Các Tập đoàn Kinh tế Nhà nước (TĐKTNN) của Việt Nam hiện nay là mô
hình tổ chức các các doanh nghiệp chủ đạo của nhà nước trong các ngành
kinh tế, vừa có nhiệm vụ kinh doanh trong nền kinh tế mở hội nhập (với
kinh tế thị trường), vừa có nhiệm vụ quản lý chuyên môn toàn ngành, lại
vừa có nhiệm vụ thực hiện các chính sách (nhiệm vụ chính trị) của nhà
nước trong ngành đó với sự hỗ trợ toàn diện của nhà nước (và có lẽ như
thế nên gọi là “theo định hướng XHCN”).
Chúng đều rât lớn, có vốn và tài sản riêng được nhà nước giao từ hàng
chục đến hàng trăm ngàn tỷ đồng, có con dấu và pháp nhân riêng và hạch
toán độc lập, nhưng lại khó có thể nói chúng có pháp nhân độc lập tương
đương như các công ty tư nhân TNHH chả hạn. Chúng không chỉ bắt buộc
phải có các bộ phận đoàn thể chính trị xã hội như đảng bộ, đoàn TNCS,
công đoàn, phụ nữ… trong đó đảng là “người” (quái nhân?) chỉ đạo toàn
diện kể cả ban giám đốc, mà còn có hội đồng quản trị rất nhiều quyền lực
trên Ban giám đốc, tất nhiên do đảng bổ nhiệm. Thành viên ban giám đốc
và hội đồng quản trị của các TĐKTNN diện cán bộ do trung ương quản lý.
Tóm lại, các TĐKTNN là các nhà nước con con trong ngành của mình… Bạn
chả tìm ra một mô hình tổ chức doanh nghiệp nào tương tự trên thế giới,
tất nhiên trừ Trung Quốc ra nhé!
Nhưng bài viết này không bàn đến việc mô hình của các TĐKTNN có hợp
lý hay hợp pháp hay không, mà là chúng hoạt động có hiệu quả trong kinh
doanh hay không, vì thiết nghĩ chỉ điều đó mới quyết định lý do tồn tại
của chúng?
Đặc điểm đầu tiên và cơ bản của các TĐKTNN là sự nhập nhèm về quyền
sở hữu tài sản của tập đoàn được giao từ tài sản thuộc sở hữu toàn dân.
Sở hữu toàn dân thành sở hữu nhóm/tập đoàn, rồi sở hữu nhóm thành sở hữu
đại diện cá nhân. Những cá nhân được giao đại diện tài sản thuộc sở hữu
toàn dân này bằng cách nào, theo tiêu chuẩn nào và ai kiểm soát họ,
không ai biết. Điều đó dẫn đến cơ hội trục lợi nhóm và cá nhân.
Đặc điểm thứ 2 của TĐKTNN là dù rất lớn, siêu mạnh và không có pháp
nhân bình đẳng với các công ty CP hay TNHH khác nhưng lại tham gia kinh
doanh “bình đẳng” trên thị trường “tự do” nên chúng kinh doanh mà không
cần cạnh tranh với nhau và với ai, sức mạnh và khả năng sáng tạo giá trị
trong kinh doanh của chúng bị triệt tiêu hoàn toàn. Các công ty con của
các TĐKTNN cũng tương tự, là những thực thể kinh doanh có pháp nhân độc
lập nhưng không có đam mê sở hữu, sáng tạo và chấp nhận rủi ro trong
kinh doanh.
Hai đặc điểm chính: nhập nhèm về sở hữu và nhập nhèm về pháp lý trên
làm cho các TĐKTNN hoàn toàn không có khả năng (động lực) cạnh tranh
bình đẳng và kinh doanh sáng tạo trong nền kinh tế thị trường với các
doanh nghiệp phi quốc doanh khác trong và ngoài nước. Có nghĩa là chúng
chỉ có thể cung cấp sản phẩm và dịch vụ kém chất lượng với giá thành
cao, nên khó có thị trường lành mạnh cho họ. Để tồn tại, họ đều phải tạo
ra thị trường méo mó của mình: tự tiêu sản phẩm của mình bằng cách lập
ra luôn các công ty con tiêu thụ sản phẩm của tập đoàn mình.
Điều này càng dẫn họ đi vào ngõ cụt của kinh tế tự sản-tự tiêu không
có cạnh tranh để hoàn thiện và phát triển, triệt tiêu luôn “bàn tay vô
hình” kỳ diệu của thị trường tự do vồn là linh hồn và động lực phát
triển của kinh tế thị trường.
Tóm lại, TĐKTNN là mô hình doanh nghiệp của nhà nước CS để kinh doanh
trên nền kinh tế thị trường, nhưng lại phủ nhận là làm triệt tiêu hoàn
toàn các giá trị cơ bản tích cực của hai khái niệm/hình thái kinh tế
tiến bộ nhất của loài người trên: doanh nghiệp (enterprise hay
corporate) và thị trường tự do (với cạnh tranh bình đẳng).
Chúng ta thử phân tích sự bất lực thảm hại trong cạnh tranh lành mạnh
cùng việc khai thác mô hình kinh doanh qua công ty và các “giải pháp để
phát triển” của 2 TĐKTNN tiêu biểu của VN, một yếu nhất – đã phá sản,
và một mạnh nhất – cũng đang trên đường phá sản hoành tráng, qua hai ví
dụ sau.
Ví dụ 1: Kinh tế “tự sản – khó tiêu” của TĐKTNN Vinashin
Khi thành lập năm 1996 Vinashin chỉ có 26 đơn vị với 23 nhà máy đóng
tàu. Dù được nhà nước cho vay vốn đầu tư rất lớn với lãi suất ưu đãi,
Vinashin vẫn không cạnh tranh được với các xưởng đóng tàu tư nhân trong
nước và càng không xuất khẩu được tàu ra nước ngoài do giá thành cao và
chất lượng thấp. Ví dụ, trên thị trường nội địa, những con tàu pha sông
biển 900-1200 tấn giá thành của Vinashin là 7-8 tỷ vnđ trong khi của các
xưởng đóng tàu tư nhân là 5-6 tỷ vnđ, nên không thể bán được.
Vì có tiền vay được và có “nhiệm vụ chính trị”, Tập đoàn Vinashin đã
đặt các đơn vị của mình đóng hàng vài trăm con tàu các loại như thế hàng
năm và lập ra hàng chục công ty vận tải sông và vận tải biển mới để
giao khai thác các con tàu mới đó, với giá “giao vốn” ngất ngưởng –
thường là gấp hơn 2 lần giá thị trường! Như vậy, Tập đoàn và các nhà máy
đóng tàu luôn “hoàn thành suất sắc nhiệm vụ quả đấm thép nhà nước
giao”. Còn các công ty vận tải chắc chắn không có cách nào kinh doanh có
lãi? Không, các công ty này vẫn luôn có lãi vì “vốn được giao” là những
con tàu lại được tập đoàn cho treo nợ, khoanh vốn, khoanh nợ, khấu hao
sau nhiều năm…, nên họ được kinh doanh vận tải biển không cần bỏ vốn mua
tàu, chỉ cần hạ giá cước – điều họ luôn luôn làm, và luôn luôn kinh
doanh “có lãi”, như Vinashinlines vậy.
Cấu trúc ba tầng: “Tập đoàn => Các NMĐT => Các Cty Vận tải” cứ
thế phình to ra ở tầng dưới cùng, tổng cộng lên đến gần 400 công ty con
trong Vinashin (năm 2010), tỷ lệ thuận với số tiền nhà nước đổ vào ngành
đóng tàu. Ở cả ba tầng hoạt động của Vinashin (đầu tư => sản xuất
=> tiêu thụ sản phẩm) đều không có cạnh tranh, không phải cố gắng và
ai cũng phát triển, không ai “lỗ”. Chỉ tiền nhà nước đổ vào Vinashin như
nước đổ lỗ chuột và tài khoản nợ của các công ty vận tải sông biển thì
luôn còn nguyên đó và chỉ ngày càng tăng lên cho đến khi… Vinashin phải
trả nợ vay! Thế là cả ba tầng của TĐKTNN này sụp đổ và 4,5 tỷ USD của
nhân dân vẫy cánh bay đi sau khi Vinashin “hoàn thành nhiệm vụ chính
trị”…
Ví dụ 2: TĐKTNN PetroViệtnam – anh cả đỏ đang và sẽ đánh chìm dăm ba “con tàu Vinashin” nữa của đất nước
Nếu vấn đề của Vinashin là làm sao rút được vốn của nhà nước vào túi
mình rồi làm tan biến, thì vấn đề của PVN lại là ngược lại: Làm sao giữ
lại PVN hợp pháp được nhiều nhất từ tiền bán dầu của quốc gia rồi làm
tan biến trước khi nộp cho ngân sách nhà nước?
Sau khi khai thác dầu thô, khí đốt và làm ra xăng dầu PVN có thể rất
dễ dàng và nhanh chóng bán sản phẩm cho các thị trường xăng dầu, điện để
các tập đoàn chuyên ngành khác là EVN và Petrolimex kinh doanh, nhưng
PVN lại giữ lại và lập ra các đơn vị của riêng mình để tự tiêu thụ, lấn
sân họ. Thế là các tổng công ty khí đốt (PVGas), điện (PV Power), xăng
dầu (PV Oil)… ra đời để PVN trở thành cả người mua và người bán tất cả
các loại sản phẩm của PVN (như Vinashin tự mua bán những con tàu mình
đóng ra vậy). Lý do: giá thành trong các thương vụ đó (hàng vài chục tỷ
USD mỗi năm) phải do PVN tự “định đoạt” và ngay cả chính phủ cũng không
thể và không biết đường nào mà can thiệp. Ta thấy có cấu trúc ba tầng
ngược hình phễu ở đây:
Các công ty khai thác => Các Cty Tiêu thụ => Tập đoàn PVN.
Đinh La Thăng còn đẩy hệ thống “phễu vắt sữa bò” PVN này đi xa hơn
khi thành lập Tổng công ty Xây lắp Dầu khí – PVC cho các đệ tử cũ từ
Sông Đà (không biết gì) điều hành để vắt sữa PVN ở giai đoạn đầu tư các
công trình lớn: các đơn vị bắt buộc phải giao tổng thầu cho PVC “theo
giá cạnh tranh” (nhưng không có đơn vị nào được cạnh tranh với PVC của
Thăng) để PVC bán thầu lại cho các nhà thầu thực sự khác.
Sơ đồ: “Chủ đầu tư => PVC => Các Nhà thầu thực sự” này đã làm
vốn đầu tư các công trình dầu khí của PVN mấy năm gần đây tăng vọt và
cao hơn thị trường thế giới và khu vực 2-3 lần.
Tương tự, Đinh La Thăng cho đàn em triển khai đầu tư khai thác dầu
khí ở nước ngoài nhiều tỷ USD, nhưng PVN và nhất là đám đàn em từ Sông
Đà của Thăng làm sao có thể làm việc đó khi việc thăm dò khai thác trong
nước PVN còn đang rất bị động vì chưa đủ cả “sức khỏe” và trình độ, còn
khai thác ở nước ngoài thì phải cạnh tranh với các tập đoàn dầu khí
siêu và xuyên quốc gia? PVN là TĐKTNN chỉ có thể “cạnh tranh” trong nước
với…không ai cả mà thôi. Kết quả đầu tư nước ngoài (5-6 tỷ USD) của PVN
đến nay chắc chắn là đã đổ ra… biển cả.
Chỉ riêng 2 việc: “dịch vụ thầu xây lắp” PVC và “đầu tư ra nước
ngòaì” của Đinh La Thăng mấy năm qua cũng đã làm tiêu tan 2-3 “cái’
Vinashin trong PVN nữa của nhà nước rồi, tức là hàng chục tỷ USD đã đi
tong. Thêm vụ PV Power (Điện lực PV) để tự tiêu sản phẩm của mình của
Thăng thì cũng sẽ làm nhà nước mất thêm 2-3 “con tàu” Vinashin nữa từ
tiền của nhân dân…
Một con tàu Vinashin đắm đã làm cả nước choáng váng, cả nền kinh tế chao đảo và chính phủ rồi sẽ phải đứng ra trả nợ “thay” Vinashin, chưa biết đến bao giờ?
Nếu dăm “con tàu Vinashin” nữa sẽ chìm theo PVN và các TĐKTNN khác như EVN, TKV, Ngân hàng VIDB…(điều chắc chắn sẽ lần lượt xảy ra trong một vài năm tới) thì chắc toàn dân sẽ lên tăng xông hoặc xuống đường, còn nền kinh tế sẽ tê liệt và sụp đổ hoàn toàn.
Điều tôi muốn nói là chắc chắn các TĐKTNN sẽ phá sản như Vinashin vì chúng cùng căn bệnh ung thư, có một thứ gọi là cái “bánh lái định hướng XHCN” được đảng CSVN cài đặt trong mô hình các TĐKTNN hiện nay.
Muốn tránh sự sụp đổ của cả nền kinh tế, phải cắt đuôi “định hướng XHCN”. Mà cắt đuôi “định hướng XHCN” là bỏ vai trò lãnh đạo của đảng trong kinh tế cũng như mọi mặt xã hội, tức là bỏ Điều 4 HP của đảng, hay viết lại HP mới bởi toàn dân cho dân.
Đảng không đủ dũng cảm và năng lực làm việc cắt khối ung thư cộng sản hay XHCN đó của chính mình, thì nhân dân sẽ phải làm thôi, trước khi nó làm ung thư cả tương lai dân tộc Việt Nam.
Nguồn: http://danlambaovn.blogspot.com/2012/01/tai-sao-cac-tap-oan-kinh-te-nha-nuoc.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét