Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ

http://cafevannghe.wordpress.com/2011/11/01/chuy%E1%BB%87n-bay-gi%E1%BB%9D-m%E1%BB%9Bi-k%E1%BB%83-1/

BÍ ẨN CHUNG QUANH 

2 CÁI CHẾT CỦA DIỆM - NHU

(Sau nhiều thập niên im lặng. Phụ tá ðặc biệt Nguyễn Văn Ngân đã nói gì về những bí ẩn quanh cựu TT Nguyễn Văn Thiệu ?). Bài phỏng vấn do Trần Phong Vũ thực hiện :

TPV: Ông Thiệu nói với ông:…bọn “xịa” (CIA – admin) ngồi trong Hội đồng An-ninh Quốc-gia; ông Thiệu muốn ám chỉ ai ?
NVN: Ông Thiệu đâu cần phải ám chỉ. Trong số nầy, một nhân vật then chốt và thường trực của hội đồng an-ninh quốc-gia là ông Trần Thiện Khiêm, Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Nội vụ, kiêm Tổng trưởng Quốc phòng mà cả nước đều biết là một công cụ trung thành của Mỹ, là nhân vật chủ chốt trong cuộc đảo chánh 1/11/63.
Trước đây, các ông Diệm, Nhu cũng biết ông Khiêm là người của CIA nhưng đã lầm lẫn về con người của ông Khiêm nên đã giao chức vụ Tham mưu trưởng liên quân với mục đích “neutralizer” các âm mưu đảo chánh của người Mỹ, cuối cùng cả hai anh em đều bị thảm sát dưới tay binh quyền của ông Khiêm.
Các ông Diệm, Nhu là những người được giáo dục và lớn lên trong môi trường có tính cách khuôn mẫu, kinh điển, vẫn tưởng rằng những ân sủng của chế độ, những tình cảm xử sự như con cháu trong gia đình, cùng sự biến cải từ một sĩ quan cấp thấp trong quân đội đánh thuê của Pháp thành một tướng lãnh đứng đầu trong quân đội quốc gia có lý tưởng, có nhân cách, nhân phẩm…, sẽ hết lòng bảo vệ chế độ.
TPV: Thế còn những người đứng đầu các cơ quan an ninh, tình báo Việt Nam ? Họ có phải là người của CIA hay không ?


 

NVN: Họ đều là những cộng sự viên của CIA, hoặc tự nguyện hoặc tự tề. Danh từ “tự tề” là danh từ của ông Thiệu dùng khi nói chuyện với tôi. Các công tác tình báo do người Mỹ trực tiếp chi tiền; người nào chi tiền thì người đó làm chủ và kiểm soát.
Sau nầy ở hải ngoại có một lần tôi hỏi ý kiến của ông Thiệu về cái chết của Tổng Thống Park Chung Hee, ông trả lời : “bọn Mỹ chứ còn ai vào đó, có bao giờ giám đốc tình báo quốc gia là người tin cẩn do Tổng Thống bổ nhiệm lại bắn Tổng Thống !”
Tôi nhắc lại chuyện nầy để cho thấy tinh thần cảnh giác của ông Thiệu và hoàn cảnh bị “trói tay trói chân” của ông Thiệu ngày đó.
TPV: Có bao giờ ông và ông Thiệu nói chuyện với nhau về vụ đảo chánh 1/11/63, cụ thể là những người liên hệ đến quyết định hạ sát Tổng Thống Diệm ? Một nhân chứng có thẩm quyền là trung tướng Trần văn Đôn trong hồi ký tiếng Anh vào năm 1976 chỉ đích danh tướng Dương Văn Minh là người ra lệnh, nhưng trong hồi ký tiếng Việt sau nầy ông hoàn toàn im lặng với một thái độ mơ hồ và quanh co. Theo báo chí ngoại quốc thì có lần ông Thiệu đã minh thị ông Minh là người đã ra lệnh ?
NVN: Trong thời gian làm việc nhiều khi chúng tôi có đề cập đến cuộc đảo chánh 1/11/63 ở những khía cạnh khác nhau và trong những dịp khác nhau.
Tôi nhớ lần đầu tiên vào đầu năm 1965 lúc ông Thiệu là Phó Thủ tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc phòng và tôi là sĩ quan thuộc Phòng Nghiên Cứu/Bộ Quốc phòng, nhận một phiếu trình về bình định lãnh thổ, ông Thiệu nói với tôi : “ông Minh (Dương văn Minh) đã phạm sai lầm lớn sau 1/11/63 là đã phá bỏ ấp chiến lược và giải tán Thanh niên Cộng hòa…”. Trong cảnh “dậu đổ bìm leo” và sự hồ hởi của những người vừa lật đổ chế độ cũ lúc đó, nhận xét và lượng giá khách quan của ông Thiệu đã tạo cho tôi một ấn tượng đặc biệt về ông.
Về cái chết của Tổng Thống Diệm và ông Nhu, trong phạm vi trách nhiệm của người chỉ huy tấn công dinh Gia Long, ông Thiệu nói : “nếu ông cụ và ông Nhu còn trong dinh thì tôi sẽ bảo vệ an ninh bằng cách đưa các ông về Tổng Tham mưu trên một xe jeep lật mui và sẽ không ai dám làm gì hết…”. 

 

Tôi biết điều ông nói là thực, ít nữa là với cương vị bấy giờ là một sĩ quan thừa hành cấp đại tá, ông đủ thận trọng và khôn ngoan – ông không thuộc loại người “múc nước ch. uống”. Đây là thành ngữ đôi khi ông dùng trong khi nói chuyện riêng với tôi nhân vài vụ trao đổi chính trị.
Chỉ một lần duy nhất vào dịp tranh cử Tổng Thống 1971 tôi và ông Thiệu đã đề cập một cách cụ thể vấn đề có tánh cách “cấm kỵ“ nầy, vì những nhân vật liên hệ còn nắm giữ những vai tuồng chính trị quan trọng. Lúc bấy giờ ông Dương Văn Minh muốn tranh phiếu của khối Công-giáo đã lên tiếng quy trách cái chết của Tổng Thống Diệm cho ông Thiệu do việc thi hành chậm trễ lệnh bao vây dinh Gia Long, đưa đến sự đào thoát và cái chết sau đó. Ông Thiệu đã trả lời trong cuộc họp báo tại Tổng Tham Mưu : “…việc một trung tướng ‘đổ thừa’ cho một đại tá là một hành động hèn, khiếp nhược, không xứng đáng tư cách một quân nhân và một cấp chỉ huy…”
Trong cuộc thảo luận này chúng tôi đã đề cập và phân tách đến các danh từ : thủ phạm, chính phạm, tòng phạm, người trách nhiệm v.v… Tôi nói với ông Thiệu : trung tướng Dương Văn Minh là chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng, phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về cái chết của Tổng Thống Diệm, hơn nữa chính sĩ quan cận vệ của ông Minh đã trực tiếp hạ sát Tổng Thống Diệm và ông Nhu; tuy nhiên, thủ phạm chính và giấu mặt là người chủ chốt thực hiện vụ 1/11/63 tức ông Khiêm – là người đã triệu tập Hội đồng tướng lãnh, điều động lực lượng an ninh của Tổng Tham Mưu và nắm giữ lực lượng chủ lực của cuộc đảo chánh tức sư đoàn 5.
Vào lúc ông Diệm quyết định ra trình diện đã chỉ thị cho sĩ quan tùy viên phải cố liên lạc trực tiếp với ông Khiêm như một bảo đảm cho sinh mạng, và chính ông Khiêm đã nhận điện thoại của đại úy Đỗ Thọ nhưng đã cố tình bất động, mượn tay ông Minh và nhóm tướng lãnh bất mãn để thi hành chỉ thị của người Mỹ.


Ông Thiệu im lặng một lúc, hoàn toàn không phản bác mà chỉ hỏi lại một cách thụ động : anh nghĩ như vậy sao ? Tôi đáp : không phải tôi nghĩ như vậy mà sự thực là như vậy. Nếu Tổng Thống ở vào địa vị ông Khiêm, Tổng Thống sẽ xử sự như thế nào ? Chức vụ Tham mưu trưởng liên quân là chức vụ được Tổng Thống tín nhiệm và trực tiếp bổ nhiệm để cầm đầu quân đội, bảo vệ chế độ, thế mà lại làm tay sai cho ngoại bang, lợi dụng chức vụ lật đổ chế độ – ông Khiêm thừa hiểu đó là một hành động phản quốc nếu ông Diệm sống sót; hơn nữa với những ân sủng của ông Diệm cho ông Khiêm cùng sự xử sự như con cháu trong gia đình thì sự phản trắc cũng đủ để ông Khiêm phải thủ tiêu ông Diệm hầu khỏi thấy mặt.
Ông Thiệu im lặng khá lâu, cuối cùng ông nói : nếu ông cụ nán lại đến trưa không ra mặt thì bọn họ lên máy bay chạy hết, có ai tin ai đâu.
Trong những trường hợp tế nhị, ông Thiệu thường có thái độ lấp lửng hoặc những câu nói nửa vời thay cho sự xác nhận. Và do cuộc thảo luận nói trên nên tại cuộc họp báo ở Tổng Tham Mưu ông Thiệu nói : … “trung tướng Dương văn Minh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quân nhân cách mạng, là người phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm trong cuộc chính biến ngày 1/11/63…”

 

Việc giết Tổng Thống Diệm là một tội phạm lịch sử. Những người nhúng tay vào máu của ông Diệm không bao giờ dám ngẩng mặt lên nhận trách nhiệm : những người bị lộ diện đã sống một cách lén lút cho đến cuối đời như Dương Văn Minh, Mai Hữu Xuân, những kẻ ném đá giấu tay thì vẫn tiếp tục ẩn mặt và trút trách nhiệm lên đầu những người đã chết. Sau 30/4/1975, ông Dương văn Minh được nhà nước cho xuất ngoại. Có một thời gian ở Pháp ông Minh đã từ chối không tiếp ông Đôn vì lý do trong cuốn Our Endless War xuất bản 1976 ông Đôn minh thị ông Minh như là một chính phạm.
Ông Minh cho rằng đây là một sự quy trách bất công có tính cách gian trá vì ngày đó ông ta thực ra chỉ là một thứ “bung xung” không quân, không tướng được đưa ra làm chủ tịch HĐQNCM một tư thế cưỡi cọp vì những kẻ chủ động không tin sẽ thành công rồi mượn bàn tay ông ta để dứt hậu hoạn.

Đây là lý do trong bản Việt ngữ sau nầy, cuốn Việt Nam Nhân Chứng, ông Đôn đã không đề cập đến tên ông Minh hay bất cứ người Việt Nam nào mà chỉ nhắc đến câu nói của Lou Conein là phải tìm bắt hai ông Diệm, Nhu với chỉ thị “on ne fait pas d’omelette sans casser les oeufs” và chỉ nói một cách tổng quát là người nào đã quyết định việc hạ sát là người thấy xa. “Người thấy xa” mà ông Đôn muốn ám chỉ là người Mỹ. Khi gởi cuốn “Việt Nam Nhân Chứng” cho tôi, ông Đôn nói : “người ta trách móc tôi nhiều quá nên không muốn đụng chạm nữa”.
Ông Khiêm là con người của những âm mưu trong bóng tối, lén lút, không bao giờ dám đối đầu công khai trừ phi có người Mỹ sau lưng và chắc ăn, vì vậy ông đã mất nhiều cơ hội để nắm vai trò lãnh đạo sau đảo chánh 1/11/63, sau chỉnh lý 30/1/64 là những biến cố ông có vai trò chủ động, và vì “mất ăn” nên các cuộc binh biến dưới thời Nguyễn Khánh đều có ông Khiêm đứng sau lưng giật dây.
Để rõ thêm con người của ông Khiêm, đây là câu chuyện ông Thiệu đã kể lại cho tôi lúc gặp tại Londres năm 1983. Tôi hỏi ông Thiệu : Tổng Thống vẫn liên lạc với ông Khiêm ?
- Không.
- Lý do ?
- Anh nghĩ xem tôi và ông ta cùng đi qua Đài Loan một lúc; ở Đài Loan, tôi qua Anh thăm thằng Lộc (con trai ông Thiệu) để giải thích và an ủi nó về vụ 30/4, người lớn còn “xấc bấc, xang bang”, huống gì nó là một đứa nhỏ. Trong khi tôi vắng mặt, ông Khiêm đến chào bác Sáu để đi Mỹ (ông Kiểu, đại sứ tại Đài Loan – anh ông Thiệu). Ông Khiêm nói với bác Sáu : trong hai anh em phải có một người qua bên đó để nói lên tiếng nói của mình… Bác Sáu cười mỉa mai : “… thế thì tôi chúc chú lên đường bình an…”. Trong thời gian tôi ở Đài Loan, ông Khiêm không hề nói với tôi về việc ông làm thủ tục đi Mỹ…”


Cũng cần biết là sau 30/4/75, bà Anna Chennault có qua Đài Loan cho ông Thiệu biết là chánh phủ Mỹ không hoan nghênh việc ông Thiệu vào Mỹ; chín năm sau ông Thiệu mới vào Mỹ và định cư tại Boston.
Đến nay đã hơn 30 năm, ông Khiêm vẫn “thủ khẩu như bình”, như ngày nào ông là một thủ tướng “ngậm miệng ăn tiền”, một thủ tướng lâu nhất trong các thủ tướng kể từ thời Bảo Đại.
Câu chuyện ông Thiệu nói với tôi về ông Khiêm ở trên làm tôi liên tưởng đến một câu nói từ rất lâu của một nhân vật trong nhóm đảo chánh 1/11/63 đã phản ảnh với tôi về cái tình huynh đệ chi binh của họ bằng câu “bạn nhà binh, tình nhà thổ”. Một nhân vật then chốt khác cũng trong vụ 1/11/63 vào những ngày cuối đời cũng đã than với tôi: “… ông Ngân ạ, trên đời này làm gì có tình nghĩa !” Có lần ông Thiệu phàn nàn với tôi về tướng Nguyễn Khánh : “Anh nghĩ xem… ‘thằng’ Khánh tệ đến mức đã đuổi ông Khiêm đi (1964) thế mà khi gặp lại ông Khiêm ở Hoa Thịnh Đốn (đại sứ) còn ngửa tay xin tiền ‘mày có tiền đưa tao một ít’…

  

Tôi nghĩ bụng có gì tệ đâu, họ cùng một phường với nhau … ‘tao không còn cơ hội ăn cắp, mày còn cơ hội thì chia cho tao với’…”
Ngày đó tôi vẫn tự hỏi : tại sao sáng 2/11/63 ông Thiệu lại không dùng binh lực có sẵn trong tay để thanh toán nhóm tướng lãnh phản loạn tại Bộ Tổng Tham Mưu hầu thực hiện một cuộc cách mạng triệt để mà quốc gia đang cấp thiết đòi hỏi cho cuộc đấu tranh sinh tử với Vi Xi. Đám họ chỉ là sản phẩm của thực dân để lại, hèn nhát, bất tài và bất xứng. Ông Thiệu vẫn là người khá hơn hết và ông đã bỏ lỡ mất “cơ hội ngàn năm một thuở” vì sau 1965 khi quân đội Mỹ đã trực chiến thì chúng ta chỉ còn chờ chết !
TPV: Trong thời gian làm việc có bao giờ ông đặt câu hỏi trên với ông Thiệu không ?
NVN: Không. Vì việc đã qua rồi. Tình hình chính trị ngày đó luôn luôn bất ổn. Có những việc chỉ nên làm mà không nên nói, có những cơ hội bị bỏ lỡ cũng không nên nhắc lại khi thời gian và điều kiện không còn nữa, nói ra chẳng những vô ích mà nếu bị tiết lộ còn gây ra những trở ngại, khó khăn cho những dự tính và công việc sắp tới.
TPV: Về vai trò của trung tướng Trần Văn Đôn trong vụ 1/11/63 ?
NVN: Người Mỹ không tin ông Đôn nhưng bắt buộc phải sử dụng ông Đôn trong vụ 1/11/63 vì lúc bấy giờ ông Đôn giữ chức vụ quyền Tổng Tham mưu trưởng thay đại tướng Lê Văn Tỵ đi Mỹ trị ung thư. Ông Đôn đã được người Mỹ sử dụng “công tác món” và sau đó đã bị loại trong vụ chỉnh lý 30/1/64.
Ông Đôn và Lou Conein đã biết nhau từ 1946 tại Hà Nội : Conein là sỹ quan của OSS, cơ quan tiền thân của CIA, trong phái bộ của Archimedes Patti, còn ông Đôn là sĩ quan của phòng nhì Pháp làm việc dưới quyền đại úy Duprat trưởng ban phản gián thuộc Bộ Tham mưu của tướng Leclerc.
Hoàng Nguyễn post (tổng hợp)

**************************************

 

DINH ĐỘC LẬP

1/- Tổng quát : Dinh Độc Lập là “chứng nhân” đã chứng kiến những biến cố lịch sử của Việt Nam Cộng Hoà, từ những cuộc đảo chánh, cách mạng của chính trị miền Nam. Còn gọi là Dinh Tổng Thống hay Phủ Đầu Rồng.
Dinh Độc Lập (DĐL) là nơi cư ngụ và làm việc của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa. DĐL có hai kiến trúc, kiến trúc cũ được xây dựng ngày 23-2-1868, có tên là Dinh Norodom, sau đổi thành Dinh Độc Lập. Kiến trúc mới do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế và thực hiện xây dựng dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Cánh cửa của DĐL bị xe tăng của Bắc Việt húc sập vào buổi sáng ngày 30/4/1975 đánh dấu ngày nước Việt Nam Cộng Hoà lọt vào tay chế độ Bắc Việt. Từ đó, DĐL được đổi tên thành Dinh Thống Nhất.

2/- Vài nét lịch sử của Dinh Độc Lập
- Thời Pháp thuộc : Ngày 23/2/1868, Thống đốc Nam Kỳ Lagrandière làm lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Dinh Thống Đốc Nam Kỳ. Viên đá lịch sử lấy từ núi Châu Thới Biên Hòa, hình vuông, mỗi góc rộng 50cm, có lổ, bên trong chứa những đồng tiền bằng vàng, bạc, đồng có in hình Napoléon Đệ Tam.
Diện tích công trình rộng 12 mẫu tây. Mặt tiền rộng 80m. Bên trong có phòng khách chứa đến 800 người. Do nước Pháp có chiến tranh, công trình kéo dài đến năm 1873 mới xong. (1868-1873=5 năm)
Dinh được đặt tên là Dinh Norodom và đại lộ trước dinh cũng mang tên Norodom, là tên của dòng họ cai trị vương quốc Campuchia. Dinh Norodom là nơi ở và làm việc của Thống đốc Nam Kỳ, người Pháp. Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chánh Pháp, dinh Norodom là nơi làm việc của chính quyền Nhật Bản ở VN.

- Thời Việt Nam Cộng Hoà : Ngày 7/9/1954, Dinh Norodom được Đại tướng Paul Ely bàn giao lại cho Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Năm 1955, Ngô Đình Diệm đổi tên thành Dinh Độc Lập. Từ đó, DĐL là nơi ở và làm việc của Tổng thống Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hoà.



Phủ Đầu Rồng : Báo chí gọi DĐL là Phủ Đầu Rồng, vì Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lấy quốc huy là hai con rồng trong bức hình lưỡng long tranh châu. Các nhà tướng số, phong thủy lại tán ra rằng, DĐL là cái đầu của con rồng, mà cái đuôi của nó dài ra tới Công trường Chiến sĩ ở ngã tư Duy Tân – Trần Quý Cáp. Họ cho rằng, muốn được yên vị ở cái đầu con rồng là DĐL, thì phải trấn ếm cái đuôi của nó, để cho nó không còn khả năng vùng vẫy quậy phá gây bất ổn.
Sau đó, tượng đài chiến sĩ vô danh của Pháp để lại bị đập phá và xây lại một cái tháp cao, đặt giữa cái hồ nước tròn, có một con rùa bằng đồng nằm dưới chân tháp, cho nên gọi là Hồ con rùa.
Ngày 27/2/1962, hai phi công VNCH là Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc lái hai chiếc phi cơ A-1 Skyraider ném bom làm sập bộ phận chính bên trái của dinh. Do không có thể hồi phục lại được, nên Tổng Thống Diệm cho đập phá toàn bộ để xây lại dinh thự mới trên nền đất cũ, theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ.


- Dinh Độc Lập mới : Ngày 1/7/1962, Dinh Độc Lập mới được khởi công xây dựng. Thời gian nầy, Tổng thống Ngô Đình Diệm chuyển sang cư ngụ và làm việc ở Dinh Gia Long.
Công trình xây dựng đang tiến hành thì Tổng thống Diệm bị đảo chánh và bị giết vào ngày 2/11/1963. Như vậy, Tổng thống Diệm chưa được vào ở và làm việc ở DĐL do ông cho xây cất.
Ngày 31/10/1966, Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, chủ tọa lễ khánh thành DĐL. Tổng thống Thiệu ở và làm việc tại đó từ tháng 10 năm 1967 cho đến ngày 21/4/1975.
Ngày 8/4/1975, Trung úy phi công Nguyễn Thành Trung lái phi cơ F-5E ném bom DĐL, thiệt hại không đáng kể.
Tổng thống Trần Văn Hương cũng vào làm việc tại văn phòng Tổng thống trong dinh, trước khi trao quyền lại cho Tổng thống Dương Văn Minh.


- Dinh Độc Lập sau ngày 30/4/1975 : Ngày 30/4/1975, xe tăng của bộ đội chánh quy Bắc Việt húc sập cánh cửa DĐL đánh dấu sự sụp đổ của chế độ Việt Nam Công Hoà.


Huỳnh Văn Yên post
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét