Nguyễn Hội (Danlambao)
- Trong buổi thuyết trình với Sinh viên cao học khoa Quản trị kinh
doanh của trường Đại Học Quốc Gia Hà Nội, một sinh viên đặt câu hỏi "tại
sao nước Đức đã phát triển một cách nhanh chóng và trở thành nước giàu
nhất Âu châu mặc dù đất nước họ bị tàn phá nặng nề sau thế chiến thứ
hai?". Người viết đã trả lời rằng "trong những thập niên gần đây
những quốc gia phát triển nổi bật là Nhật, Đức, Hàn quốc, Do Thái và Đài
Loan. Đặc tính rõ rệt chung của 5 dân tộc này là lòng yêu nước và tự
hào Dân tộc. Một thí dụ nhỏ là khi sản xuất một cái muỗng (thìa) mang
tên nước họ, vì tính tự hào Dân tộc họ cố sức sản xuất cái muỗng (thìa)
với chất lượng cao nhất để xuất cảng ra nước ngoài để người tiêu dùng nể
nang Dân tộc họ. Do đó sản phẩm của họ được mua nhiều và đất nước họ
được phát triển".
Trong hai bài "Thời nào Dân Việt sướng nhất?" người viết đã so
sánh mức lương người dân trong các thời đệ nhất, đệ nhị Cộng hòa với mức
lương người dân Việt vào năm 2006 là năm có thể nói là sung túc nhất
của thời kỳ XHCN trước khi xảy ra những cuộc khủng hoảng liên tục từ năm
2008. Kết quả cuộc so sánh là người dân trong thời đệ nhất Cộng hòa có
mức lương cao nhất mặc dù tài chánh hỗ trợ từ nước ngoài vào nước ta
thời đấy thấp nhất.
Tại sao thời đệ nhất Cộng hòa người dân sống sướng hơn thời nay mặc dù
chế độ đó đã chấm dứt trước đây 49 năm? Chẳng lẽ người dân Việt thời
bấy, theo logic được trên đây, yêu nước hơn các thời kỳ về sau? Việc
chứng minh lòng yêu nước của người dân Việt thời bấy giờ rất khó khăn,
chúng ta cùng lật lại những trang sử để cùng xem xét lòng yêu nước của
lãnh tụ thời đó đại diện qua Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ của
ông.
Trong bài nhận xét ngắn này, chúng ta cùng tìm hiểu thân thế của Tổng
thống Diệm là nền tảng hun đúc con người và cũng là nền tảng cho mọi
quyết định hành động của ông. Sau đó chúng ta cùng xem xét một số tình
huống ông giải quyết trên nền tảng quyền lợi đất nước hay quyền lợi bản
thân?
Thân thế
Thân sinh của Tổng thống Ngô Đình Diệm là cụ Ngô Đình Khả, người đã sáng
lập trường Quốc Học Huế là ngôi trường đầu tiên tại Việt Nam dậy theo
chương trình Đông và Tây, và làm tới chức Thượng Thư Phụ Đạo Đại Thần
thời Vua Thành Thái. Cụ Khả là bạn thân của các nhà cách mạng nổi danh
thời đó như các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để.
Do mưu toan một cuộc cách mạng ôn hòa của Vua Thành Thái bị bại lộ,
thực dân Pháp gán cho nhà Vua chứng bịnh điên, ép các quan trong triều
đình ký sớ xin Vua thoái vị rồi đưa đi an trí ở Phi châu. Riêng chỉ có
một mình cụ Ngô Đình Khả không ký, sau đó cụ từ quan và bị thực dân Pháp
cho tước mọi quyền lợi, bổng lộc. Gia đình cụ sống rất khó khăn, cảm
phục khí phách của đồng liêu, cụ Tôn Thất Hân đã ngần giúp cụ Khả mỗi
tháng 10 đồng để chi dùng. (1)
Ngoài người cha ruột ông Diệm còn có một cha đỡ đầu đã đóng góp rất
nhiều trong việc giáo dục tinh thần ông là Thượng Thư Nguyễn Hữu Bài.
Khi người Pháp tham lam muốn đào mả Vua Tự Đức để lấy của thì Thượng Thư
Nguyễn Hữu Bài là người duy nhất trong triều đình chống đối. Cho nên
dân chúng miền Trung kính trọng khí tiết của hai cụ đã truyền tụng với
nhau rằng: "Đày Vua không Khả, đào mả không Bài".
LM Trần Quý Thiện đã mô tả nền giáo dục mà TT Diệm đã được hấp thụ như sau:
"Ngoài việc hấp thụ những đức tính cao đẹp và lòng yêu nước nồng nàn
của thân phụ và nghĩa phụ, cậu Diệm còn chịu ảnh hưởng sâu đậm của nền
giáo dục Nho Giáo và Thiên Chúa Giáo. Thực vậy, nếu Nho Giáo đã hun đúc
ông Diệm thành một con người thanh liêm, tiết tháo và cương trực thì nền
giáo dục Thiên Chúa Giáo đã đào tạo ông Diệm thành một con người đày
lòng bác ái, vị tha và công chính." (2)
Trước khi lìa đời, cụ Khả căn dặn ông Diệm rằng:
"Diệm con có đủ đức tính cần thiết để trở thành người lãnh đạo tốt, con phải lãnh đạo."
và cụ nói với các con:
"Các con phải cùng với nó (ông Diệm) dành lại nền độc lập hoàn toàn,
thì mới thực hiện được công cuộc cải tạo xã hội, xóa bỏ bất công được".
Tất cả các con cụ đã thề sẽ cùng với ông Diệm thực hiện bằng được ước nguyện của cụ. (3)
Khi Vua Bảo Đại lên ngôi vào năm 1932, nhà Vua đã mời ông Ngô Đình Diệm
lúc đó là Tuần vũ Phan Thiết làm Thượng Thư Bộ Lại (Thủ tướng). Trong
chức vụ quan trọng này ông đề xướng hai điều với chính quyền bảo bộ
Pháp: một là thống nhất Trung và Bắc Kỳ theo Hòa ước Giáp Thân 1884 và
hai là cho Viện Nhân dân Đại biểu Trung Kỳ được quyền tự do thảo luận
mọi vấn đề. Vì không được toàn quyền Pháp Pasquier chấp nhận, ông từ
chức ngày 12 tháng 7 năm 1933. (4)
Ông Diệm trở về sống tại nhà của thân sinh gần Huế và đi dạy học Thiên
Hựu (Providence). Ông từ chối mọi sự mời mọc của Nhật, Việt Minh, Bảo
Đại và không tham gia vào bất cứ chính quyền nào lập sau Đệ Nhị Thế
Chiến. Có một lần ông bị Việt Minh bắt và giải đến Hồ Chí Minh. Hồ Chí
Minh mời ông tham gia chính phủ nắm bộ nội vụ nhưng ông từ chối.
Năm 1951, ông Diệm qua Mỹ sống phần lớn trong các chủng viện Maryknall,
Lakewood, Ossining và đi vòng quanh nước Mỹ để vận động độc lập cho Việt
Nam. Tháng 5 năm 1953 ông sang Pháp, Bỉ. Tháng 6 năm 1954 ông nhận lời
mời của Quốc trưởng Bảo Đại trở về Việt Nam làm Thủ tướng.
Giáo hội ở trong quốc gia chứ không phải quốc gia ở trong giáo hội
Dưới thời Pháp các chủng viện Công giáo không chịu ảnh hưởng, kiểm soát
bởi chính quyền. Vào năm 1958/59 Tổng thống Ngô Đình Diệm cho thay đổi
luật Chủng viện Công giáo, điều luật mới xếp hệ thống giáo dục Chủng
viện Công giáo tương đương với các trường tư thục, dưới sự chi phối của
Nha Tư thục. Hàng giáo phẩn Công giáo coi đây là một cưỡng chế tự do tôn
giáo. Các Linh mục nhiều địa phận đồng loạt đứng lên phản đối. Đức Khâm
sứ Tòa thánh trực tiếp can thiệp nhưng Tổng Thống Diệm nhất định không
thay đổi. Một số Linh mục xin vào yết kiến, Tổng thống nghe xong rồi trả
lời rất ngắn ngủi "Giáo hội ở trong quốc gia chứ không phải quốc gia ở trong giáo hội." (5)
Chủ quyền quốc gia, quyền lợi Tổ quốc là trên hết
Năm 1961 cộng sản gia tăng khủng bố nên Tổng thống Diệm cần phải tăng
cường quân đội. Hoa kỳ cũng cho tăng viện trợ quân sự và lợi dụng tình
thế họ đòi hỏi Tổng Thống Diệm phải cải cách, "biến miền Nam Việt Nam thành một chế độ chính trị dân chủ theo kiểu Mỹ và để người Mỹ đồng cai trị miền Nam." (6).
Đòi hỏi này Tổng Thống Diệm không chấp thuận và đề nghị chính phủ Mỹ ký
kết với Việt Nam một hiệp nghị phòng thủ song phương tương tự như Mỹ đã
ký kết với Đại Hàn nhưng không được Tổng Thống Kennedy đáp ứng. Một số
chính khách Mỹ, trong đó có Đại sứ Elbridge Durbrow với chủ trương cứng
rắn là buộc Tổng Thống Diệm chấp nhận đề nghị cải cách của Mỹ. Nếu không
thì lật đổ ông và kiếm người thay thế.
Có lần ông Nhu đặt câu hỏi với ông John Mecklin, một người Mỹ có chủ
trương lật đổ TT Diệm, Giám đốc sở báo chí Hoa Kỳ kiêm phát ngôn viên
tòa Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn, tại sao chính phủ Mỹ không giúp Việt Nam như
kiểu giúp Tito ở Nam Tư là viện trợ vật chất nhưng không xâm phạm vào
hiện tình của xứ được giúp đỡ? Qua cuốn sách của ông John Meklin được
xuất bản vào năm 1965 mang tựa đề "Mission in torment: an intimate
account of the U.S. role in Vietnam" (Sứ mệnh trong đau khổ: một mật báo
về vai trò của Mỹ tại Việt Nam) đòi hỏi cải cách của Mỹ được nêu
trên dẫn đến việc thành lập một chính quyền trong bóng tối thuộc Tòa Đại
sứ Mỹ, nhiệm vụ của chính quyền trong bóng tối này là xét những việc
cần làm sau đó đốc thúc chính quyền miền Nam Việt thi hành.
Đại úy Lê Châu Lộc cho biết trước khi tiếp xúc với Đô đốc Felt vào năm
1962, Tổng thống Diệm rất đăm chiêu, đọc kỹ nhiều tài liệu và thảo luận
với rất nhiều người. Trong phần người Mỹ muốn đưa quân vào tham chiến
tại Việt Nam, Tổng thống Diệm đã nói với Đô đốc Felt với đại ý như sau:
"Trong cuộc chiến đấu chống lại Cộng sản quốc tế chúng tôi cần sự
giúp đỡ. Ngó quanh khắp thế giới không ai có thể giúp chúng tôi, ngoài
người Mỹ. Nhưng cuộc chiến này tế nhị lắm! không chỉ thuần túy giao
tranh bằng súng đạn, mà có cả chiến tranh tâm lý, có công tác tuyên
truyền. Chúng tôi vừa mới đuổi được người Pháp đi sau bao nhiêu năm
chúng tôi chịu sự đô hộ của họ. Nếu bây giờ người Mỹ lại tới đây, hiện
diện trên đất nước tôi bằng những đạo quân tác chiến. Người dân Nông
thôn vốn chất phác, họ sẽ nghĩ rằng người Mỹ đến đây cũng chẳng khác chi
người Pháp trước kia. Như thế tôi biết làm sao giải thích cho đồng bào
tôi hiểu. Vì dân tôi rất nặng lòng với nền độc lập, không muốn chủ quyền
bị xâm phạm… Tôi mong rằng người Mỹ hiểu cho tôi. Vì nếu tôi chấp nhận
cho quân đội tác chiến Mỹ ở đây, tôi nói làm sao với dân tôi bây giờ?" (7)
Trong cuộc đi viếng vùng Tràm chim với Tổng Thống Diệm và một số Bộ
trưởng, Đại sứ Nolting có dò ý yêu cầu chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cho
Mỹ sử dụng căn cứ Cam Ranh, tháng 3.1963 đại tướng Harkins lại ngỏ ý qua
ngã tướng Khánh, nhưng Tổng Thống Diệm đều từ chối. (8)
Tháng 10 năm 1963 nhân dịp về thăm nhà tại Huế Tổng Thống Diệm đã hàn
thuyên rất lâu với cụ Võ Như Nguyện, một cựu cộng sự viên thân tín mà
Tổng Thống Diệm đã quen biết từ thuở ông thường đi lại với cụ Phan Bội
Châu. Tổng thống cho cụ Nguyện biết mưu toan của Mỹ muốn làm cuộc đảo
chánh và nguy hiểm đang chờ ông:
"Sẽ nguy hiểm lắm! Mỹ sẽ chơi sỏ tôi. Nếu tôi accepted (chấp nhận)
những chuyện của hắn (thay đổi cho Mỹ đem quân vào Việt Nam) thì yên,
nhưng còn chi uy tín của Tổng Thống, còn chi uy tín của nước Việt Nam." (9)
Trong quyển "Bên giòng lịch sử" Linh mục Cao Văn Luận đã viết lại
cuộc gặp gỡ của ông với TT Diệm vào tháng 10,1963, sau cuộc viễn du Hoa
kỳ ông đã đề nghị với TT Diệm:
"Bây giờ, thưa cụ chúng ta cần người Mỹ, lệ thuộc nhiều vào người Mỹ,
chịu ảnh hưởng nặng nề vì sự thương hay ghét của họ. Nếu không vì những
lợi ích thiết thực mà phải cải tổ chính phủ, thì cũng nên vì để làm hài
lòng người Mỹ mà cải tổ, để họ khỏi phá hoại. Cụ cũng đã hiểu câu châm
ngôn “ai chi tiền thì kẻ đó cai trị”. Hiện nay người Mỹ đang chi tiền.
Nếu cụ cứng rắn quá sẽ bị bẻ gãy.
Ông Diệm có dáng suy nghĩ, lo lắng, chú ý hơn lúc đầu một chút:
- Nếu bây giờ chúng ta nhượng bộ Mỹ một bước thì Mỹ sẽ đòi thêm, biết
nhượng bộ đến bao giờ cho vừa lòng họ? Tôi muốn võ trang cho Bảo An,
Dân Vệ, Thanh niên Chiến Đấu, Mỹ không chịu. Tôi muốn tăng cường quân
đội, Mỹ từ chối không chịu cấp vũ khí và phương tiện, Mỹ chỉ muốn đưa
quân sang Việt Nam thôi". (10)
Trân quý mạng sống người dân, mạng sống người lính
4 giờ chiều ngày 01.11.1963 đại sứ Lodge lần thứ hai trong ngày gọi điện
thoại nói chuyện với Tổng Thống Diệm, đề nghị anh em Tổng thống Diệm
rời dinh Gia Long đến tỵ nạn tại Tòa đại sứ Mỹ và sau đó sẽ thu xếp để
anh em ông xuất ngoại, nhưng Tổng thống Diệm đã từ chối. Đến 4:30 Tướng
Đôn điện đàm cùng Tổng thống Diệm yêu cầu ông từ bỏ mọi quyền hành và
xuất ngoại vì quân đội đã đứng lên đảo chánh và đã vây chặt thành Cộng
Hòa cùng dinh Gia Long. Tổng thống Diệm nói như quát trong điện thoại "Quân mô? Vây ở mô?".
Thực sự lực lượng đảo chánh không đáng kể. Sư đoàn 5 còn ở ngoài đô
thành. Phú Lâm, Khánh Hội, Chợ Lớn, Cầu Chữ Y, Thị Nghè còn bỏ trống.
Các Tướng lãnh tưởng rằng, khi đọc hiệu triệu trên đài phát thanh thì
các cánh quân của Quân đoàn III (trong đó có sư đoàn 5) đã vây chặt
thành Cộng Hòa và dinh Gia Long. Trên thực tế quân đảo chính còn rời
rạc, lẻ tẻ, chưa vượt qua được cầu Phan Thanh Giản và cầu Thị Nghè vì bị
Lữ Đoàn Phòng vệ Phủ Tổng Thống chận lại. (11)
Đại Tá Duệ đã tường thuật rằng, ông được báo cáo từ nhiều nguồn cho biết
phòng thủ ở Bộ Tổng tham mưu rất sơ sài chỉ có một số tân binh quân
dịch ở Quang Trung lên tăng cường mà thôi nên ông đề nghị Tổng thống cho
quân kéo lên đánh thẳng vào Bộ Tổng tham mưu bắt các Tướng.Tổng thống
không đồng ý và ra lệnh qua sĩ quan tùy viên rằng (12):
"Bảo Duệ đừng nóng nảy, Tổng Thống đang liên lạc với các tướng lãnh để cố tránh đổ máu."
Cụ Cao Xuân Vỹ lúc đó ở cạnh Tổng thống Diệm lên tiếng đồng ý với ý kiến của Đại tá Duệ bị Tổng thống Diệm lên tiếng trách:
"Tôi là Tổng tư lệnh quân đội. Tôi lại ra lệnh cho quân đội đánh quân
đội à? Tôi còn mặt mũi thấy quân đội nữa không? Có chi thì ngồi giải
quyết, chứ quân đội là để chống Cộng, sao lại đem đánh nhau?" (13)
Trong bài phỏng vấn với ông Minh Võ, cụ Cao Xuân Vỹ cho biết lúc đó
không phải chỉ có Lữ đoàn Phòng vệ phủ Tổng thống xin lên tấn công mà
còn đại đội Biệt kích thuộc Lực lượng Đặc biệt cũng báo cáo là phòng vệ
các Tướng ở Bộ Tổng tham mưu rất yếu, xin được cùng 2 tiểu đoàn của Lữ
đoàn Phòng vệ Phủ Thổng thống đột kích bắt sống các Tướng đảo chánh.
Nhưng Tổng thống Diệm.
Từ nhà thờ Cha Tam Chợ Lớn, sáng ngày 02/11/1963 Tổng thống Diệm đã liên
lạc với các Tướng đảo chánh và các Tướng đã cho xe "rước" Tổng thống và
ông cố vấn Nhu về Bộ Tổng tham mưu.
Theo tiết lộ của LM Jean, ông đã thuyết phục anh em Tổng thống Diệm
không nên gặp các tướng đảo chánh, nhưng hai ông từ chối: (14)
"Xin Tổng thống và ông Cố vấn nghĩ lại. Chính tôi sẽ dưa Tổng thống và ông Cố vấn đến một nơi an toàn nhất."
Tổng Thống Diệm:
"Cảm ơn Cha, tôi thấy không có gì nguy hiểm cả. Cá nhân tôi đã dâng
trọn cho Chúa và Mẹ Maria nhưng tôi vẫn còn là nguyên thủ quốc gia. Tôi
còn trách nhiệm với dân."
Tổng thống Ngô Đình Diệm và Cố vấn Ngô Đình Nhu bị các tướng đảo chánh mà Tổng thống Johnson gọi là "bọn ác ôn côn đồ đáng nguyền rủa" (a goddam bunch of thugs) ra lệnh giết chết trên chiếc xe M113 sau khi họ đón hai ông từ nhà thờ Cha Tam.
Phản ứng sau cuộc sát hại TT Ngô Đình Diệm và Cố vấn Ngô Đình Nhu
Khi được tin ông Diệm bị lật đổ, ông Hồ Chí Minh nói với ký giả cộng sản danh tiếng, Wilfrid Burchett: "Tôi không thể ngờ rằng tụi Mỹ ngu đến thế".
Nguyễn Hữu Thọ nói với báo Nhân Dân: "Sự lật đổ Diệm là một món quà mà Trời ban cho chúng tôi."
Khi tướng Võ Nguyên Giáp và những đồng chí còn sống sót của ông gặp Ông McNamara ở Hà Nội tháng 11 năm 1995, họ nói rằng: "Chính
sách Kennedy ở Việt Nam sai lầm hết chỗ nói. Ngô Đình Diệm là một người
có tinh thần quốc gia, không khi nào ông chịu để cho người Mỹ dành
quyền điều khiển chiến tranh, và sự người Mỹ dành quyền đã đưa người Mỹ
đến thất bại đắt giá. Cho nên, kết quả của cuộc đảo chánh lật đổ ông
Diệm năm 1963 là sự kết thúc sớm [sự hiện diện] Hoa Kỳ ở Việt Nam, một
điều đáng làm cho người ta ngạc nhiên" (15)
Những người gần gũi Tổng thống giờ phút cuối kể lại cho họ hàng, bè bạn
về cách hành xử của Tổng thống mặc dù cái chết bản thân mình đang cận
kề, nhưng nhất quyết không để người khác phải đổ máu để bảo vệ bản thân
ông. Nên dân chúng đã truyền nhau câu vè:
"Đày Vua không Khả,
đào mả không Bài,
hại dân không Diệm"
Bài học từ Tổng thống Ngô Đình Diệm
Lòng yêu nước, tinh thần Dân tộc là sợi dây chắc chắn nhất, bền bỉ nhất
và chân thành nhất liên kết mọi con dân của Dân tộc.Vì sự liên kết đó
dựa trên một nền tảng duy nhất là quyền lợi Dân tộc, Tổ quốc. Tổ quốc
Việt Nam đã được cha ông chúng ta gầy dựng và gìn giữ từ hơn 4000 năm
qua cho dù phải trải qua nhiều cuộc chiến với kẻ thù xâm lược. Dân tộc
Việt Nam đáng tự hào là có được những trang sử oai hùng với Hai Bà
Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi v.v… Dân tộc và
đất nước chỉ được phát triển thực sự, nếu những tinh hoa của Dân tộc
được phát huy.
Tổng Thống Ngô Đình Diệm là một tấm gương sáng về cho sự thanh liêm,
lòng yêu nước, tính tự cường, sự bảo vệ độc lập và chủ quyền của đất
nước mà mọi con dân nước Việt cần phải nuôi dưỡng và phát huy. Đặc biệt
trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn đen tối nhất của lịch sử Việt Nam.
Giai đoạn mà chính người Việt lại đàn áp, bắt bớ, đánh đập, giam tù đồng
bào của mình, bởi vì họ thổ lộ lòng yêu nước lên tiếng đòi hỏi quyền
lợi Dân tộc, đòi hỏi chủ quyền đất nước. Giai đoạn mà lòng ái quốc, tinh
thần Dân tộc bị trừng phạt, hèn nhác, tinh thần vọng ngoại được ban
thưởng. Chính sách này rõ ràng nhằm tiêu diệt Dân tộc Việt Nam.
Là người Việt Nam, chúng ta phải có trách nhiệm bằng mọi cách hóa giải
Quốc nạn hiện nay để giao lại cho thế hệ sau một Tổ quốc Việt Nam tốt
đẹp hơn Tổ quốc mà chúng ta đã nhận lại từ thế hệ trước.
Xã hội biến chuyển không ngừng, đặc biệt là tốc độ biến chuyển xã hội
trong giai đoạn toàn cấu hóa hiện nay rất nhanh đến độ khó lường trước
được. Chế độ chính trị tại Việt Nam do đó sớm muộn rồi cũng sẽ thay đổi
không bằng cách này cũng bằng cách khác.
Những trang lịch sử Việt Nam sau này chắc chắn sẽ không ca tụng ông Tổng
Bí thư A, Chủ tịch B, Thủ tướng C có được gia tài kếch xù trị giá 10 tỉ
Mỹ kim mà lịch sử sẽ nguyền rủa các ông đã không thi hành trách nhiệm
của mình đối với đất nước mà chỉ biết lợi dụng chức vụ vơ vét của công
làm giàu bản thân và gia đình để mặc người dân phải sống vất vưởng, khổ
cực.
Nhưng lịch sử Việt Nam sẽ ca ngợi các ông bà trong ban lãnh đạo Đảng và
Nhà nước CSVN tương tự như lịch sử thế giới hiện nay đang ca ngợi
Gorbachov và lịch sử Miến Điện sẽ ca ngợi Chính quyền Quân nhân Miến
Điện. Nếu các ông, bà vì Nước, vì Dân từ bỏ quyền lợi cá nhân, đấu tranh
bảo vệ chủ quyền của Dân tộc Việt Nam, đồng thời thực hiện một cuộc
cách mạng dân chủ ôn hòa tương tự như ở Miến Điện. Vì đó là điều kiện
triệt hạ hệ thống tham nhũng rất hệ thống và qui mô hiện hữu từ vài chục
năm qua trên đất nước Việt Nam và đó cũng là điều kiện để mọi tầng lớp
người dân Việt hết lòng, hết sức tham gia tái kiến thiết quê hương.
Tháng 11 năm 2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét