TƯỚNG CƯỚP & TƯỚNG LÃNH BÌNH XUYÊN
1/- Mở bài
Bảy Viễn vào đời bằng một chuỗi tiền án
không mấy vẻ vang gì, từ trộm vặt, hành hung người, rồi ăn cướp có vũ
khí. Cuộc đời giang hồ vào tù ra khám, vượt ngục. Chữ nghĩa không có,
thời thế đưa đẩy lên địa vị một tướng lãnh, nắm giữ bộ máy cảnh sát công
an đô thành Sài Gòn Chợ Lớn. Một tướng cướp lại đóng vai trò người đi
bắt cướp, giữ an ninh Đô thành, thì thật là quá mĩa mai cho một thời
nhiễu nhương của người Việt.
2/- Vụ cướp tiệm vàng Kim Khánh
Năm 1942, Bảy Viễn với người bạn giang hồ
là Mười Trí, lên kế hoạch đánh cướp tiệm vàng Kim Khánh, tại một nơi
buôn bán ồn ào náo nhiệt trên đường Trần Hưng Đạo. Bảy Viễn giả làm ông
chủ tiệm vàng giàu có ở Cần Thơ, dùng yếu tố bất ngờ, với khẩu súng Colt
để cướp vàng và tiền bạc.
Theo kế hoạch, tài xế và Mười Trí đậu
chiếc xe Huê Kỳ sang trọng trước tiệm vàng. Mười Trí giữ nhiệm vụ ra dấu
hiệu để liên lạc và bảo vệ. Một đàn em giả làm dân dạo phố ngồi ở ngã
tư, ra dấu làm hiệu, khi cảnh sát gác đường ra về đổi phiên.
Trưa hôm đó, chiếc xe Huê Kỳ bóng láng
ngừng trước tiệm vàng Kim Khánh. Bảy Viễn oai vệ trong bộ đồ lớn màu hột
gà, cà vạt đỏ, kiếng gọng vàng, nón Fletcher, giày 2 màu, xách cạt táp
da, miệng ngậm xi gà, bước vào giở nón chào chủ tiệm:
- “Tôi định lên sớm, nhưng kẹt hai chiếc
bắc Cần Thơ và Mỹ Thuận, nên giờ mới tới. Trưa trờ trưa trật rồi, bà chủ
thông cảm cho”.
Bảy Viễn kéo tay áo xem giờ, để lộ chiếc đồng hồ Omega vàng, nói : “Kém 15 phút đầy 12 giờ, bà chủ chưa nghỉ trưa sao ?”
Bà chủ nhìn Bảy Viễn, nhìn ra chiếc xe Huê Kỳ, biết là khách sộp, tươi cười đáp :
- “Đúng 12 giờ, tiệm đóng cửa, ăn cơm và
nghỉ trưa, nhưng có khách từ lục tỉnh lên, chúng tôi vui lòng đón tiếp,
quá 12 giờ cũng không sao”.
Bảy Viễn trao danh thiếp : “Đây là tiệm
vàng của tôi, mới khai trương hồi tháng trước, nhờ trời thương, làm ăn
khá nên chuyến nầy lên Sài Gòn bổ hàng. Nghe các đồng nghiệp nói tiệm
Kim Khánh là nơi đáng tin cậy, nên tôi tới làm quen”.
Bà chủ mời xem hàng trong tủ kiếng. Khi
thấy Mười Trí dùng tờ báo xếp làm tư, quạt phe phẩy ra hiệu, cho biết
cảnh sát đã rời ngã tư đi đổi gác, thì lập tức, Bảy Viễn dằn khẩu “colt
đuôi” trên mặt kiếng và nói : “Không được la ! Hễ la là chết tức khắc”.
Tất cả vàng trong tủ kiếng được dồn hết vào cặp da. Chiếc xe phóng nhanh
đến ngã tư mới nghe tiếng bà chủ la làng. Chỉ trong 10 phút là xe đã ra
tới mũi tàu Phú Lâm.
Phấn khởi trước thắng lợi quá dễ dàng, Bảy Viễn rủ Mười Trí ăn hàng xuởng mộc Bình Triệu.
3/- Cướp xuởng mộc Bình Triệu
Xưởng mộc Bình Triệu là nơi chuyên đóng
ghế salon danh tiếng nhất Sài Gòn. Chủ là một người Tàu Chợ Lớn. Buổi
tối chỉ có người tài phú ngủ lại xưởng, giữ số tiền chờ gởi nhà băng vào
cuối tuần.
Sáu giờ chiều ngày 8/9/1942, Bảy Viễn và
quân sư Mười Trí cùng hai tên đàn em là Ba Rùm và Tư Nhị, lên chiếc xe
lộng lẫy mô đen mới sau cùng, vừa chạy hết “rô đai”, do một đại xì thẩu
Chợ Lớn là Trần Tăng cho mượn.
Xe vượt qua cầu Bình Lợi đến thẳng xuởng
mộc Bình Triệu. Khi tài phú người Tàu mở cửa cổng, thì tức khắc, Bảy
Viễn kè sát tên Tàu, ấn mạnh khẩu colt đuôi vào ba sườn hắn, nói :
- “Tao tới đây mượn tiền ông chủ mầy, xài tạm trong cơn túng quẩn, muốn sống thì vô nhà mở tủ đưa hết tiền cho tao”.
Tư Nhị theo sát Bảy Viễn, quơ hết mớ bạc
trong tủ bỏ vào túi kaki, trong khi đó, Mười Trí quan sát động tịnh bên
ngoài. Trước khi rút, Bảy Viễn ra lịnh : “Mầy không được la làng, chờ
cho xe tao đi xa rồi mới đuợc phép la, nghe chưa !”.
Khi xe đang ở giữa cầu Bình Lợi, thì phía
sau có đèn pha xe hơi chớp sáng. Ba Rùm quay lại. Đèn pha mỗi lúc một
tới gần. Ba Rùm la lên : “Thằng Tây trên xe nó bật đèn pha xin qua mặt
xe mình đó anh Bảy”. Bảy Viễn nhấn ga, chiếc xe phóng nhanh, không cho
qua mặt. Hai chiếc xe cứ lao hết tốc độ như cuộc đua chạy nước rút.
Trời bỗng chớp nhoáng, mấy tiếng sấm, rồi mưa bắt đầu rơi. Chiếc xe sau vẫn bám sát.
Mười Trí nói :
- Trời mưa, đường trơn, thôi cho nó qua mặt đi.
Bảy Viễn cự lại :
- Không được. Cho nó qua, nó sẽ báo cho đồn Bà Chiểu truy bắt tụi mình.
Bổng Mười Trí giật mình. Trước mặt là một
chiếc xe bò, cà rịch cà tang đi sát lề, theo sau là chiếc thổ mộ (Xe
ngựa). Thế rồi thổ mộ vượt qua xe bò. Con đường đã hẹp lại không có chỗ
cho xe hơi vượt qua. Mười Trí toát mồ hôi lạnh khi thấy Bảy Viễn vẫn
miết ga 120km/giờ. Vừa lúc xe thổ mộ qua mặt xe bò, rồi nép vào lề mặt,
chiếc xe của Bảy Viễn vượt qua như ánh chớp. Mọi người thở phào, nhẹ
nhõm. Chưa hết gian nan. Khi tới cầu Băng Ki, Bảy Viễn thình lình chặt
cua, quẹo qua ngã ba Cây Thị để sửa lưng thằng Tây, cắt đuôi nó, thế nào
nó cũng ngon trớn chạy thẳng.
Do quẹo gấp mà không bớt ga rà thắng, lại
gặp đường trơn, chiếc xe sàng qua sàng lại rồi đâm đầu xuống ao cá vồ
bên đường. Không thể kéo chiếc xe lên được. Mười Trí thở dài : “Thôi,
chỉ có nước ôm tiền về nhà, sáng mai mướn xe kéo nó lên, o bế cẩn thận
rồi trả lại cho Trần Tăng. Thế là cả nhóm bao một cuốc xe ngựa về nhà
Bảy Viễn.
Cảnh sát truy ra chủ xe là Trần Tăng. Thế
là cả nhóm bị tóm. Ra toà mỗi người lãnh 12 năm tù khổ sai, đày đi Côn
Đảo. Riêng Bảy Viễn, cộng thêm 8 năm còn thiếu do vụ vượt ngục trước
kia, thành 20 năm.
4/- Vài nét về Bảy Viễn
Bảy Viễn là một tướng cướp lừng danh
trước năm 1945. Về sau, theo Việt Minh chống Pháp, rồi ly khai Việt Minh
về hợp tác với chính phủ quốc gia của quốc trưởng Bảo Đại. Bảy Viễn,
thủ lãnh Bình Xuyên chống chính phủ Ngô Đình Diệm, bị dẹp tan năm 1955.
Bảy Viễn chạy sang Pháp lánh nạn và mất năm 1970.
Lê Văn Viễn sinh năm 1904 tại Phong Đước,
quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn. Cha là Lê Văn Dậu, người Tàu gốc Triều
Châu. Bảy Viễn học hết tiểu học trường làng rồi đi bụi đời, học võ, học
gồng. Mình xâm hình con rồng màu đỏ ở lưng, đầu rồng ở sau cổ, đuôi rồng
xuống tới hậu môn. Hai vai, xâm hình đầm ở truồng, đầu rắn xâm ở đầu
dương vật. Vì xâm mình rất đau, dùng kim đâm cho chảy máu rồi lấy mực
tàu trét vào, cho nên những người chịu nổi thì thuộc về tay anh chị.
Người cao 1,7 m.
Bảy Viễn lập băng đảng, nổi danh là tay anh chị chợ Bình Đông, bảo kê các trường đá gà, rồi đứng bến xe lục tỉnh.
- Năm 1921, bị tù lần đầu 20 ngày về tội ăn cắp xe đạp.
- Năm 1927. bị tù 2 tháng vì hành hung ông chủ, khi giữ chân gác sòng bài cho ông.
- Năm 1936. Ngày 28/8/1936, bị kết án 12
năm khổ sai, đày đi Côn Đảo về tội cướp tiệm vàng ở Giồng Ông Tố, thu
được số tiền rất lớn là 6,000$. (Hồi đó, 1 đồng bạc mua được 5 giạ gạo).
- Ngày 8/2/1940, ở tù được 4 năm thì vượt
ngục lần thứ nhất về đất liền. Như vậy còn thiếu 8 năm, nên được cộng
thêm vào án 12 năm trong vụ cướp xưởng mộc Bình Triệu.
5/- Cuộc vượt ngục lần thứ hai
Tù Côn Đảo chỉ có một phương tiện duy
nhất là bứt mây rừng, đốn cây kết bè, chờ đến mùa gió chướng, thổi từ
biển vào đất liền, rồi thả bè cho trôi theo chiều gió. Trong lịch sử
vượt ngục Côn Đảo không tới 10 cuộc thành công.
Tù nhân được điểm danh mỗi ngày. Các bãi
biển thả bè hướng về đất liền, luôn luôn được canh giữ cẩn mật, bởi
những phạm nhân sắp mãn hạn tù, được cử làm “trật tự” chờ đợi ngày về
Sài Gòn, ra khám.
Hơn nữa, vùng biển Côn Đảo có rất nhiều
cá mập, ít có chiếc bè nào dám vượt qua mũi Cá Mập cả. Gian nan và nguy
hiểm chập chùng trên đường vượt biển. Lắm khi giông bão nổi lên, cuốn bè
trôi mất phương hướng, thay vì vào ven biển đất liền thuộc các tình
miền Nam, lại trôi ngược lên tận đảo Hải Nam của Trung Hoa. Người chết
vì đói và khát. Côn Đảo cách Vủng Tàu 120km.
Trong chuyến vượt ngục lần thứ hai nầy,
trên bè có Mười Trí, Bảy Viễn, Tư Nhị và Năm Bé. Trước cảnh đồng hội
đồng thuyền, sống chết trên biển, các tay giang hồ liền nhớ đến chuyện
Đào viên kết nghĩa của bộ ba Lưu, Quan, Trương trong chuyện Tàu, nên
đồng ý kết nghĩa huynh đệ giang hồ, có phước cùng hưởng, có họa cùng
chia.
Trời hôm đó sáng rở, biển lặng, đúng giờ
hoàng đạo, mỗi người tiểu chung vào một cái ca, lấy nước tiểu thay máu
đào uống vào, kết nghĩa anh em theo kiểu tù vượt ngục. Mười Trí sinh năm
1903 làm đại ca, Bảy Viễn sinh 1904, làm nhị ca, tam ca là Năm Bé và em
út là Tư Nhị.
6/- Đánh cướp chủ đồn điền Dầu Tiếng
Một hôm, đàn em Bảy Viễn báo cáo tình
hình, tên giám đốc đồn điền cao su Dầu Tiếng, hàng tuần đều đến nhà băng
lấy tiền về trả lương cho thầy, thợ.
Theo kế hoạch, Bảy Viễn
đi mướn chiếc xe Huê Kỳ và đích thân lái. Mười Trí giữ vai cận vệ. Đúng
giờ G sáng thứ bảy, Bảy Viễn cho xe đậu sát chiếc xe của Tây giám đốc
đồn điền, rồi xách cặp da vào ngồi ở ghế chờ đợi, dành cho khách hàng,
mở sổ sách ra giả vờ tính toán mà cặp mắt luôn theo dõi thằng Tây.
Khi tên giám đốc ôm tiền bước ra khỏi cửa
nhà băng, thì Mười Trí chồm qua xe hỏi mượn bật lửa châm thuốc. Người
tài xế vô tình mò tìm bật lửa, thì nhanh như cắt, Mười Trí dùng cạnh bàn
tay chém vào gáy, làm tên tài xế bất tĩnh, gục xuống. Bảy Viễn chờ cho
thằng Tây đến bên cửa xe mới tấn công. Một gói ớt bột đập ngay vào mắt,
tên giám đốc tá hỏa, buông va li tiền và ôm mặt.
Nhanh tay, Bảy Viễn chụp túi bạc liệng
lên xe rồi nhảy lên đạp ga vọt nhanh. Mọi việc xảy ra quá nhanh nên
không nghe có ai la làng cả.
Bảy
Viễn về đến sào huyệt cả tuần lễ, thì vụ cướp táo bạo giữa ban ngày mới
được báo chí bàn tán xôn xao. Các phóng viên đồng ý với nhau rằng, kiểu
cướp phóng xe Hoa Kỳ là sở trường của Bảy Viễn.
Sáng hôm đó, xe đạp Mười Trí cán đinh nên
phải ghé lề đường vá xe. Thình lình, một xe chở đầy lính lướt qua, Mười
Trí biết bị lộ, nên vọt thẳng xuống Sài Gòn. Bảy Viễn đang ngồi đánh
bài thì được tin báo, xuống xuồng bơi qua sông thoát hiểm. Nhưng sau đó,
bị bắt nguội và lại bị kết án đày đi Côn Đảo một lần nữa, là lần thứ
ba.
Ở đảo, nhờ Ba Rùm giúp đở, nên Bảy Viễn và Mười Trí vượt ngục lần thứ ba.
Khi về tới đất liền thì tình hình chính
trị thay đổi nhanh chóng, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng minh vô điều
kiện. Bọn Nhật ở Đông Dương buồn rầu hơn bố chết, nhiều sĩ quan,
Harakiri, tự mổ bụng tự tử.
Theo báo chí, thì quân đội Anh-Ấn tước
khí giới quân Nhật ở miền Nam, quân của Tưởng Giới Thạch do tướng Lư Hán
chỉ huy, tước khí giới Nhật từ vĩ tuyến 16 trở lên Hà Nội. Thừa lúc
Nhật bị tước khí giới, người Pháp còn bị Nhật giam, Việt Minh cướp chánh
quyền, tuyên bố độc lập vào ngày 2/9/1945. Trong khi đó, quân đội Pháp
từ Calcutta và Bombay, Ấn Độ, đang trên chiến hạm trực chỉ Sài Gòn để
tái chiếm lại Nam Kỳ từ tay người Nhật.
Bảy Viễn dốt về chính trị, không biết nên
ngã về phía nào, theo Việt Minh hay Pháp, cho nên áp dụng “nắng chiều
nào, che chiều đó”, rồi quyết định mua súng, lập bộ đội. Súng đạn tụi
Nhật rẻ như bèo, dại gì đem nạp cho quân Anh-Ấn.
Ngày 5/10/1945, tướng Pháp Leclerc đến
Tân Sơn Nhất, sau khi chiến hạm Triomphant chở đầy lính cập bến Sài Gòn.
Tướng Leclerc tuyên bố, Pháp sẽ quét sạch Việt Minh trong 3 tuần lễ.
Quân Pháp bắt đầu đánh chiếm Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tân An, Mỷ Tho. Ủy
viên quân sự Trần Văn Giàu cho các đơn vị vũ trang rút ra ngoại ô, tổ
chức đánh du kích.
Thực dân Pháp bắt đầu chiến dịch truy tìm
những thành phần theo Việt Minh và những nhóm anh chị giang hồ, đầu
trộm đuôi cướp, vì thế, Bảy Viễn phải ra bưng.
7/- Bộ đội Bình Xuyên
Bình Xuyên là tên của một ấp thuộc làng
Chánh Hưng, quận Nhà Bè. Sau năm 1945, Bình Xuyên chỉ một lực lượng của
dân giang hồ Nam Bộ, mà người đứng đầu là Ba Dương. Ba Dương (Dương Văn
Dương) đang “đứng bến” tại bến xe Sài Gòn-Tây Ninh-Nam Vang (Phnom
Penh), thì Pháp ban hành tình trạng khẩn cấp, hốt hết những “phần tử
nguy hiểm” gồm Cộng Sản và dân giang hồ, nên phải chạy về ẩn trốn ở quận
Cần Giuộc.
Ba Dương bị bọn chỉ điểm bắt về quận. Chủ
quận là tay gian ác, buộc Ba Dương phải uống hết một chùm tóc rồi mới
được thả. Tóc vô người, phá nát bộ tiêu hóa rồi chết lần chết mòn. Thời
may, Ba Dương có một đệ tử trung thành trong quận, lãnh về thuốc men
chữa trị nên sống sót.
Ba Dương quy tụ đàn em và đám giang hồ bị
rượt đuổi, lập căn cứ tại ấp Bình Xuyên và theo Việt Minh chống Pháp.
Mười Trí là bạn giang hồ của Ba Dương, nên cả bọn Bảy Viễn gia nhập bộ
đội Việt Minh ở Bình Xuyên. Bảy Viễn giữ chức chỉ huy phó.
Khi Ba Dương bị Tây bắn chết, được VM
phong chức thiếu tướng đầu tiên ở miền Nam. Bảy Viễn có tham vọng muốn
lên thay Ba Dương làm chỉ huy trưởng, nhưng bị cán bộ VM ngăn chận, nên
không thành. Lãnh đạo kháng chiến Nam Bộ là Thiếu tướng Nguyễn Bình, tên
thật là Nguyễn Phương Thảo, em kết nghĩa với tướng cướp, nhà văn Sơn
Vương Trương Văn Thoại.
Nguyễn Bình, một mặt muốn giữ lực lượng
của Bảy Viễn theo VM, một mặt tách rời Bảy Viễn ra khỏi quyền lực, bằng
cách phong chức Tư lịnh phó khu 7 cho Bảy Viễn.
Vì
không được tin dùng, và do sự móc nối của tên trung tá phòng nhì Pháp
Savani, nên Bảy Viễn mang 2 đại đội về hợp tác với quân đội Pháp, và
được thăng chức Đại tá.
8/- Con lộ 15
Hồi đầu kháng chiến, con đường Sài
Gòn-Vủng Tàu dài 125km bị phá hủy nặng nề. Bị cuốc trốc lớp nhựa, cào bỏ
đá xanh rồi trồng tre lên. Qua vài mùa mưa, tre mọc xanh um. Những nơi
chưa kịp trồng tre, thì cây cối bị đốn ngã chụm vào nhau, con đường 15
biến mất. Cầu sắt hay cầu xi măng gì cũng bị phá sập hết. Chiếc cầu dài
nhất trên tuyến đường là cầu Cỏ May bị sập nhịp giữa.
Đại tá Bảy Viễn được tướng Pháp De la
Tour giao nhiệm vụ giải tỏa con đường nầy. Công binh Pháp xây cầu, làm
đường tới đâu, thì quân Bình Xuyên đóng đồn bót giữ an ninh tới đó. Công
việc giải tỏa con đường bắt đầu từ thời tướng De la Tour, kéo dài qua
thời tướng Chanson và hoàn thành ở thời tướng Bondis, như thế là mất 3
năm.
Tướng Bondis vô cùng mừng rở khi công tác giải tỏa hoàn thành, và đề nghị Bảo Đại phong cho Bảy Viễn lên chức Thiếu tướng.
9/- Lót tay mua lọng
- Quân sư Huỳnh Đại :
Một đêm đi cao lâu, Bảy Viễn gặp lại ân nhân, thuở xưa đã giúp đở trong
khi mãn tù nghèo đói, lang thang, đó là Huỳnh Đại, một thương gia người
Tàu có máu Mạnh Thường Quân, hiện làm chủ nhà hàng Đại La Thiên, sang
trọng nhất nhì trong Chợ Lớn. Lịch sử Huỳnh Đại cũng tương tự như của
chú Hoả, Hui Bon Hoa. Từ tay trắng làm nên sự nghiệp.
Cả hai, tay bắt mặt mừng, kéo nhau vào mở Sam banh chuyện trò tâm sự.
Huỳnh Đại gợi ý làm ăn : “Chức thiếu
tướng coi thì oai thiệt, nhưng không bằng nhà kinh doanh. Tôi khuyên chú
em nhân lúc có tướng, có quyền, nhảy ra thương trường, phát tài mau
hơn.”
Bảy Viễn đáp lại : “Với Đại Thế Giới, mỗi ngày vô két nửa triệu bạc đủ rồi, đại ca còn bày vẽ chi nữa cho mệt”.
Huỳnh Đại cười, nói : Chuyện làm ăn gặp
thời thì phải bung ra, nên nhớ, đời người chỉ có một thời mà thôi. Chú
em hãy noi gương Chú Hỏa, với số vốn bạc tỷ, chú em có thể mua nhà băng,
mua bán nhà cửa, một vốn bốn lời. Mình chỉ cách chú làm ăn, nhưng trước
hết phải tìm người đở đầu. Có bao giờ chú em liên hệ với cựu hoàng Bảo
Đại, nay là quốc trưởng chưa ?”
Bảy Viễn giật mình : – Chưa, tôi chưa bao giờ nghĩ tới, người ta ở trên cao còn mình ở dưới thấp làm sao mà vói tới được”.
Huỳnh Đại tiếp : – Cao thì cao, nhưng ông
ta cũng vẫn cần tiền, vì một người ăn xài như vua, mà nay lương bổng
hàng tháng thì làm sao cho đủ ? Chú mầy nên trích ra một số tiền hoa
hồng hàng tháng, gởi cho cựu hoàng, gọi là giúp vào quỹ xã hội của ông
ta. Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Sách có câu “thọ tài như thọ
tiễn”, cựu hoàng sẽ có cách báo đáp xứng đáng”.
- Nghĩa đệ của Bảo Đại :
Nghe lời Huỳnh Đại, tướng Bảy Viễn tìm cách liên hệ với Bảo Đại, nhưng
lót tay không phải là chuyện dễ. Bảy Viễn ra lịnh cho hai anh em quân sư
là Lai Hữu Tài và Lai Hữu Sang lập hồ sơ về Bảo Đại…. Đọc xong lý lịch,
Bảy Viễn quyết định lót tay Bảo Đại để có chiếc lọng che thân phòng khi
bất trắc.
Bảy Viễn nhờ bào đệ của Bảo Đại là Vĩnh Cần làm trung gian cho biết, Bảy Viễn sẽ ủng hộ quốc trưởng mỗi tháng 240,000$.
Đầu năm 1954, Bảo Đại nhận Bảy Viễn là
“nghĩa đệ” khi Bảy Viễn giúp 500,000 đô la Mỹ để Bảo Đại gởi qua Hồng
Kông cho cô bồ Tàu lai Tây, tên Hoàng Tiểu Lan (Jenny Woong), đã có con
gái với Bảo Đại, tên Nguyễn Phúc Phương Ân.
Bảy Viễn được giao phụ trách cảnh sát công an Sài Gòn Chợ Lớn.
Bảy Viễn mở rộng Đại Thế Giới (Casino
Grand Monde), Kim Chung (Tiếng chuông vàng – Casino Cloche d’Or), được
báo chí Pháp ca ngợi hết lời : “Một thành phố trong một thành phố”. Đại
Thế Giới gồm gian hàng cờ bạc, 2 rạp chiếu bóng, 3 rạp cải lương, Tiều
Quảng, vũ trường. Đại Thế Giới có 3 chi nhánh, một ở đường Camette, 2 ở
trong Chợ Lớn.
Thủ tướng Trần Văn Hữu không ký Quyết định mở rộng Đại Thế Giới, nhưng Bảo Đại ký.
10/- Chọn Tham Mưu Trưởng cho Quân Đội Quốc Gia Việt Nam
Bảo Đại mời một số chính khách lên biệt
điện Đà Lạt để bàn thảo về việc chọn một Tham Mưu Trưởng cho QĐ/QG/VN.
Trong các nhân vật được quốc trưởng đề cử, có tên Bảy Viễn. Thủ hiến
Trung phần, dược sĩ Phan Văn Giáo, là người đả kích Bảy Viễn hơn ai hết.
Không may cho ông, là ông chê bai Bảy Viễn trước mặt đại diện Lai Hữu
Sang. Tư Sang điện khẩn vụ việc, báo cáo cho Bảy Viễn.
Bảy Viễn tức sôi máu, nhảy lên chiếc
Jaguar, loại xe đua mới xuất xưởng, chạy một mạch lên Đà Lạt. Con đường
có nhiều đèo cao, vòng vèo, kế bên vực thẩm, ở những khúc cua có những
cái am nhỏ bên đường, để cúng cô hồn những người tử nạn, nhưng xe vẫn
miết ga. Đến khách sạn Langbian, nơi có quan khách đến ở dự phiên họp
với quốc trưởng, Bảy Viễn lớn tiếng hỏi Tư Sang :
- Thằng chó đẻ Phan Văn Giáo là thằng nào mà dám nói xấu Bảy Viễn nầy ?
Một người bồi nhanh chân báo động, Phan
Văn Giáo dông ra cửa sau, đón taxi lên biệt điện cầu cứu với Bảo Đại.
Bảy Viễn và Tư Sang phóng xe lên biệt điện. Phan Văn Giáo trốn biệt. Bảo
Đại phải đứng ra dàn xếp. Dù chết hụt, nhưng Phan Văn Giáo vẫn tiếp tục
công kích Bảy Viễn :
- “Không hiểu quý ngài nghĩ thế nào, chớ
riêng tôi, tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ nếu một tướng cướp được chọn để
giao chức Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Quốc Gia Việt Nam. Trước đây,
Đại Thế Giới do ông Lâm Giống, người gốc Ma Cau thầu khai thác. Để buộc
Lâm Giống phải giao Đại Thế Giới lại cho mình, Bảy Viễn không ngần ngại
sai đàn em ném lựu đạn vào sòng bạc Kim Chung, làm thiệt mạng 60 người.
Rồi còn bắt cóc những người trong ban giám đốc để tống tiền. Các ngài có
biết không, khi nhậm chức cầm đầu ngành cảnh sát công an Sài Gòn Chợ
Lớn, Bảy Viễn liền cho lập xóm Bình Khang, một nhà chứa khổng lồ hoạt động công khai, phục vụ binh sĩ”.
Phan Văn Giáo là người xu nịnh Bảo Đại, đã gả em vợ tên Lê Thị Phi Ánh cho Bảo Đại làm thiếp.
11/- Thủ tướng Ngô Đình Diệm
Quân đội Pháp ngày càng thua trên các mặt
trận, Bảo Đai qua Pháp, gọi là để theo dõi thời cuộc, cho rằng số phận
VN sẽ được giải quyết tại bàn hội nghị giữa các cường quốc. Hoa Kỳ
thuyết phục Bảo Đại chấp thuận cho Ngô Đình Diệm làm thủ tướng. Bảo Đại
không ưa gì ông Diệm, nhưng tình thế bắt buộc nên phải đồng ý.
Bảy Viễn lúc nào cũng theo dõi, nghe
ngóng về Bảo Đại, vì đó là cái lọng che chở cho Bình Xuyên, cho cái ghế
ngồi vững chắc của ông ta.
Ngô Đình Diệm về nước vào tháng 6 năm
1954. Thủ tướng Diệm dẹp Đại Thế Giới và Kim Chung, làm cho Bảo Đại và
Bảy Viễn bất mãn, vì đó là cái túi tiền của cả hai. Trung tá Phòng Nhì
Pháp, Savani cho Bảy Viễn biết, là ông Diệm quyết tâm dẹp các lực lượng
vũ trang của các giáo phái và đảng Đại Việt ở miền Trung.
12/- Bình Xuyên tấn công quân chính phủ Ngô Đình Diệm
- Thành lập Mặt Trận Quốc Gia Toàn Lực :
Khi thủ tướng Diệm đóng cửa Đại Thế Giới và Kim Chung, thì Bảo Đại và
Bảy Viễn nhất quyết đánh ông Diệm. Mặt Trận Quốc Gia Toàn Lực (MTQGTL)
quy tụ lực lượng vũ trang của các giáo phái, gồm Cao Đài, Hòa Hảo, Thiên
Chúa và Bình Xuyên, để chống chính phủ Ngô Đình Diệm.
Bình Xuyên chỉ có 3 tiểu đòan. Năm Lửa
Trần Văn Soái, Hòa Hảo, gởi 1 tiểu đoàn, Cao Đài biệt phái 1 tiểu đoàn,
tướng Nguyễn Văn Hinh chi viện 1 tiểu đoàn lính Dù, như vậy MTQGTL có 6
tiểu đoàn.
Ngày 9/5/1955, Bảo Đại đánh điện triệu
tập ông Diệm sang Pháp, nhưng ông không đi và tiến hành việc triệt hạ
lực lượng vũ trang của các giáo phái.
12/2. Trung tướng Nguyễn Văn Vỹ đảo chánh
Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Theo lịnh của Bảo Đại, tướng Nguyễn Văn Hinh
rời VN vĩnh viễn, và phải trao quyền Tổng Tham Mưu Trưởng QĐ lại cho
Trung tướng Nguyễn Văn Vỹ.
Trong hồi ký “Việt Nam nhân chứng”, tướng Trần Văn Đôn thuật lại như sau :
“Nguyễn Văn Vỹ hấp tấp họp báo, tuyên bố
rằng quân đội cùng ông đảo chánh Ngô Đình Diệm. Thiếu tướng Lê Văn Tỵ,
tướng Trần Văn Đôn, Nguyễn Hữu Có, Dương Văn Đức được gọi đến. Thiếu
tướng Lê Văn Tỵ hỏi :
- Các anh đang làm gì đó ?
Trung tướng Nguyễn Văn Vỹ trả lời : – Tôi làm đảo chánh.
- Quân đội.
Tướng Lê Văn Tỵ lột sao trên vai của mình để xuống bàn, nói :
- Tôi lột lon trả lại cho anh. Tôi không theo anh đâu !” (Hết trích)
oOo
Nhị Lang, tên thật là Thái Lân, một nhà
văn, nhà cách mạng lão thành, cố vấn chính trị và là người phát ngôn của
thiếu tướng Trịnh Minh Thế, kể lại vụ việc như sau :
“Khi tôi tới nơi khoảng 6 giờ chiều,
chúng tôi bắt gặp một số sĩ quan khoảng 50 người đang ngồi chật phòng
khách, tầng dưới của Dinh Độc Lập. Trên lầu, tôi thấy Lê Văn Tỵ đang
ngồi trong phòng khách với một sĩ quan mà tôi không biết tên.
Thấy hơi lạ, vì tại sao thủ tướng Diệm
lại tiếp khách một lượt đông sĩ quan như thế ? Tôi bèn nhờ Đại úy tùy
viên Tạ Thành Long kín đáo dọ xét tình hình, thì được biết, hồi chiều
nầy, tướng Nguyễn Văn Vỹ thừa lịnh Bảo Đại, tước binh quyền trong tay
Thiếu tướng Lê Văn Tỵ. Và tướng Tỵ bị các sĩ quan “áp giải” theo họ vào
Dinh Độc Lập để tước đoạt nốt quyền lãnh đạo chính phủ của Thủ tướng Ngô
Đình Diệm. Như thế có nghĩa là số 50 sĩ quan nầy đã đồng loã với tướng
Vỹ, kéo vào Dinh Độc Lập, lấy số đông bao vây và áp đảo ông Diệm.
Xin nhắc lại, Bảo Đại đã không những
triệu hồi Ngô Đình Diêm sang Pháp mà còn đòi cả Lê Văn Tỵ phải bỏ nhiệm
vụ đi theo. Mặt khác, Bảo Đại còn phong cho trung tướng Nguyễn Văn Vỹ
làm Tổng Tư Lịnh QĐ/QG/VN.
Lúc đó, Nhị Lang chỉa súng vào tướng Vỹ và lột lon ông ta. Trần Trung Dung bèn báo cáo, và Ngô Đình Nhu kéo tướng Vỹ vào phòng.
Nếu không có hành động phi thường, nhanh
trí và quyết định chớp nhoáng của Nhị Lang, chỉa súng lột lon, và nếu
không có khẩu Colt 45, thì tướng Vỹ đã thành công trong việc áp đảo ông
Diêm từ chức, để đưa Bảy Viễn lên làm Thủ tướng, thì chắc chắn tình thế
sẽ hỗn loạn và rối rắm muôn phần.
Trung tướng Vỹ và Nguyễn Tuyên bay lên Đà Lạt, từ đó bay sang Cao Miên rồi sang Pháp sống lưu vong.”
- Quân Bình Xuyên tấn công Dinh Độc Lập :
Mâu thuẩn hai bên căng thẳng đến cực điểm, Bảy Viễn ra lịnh cho Bình
Xuyên tấn công trước. Kế hoạch tác chiến được soạn thảo cẩn thận. Những
chiếc cầu qua cù lao Chánh Hưng đã được bí mật gài mìn.
Chiều
ngày 28/4/1955, lính Bình Xuyên do Bảy Môn chỉ huy, mở cuộc tấn công
Dinh Độc Lập bằng súng cối làm chết một người và nhiều người bị thương.
Các bót công an của Mai Hữu Xuân cũng bị tấn công. Vài phút sau, quân
chính phủ phản pháo vào mục tiêu Chánh Hưng, tiến đến các đầu cầu. Mặt
trận phía cầu Tân Thuận, giao cho lính Cao Đài về hợp tác với chính phủ,
do thiếu tướng Trịnh Minh Thế chỉ huy.
Bảy Môn cho châm điện phá các cầu, chỉ có
cầu Nhị Thiên Đường là còn nguyên vẹn. Hai bên quần nhau suốt 4 ngày,
quân chính phủ do Đại tá DươngVăn Minh chỉ huy đã tiến vào tổng hành
dinh của Bảy Viễn. Bình Xuyên rút về phía cầu Tân Thuận, là đầu cầu để
xuống Rừng Sác.
Mặt trận cầu Tân Thuận gay go nhất, nhiều
đợt xung phong qua cầu bị chận lại, nguy hiểm nhất là giang đỉnh của
Bảy Viễn, từ dưới sông xả đại liên lên cầu, rồi súng cối nhắm vào đội
hình của Trịnh Minh Thế mà tác xạ không ngừng. Một tin xôn xao. Đó là
thiếu tướng Trịnh Minh Thế bị tử thương. Một nhà báo Mỹ nói về cái chết
của Trịnh Minh Thế, đang đứng trên xe jeep để chỉ huy, tướng Thế gục
đầu, quỵ xuống do một phát đạn trúng ngay vào đầu.
Ai giết Trịnh Minh Thế ? Ông Diệm lúng
túng, khi kẻ chạy về với quốc gia mà chết khó hiểu như thế, thì còn ai
dám chạy về với mình nữa ?.
Tin đồn cho biết, trong túi Trịnh Minh
Thế còn một ngân phiếu 70 triệu đồng chưa lãnh. Thiên hạ đoán rằng, đó
là tiền mà Hoa Kỳ thưởng cho tướng Thế đã về hợp tác với quốc gia. Và
ông Ngô Đình Nhu là người mãn nguyện trước cái chết đó. Thật ra, trong
tình hình như thế, có rất nhiều người muốn loại trừ tướng Trịnh Minh
Thế, trong đó có nhóm người của tướng Nguyễn Văn Vỹ trong Quân Đội Quốc
Gia VN.
Trận chiến ác liệt kéo dài 5 ngày, phía chính phủ có 26 tử thương và 52 người bị thương.
- Quân Bình Xuyên rút vào Rừng Sác :
Rừng Sác là khu rừng ngập mặn thuộc quận Cần Giờ, nằm giữa các cửa sông
Đồng Nai, Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, diện tích 75,740
hecta.
Rút quân vào Rừng Sát là một sai lầm của
Bảy Viễn, vì nước uống rất hiếm, bị bao vây lâu ngày, số nước ngọt dự
trữ bị cạn kiệt, gây khó khăn cho mấy ngàn binh lính. Mặt khác, súng cối
từ tàu hải quân quốc gia, cứ liên tục nã vào mà không có công sự vững
chắc, nên bộ binh bị thương rất nhiều. Người Pháp viện trợ cho Bảy Viễn
một chiếc xà lan mới toanh, trang bị đài phát thanh, do Trịnh Khánh Vàng
phụ trách, chửi rủa ông Diệm ra rả suốt ngày.
Chính phủ mở Chiến Dịch Hoàng Diệu, do
đại tá Dương Văn Minh chỉ huy đánh dẹp Bình Xuyên ở Rừng Sác. 6 tiểu
đoàn Bình Xuyên bị bao vây, tinh thần quân lính hoang mang, suy sụp
trước những trận pháo kích ác liệt của quân đội quốc gia. Yếu điểm của
Bình Xuyên là vợ con binh lính chạy theo vào Rừng Sác rất đông, làm trở
ngại tác chiến.
Ba tiểu đoàn : quân Dù, Cao Đài, Hòa Hảo
không quen đánh giặc, ra quân lần đầu, gặp hỏa lực ác liệt nên buông
súng bỏ chạy. Bảy Môn đưa thiếu tá Bay, tiểu đoàn trưởng quân Cao Đài ra
hội đồng kỷ luật xét xử vì binh lính bỏ chạy gần hết.
13/- Bảy Viễn sang Pháp
Đang lúc bị bao vây ở Rừng Sác, bỗng nhận
được tin của thiếu tá trưởng Phòng Nhì Pháp, Savani ra lịnh rõ rang :
“Hai ông Tài và Sang hãy đưa thiếu tướng theo người của ta, cắt đường
rừng ra Phú Mỹ, sẽ có xe đưa về Bà Rịa. Thế là bộ ba thoát hiểm trong
gang tấc, vì quân chính phủ bao vây bắt sống toàn bộ chỉ huy Bình Xuyên.
Ba người chui vào một lô cốt bỏ hoang. Tư
Sang dùng máy liên lạc với Vủng Tàu. Sáng hôm sau, một chiếc xe nhà
binh Pháp đưa tất cả về Bà Rịa, từ đó, trực thăng đưa ra Vũng Tàu. Phi
cơ nhà binh Pháp chở 3 tên tay sai sang Lào, rồi đến Pháp bằng Air
France.
Ngày 7/11/1955, Bảy Viễn đến Paris một
cách âm thầm như một du khách, vì Pháp muốn giữ bí mật về việc đã ủng hộ
giáo phái chống Thủ tướng Diệm. Bảy Viễn an thân nhưng chưa an lòng, vì
3 bà vợ còn kẹt ở VN, và con trai là thiếu tá Lê Paul đang bị giam.
Tướng
tá Bình Xuyên bị hốt hết, rồi sau đó đưa ra Côn Đảo, gồm Trần Văn Ân,
Hồ Hữu Tường, Trịnh Khánh Vàng, Jean Baptist Nguyễn Văn Đồng. Riêng Lê
Paul được tách riêng ra và bị nhốt ở bót Phú Lâm.
Vì sao Lê Paul bị nhốt riêng và không bị đày đi Côn Đảo ?
Sau nầy, ký giả Hilaire Du Berrier cho
biết, trong trận đánh cuối cùng, một binh sĩ đã dùng bán súng đập vào
vách làm bằng ván ép, thì từ bên trong tuôn ra những bó tiền bằng viên
gạch. Ngô Đình Nhu nghĩ rằng, có thể còn những chỗ dấu tiền khác nữa,
nên hạch hỏi Lê Paul và bắt làm con tin buộc Bảy Viễn phải nhả tiền ra
để cứu con trai.
Bảy Viễn đã cho biết tất cả những trương
mục trong các ngân hàng, nhưng ông Nhu cho rằng tiền trong ngân hàng là
tiền của quốc gia, không giấu giếm gì được. Việc mà ông muốn là những
chỗ chôn dấu khác. Thật ra không có kho tàng nào cả. Thế là số phận của
người con 27 tuổi bị xử theo luật giang hồ. Đó là ngày 14/4/1956, cảnh
sát đưa Lê Paul ra khỏi bót Phú Lâm, chạy về hướng Phú Định, đến giữa
đường xô xuống bắn chết.
Với Bảy Viễn, cuộc đời như một giấc mộng,
từ tay không tạo ra tột đỉnh vinh quang bằng những nấc thang mánh mung,
bất chánh, phi nghĩa, rồi khi tĩnh giấc, tay trắng hòan trắng tay, sống
trong nghèo đói và chết âm thầm nơi đất khách quê người.
Cũng giống như nhân vật Vy Tiểu Bảo trong
Lộc Đỉnh Ký của Kim Dung, thất học nhưng nhờ nhanh trí mánh khóe, gian
xảo, biết nịnh bợ nên đã leo lên đến tột đỉnh vinh quang, nhưng cuối
cùng cũng hoàn tay trắng, không vượt qua được số phận của những con
người cùng chung cảnh ngộ.
Trúc Giang (Minnesota ngày 7/3/2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét