Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

Tiên Lãng: Đêm trước ngày cưỡng chế

http://hn.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/tien-lang-dem-truoc-ngay-cuong-che-c46a434696.html

Thảm cảnh của gia đình ông Vươn, ông Quý sau buổi cưỡng chế cứ ám ảnh tôi suốt những ngày Tết Nhâm Thìn. Tôi luôn nghĩ điều gì đã diễn ra trong ngôi nhà ông Vươn vào cái đêm trước khi bị cưỡng chế?


Họ không ngủ được? Ai mà ngủ được vào cái đêm chuẩn bị cho cái chết, chuẩn bị cho một trận chiến mà bất luận thế nào, họ cũng là người thua trận. Là người có học thức, từng đi bộ đội, hẳn anh Vươn hiểu rất rõ những việc mình làm sẽ gây hậu quả cho bản thân anh và gia đình như thế nào.

Việc làm của họ đã được xác định từ trước. Chị Thương kể: “Tôi không biết cụ thể chồng tôi và chú Quý sẽ làm gì, nhưng thấy hai anh em trao đổi với nhau, nét mặt căng thẳng, giằng xé lắm...”.

Cũng đúng thôi. Không giằng xé sao được? Đó là lúc họ phải lựa chọn ai, anh hay em sẽ ở lại, sẽ là người bấm nút kích nổ liều chết... Tôi cứ tưởng tượng ra câu chuyện như thế. Họ còn nói với nhau điều gì được, ngoài việc “phân công” ai sống, ai chết, mà theo cách gọi của tố tụng hình sự thì đó là bàn bạc nhau để phân công thực hiện hành vi phạm tội? Hai người phụ nữ được “phân công” nhiệm vụ “phải sống” nên đã bị đuổi về làng “để còn sống mà nuôi con”- chị Thương kể.

Thực tế cũng đã diễn ra như thế, gần giống những gì tôi tưởng tượng. Khi mà đoàn cưỡng chế tấn công vào thì Quý và những người “ở lại” đã cho nổ mìn. Hay họ chỉ gây tiếng nổ để dọa đoàn cưỡng chế nhỉ? Sau tiếng mìn nổ, nếu không ai tiến vào thì họ có nổ súng không nhỉ? Ừ. Thế thì đã không có chuyện 6 người bị thương, để rồi tội danh giết người được xác lập.

Tiên Lãng: Đêm trước ngày cưỡng chế, Tin tức trong ngày, cuong che dat, doan van vuon, cuong che thu hoi dat, vu tien lang, bao, tin nhanh, tin hot,
Hình ảnh vụ cưỡng chế tại xã Vinh Quang ngày 5/1

Những người đi cưỡng chế đã quyết tâm thực thi nhiệm vụ, sẵn sàng xông thẳng vào nơi nguy hiểm. Để làm gì không biết nhỉ? Cho đến nay, chưa ai lý giải thấu đáo được câu hỏi này. Riêng tôi, chỉ có hai cách lý giải: Hoặc họ non kém nghiệp vụ, hoặc họ có động cơ khác, cần phải lấy lại đầm của anh Vươn bằng được.

Lại nghĩ anh Vươn, anh Quý sao không lựa chọn cách khác? Họ là ai? Là người lao động chăm chỉ, dám nghĩ dám làm, dám chấp nhận đương đầu với khó khăn, sóng gió để chinh phục biển cả. Họ không phải côn đồ hung hãn, có dòng máu lạnh, sẵn sàng xả súng vào người khác.

Và tôi cũng tự bảo mình: Không phải họ không lựa chọn biện pháp khác. Nhiều năm trời họ đã kiên trì theo đuổi các biện pháp đấu tranh ôn hòa, hợp pháp. Suốt từ năm 2004, Đoàn Văn Vươn đã liên tục viết hàng loạt đơn gửi tất cả các cấp, thậm chí ngay đến sát ngày bị bắt, ngay trong buổi sáng khi đoàn tiến hành cưỡng chế, Vươn vẫn đôn đáo đem đơn đi kêu cứu khắp nơi. UBND huyện đã tổ chức đối thoại 8 lần. Thế nhưng, cả 8 lần, cán bộ huyện chỉ muốn áp đặt, bắt buộc người dân phải bàn giao vô điều kiện toàn bộ vùng đầm.

Anh Vươn thì quá cảnh giác, cứ muốn một tay ký biên bản bàn giao (để thực hiện quyết định thu hồi của huyện), tay kia phải được nhận bản hợp đồng cho thuê đất. Họ cảnh giác vì họ mất lòng tin. Người dân ở đây đã bị lừa không chỉ một lần.

Khi Tòa án thành phố giúp hai bên tự thỏa thuận, đại diện UBND huyện hứa nếu anh Vươn rút đơn thì huyện sẽ cho thuê đất, nhưng khi người dân rút đơn kháng cáo cũng có nghĩa là bản án sơ thẩm có hiệu lực và huyện tiếp tục thực hiện quyết định thu hồi. Họ cảnh giác vì trước đó, một chủ đầm khác đã nghe lời hứa, bàn giao rồi sẽ được đấu thầu lại, theo hướng dẫn của xã, ký biên bản bàn giao đất, thế là mất luôn.

Trước anh Vươn, gia đình ông Lê Đình Thảo ở xã Tiên Thắng cũng lâm vào cảnh tương tự. Được giao hơn 70ha đất bãi bồi ven sông Văn Úc, bỏ công bỏ của, chồng ngày đêm ngoài bãi, vợ vác rá đi vay gạo khắp làng trên xóm dưới để nuôi nhân công đắp đê chống bão.

Một vùng đất màu mỡ được hình thành, ông Thảo được sử dụng 15% để cấy lúa 1 vụ, được sử dụng toàn bộ diện tích để nuôi trồng thủy sản với thời hạn 12 năm, tính từ ngày giao đất 19/6/1992 đến 16/9/2004 thì hết hạn. Đến hạn, UBND huyện cũng ra quyết định thu hồi mà không tính toán bồi thường một xu.

Khi gia đình ông Thảo gửi đơn lên thành phố, Sở TNMT lúc đó căn cứ Luật Đất đai đã có văn bản khẳng định khi hết hạn, nếu gia đình ông Thảo có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất thì được ưu tiên cho thuê đất. Nếu gia đình ông Thảo không có nhu cầu thuê đất thì phải tiến hành kiểm kê tài sản trên đất và xác định giá trị còn lại của các công trình làm cơ sở để thanh lý hợp đồng giao đất hoặc đền bù giá trị còn lại trên đất.
Thế nhưng, một văn bản đúng luật này đã không được UBND huyện Tiên Lãng thực hiện. Sau đó, ông Lê Đình Thảo đã phải kiện ra Tòa hành chính từ cấp huyện đến TAND Tối cao. Cả 3 cấp xét xử đều khẳng định quyết định thu hồi đất không bồi thường của huyện là đúng.

Hai lần Viện KSND Tối cao có văn bản kháng nghị đối với bản án phúc thẩm thì cả hai lần đều bị TAND Tối cao và Hội đồng giám đốc thẩm bác bỏ. Quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng cũng đã được thực thi bởi một quyết định cưỡng chế. Không có tiếng mìn nổ. Không có tiếng súng. Cả nhà ông Thảo kiên nhẫn đứng nhìn vụ việc với hy vọng còn có thể mang đơn đi kêu cứu. Vẫn tin rằng kháng nghị của Viện KSND Tối cao sẽ còn được chấp nhận.

Vụ cưỡng chế được coi là thành công tốt đẹp. Hàng nghìn người của 4 xã trong vùng và cả người dân huyện Kiến Thụy được dịp đi bắt cá hôi, vì chính quyền “tháo khoán” đầm nhà ông Thảo. Cho đến tận hôm nay, khi vụ việc nhà anh Vươn bùng nổ, lãnh đạo huyện Tiên Lãng vẫn sử dụng tài liệu của vụ kiện nhà ông Thảo làm minh chứng cho việc làm “đúng pháp luật” của mình và được lãnh đạo UBND TP.Hải Phòng lấy làm “bảo bối” để trả lời báo chí.

Nhưng - vẫn lại nhưng, có một hậu quả đau lòng mà các lãnh đạo Hải Phòng hẳn chưa biết là gần một năm sau cuộc cưỡng chế đó, ông Lê Đình Thảo, từ một chủ đầm cao lớn, khỏe mạnh, vì “của đau con xót”, vì vẫn gửi đơn từ đi khắp nơi nhưng không nhận được hồi âm, mà đổ bệnh rồi chết ở tuổi 55 còn sung mãn.

Ghi chép của Vũ Thị Hải
 
Nhiều tình tiết giảm tội cho các bị can
Ngày 10/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp và có kết luận về vụ việc cưỡng chế, thu hồi đất trên địa bàn xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng. Trong kết luận, Thủ tướng chỉ đạo lãnh đạo TP Hải Phòng kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét tình tiết giảm nhẹ đối với bị can do các quyết định không đúng pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng.

Tiên Lãng: Đêm trước ngày cưỡng chế, Tin tức trong ngày, cuong che dat, doan van vuon, cuong che thu hoi dat, vu tien lang, bao, tin nhanh, tin hot,
Bị can Đoàn Văn Vươn - Ảnh: Thế Dũng

Theo nội dung vụ việc, sáng 5/1, đoàn công tác của UBND huyện Tiên Lãng gồm hơn 100 cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội và đại diện các ban, ngành chức năng tiến hành cưỡng chế hơn 40 ha đầm nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả tại vùng bãi bồi của ông Đoàn Văn Vươn tại khu cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng.

Khi một tổ công tác tiếp cận ngôi nhà của ông Vươn trên khu đất này, bất ngờ một quả mìn tự chế phát nổ, hất văng 2 công an viên huyện Tiên Lãng (nhưng không gây thương vong). Tiếp đó, tổ công tác vừa áp sát ngôi nhà, người nhà ông Vươn đã dùng súng bắn đạn hoa cải bắn vào lực lượng chức năng, làm 4 công an viên và một số chiến sĩ quân đội bị thương.

Ngày 10/1, 4 bị can gồm: ông Đoàn Văn Quý (46 tuổi), Đoàn Văn Vươn (49 tuổi), Đoàn Văn Sịnh (55 tuổi) và Đoàn Văn Vệ (38 tuổi) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội giết người; Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Quý) và Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ nhưng được tại ngoại và cho áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú.

Về việc xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, một kiểm sát viên của VKSND TPHCM cho rằng kết luận của Thủ tướng về việc cưỡng chế sai, đồng thời kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét tình tiết giảm nhẹ đối với bị can do các quyết định không đúng pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng sẽ là căn cứ để xác định tình tiết giảm nhẹ đặc biệt khi đưa ra quyết định hình phạt cho các bị can.

Theo đó, bị can phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra là tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 2, điều 46 Bộ Luật Hình sự. Ngoài ra, theo kiểm sát viên này, do việc cưỡng chế trái pháp luật nên những người thực hiện việc cưỡng chế không thể nói vì lý do công vụ. Như vậy, bà Phạm Thị Báu và Nguyễn Thị Thương không phạm tội chống người thi hành công vụ.

Cũng về vấn đề này, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TPHCM) nhấn mạnh: Chính vì sự bội tín của UBND huyện Tiên Lãng (thỏa thuận sẽ tạo điều kiện cho người dân tiếp tục được thuê đất để nuôi trồng thủy sản nếu rút đơn kháng cáo nhưng sau khi ông Vươn rút đơn, UBND huyện lại không làm theo thỏa thuận) đã gây mất lòng tin cho người dân.

Thêm vào đó, quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bị xâm phạm nghiêm trọng bởi hành vi trái pháp luật của những cá nhân, cơ quan khác đã khiến các bị can quá bức xúc dẫn đến có những hành vi vi phạm pháp luật. Theo quy định của Bộ Luật Hình sự, nếu có hai tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1, điều 46, HĐXX có thể xem xét áp dụng điều 47: tuyên phạt dưới khung hình phạt.

Còn theo luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn Luật sư TPHCM), súng bắn đạn hoa cải không phải là vũ khí quân dụng, có thể sử dụng nhiều loại đạn khác nhau nên tầm sát thương cũng khác nhau. Vì vậy, cũng cần phải xác định loại đạn mà các bị can sử dụng để đánh giá tầm sát thương, khoảng cách bắn nhằm xác định ý thức chủ quan của bị can xem có thỏa mãn với tội danh giết người hay chỉ cố ý gây thương tích?

Tố Trâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét