Một
nghiên cứu mới đây cho thấy Biển Chết từng biến mất hoàn toàn cách đây
khoảng 120.000 năm do nhiệt độ tại Trung Đông tăng vọt.
Biển
Chết là hồ có nồng độ muối cao nhất và là cũng là khu vực thấp nhất
trên bề mặt trái đất. Nằm giữa Jordan, Israel và Palestine, Biển Chết là
nơi nghỉ mát lý tưởng đối với du khách bởi dù không biết bơi họ cũng
không bao giờ bị chìm do độ mặn rất cao.
Giáo
sư Moti Stein, một nhà địa lý của Đại học Jerusalem tại Israel, cùng
một số nhà khoa học quốc tế khoan nhiều lỗ vào lớp trầm tích dưới đáy
Biển Chết để tìm hiểu các sự kiện lớn từng xảy ra với hồ trong hàng
triệu năm qua. Họ nhận thấy nước trong Biển Chết từng cạn kiệt cách đây
chừng 120.000 năm do nhiệt độ ở khu vực Trung Đông tăng vọt dẫn đến tình
trạng hạn hán, Telegraph cho biết.
Nhóm
nghiên cứu dự báo Biển Chết có thể biến mất một lần nữa nếu Trung Đông
trải qua một đợt hạn hán dài. Sông Jordan – sông cung cấp nước ngọt cho
Biển Chết - ngày càng thu hẹp do người dân lấy nước để tưới đồng ruộng.
Vì thế lượng nước ngọt chảy vào Biển Chết cũng giảm dần. Nhóm nghiên cứu
cho rằng ngày nay mực nước của Biển Chết giảm tới một mét mỗi năm. Các
nghiên cứu khác cho thấy mực nước trong Biển Chết đã giảm tới 25m trong
vòng 40 năm qua.
“Tôi
có thể nói rằng sự kết hợp giữa biến đổi khí hậu và những thay đổi do
con người gây nên xung quanh Biển Chết có thể dẫn tới thảm họa. Sau khi
Biển Chết cạn hoàn toàn cách đây 120.000 năm, nó hồi sinh do nước ngọt
tiếp tục chảy vào hồ. Giờ đây con người đã chặn nguồn cung cấp nước ngọt
của Biển Chết nên nước sẽ không thể quay trở lại”, Stein nói.
Vị
giáo sư nhận định cách duy nhất để bảo vệ Biển Chết là ngừng chặn dòng
nước ngọt của nó. Nhưng ông cũng cảnh báo việc đó có thể gây tác động
xấu tới nguồn cung cấp nước ngọt của nhiều quốc gia trong khu vực.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét