Nhà Trắng úp mở việc thảo luận về “tình huống đặc biệt cần
thiết” với Liên Xô, đồng nghĩa với việc đánh tiếng cho ông Thiệu phải
từ chức.
Kissinger điện mật cho Martin nói rằng,
Tổng Bí thư Liên Xô Leonid Brezhnev nhắn là “Hà Nội đã tìm được mục
tiêu chính trị cuối cùng nên không quan tâm đến việc làm bẽ mặt Mỹ
nữa”.
Đến nước này thì Thiệu phải ra
đi thôi. Nhưng hai ngày 20 và 21/4 ở Sài Gòn lại rơi vào thứ Bảy và
Chủ nhật nên Martin rất khổ để gặp được Thiệu.
Ngày
21/4, tại Sài Gòn, Martin bắn tiếng cho Thiệu rằng nên từ chức, với
cách nói như đây chỉ là theo ý riêng cá nhân của ông ta. Martin cho
Thiệu xem bản đồ của CIA về tình hình rất bi đát của VNCH để thuyết
phục Thiệu.
Dàn xếp vừa xong, Martin
lại nhận được mật điện rất lạ từ Kissinger, với ý muốn trì hoãn việc
Thiệu từ chức. Nhưng ông Martin không chịu, lờ đi không thi hành.
Sáng
21/4, Polgar lại tiếp xúc với Toth, đại tá quân đội Hungary ở Trại
Davis (trong sân bay Tân Sơn Nhất) với yêu cầu làm rõ những điều kiện
của phía Bắc Việt với Mỹ để cuộc đàm phán ngừng bắn được bắt đầu. Toth
bảo Polgar, việc đó ông ta phải hỏi Đại sứ Hungary tại Hà Nội và cam
đoan nếu có thông tin sẽ báo ngay cho Polgar.
Chiều
hôm đó, Toth báo lại với Polgar là Đại sứ Hungary không trả lời được,
nhưng Polgar vẫn cho rằng việc Thiệu từ chức là điều kiện tiên quyết để
Bắc Việt chấp nhận đàm phán ngừng bắn.
Sau
cuộc gặp Đại sứ Martin, Thiệu họp với các tướng lĩnh trong Dinh Độc Lập
thông báo nội dung Martin đề cập và nói đại ý, nếu các tướng lĩnh coi
Tổng thống là chướng ngại vật cho đàm phán ngừng bắn thì ông sẽ từ
chức.
Chẳng ai phát biểu gì cả! Thiệu
buộc phải tuyên bố từ chức để Phó Tổng thống Trần Văn Hương lên thay.
Chiều 21/4, Thiệu lên truyền hình thông báo quyết định từ chức, lòng
đầy cay đắng.
Sáng 25/4, bốn ngày sau
khi tiếp nhận chức Tổng thống, ông Trần Văn Hương gọi điện cho Martin
phàn nàn rằng người ta nói ông chỉ điều hành một nội các Thiệu mà không
có Thiệu. Ông Hương yêu cầu Đại sứ Martin dàn xếp để Thiệu ra nước
ngoài. Sau đó ông Hương tới chỗ ông Thiệu khuyên ông sớm rời khỏi Sài
Gòn vì nếu không, cộng sản sẽ nói “tôi đang điều khiển một chính phủ
Thiệu không có Thiệu”.
Thiệu ngập
ngừng nhưng nửa tiếng sau gọi điện cho Martin nói đồng ý và nhờ Martin
thu xếp chuyến ra đi lặng lẽ khỏi Nam Việt Nam. Để hợp pháp hóa chuyến
đi của Thiệu, ông Hương ký văn bản đề cử Thiệu làm đặc sứ VNCH sang Đài
Bắc viếng Tưởng Giới Thạch vừa qua đời ngày 5/4. Martin một mặt nhờ
Polgar bố trí, một mặt điều chiếc máy bay C-118 thuộc quyền sử dụng của
ông từ Bangkok bay sang Sài Gòn trong đêm 25/4.
Chiều
muộn, Polgar và tướng Timmes đón Thiệu và đoàn tuỳ tùng ở nhà cựu Thủ
tướng Khiêm (từng là Đại sứ VNCH tại Đài Bắc) nằm trong Bộ Tổng tham
mưu. Polgar chuẩn bị bốn chiếc công xa màu đen của Tòa Đại sứ Mỹ cắm cờ
ngoại giao, chở mọi người ra sân bay Tân Sơn Nhất. Martin yêu cầu tất
cả lái xe đều là người Mỹ, nên chiếc Mercedes cũ chở Thiệu do Frank
Snepp, nhân viên phân tích tình báo của CIA Sài Gòn lái.
Đoàn
xe chạy đến chân cầu thang máy bay, Đại sứ Martin đợi sẵn ở đó để tiễn
Thiệu. 14 người, tất cả là đàn ông lặng lẽ lên máy bay. Buồn thảm và
cam chịu, Thiệu vẫn cố giữ phong độ, quay lại cám ơn Đại sứ Martin dàn
xếp chuyến đi. Polgar điện về tổng hành dinh CIA. “Đúng 21 giờ 20 giờ
Sài Gòn, cựu Tổng thống Thiệu, cựu Thủ tướng Khiêm di tản khỏi Nam
Việt Nam”.
Polgar
cam đoan Thiệu không thể mang 16 tấn vàng (thời giá lúc đó tương đương
170 triệu dollar) sang Đài Bắc trong chuyến bay đó. Số vàng này thuộc
ngân khố dự trữ quốc gia của VNCH và hồi cuối tháng 3/1975, Thiệu có ý
định đem nó ra thế chấp để vay tiền từ Arập Xê út để mua vũ khí cho
quân đội.
Đại sứ Martin đã thu xếp
giúp để chuyển vàng ra gửi ngân hàng nước ngoài cho an toàn. Ban đầu,
Martin thu xếp để chuyển 16 tấn vàng này sang gửi ở ngân hàng Thụy Sĩ
có tên Bank of International Settlement nhằm thế chấp cho khoản vay mua
vũ khí từ châu Âu, nhưng tin này lộ ra nên không hãng hàng không
thương mại nào nhận chở.
Martin lại
thu xếp chuyển nó sang gửi tại ngân hàng Dự trữ Liên bang New York.
Nhưng trong khi Mỹ chưa ký được hợp đồng bảo hiểm cho chuyến bay chở số
vàng này rời Nam Việt Nam thì ông Thiệu đã ra đi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét