Giữa tháng 5/1975, mấy anh em viết báo
chúng tôi vọt xuống Đất Mũi, nhưng vì đi bằng xe Honda 67 nên phải tấp
vào Bạc Liêu nghỉ, ai dè bị đồng nghiệp Khu 9 giữ lại nhậu rồi giới
thiệu một địa điểm nổi tiếng : dinh thự của đại điền chủ Trần Trinh
Trạch.
Ngôi nhà được xây dựng năm 1919, do một
kỹ sư người Pháp thiết kế, phần lớn vật liệu xây dựng đều mua từ Pháp.
Ngôi biệt thự này còn được dân địa phương gọi là nhà Công tử Bạc Liêu
hoặc nhà Lớn.
Mà nó lớn thật, lại nằm trong khuôn viên
rộng lớn toàn cây cảnh quý, với mặt tiền là sông Bạc Liêu. Chúng tôi
được cho biết, nội thất nhà đại điền chủ Trạch có vô số đồ gỗ, sứ, đồng
cổ và quý hiếm nhưng từ lâu, những bảo vật đó không còn, chỉ có hai món
là chiếc giường ngủ nạm vàng và bộ bàn trà khảm xà cừ được giữ nguyên
vẹn ở chùa Chén Kiểu (Sóc Trăng), do Trần Trinh Huy tặng.
Rồi bạn đồng nghiệp – cũng sàn sàn chưa
đến “tuổi băm” như tôi, tức cũng chỉ “nghe nói” – kể về sự hào hoa phong
nhã và mức độ ăn chơi cùng những giai thoại về công tử Bạc Liêu.
Nhiều năm qua, tôi tìm hiểu về gia tộc
Trần Trinh Trạch không chỉ vì tò mò, mà còn để biết đâu là sự thật trong
những giai thoại về công tử Bạc Liêu, nhất là từ khi cụm từ “Công tử
Bạc Liêu” trở thành một thương hiệu du lịch.
Trần
Trinh Trạch sinh năm 1872 ở Vĩnh Lợi, Bạc Liêu (bao gồm cả tỉnh Cà Mau
sau này), vốn là kẻ ăn người ở cho một điền chủ nhập quốc tịch Pháp,
được vị điền chủ này cho học tiếng Pháp. Nhờ thế mà Trạch được tuyển làm
thư ký tòa bố Bạc Liêu (hành chánh tỉnh), phụ trách bắt rượu lậu, sau
đó được giao lập bộ để cấp bằng khoán, tức giấy chủ quyền đất.
Những người nấu rượu lậu và điền chủ lớn
bé ở Bạc Liêu đều phải qua tay Trạch mới mong không bị phạt nặng, mới
mong có bằng khoán những sở điền mà những người tiên phong mở đất phương
Nam đã khai khẩn từ trước (là một hình thức cướp đất trắng trợn). Bằng
tiền hối lộ, Trạch đã tích lũy được một số vốn lớn.
Vốn cần kiệm và kỹ lưỡng, dần dần Trạch
trở thành điền chủ, rồi đại điền chủ giàu nhất nước, có 74 sở điền khắp
lục tỉnh với 145.000ha và hơn 10.000ha ruộng muối, có cả ruộng muối ở
miền Trung. (Điền chủ giàu thứ nhì lúc đó là Vưu Tung với 75.000ha, thứ
ba là Châu Oai với 40.000ha).
Ngoài kinh doanh lúa gạo bằng cách xây
một số nhà máy chà gạo ở lục tỉnh, Trạch còn xây nhiều dãy phố lầu ở thị
xã Bạc Liêu, ở Sài Gòn để cho mướn. Ông còn là đồng sáng lập Ngân hàng
Việt Nam (năm 1927) – ngân hàng đầu tiên của người Việt.
Những năm 1929-1930, các nước châu Âu rơi
vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng, Trần Trinh Trạch đã “ủng hộ” chính
phủ Pháp một khoản tiền lớn đến mức “mẫu quốc” ân thưởng ông ta mề đay
Ngũ đẳng Bội tinh và một thanh kiếm quốc bảo.
Trong
7 người con thì chỉ Trần Trinh Huy (Ba Huy, sinh năm 1900) được đại
điền chủ Trạch cho du học Pháp với kỳ vọng mở mang kiến thức để khuếch
trương tài sản gia tộc Trần Trinh. Nhưng ba năm ở Pháp, Huy chỉ mang về
cho gia tộc khả năng ăn chơi, lái xe, lái máy bay và kinh nghiệm bồ
bịch.
Là người cha hết lòng yêu thương Huy,
nhưng đại điền chủ Trạch đã chọn nhầm kẻ thừa kế mình. Chính vì thế mà
gia sản của Trần gia, dưới tay Ba Huy lần lượt “ra đi”, đến mức trước
tháng 5/1975 chỉ còn mảnh đất hương hỏa có mấy phần mộ ở Cái Dầy, ngoại
vi thị xã Bạc Liêu !
Được cha giao trông coi điền sản, Ba Huy
đi kiểm tra sở điền bằng xe Ford Vedette hoặc ca nô. Ba Huy còn sắm xe
Peugeot Sport, lúc đó ở Việt Nam chỉ có hai chiếc, chiếc kia là của vua
Bảo Đại.
Ba Huy cũng là người Việt đầu tiên sở hữu
máy bay, đó là chiếc Morane tối tân nhất trong dòng máy bay nhỏ của
Pháp thời bấy giờ, và sân bay riêng, dù chỉ là những sở điền được san
phẳng. Chiếc Morane này cũng là chiếc thứ hai và duy nhất ở Việt Nam sau
chiếc đầu tiên của triều đình Huế.
Bạc Liêu những năm đầu thế kỷ XX có
khoảng 2% điền chủ nhưng chiếm đến 95% ruộng đất nhờ chính sách điền địa
bất công của thực dân Pháp.
Không
riêng Ba Huy, con cái của những điền chủ này, như Dù Hột, Hai Lũy, Ba
Cân, Hai Đình… thừa mứa tiền của không phải do mình làm ra nên đua nhau
ăn chơi cho sướng thân và khuếch trương thanh thế không những ở miền Tây
mà còn ở Sài Gòn.
Theo nhà văn Phan Trung Nghĩa, trong số đó, Ba Huy là số 1. Vì thế mà câu chuyện có thật sau đây được gắn cho Ba Huy.
Chuyện rằng, Dù Hột là con của đại điền
chủ Chá, một lần từ khách sạn Majestic Saigon bước ra, một đám xe kéo
tay giành chở vì nhiều lần anh ta trả tiền chẵn không cần thối lại, thấy
khó xử, Dù Hột bảo “đi hết”. Thế là xe chở người, xe chở nón, xe chở áo
vest, xe chở cù ngoéo (can)… chạy lòng vòng Sài Gòn, dân chúng bu đen
coi ngó.
Đám xe kéo hớn hở cho biết đang chở công
tử Bạc Liêu ! Và cũng từ câu chuyện này mà có thành ngữ “Công tử Bạc
Liêu” để chỉ lối sống giàu sang, phóng túng.
Công tử nghĩa đen là con quan, nhưng với
Ba Huy, từ này còn mang ý nghĩa khác, nặng về chơi trội, chơi ngông,
không ai đủ sức xài tiền như Ba Huy, vì thế, về sau, thành ngữ này chỉ
dùng để chỉ công tử Trần Trinh Huy. Từ đó “Công tử Bạc Liêu” trở thành
danh xưng riêng của Ba Huy, không ai có thể tranh chấp.
Vì thế mà nhân vật “ngon nhất” Nam bộ này
có nhiều chuyện thực hư, hư thực lẫn lộn, trở thành những giai thoại.
Ba Huy không những nổi tiếng xài lớn, như những lần cùng người đẹp vào
Đại Thế Giới, vứt ra những xấp tiền 30.000 đồng (lúc đó lúa 1,7
đồng/giạ, lương thống đốc Nam Kỳ chưa tới 3.000 đồng/tháng) không để ăn
thua mà để giựt le với mỹ nữ.
Nhưng
có hai chuyện mà chính Ba Huy lúc cuối đời xác nhận là do thiên hạ bày
đặt rồi gán cho mình. Đó là chuyện đốt tiền tìm tiền và đốt tiền thi nấu
đậu xanh.
Số là trong đám công tử lục tỉnh có một
nhân vật mà so với Ba Huy thì kẻ tám lạng người nửa cân, đó là Phước
Georges, hay còn gọi là Bạch Công tử (vì da trắng, để phân biệt với Hắc
Công tử, tức Ba Huy, vì da hơi ngăm đen), quê Mỹ Tho. Phước và Huy đều
mê người đẹp có tên Ba Trà.
Một hôm, cả ba vào rạp Modern (đường Lê Thánh Tôn, TP.HCM bây giờ) xem phim Tarzan,
cô Ba làm rơi tờ tiền Con Công (5 đồng), trong khi Ba Huy đang tìm hộp
quẹt thì Phước đã châm tờ bạc Con Đầm (20 đồng) cho mỹ nhân tìm. Chuyện
có vậy mà thiên hạ đồn Ba Huy đốt tờ tiền Bộ Lư (100 đồng) cho người đẹp
tìm tờ 5 đồng !
Một chuyện khác là do tranh giành Bảy Hột
Điều bất phân thắng bại mà hai công tử thách nhau đốt tiền nấu một cân
đậu xanh chia hai, giai nhân ấy sẽ thuộc về ai có nồi đậu chín trước.
Lần ấy Hắc Công tử thua.
Một ký giả Sài Gòn thuật lại chuyện gặp
Ba Huy năm 1972, khi hỏi chuyện nấu đậu bằng tiền giấy, Ba Huy nói :
“Tụi tui là người có chữ nghĩa, biết chơi ngông tới đâu thì dừng, ngu gì
đem tiền ra đốt khơi khơi vậy !”.
Nhà Lớn của Trần gia đã bị chính quyền
Sài Gòn xung công từ năm 1973 (có lẽ gần như bỏ hoang, chỉ có một cháu
ngoại của gia tộc họ Trần ở, lại không có di chúc thừa kế), Sau 1975 là
chính quyền thuộc tỉnh Bạc Liêu quản lý. Trải qua bao biến cố, những năm
gần đây, nhà Lớn trở thành khách sạn Công tử Bạc Liêu với 7 phòng ngủ,
nhưng khuôn viên thì rất đông khách uống cà phê.
Bao người tò mò muốn biết công tử Bạc
Liêu đích thực là ai, giai thoại về vị công tử này hư thực đến đâu, vì
thế nó ngày càng nổi tiếng và trở thành một thương hiệu du lịch.
Tiếc rằng, cho đến bây giờ, chỉ có căn
nhà của Trần gia được khai thác làm khách sạn, nhưng cơ quan sử dụng nó
không thuộc ngành du lịch nên kinh doanh không chuyên nghiệp, ngay cả
căn phòng ngày xưa công tử Bạc Liêu ở cũng không có bảng tên để thu hút
du khách, chưa nói đến việc không tổ chức giới thiệu được về Trần Trinh
Huy và gia tộc, mà qua đó du khách hiểu thêm một giai đoạn lịch sử đầy
biến động của đất phương Nam.
Tôi vừa gặp con trai công tử Bạc Liêu,
Trần Trinh Đức, tại nhà Lớn sau bao năm lưu lạc trở về. Ông Đức cho
biết, chính quyền tỉnh Bạc Liêu có ý định cấp cho ông một thửa đất để
xây nhà thờ Trần gia và mời ông thuyết trình cho du khách nghe về gia
tộc Trần Trinh và công tử Bạc Liêu, khi mà khách sạn Công tử Bạc Liêu
được Saigontourist đầu tư sửa sang, nâng cấp trang thiết bị.
“Ý định” ấy là quá tốt để ngành du lịch
phát huy thương hiệu Công tử Bạc Liêu, nhưng phải làm sớm, vì nhân chứng
sống duy nhất là ông Đức đã ngoài 60 tuổi!
Yên Huỳnh post (Theo Phương Hà - Doanh nhân Sài Gòn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét