- Yên Huỳnh post (kỳ 1)
Cách đây
gần một tháng (29/3/2011) đạo diễn Lê Hoàng Hoa người thực hiện cuốn
phim “Điệu Ru Nước Mắt” (giữa thập niên 1960) lấy từ tiểu thuyết cùng
tên của nhà văn Duyên Anh, chiếu lại cho bạn bè thân hữu xưa và nay của
anh đến xem, tại Viện Tư Liệu Phim TP (số 7 Phan kế Bính – Q1 – Sài
Gòn).
“Điệu ru nước mắt” là hư cấu về cuộc đời của Đại Ca Thay. Còn thực tế như bài viết dưới đây :
Nguyễn Việt
Ngay cả đám giang hồ cộm cán, đám đàn em
tin cẩn cũng không ai biết hắn con ai, tên thật là gì. Chính Đại Cathay
cũng… không biết tên thật của mình nốt. Hơn chục lần bị điệu về bót cảnh
sát, Đại tự khai cho mình hơn chục lai lịch khác nhau. Theo đó, cha của
hắn lúc là Lên Văn Cự, lúc lại là Trần Văn Trự… Mẹ của Đại Cathay cũng
khá… nhiều tên, lúc là Hương, lúc là Duyên, sống hay chết thì “có trời
mà biết”. Nói tóm lại, như Đại Cathay thường tự nhận, gã là một thằng…
con trời có lẽ xuôi tai hơn cả.
Kì thực, Đại tuổi Thìn, sinh năm 1940.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mẹ của Đại tên gì không rõ, chỉ biết người
xung quanh thường gọi là bà Sáu. Còn cha Đại thì chính tên là Lê Văn Cự,
vốn cũng là một tay giang hồ hảo hớn ở khu vực chợ Cầu Muối. Sau năm
1945, Hai Cự tham gia kháng chiến, trở thành lính của “Mười ban tự vệ
công tác thành”, sau đó bỏ vào chiến khu rừng Sác đầu quân vào bộ đội
Bình Xuyên của thủ lĩnh Ba Dương (tức Dương Văn Dương). Đại sinh ra
giống cha như đúc nhưng tuổi thơ rất ít được gần cha. Thuở nhỏ, gã sống
với cha mẹ ở đường Đỗ Thành Nhân, Khánh Hội, Quận 4. Cả cha lẫn mẹ của
hắn đều nghèo, làm nghể chẻ củi thuê cho một vựa củi nằm bên kia Cầu
Mống, cạnh chợ cũ, Quận 1. Đại thường xuyên trốn học chạy sang chơi vơi
đám trẻ con bụi đời cạnh vựa củi. Hiền lành, ít nói, dù khuôn mặt rất
ngầu, tính phóng khoáng, lại rất “lì đòn”, những đức tính được “thừa kế”
đầy đủ từ cha đã giúp Đại nhanh chóng được đám trẻ đồng cảnh mến mộ.
Mới 10 tuổi, gã đã thường xuyên luồn lách vào các chợ, sạp hàng xung
quanh, ăn trộm dưa, chuối về chia cho chúng bạn.
Sau 1945 cha Đại tham gia kháng chiến và
bị bắt vào cuối năm 1946, bị đày ra Côn Đảo và ít lâu sau thì chết. Cha
mất, mẹ lấy chồng khác. Bố dượng là 1 tay máu me cờ bạc, lại nghiện
thuốc phiện nặng nên gia sản dần dần biến hết. Cáu bẳn vì sinh kế, ông
dượng thường nọc đứa con riêng của vợ ra hành hạ để hả cơn bực tức.
Không chịu nổi, Đại bỏ học hẳn, sang vườn hoa Cầu Mống đánh giày, bán
báo tự nuôi thân. Khu vực làm ăn của Đại là xung quanh ngã tư Công Lý –
Nguyễn Công Trứ. Tại đó có 1 rạp chiếu bóng tên là Cathay. Không ngày
nào trước cửa rạp hát không xảy ra những vụ đánh lộn giành khách giữa
đám trẻ bụi đời. Lì lợm và liều lĩnh, Đại cứ lăn xả vào đối thủ liên tục
tấn công, dù kẻ đó có cao hơn nửa cái đầu cũng mặc. Trăm lần như một,
Đại luôn là kẻ chiến thắng, dù tay chân mặt mũi đầy vết rách bầm. Nghiễm
nhiên, hắn trở thành thủ lĩnh của đám nhóc tì du thủ du thực trong khu
vực. Cũng nghiễm nhiên, gã được quyền ráp thêm “tên đất” vào sau tên
cúng cơm để trở thành Đại Cathay, “đại ca” đường Nguyễn Công Trứ. Đó là
năm 1954 lúc Đại mới 14 tuồi. Trở thành “anh chị”, Đại được quyền sống
mà không mó tay vào bất cứ việc gì.
Hắn
vẫn đóng thùng đánh giày, nhưng là để giao cho đàn em “đi làm” mang
tiền về nộp. Mỗi buổi sáng, hàng chục thiếu niên Ba Binh, Ba Tướng, Ba
Gà (hỗn danh để gọi đám trẻ du đãng chưa có tên tuổi. Ba Binh là quân
sư, Ba Tướng là những thằng trực tiếp đi đánh nhau còn Ba Gà là những
tên thuyết khách) cả trai lẫn gái tụ tập quanh Đại Cathay nhận công việc
và địa bàn do hắn cắt cử, sau đó túa đi, chiều lại đem tiền về cho Đại.
Được cái, hắn rất hào phóng, Đại Cathay chia hết tiền cho đàn em, chỉ
giữ lại cho mình 1 khoản nhỏ, đủ cà phê, thuốc lá cho ngày kế tiếp.
Những đàn em không may bị ế báo, bị mưa ướt thuốc, kẹo phải đền tiền,
Đại Cathay cũng không chửi bới, đánh đập như những tên “chăn chíp” tham
lam khác mà còn lấy của đứa “trúng mánh” cho thêm. Vì vậy, đàn em rất
khoái và chỉ nghe lời “anh Đại”. Tình trạng đánh lộn, tranh giành khách
trong khu vực của Đại Cathay được dẹp yên.
Nằm ngay cạnh khu vực của Đại Cathay là
bót cảnh sát quận Nhì, thường được gọi là bót Dân Sinh, nổi tiếng dữ
dằn. Rất nhiều lần, sau khi dẫn đàn em đi chinh phạt các khu vực khác
hoặc đánh dằn mặt người của các băng nhóm đến giành lãnh địa, Đại Cathay
đã bị các ông cò bót quận Nhì xách tai lôi về bót. Không còn cách nào
khác, các thầy cảnh sát đành tống Đại Cathay vào trại tế bần hoặc Trại
giáo hóa thiếu nhi phạm pháp ở Thủ Đức.
Ở miền Nam trước giải phóng, có bốn nơi
được coi là “lò đào tạo du đãng”. Nơi thứ nhất là Trại nuôi dạy trẻ mồ
côi, nằm tại địa điểm nhà hát Hòa Bình hiện nay. Nơi thứ hai, Làng cô
nhi Thủ Đức, điều kiện sống khá hơn nhưng vẫn rất lỏng lẻo, tha hồ cho
đám tiểu yêu phá phách. Những tên nhóc bất trị nhất, hai trại trên đều
không chứa nổi thường bị cảnh sát lùa vào Trại giáo hóa Thủ Đức. Thực
chất, đây chỉ là nơi nuôi báo cô đám du thủ du thực, chờ chúng đủ tuổi
là đẩy vào quân đội. Nơi thứ tư, Trại Tế Bần nằm bên kia cầu Trình Minh
Thế (nay là cầu Tân Thuận), là một Trạm trung chuyển giam giữ những tên
lưu manh sắp hết tuổi vị thành niên
Sau nửa tháng bị giam, nếu có người nhà
bảo lãnh, đóng phạt, tên tiểu yêu sẽ được cho ra. Nếu không chúng sẽ bị
nhốt lại, chờ đủ tuổi là tống vào đội quân lao công chiến trường. Biết
trước số phận “bia thịt” của mình nên đám du đãng vào trại tế bần chưa
ấm chỗ đã tìm cách trốn. Lọt ra khỏi vòng rào các trại, đám nhóc lại lần
về với các băng nhóm du đãng, bụi đời. Hầu hết đám giang hồ Sài Gòn nổi
tiếng sau này đều đã từng qua đủ các trại nói trên. Thuộc hạng vào ra
như cơm bữa, Đại Cathay được liệt vào loại “tù con rạ”, để phân biệt với
đám “tù con so” mới nhập trại lần đầu. Ở các trại, Đại Cathay đã làm
quen với những Của Gia Định, Lâm Chín Ngón, Hắc Quảy Quảy, Hòa Áo thun…
những chiến hữu đắc lực sau này trên chốn giang hồ. Mỗi lần vào trại rồi
trốn ra, Đại Cathay càng liều lĩnh hơn, kinh nghiệm hơn, càng “tích
cực” lao đầu vào những trận thư hùng-vốn là thứ năng khiếu nổi trội hơn
cả ở hắn.
Năm 1955, Đại Cathay chuyển sang sinh
sống ở khu vực hãng phân Khánh Hội cạnh Nhà máy thuốc lá Bastos. Đám trẻ
con khu vực này đón tiếp Đại Cathay khá nồng nhiệt bằng những trận hỗn
chiến. Một lần nữa, sự lì đòn của Đại lại giành phần thắng. Toàn bộ nhóc
tì khu vực Khánh Hội, quanh cầu Ông Lãnh, gồm toàn dân bến tàu vựa cá,
vựa rau cải – vốn có hạng trong nghề dao búa – đều bị Đại Cathay qui
phục về dưới trướng.
Khi Đại Cathay còn là một cậu bé đánh
giày thì toàn bộ khu vực Cầu Mống – Dân Sinh – Cầu Ông Lãnh mà dân giang
hồ gọi là khu Da Heo, đều do một tay giang hồ nổi tiếng là Tám Lâu cai
quản. Ở trần, quần dài vắt vai, đi đứng nói năng khụng khiệng, nét mặt
luôn đằng đằng sát khí, Tám Lâu bị bà con khu Da Heo coi như một hung
thần. Nghề chính là đạp xích lô, nhưng thực chất Tám Lâu là kẻ nhận
quyền bảo kê thu thuế toàn bộ khu Da Heo, dưới trướng có hàng chục đàn
em. Dưới nệm xích lô, Tám Lâu luôn thủ sẵn “hàng mã”, sẵn sàng vung ra
bất cứ lúc nào với bất cứ ai.
Nhiều lần chứng kiến thằng nhóc đánh giày dẫn quân đập lộn, Tám Lâu đâm “chịu” Đại.
Thỉnh
thoảng ngồi nhậu thấy Đại đi qua, Tám Lâu lại ngoắc vào kê ghế cho ngồi
cạnh mần hơi cho ấm bụng. Qua những lần nhậu ké đó, Đại Cathay được Tám
Lâu giới thiệu như một tay trẻ tuổi tài cao đầy hứa hẹn với đám giang
hồ đàn anh : Ba Hội, Cảnh Tượng… Tám Lâu cũng thường đưa Đại đến các khu
Lò Heo (cũ), Chánh Hưng, hẻm Hai mươi để làm quen với các tay anh chị
khu vực khác. Nể tình Đại Cathay cũng hay ghé đến hẻm 110 Nguyễn Công
Trứ để thăm hỏi Tám Lâu.
Tuy hung tợn, dữ dằn nhưng Tám Lâu vẫn
phải thúc thủ trước uy thế của anh em Bé Bún, một trùm giang hồ quận 4,
khu vực cạnh hãng phân nơi Đại Cathay trú ngụ. Cậy đông quân lắm mã, đám
này thường kéo rốc qua Cầu Ông Lãnh, tràn vào “thu thuế” giật bà con
thiểu thương chợ vựa Cầu Muối, Tám Lâu không cản nổi.
Một ngày cuối năm 1957, tình cờ nghe đàn anh thở ngắn than dài, nộ khí xung thiên, Đại Cathay đề xuất :
- Anh Tám để đó em lo. Phải cho Bé Bún nằm viện, đám này mới ngán !
Tám lâu gạt phắt :
- Con nít biết gì ? Tao còn thua nó, mày là cái đinh gỉ !
Tự ái Đại Cathay bỏ về. Lúc này đám Ba
Binh, Ba Tướng của Đại cũng đã lớn, toàn thanh niên 17, 18 tuổi, lại lăn
lộn lề đường nhiều nên cũng khá dày dạn. Nghe lời Đại Cathay, đám này
vác dao qua Bến Vân Đồn “chém bậy” vài tay em của Bé Bún để khiêu khích.
Điên tiết, Bé Bún hô toàn bộ em út tấn công sang khu Da Heo hỏi tội Tám
Lâu. Quân Bé Bún quá đông, khiến Tám Lâu và đám đàn em hoảng hốt, định
bỏ chạy. Nhưng vừa qua khỏi Cầu Ông Lãnh, băng Bé Bún đã ôm đầu máu chạy
ngược trở lại, kêu la vang trời. Không nói trước với đàn anh nửa câu,
Đại Cathay đã âm thầm cho đàn em của mình “trải đệm”, bất ngờ “luộc”
băng Bé Bún.
Dưới
sự chỉ huy của Đại Cathay, đám giang hồ tân binh tả xung hữu đột lăn xả
vào chém quân Bé Bún, xộc thẳng sang cả bên kia cầu. Nói là làm, Đại
Cathay đã xỉ cho Bé Bún mấy nhát sau đó phải nằm viện thật, không dám
bén mảng sang giành mối ở khu Da Heo nữa.
Sau trận hỗn chiến, Tám Lâu đâm ớn “tài
ba” của Đại Cathay. Một mặt, Tám Lâu tuyên bố trong khu Da Heo, Đại
Cathay có toàn quyền xử sự, mặt khác y lại lo ngay ngáy bị Đại Cathay
lấy làm đối thủ. Biết ý, Đại tuyên bố không giành đất, khu Da Heo vẫn
của Tám Lâu. Phần Đại, gã chỉ thu thuế các sòng bài, ổ đề, tiệm hút
trong khu vực. Tiếp đó, Đại vươn tay bảo kê tất cả các ngành nghề kinh
doanh lậu bao gồm xưởng nấu xà phòng, lò mổ heo, lò rượu… trong khu. Có
tiền có quyền, Đại dần dần đã khiến các tay anh chị khác phải dạt ra.
Đại Cathay tha hồ ăn chơi và làm mưa làm gió.
Đầu những năm 1960, thuyết hiện sinh và
phong trào hippie bắt đầu thâm nhập vào miền Nam. Các cậu ấm cô chiêu
con nhà giàu tuy được ăn học đàng hoàng nhưng cũng học đòi nhau, thường
xuyên có mặt ở các nhà hàng, vũ trường, tiệm hút với đủ kiểu quần áo tóc
tai dị hợm. Đại Cathay tuy ít học nhưng cũng không hề kém cạnh các bậc
trí…. giả trong khoản ăn chơi. Nhẵn mặt ở các nơi đốt tiền nổi tiếng của
quận 1, quận 3, Đại Cathay và đám đàn em bắt đầu quen biết với một đám
sinh viên, kỹ sư, bác sĩ con nhà gia thế, trong đó có anh em Dzách Bửu,
Dzí Bửu, Hùng Đầu bò, Hoàng Sayonara (tay này móc classic bản Sayonara
rất “não nùng”)… và nhiều văn sĩ nghệ sĩ khác. Đám nghệ sĩ trí thức cũng
nể Đại Cathay chịu chơi và khoái vẻ ngang tàng, bụi bặm của gã – trông
bụi đời, hippi hơn cả. Chính Hoàng Sayonara sau đó đã trở thành quân sư
hoạch định chiến lược làm ăn và chinh phạt cho Đại. Nghe lời các quân
sư, Đại Cathay đứng ra cùng với Bảy Si, bà Bảy Trà đá mở sòng bài lấy
xâu ở khu vực Cầu Muối.
Ban Đầu Đại Cathay không thích mở sòng
bài vì dân giàu có đã có các sòng Đại Thế Giới, Kim Chung… Mở nữa e
không cạnh tranh nổi, Hoàng Sayonara vẽ :
- Không chỉ giàu mới máu me đen đỏ. Các
sòng lớn như Kim Chung, Đại Thế Giới toàn dân quí tộc, chức sắc, dân
giang hồ, người buôn bán ngại vô. Ta mở sòng vừa vừa kéo khách từ đám
này.
Đại Cathay đồng ý. Ở chợ Cầu Muối trước
đó Bảy Si (anh vợ Năm Cam – ông trùm sòng bạc sau này) đã có sòng bài
sẵn, nhưng khi nghe Đại Cathay đề nghị hùn hạp, Bảy Si cũng không thể
chối từ. Thừa thắng, Đại mở rộng ra cả lĩnh vực làm huyện đề 40 con
chung với Hỏi, trùm khu Cây Da Xà. Hắn mua của Hùng Đầu bò một chiếc
Traction 15, chiều chiều cho đàn em lái đi khắp các ngả đường vứt lên
từng xấp “phơi” đề cùng với hàng cọc tiền chở về. Quyền lực được tiền
bạc hậu thuẫn khiến Đại Cathay càng thêm uy thế. Đến năm 1962, 1963, Đại
Cathay đã trở thành một ông trùm khét tiếng. Gần như hầu hết nhà hàng
khách sạn, động mại dâm, tiệm hút chích, sàn nhảy ở khu vực quận 1, quận
2 đều chịu sự bảo kê của Đại. Các vũ trường nổi tiếng như Olympic,
Queen Bee, Barcara, Paramouth đều coi hắn như ông chủ đích thực, Đại
Cathay và đàn em tha hồ ăn chơi nhảy múa mà không một nơi nào dám viết
hóa đơn, thậm chí còn lấy làm vinh hạnh vì được đàn anh chiếu cố.
Nhưng
nguồn lợi lớn hơn cả mà Đại Cathay thu được lại không phải từ tiền thuế
bảo kê. Chính giới doanh nghiệp làm ăn lớn là kẻ tình nguyện đóng góp
đều đặn để Đại nuôi quân, đồng thời để nhờ vả Đại làm hậu thuẫn khi cần
gây sức ép hay giành giật trên thương trường với kẻ khác. Cả anh em tỉ
phú Hoàng Kim Qui (Vua kẽm gai), Xí Ngàn mặt rỗ (vua thuốc Bắc), La
Thành Nghệ (vua thuốc đỏ) và hơn chục ông vua các ngành nghề khác của
người Hoa là những người đều đặn chu cấp cho Đại. Cũng nhờ uy thế của
các “vu”, Đại Cathay cũng làm quen, “chơi chịu” được với khá đông nhân
vật quyền thế và tên tuổi khác.
Chỉ năm năm sau ngày khởi sự ở khu Da
Heo, Đại Cathay đã trở thành một ông trùm không đối thủ, được toàn giới
giang hồ kiêng dè, sợ hãi. Nhưng vẫn còn ba ông trùm “lừng lẫy” khác
không ưa gì Đại Cathay, đó là Huỳnh Tỳ, ông trùm Lê Lại, Ngô Văn Cái và
Ba Thế. Cho rằng Đại “chơi kèo trên”, giành mối, giành đất, Huỳnh Tỳ và
Ngô Văn Cái quyết định “hội đồng” diệt Đại.
Hai tên giang hồ họp nhau tại vũ trường
Aristo (sau này là khách sạn Lê Lai, cạnh khách sạn New World) cùng một
giang hồ gộc là Thế Aristo – chủ vũ trường – có thêm Hùng phốc và Luân –
2 giang hồ cộm cán khác cùng hỗ trợ, mời Đại đến “bàn công việc”. Không
chút nghi ngờ, Đại Cathay đã bất ngờ bị Thế Aristo đá lộn cổ trở xuống.
Bốn kẻ phục kích cũng nhất tề rút dao xông vào chém. Đại Cathay vừa đỡ
đòn vừa tìm đường thoát thân, chạy được ra ngoài, mình mẩy đầy thương
tích nhưng may không chết. Những vết thương chưa kịp kéo da non, Đại đã
đơn thương độc mã giắt dao đi tìm từng tên một trị tội. Cả năm tên đều
lần lượt bị Đại Cathay chém trọng thương. Cuối cùng Tám Lâu phải nhờ
Cảnh Tượng, Ba Hội và một số tay đàn anh khác xin lỗi giúp cho năm tên,
Đại Cathay mới nguôi giận, đồng ý “hòa giải”. Danh xưng “Tứ Đại giang
hồ” bắt nguồn từ đó.
Lẽ ra, với những thành tích bất hảo chồng
chất lên nhau, Đại Cathay đã ngồi tù mọt gông từ những năm trước đó.
Nhưng xã hội miền Nam đầy nhiễu nhương với bộ máy quan chức được mua bán
bằng tiền đã tỏ ra bất lực không trị nổi Đại Cathay và đám du đãng, để
mặc kệ cho chúng làm mưa làm gió. Cò Ly, quận trưởng quận 1 còn cố tình
dung túng cho Đại Cathay mở sòng bài, hoạt động bảo kê thu thuế. Bù lại,
hằng tháng, Đại đều có những khoản riêng béo bở tuồn vào cửa sau cho vợ
ông Cò. Mỗi chiều thứ bảy, cò Ly và Đại Cathay lại sánh vai nhau bước
vào các vũ trường nhà hàng sang trọng ăn chơi, đập phá thâu đêm. Đương
nhiên, lương quận trưởng một năm cũng không đủ chi cho một lần nhất dạ
đế vương nên ông cò chẳng bao giờ phải nghĩ đến chuyện móc hầu bao.
Có tiền, có quyền, có thế, Đại Cathay
quyết định bành trướng xuống Chợ Lớn, lãnh địa của Tín Mã Nàm, ông trùm
giới Hắc Đạo người Hoa, xưa nay vẫn được coi là bất khả xâm phạm.
So với băng du đãng của Đại Cathay, giới
Hắc Đạo của Tín Mã Nàm có tổ chức chặt chẽ và hùng hậu hơn nhiều. Dưới
thời Diệm – Nhu, toàn bộ hoạt động kinh tài của các bang hội Hoa Kiều
Chợ Lớn đều có cổ phần của giới Hắc Đạo. Toàn bộ nhà hàng, sòng bạc,
tiệm hút… đều do giới này quản lý hoặc hùn hạp. Tuy nhiên, sau đảo chính
tháng 11.1963, do tham lam, chính Tín Mã Nàm đã khiến giới Hắc Đạo suy
yếu. Bắt tay với khá nhiều tướng lĩnh, chính khách thuộc phe đảo chính,
“Con ngựa điên” đã bán đứng một số cơ sở kinh tài của các bang hội cho
chính quyền mới, tố họ là “cơ sở kinh tài của Diệm – Nhu”. Mặt khác, Tín
Mã Nàm cũng tố cáo và giao nộp cho cảnh sát một loạt tay giang hồ Hoa
kiều không ăn cánh với y như Hỏi Phòong Kin, Sú Hồng, Cọp Chảy, Quầy
Thầu Hao, Hắc Quẩy Chảy… nhằm củng cố địa vị “Vua Hắc Đạo” của mình. Vì
vậy, Tín Mã Nàm được trung tá Lê Ngọc Trụ – Trưởng ty cảnh sát quận 5
trọng dụng và ưu đãi, trong khi bị nhiều đàn em oán giận và tìm cách trả
đũa.
Trong những kẻ oán Tín Mã Nàm có tay tài
pán tên Chó, người giúp việc cho Tín Mã Nàm quản lý ngành kinh doanh cờ
bạc. Biết được sự chia rẽ đó, Đại Cathay đã sai đàn em dụ hàng tên này.
Chó đã bán đứng Tín Mã Nàm, kéo một lượng lớn các con bạc nặng ký từ các
sòng Đại Thế Giới, Hào Huê về Cầu Muối cho sòng của Đực Bà Tiều và Bảy
Si thuộc quyền Đại Cathay, đồng thời bỏ luôn khu Chợ Lớn về theo Đại
Cathay mở mang sòng bạc ở khu Sài Gòn. Biết chuyện, Tín Mã Nàm hạ lệnh
cho giới Hắc Đạo :
- Chém bất cứ tên đàn em nào của Đại Cathay bén mảng xuống Chợ Lớn.
Chỉ chờ có thế, suốt 12 tháng trời, Đại
Cathay đã liên tục đổ quân tập kích xuống các điểm làm ăn của Tín Mã Nàm
ở vùng Chợ Lớn, chém phứa vào bất cứ ai rồi tức tốc bỏ chạy. Người bị
chém thường là dân lành, khách chơi, chính vì vậy họ đâm sợ các điểm ăn
chơi giải trí của Hắc Đạo, không dám lui tới nữa. Vắng khách, thu nhập
thấp, đám cô hồn bảo kê của Tín Mã Nàm đành túa ra làm ăn lẻ để gỡ gạc,
bất chấp kỷ luật của ông trùm. Nhưng cứ tên Hắc Đạo nào lọt xuống khu
Sài Gòn là tên đó bị đàn em của Đại Cathay chặn đánh. Đầu năm 1964, biết
phe Hắc Đạo đã hết phong độ, Đại Cathay quyết định đánh trận cuối, Đại
dẫn theo 9 tên đàn em “chiến đấu” nhất, trong đó có Ba Thế và Lâm chín
ngón đi trên 5 xe Goebel bất thình lình tấn công vào quán cà phê ngay
trước rạp Hào Huê, đối diện với Đại Thế Giới. Đây là điểm tụ tập của các
tay đàn em Tín Mã Nàm vào 2 buổi sáng chiều.
Cuộc tập kích thất bại, hai bên đều thiệt
hại nặng nề. Nhưng máu liều của Đại Cathay càng được giới giang hồ
truyền tụng và vị nể. Tín Mã Nàm cũng lo lắng : nếu cứ để cho Đại Cathay
tập kích mãi như vậy, giới Hắc Đạo chỉ còn nước dẹp hết sòng bài, tiệm
hút vì không còn ai dám bén mảng. “Con ngựa điên” phải kìm cơn điên, cử
người đến mời Đại Cathay lên nhà hàng Đồng Khánh điều đình. Đàn em cố
khuyên Đại đừng vào hang cọp, e bị “trải đệm” nhưng Đại Cathay nổi máu
yên hùng, vẫn quyết định nhận lời. Để tài xế ngoài cửa, Đại một mình tay
không lên nhà hàng hội kiến với Tín Mã Nàm. Cử chỉ ngang tàng này khiến
Tín Mã Nàm thầm phục. Hắn nhượng bộ, đồng ý giao toàn bộ khu vực từ chợ
Nancy về Sài Gòn cho Đại Cathay toàn quyền. Phần quận 5, Chợ Lớn, đàn
em của Đại được phép hoạt động với điều kiện không lấn vào những khu vực
đã có sẵn người của Hắc Đạo. Riêng các khu vực chợ Sắt, chợ Tân Thành,
hẻm “dzách bạc hồ hãn” (hẻm 100), Đại Cathay và đàn em tuyệt đối không
được xâm phạm, vì đó là giang sơn riêng của Tín Mã Nàm, nơi vợ bé của y
sinh sống.
Mỗi
lần ra đường, Đại Cathay và băng du đãng lại một phen khiến người đi
đường khiếp vía. Như một gã con trời thứ thiệt, Đại Cathay chễm chệ trên
băng trước chiếc Mustang mui trần do Năm Công lái, có cả chục tên đàn
em phóng xe máy theo sau hộ tống. Xe chạy xả ga, hú còi vô tội vạ khiến
mọi người hốt hoảng chạy giạt sang hai bên đường, trong khi đám lưu manh
tha hồ vỗ tay cười hô hố. Sự ngang ngược coi thường luật pháp của Đại
Cathay khiến những kẻ tai to mặt lớn và cảnh sát thời đó hết sức tức
tối, nhiều lần tống cổ Đại vào khám. Nhưng bắt cóc bỏ đĩa, chẳng lần nào
cảnh sát đủ bằng chứng để giam giữ hắn lâu, đành phải thả. Dùng luật
không xong nhiều quan chức ngụy tìm cách mua chuộc hắn.
Biết Đại Cathay đang tuổi quân dịch, viên
tướng máy bay Nguyễn Cao Kỳ – có lẽ do muốn chơi trội – bèn cho gọi tên
du đãng đến. Kỳ phủ dụ :
- Tôi biết anh là người có chí, nhưng
luật là luật, anh không thể trốn mãi được đâu. Về làm vệ sĩ cho tôi, anh
vừa khỏi đăng lính, lại vẫn có quyền hành, muốn đi đâu làm gì mặc sức
mà khỏi bị ai thù oán. Anh cứ suy nghĩ cho kỹ, ba ngày nữa trả lời tôi
cũng được.
Tên du đãng ít học đời nào chịu suy nghĩ những ba ngày. Kỳ chưa dứt Đại Cathay đã trả lời luôn :
- Dạ, cảm ơn thiếu tướng đã có thịnh tình
chiếu cố. Phiền nỗi tôi đi đâu cũng có cả chục gạc-đờ-co hộ tống, giờ
tôi lại làm gạc-đờ-co cho người khác, không lẽ để cho tụi nó thất nghiệp
?
Tướng râu kẽm bầm mặt nhưng vẫn ngọt nhạt :
- Làm vệ sĩ của tôi, anh là nhân viên
công lực của quốc gia, danh giá đâu kém cạnh gì ai ? Là quí anh tôi mới
bảo thế, chứ nếu cần vệ sĩ tôi đâu thiếu người giỏi.
Đại Cathay vẫn ngổ ngáo :
- Dạ, xin lỗi, tôi không hầu thiếu tướng được…
Sau Nguyễn Cao Kỳ đến lượt tướng Sáu Lèo
Nguyễn Ngọc Loan, giám đốc Nha cảnh sát Đô Thành. Tuyên bố “Đặt giang hồ
ra ngoài vòng pháp luật”, tướng Sáu Lèo cho mở “Trung tâm bài trừ du
đãng” đặt ở bên kia cầu Bình Triệu và lập “Biệt đội hình cảnh” nhằm tiêu
diệt giang hồ do đại úy Trần Kim Chi làm đội trưởng. Theo lệnh Sáu Lèo,
“Biệt đội hình cảnh” được bắn bỏ bất cứ tên giang hồ nào trên đường phố
nếu chúng gây án và chống lại cảnh sát. Sau một thời gian hoạt động,
“Biệt đội hình cảnh” vẫn chỉ tóm được một số tên du đãng “tép riu”,
tướng Sáu Lèo bèn quay sang tìm cách mua chuộc Đại Cathay hòng “dĩ độc
trị độc”. Đính thân Mã Sâm Nhơn, phụ tá của tướng Sáu Lèo đến gặp, đưa
giấy mời của ngài chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan cho Đại Cathay. Cùng một
đàn em, Đại Cathay có mặt y hẹn. Nguyễn Ngọc Loan ra giá :
- Tôi sẽ nhận anh vào chức vụ đại úy Phó
ty cảnh sát một quận. Anh được toàn quyền hành động, nhưng phải giúp tôi
tiêu diệt hết đám lưu manh du đãng.
Đại Cathay từ chối :
- Tôi xuất thân du đãng, làm sao có thể
quay lưng diệt du đãng được ? Nếu tôi nhận lời, du đãng không chém, tôi
cũng chết vì thân bại danh liệt.
Nguyễn Ngọc Loan hạ giá :
- Anh không muốn nhận, tôi không ép, nhưng anh phải giải tán băng nhóm, không được lộng hành.
Đại Cathay đồng ý với điều kiện để cho y
và đàn em toàn quyền làm ăn và cai quản khu cảng Sài Gòn, Khánh Hội, khu
vực chợ vựa Cầu Muối, và hai bên bờ Kinh Tẻ. Thấy tên giang hồ cứng
đầu, Nguyễn Ngọc Loan nổi đóa :
- Tôi lệnh cho anh giải tán hết, nếu không giang hồ, du đãng sẽ không còn đất sống !
Đại Cathay trả lời :
- Giang hồ không có vua, tôi đâu có ra lệnh cho các băng khác được.
Cuộc mặc cả kết thúc. Tiếng tăm Đại
Cathay nổi như cồn trong giới giang hồ vì “dám vuốt râu kẽm” tướng Kỳ và
từ chối chức tước của tướng Loan ban cho. Đại Cathay càng vênh váo hơn.
Nhưng chính bằng sự nổi tiếng ấy, Đại Cathay đã tự ký cho mình bản án
tử hình.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét