


Thuyền của Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp tiến vào cửa An Bang (Quảng Yên) giao chiến với thủy quân của tướng Trần Khánh Dư, quân ta bị tổn thất phải rút lui. Ô Mã Nhi sau khi qua được cửa An Bang đã theo sông Bạch Đằng tiến về Vạn Kiếp. Hắn tưởng rằng quân ta bị đánh tan không thể ngăn cản nổi đoàn thuyền lương đi sau nên hắn cứ tiến thẳng không chú ý đến việc bảo vệ cho Trương Văn Hổ.


Khi thủy quân nhà Nguyên đánh Vân Đồn, Hưng Đạo Vương đã trao quyền chỉ huy giải biên thùy cho phó tướng là Trần Khánh Dư. Nghe tin Trần Khánh Dư thua trận, vua Trần liền sai trung sứ đến bắt Khánh Dư đưa về cửa khuyết để trị tội. Khánh Dư nói với Trung sứ rằng: “Lấy quân luật mà xử, tôi xin chịu tội, nhưng xin hoãn cho vài ba ngày, để tôi lập công chuộc tội rồi hãy chịu búa rìu của hoàng thượng cũng chưa muộn”.


Trung sứ nghe theo lời khuyên, Khánh Dư đoán biết quân chủ lực giặc đi rồi, thuyền lương tất phải theo sau, bèn tập hợp số quân còn lại bố trí phục kích chờ giặc tới. Quả nhiên mọi việc diễn ra đúng như dự đoán của vị tướng mưu trí đó.


Tháng 12 âm lịch (2/2/1288) đoàn thuyền chở lương của Trương Hổ kéo vào vùng biển Vân Đồn. Vì chủ quan cho rằng Ô Mã Nhi đi trước đã dọn đường cho mình rồi nên Trương Hổ không đề phòng, bị lọt vào trận địa phục kích của thủy quân ta.


Khi giặc tới, bất giờ thủy quân ta do Trần Khánh Dư ập tới đánh, giặc Nguyên bị thua, Trương Văn Hổ cố gắng tiến về phía đất liền, nhưng đến biển Lục Thủy (Cửa Lục, Hòn Gai) thì thủy quân ta đổ ra đánh càng đông. Trương Văn Hổ đại bại đổ cả lương thực xuống biển, trốn chạy về Quỳnh Châu (Hải Nam). Quân ta “bắt được quân lương khí giới của giặc nhiều không kể xiết, tù binh cũng rất đông” (Toàn thư- Q.5.Tr-53a).


Theo sách Nguyên sử (Trung Quốc – Q.209 – An Nam Truyện – Tr.10a) thì số lương thực mất hơn 14.300 thạch. Con số đó chắc còn xa thực tế vì Trương Văn Hổ chỉ chạy thoát trên một chiếc thuyền nhỏ về Quỳnh Châu. Triều đình đã tha tội cho Trần Khánh Dư.


Trần Quốc Tuấn cho rằng để làm cho quân sĩ địch chóng “ngã lòng, bấy giờ mới dễ phá”. Vì thế quân ta đã thả tù binh, báo tin thuyền lương của Trương Hổ đã bị tiêu diệt cho Thoát Hoan biết. Trước tình hình ở không yên, lương thực lại bị mất, lòng quân dao động, Thoát Hoan buộc phải cố thủ ở Vạn Kiếp”.


Quân Nguyên sau khi đại bại ở Vân Đồn lương thảo ngày càng kiệt quệ, Thoát Hoan muốn cho người về Trung Quốc cầu viện và lấy thêm lương, nhưng Hưng Đạo Vương đã sai người giữ núi Kỳ Cấp và ải Nữ Nhi ở Lạng Sơn chặn bắt những tên thám tử được phái về Trung Quốc.


Cuối cùng biết rằng ở lại chỉ chuốc lấy thất bại, Thoát Hoan quyết định rút quân về nước. Quân Nguyên chia làm hai đường thủy bộ để rút. Đạo quân thủy do Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp chỉ huy theo đường sông Bạch Đằng đi trước. Đạo quân bộ gồm có Trịnh Bằng Phi, Trương Quân được giao chặn hậu để Thoát Hoan cùng A-bát-xích, Áo-lỗi-xích, Trương Ngọc tìm đường rút chạy.


Hưng Đạo Vương đoán biết được âm mưu của giặc, bèn sai tướng Nguyễn Khoái dẫn quân lẻn qua đường tắt lên mé thượng lưu sông Bạch Đằng chặt gỗ, đẽo nhọn đầu, bịt sắt, đóng trên sông rồi đặt phục binh chờ đợi đến lúc thủy triều lên thì đem thuyền ra khiêu chiến.


Tướng quân Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thế Nghĩa được lệnh dẫn quân lên mai phục ở ải Nội Bàng (thuộc Lạng Sơn) chờ cho quân bộ của Thoát Hoan chạy đến đó thì đổ ra đánh.


Kế hoạch chiến đấu đã được vạch ra, khi được tin Ô Mã Nhi đã kéo quân sắp về đến Bạch Đằng, Hưng Đạo Vương từ căn cứ A Sào (nay thuộc xã An Đồng và An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) kéo quân về sông Hóa đi đánh giặc. Con voi chiến của người bị sa lầy khi vượt sông, ứa nước mắt nhìn theo chủ tướng. Hưng Đạo Vương chỉ gươm xuống dòng sông Hóa mà thề rằng: “Trận này chưa phá xong giặc Nguyên thì không về bến sông này nữa”.


Quân sĩ ai nấy đều xin quyết chiến. Đoàn quân nhằm hướng Bạch Đằng Giang thẳng tiến. Khi chiến thuyền của Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp theo dòng Bạch Đằng rút chạy thì bất ngờ tướng Nguyễn Khoái dẫn chiến thuyền từ bờ sông lao ra khiêu chiến.


Ô Mã Nhi tức giận thúc quân xông vào đánh, Nguyễn Khoái liền quay thuyền chạy. Bấy giờ đang lúc thủy triều lên cao, mặt sông rộng mênh mang, Ô Mã Nhi cứ việc thúc thuyền đuổi theo. Nguyễn Khoái nhử cho quân Nguyên qua khỏi chỗ đóng cọc, rồi mới hô quân quay thuyền lại quyết chiến với giặc.


Trận chiến trên sông diễn ra ác liệt, đúng lúc đó đại quân của Hưng Đạo Vương kéo tới tiếp viện cho Nguyễn Khoái. Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp thấy quân tiếp viện rất đông, liền quay thuyền chạy trở lại.


Khi chạy đến khúc sông có cọc đóng thì nước thủy triều đã rút xuống, cọc nhọn nhô lên, thuyền của quân Nguyên húc vào cọc đổ nghiêng, đổ ngửa, phần nhiều bị vỡ và đắm.


Quân ta càng đánh càng hăng quân Nguyên phần bị chết đuối rất nhiều, phần bị trúng tên, giáo mác, máu chảy loang đỏ cả khúc sông. Quân ta bắt được hơn 400 chiến thuyền giặc. Nội Minh Tự Đỗ Hành bắt được Ô Mã Nhi, Tích Lệ Cơ Ngọc. Các tướng khác như Phàn Tiếp cũng bị bắt sống tại trận.


Trận Bạch Đằng Giang diễn ra vào tháng 3 năm Mậu Tý (1288), mãi mãi là niềm tự hào về tài dùng binh và tinh thần chiến đấu dũng cảm của tướng lĩnh và binh sĩ cùng nhân dân thời Trần trong đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc.


Tin thủy quân bị đánh tan, Ô Mã Nhi cùng các tướng bị bắt đã nhanh chóng được chuyển cho Thoát Hoan. Quá hoảng sợ, toán quân đi đường bộ theo lệnh của Thoát Hoan vội rút chạy. Khi về đến ải Nội Bàng, bỗng bị quân phục của Phạm Ngũ Lão đổ ra đánh. Các tướng nguyên liều chết bảo vệ Thoát Hoan, chúng vừa đánh vừa chạy.


Tướng Nguyên là Trương Quân dẫn 3000 lính đi đoạn hậu cố sức chặn quân truy đuổi của ta, nhưng y đã bị Phạm Ngũ Lão chém chết. Thoát Hoan chạy thoát được ra cửa ải, quân sĩ 10 phần chỉ còn lại 5, 6 phần.


Đại quân của Thoát Hoan đang đi, bỗng có tin báo từ cửa ải Nữ Nhi đến núi Kỳ Cấp (hơn 100 dặm), chỗ nào cũng có đồn ải của quân Đại Việt. Nghe tin ấy, quân sĩ nhà Nguyên đều xôn xao sợ hãi, ở phía sau lại nghe tiếng ầm ầm của quan quân đuổi theo.


Thoát Hoan vội sai A-bát-xích, Trương Ngọc dẫn quân đi trước mở đường, Áo-lỗi-xích đi đoạn hậu. Trên đường tháo chạy về nước hai viên tướng Nguyên là A-bát-xích và Trương Ngọc đã bị quân phục kích của ta bắn chết. Trình Bằng Phi liều mạng sống đưa Thoát Hoan chạy ra Đan Kỳ, qua Lộc Châu rồi lén lút theo đường rừng chui lủi chạy thoát về châu Tư Minh (Trung Quốc).


Đất nước sạch bóng quân xâm luợc: “Hai vua trở về phủ Long Hưng (Thái Bình) đem các bại tướng của giặc bị bắt là Tích Lệ Cơ Ngọc và Ô Mã Nhi, Tham Chính Sầm Đoại, Phàn Tiếp... cùng với các viên tướng vạn hộ, thiên hộ làm lễ dâng mừng thắng trận ở Chiêu Lăng (Tiến Đức – Hưng Hà – Thái Bình).


Trước đó quân Nguyên đã đào Chiêu Lăng, muốn phá đi nhưng không xâm phạm được đến quan tài. Đến khi giặc bị thua, chân ngựa đá ở lăng đều bị lấm bùn. Đó là do thần linh ngầm giúp vậy.


Vua làm lễ yết có câu thơ rằng: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu, (Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/ Non sông nghìn thuở vững âu vàng).


Không đầy 5 tháng, quân dân ta đã tiêu diệt 30 vạn quân Nguyên, đánh bại cuộc xâm lược lần thứ ba và cũng là lần cuối cùng của chúng đối với Đại Việt. Không những thế, còn ngăn chặn được âm mưu bành trướng của đế quốc Nguyên Mông định tấn công xuống Đông Nam Châu Á và tấn công cả Nhật Bản.


Vì bị hao binh tổn tướng, lại không chiếm được Đại Việt nên âm mưu trên đã bị hủy bỏ. Chiến công ba lần thắng Nguyên Mông của dân tộc ta mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ con dân nước Đại Việt xưa và nước Việt Nam ngày nay trong sự nghiệp bảo vệ non sông gấm vóc của tổ tiên để lại.


Những bài viết về lăng mộ vua Trần

Nhà sử học Đặng Hùng

Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

Hiểu về đất nước Trung Quốc ngày nay

http://bocau.net/blog/tientri/17702-hieu-ve-dat-nuoc-trung-quoc-ngay-nay.html


“Nếu bạn hỏi một chuyên gia về Trung Quốc năm yếu tố quan trọng nhất có thể giúp chúng ta hiểu về đất nước Trung Quốc là gì, câu trả lời là tăng trưởng kinh tế, nạn tham nhũng tràn lan,chênh lệch giàu nghèo, đấu đá trong nội bộ Đảng, và còn rất nhiều nữa. Nhưng thông thường, phân tích của những chuyên gia còn thiếu một yếu tố. Một yếu tố mang tầm cỡ của 100 triệu người. Một yếu tố có thể khiến chúng ta thay đổi về cơ bản cách suy nghĩ về đất nước Trung Quốc, và quan trọng hơn là thay đổi cách mà chúng ta tiếp cận đối với đất nước này. Yếu tố đó chính là Pháp Luân Công.
 
Ở bên ngoài Trung Quốc không có mấy người biết về nó. Những người biết thì có cảm giác mơ hồ rằng đó là việc đã qua. Nhưng nếu thực sự hiểu được vấn đề này, bạn sẽ có thể lý giải được một trong những nghịch lý khó có thể vãn hồi của Trung Quốc ngày nay. 

• Tại sao Trung Quốc vẫn sản xuất ra nhiều sản phẩm nhiễm độc đến vậy bất chấp những chiến dịch liên tục chống tham nhũng?

• Tại sao Đảng Cộng sản đầu tư hàng tỷ nhân dân tệ cho việc kiểm duyệt internet, máy camera theo dõi, và trại lao động, trong khi trường học và bệnh viện đang thiếu nguồn lực cần thiết một cách vô vọng? 

• Tại sao các nhà lãnh đạo Trung Quốc lại dè dặt không muốn buông lỏng kiểm soát đối với hệ thống tư pháp và truyền thông đến vậy, ngay cả khi phải trả giá bằng sự mất tín nhiệm trong mắt công chúng?

Nếu quay trở lại năm 1992, chúng ta sẽ có thể tìm được mảnh thiếu của bức tranh: Đúng 20 năm trước, ở một ngôi trường đơn sơ vùng Đông Bắc Trung Quốc, ông Lý Hồng Chí, bắt đầu truyền những bài giảng đầu tiên về Pháp Luân Công ra công chúng.” ( Trích Minh Huệ Đa Ngữ )

Ấn bản tiếng Việt
Ngày 13-5-2012 này kỷ niệm 20 năm Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công) truyền ra công chúng, Minh Huệ Net một mạng lưới do các học viên lập ra đã ra báo Minh Huệ Quốc Tế ( Minh Huệ Đa Ngữ ) chứa thông tin toàn diện về Pháp Luân Công, và cuộc bức hại của ĐCS Trung Quốc đối với Pháp Luân Công, và các ảnh hưởng đối với Trung Quốc về  văn hóa, đạo đức, kinh doanh, chính trị mà cuộc bức hại phi lý này mang lại.
Kể từ năm 1999, Tổng bí thư ĐCS Trung Quốc Giang Trạch Dân đã ra lệnh đàn áp pháp môn này, với chiến dịch “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, hủy hoại thể xác” , thành lập phòng 610 đứng ngoài vòng luật pháp giống như tổ chức Gestapo của Đức Quốc Xã để huy động toàn bộ hệ thống công an, cảnh sát, quân đội, và bộ máy tuyên truyền, dốc toàn lực đàn áp 100 triệu con người tin theo Chân Thiện Nhẫn. 

Để tạo cớ đàn áp, Giang Trạch Dân đã sử dụng bộ máy tuyên truyền khổng lồ, một chiều, và được kiểm soát dưới sự lãnh đạo của ĐCS Trung Quốc để tuyên truyền trên khắp Trung Quốc và thế giới vào thời gian đầu để tạo cớ đàn áp. Các tin thường đưa về vụ tự thiêu tại Quảng trường Thiên An Môn mà bị dán nhãn là do học viên Pháp Luân Công , cuộc thỉnh nguyện ôn hòa bị biến thành “bao vây”, ngụy tạo chứng cớ 1400 người chết vì tập Pháp Luân Công... Ngay tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc tháng 8 năm 2001, Trung tâm Phát triển Giáo dục Quốc tế đã vạch rõ rằng "vụ tự thiêu tại Thiên An Môn" là do bàn tay của Giang Trạch Dân đạo diễn, và đã đưa ra trước hội nghị những đoạn băng hình phân tích. Các tuyên truyền lừa dối khác được các học viên không ngừng vạch trần trên xã hội quốc tế.

Cuộc đàn áp được đẩy xa đến mức hình thành một tội ác chưa từng có trên nhân loại, ĐCS Trung Quốc mổ cướp nội tạng học viên Pháp Luân Công một cách có hệ thống để kiếm lời. David Matas -  điều tra viên người Canada mô tả tội ác  này là: “[Đây là] một kiểu tội  ác mà chúng ta chưa  từng được chứng kiến  trên Trái Đất này”


XẾP HÀNG ĐÒI CÔNG LÝ: Các học viên Pháp Luân Công đứng trật tự ở Bắc Kinh vào ngày 25 tháng 04 năm 1999. Cuộc thỉnh nguyện ôn hòa, mang tính lịch sử, để kêu gọi chấm dứt đàn áp này sau đó đã được các phương tiện truyền thông của chính phủ, trong nỗ lực bao biện cho chiến dịch đàn áp của ĐCSTQ, mô tả lại là một cuộc “bao vây.”

Hệ quả của cuộc đàn áp không những ảnh hưởng đến các học viên, mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội Trung Quốc. Người dân ở mọi tầng lớp xã hội cũng đã trở thành nạn nhân của nó một cách vô thức. Cũng như ảnh hưởng đến các nước, các nhà doanh nhân nước ngoài đến Trung Quốc để kinh doanh. 

TẠI TRUNG QUỐC
Người chồng  chịu sức ép từ đơn vị công tác nên đã đánh vợ của mình, khi bị các cán bộ Đảng dọa đuổi việc nếu vợ anh vẫn tiếp tục tập Pháp Luân Công.
Người công an  buộc phải tra tấn các học viên Pháp Luân Công, khiến họ từ bỏ tín ngưỡng của mình, nếu không chính bản thân anh sẽ mất cơ hội thăng tiến hay bị giáng chức vì không hoàn thành chỉ tiêu.
Người sinh viên tố cáo bạn học với lãnh đạo trường vì tin vào tuyên truyền về Pháp Luân Công và nghĩ rằng đó là một môn phái tà ác và nguy hiểm.

TRÊN THẾ GIỚI
Người phóng viên phản bội đạo đức liêm chính của nghề báo và độc giả mà lựa chọn không đưa tin về việc ngược đãi đối với học viên Pháp Luân Công vì sợ mất chứng chỉ hành nghề ở Trung Quốc.
Người thị trưởng không làm tròn bổn phận công dân khi từ chối tiếp xúc với cử tri là học viên Pháp Luân Công vì sợ sẽ làm các chính khách Trung Quốc nổi giận và gây hại cho việc đầu tư của Trung Quốc vào thành phố mình.
Người thương nhân  phản bội lương tâm mà nhượng bộ trước yêu cầu từ chối học viên Pháp Luân Công của các đối tác Trung Quốc, với hy vọng được ưu ái và có thêm cơ hội kinh doanh.” ( Trích Minh Huệ Đa Ngữ )
Minh Huệ Đa Ngữ cũng nêu lên một nỗ lực không ngừng nghỉ để thức tỉnh lương tâm của người dân Trung Quốc, và sự thờ ơ im lặng của các nước trên thế giới. Bằng chính tiền tiết kiệm và niềm tin tưởng, các học viên ở Trung Quốc đã làm thành các cơ sở sản xuất tài liệu, DVD, biểu ngữ để nói rõ sự thật về đàn áp cho người dân Trung Quốc, phá vỡ tuyên truyền lừa dối, và làm thức tỉnh lại lương tâm của người Trung Quốc,… các hoạt động được tổ chức bí mật, nếu bị bắt cái giá phải trả cho việc dán một tờ rơi ở nơi công cộng là 7 năm tù, và tra tấn.

     

Biểu ngữ 'Pháp Luân Đại Pháp hảo" được treo lên ở nơi công cộng ở Trung Quốc

2010-7-27-russia-jl08--ss.jpg
Xanh Petecpua, Nga, Người qua đường cẩn thận đọc các tờ rơi và các tấm biển trưng bày với thông tin về cuộc bức hại. Đây là một trong các hoạt động của học viên Pháp Luân Công thế giới để vạch trần cuộc bức hại.

Kỷ niệm ngày 25 tháng 04, các học viên ở Tây Ban Nha kêu gọi chấm dứt bức hại trước Đại sứ quán Trung Quốc

Cùng với học viên ở Trung Quốc, các học viên trên thế giới tổ chức nhiều hoạt động để làm sống lại nền văn hóa đặc sắc, hòa ái, và thuần chính của Trung Quốc đã bị chôn vùi dưới chế độ Cộng sản Trung Quốc, thay vào đó là “bạo lực” và “đấu tranh”. Và nhiều hoạt động để giảng rõ sự thật; nâng cao nhận thức về cuộc bức hại vẫn đang tiếp diễn… Nhiều người thông qua những hoạt động này cũng đã học Pháp Luân Công, và tìm thấy sự yên bình trong tâm hồn, lợi ích sức khỏe cũng như tinh thần từ việc tập luyện và tu dưỡng tâm tính theo Chân Thiện Nhẫn.

2011-3-30-minghui-wa-festival-01--ss.jpg
Du khách học các bài công pháp

2011-3-30-minghui-wa-festival-02--ss.jpg
Biểu diễn múa rồng và trống lưng

.