Thời gian qua, có nhiều giải thích khác nhau chung quanh Công hàm của Thủ tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Phạm Văn Đồng gửi Quốc vụ viện Trung Quốc liên quan đến lãnh hải Trung Quốc vào năm 1958, khiến nhiều người hiểu không đúng bản chất vấn đề. Qua nghiên cứu tài liệu, bước đầu chúng tôi xin có một số ý kiến giải thích sau đây:
1. Tuyên bố 1958 của Trung Quốc vi phạm Luật quốc tế:
Ngày 4 tháng 9 năm 1958, Ban
thường trực quốc hội Trung Quốc thông qua tuyên bố về lãnh hải Trung
Quốc. Tuyên bố có 4 vấn đề nhưng có 1 vấn đề tối quan trọng là định
nghĩa về “đường cơ sở” (còn gọi là đường căn bản) như sau:
“Các đường thẳng nối liền mỗi
điểm căn bản của bờ biển trên đất liền và các đảo ngoại biên ngoài khơi
được xem là các đường căn bản của lãnh hải dọc theo đất liền Trung Quốc
và các đảo ngoài khơi”.
Từ định nghĩa về đường cơ sở
này, phía nước bạn Trung Quốc đã xác định tiếp ranh giới nội thủy và
lãnh hải của họ một cách sai lầm trong bản tuyên bố như sau:
“Phần biển 12 hải lý tính ra từ
các đường căn bản là hải phận của Trung Quốc. Phần biển bên trong các
đường căn bản, kể cả vịnh Bohai và eo biển Giongzhou, là vùng nội hải
của Trung Quốc. Các đảo bên trong các đường căn bản, kể cả đảo Dongyin,
đảo Gaodeng, đảo Mazu, đảo Baiquan, đảo Niaoqin, đảo Ðại và Tiểu Jinmen,
đảo Dadam, đảo Erdan, và đảo Dongdinh, là các đảo thuộc nội hải Trung
Quốc.”.
Tuyên bố của nước bạn sai lầm và vi phạm Luật quốc tế ở chỗ nào?
Trước hết xin nói qua về đường
cơ sở. Khi ta đọc định nghĩa trong văn bản, do văn bản pháp luật đòi hỏi
sự diễn đạt súc tích cô đọng nên thành ra khó hiểu với một số người,
nên xin “diễn nôm” ra cho dễ hiểu. Theo đó, thì đường cơ sở chính là một
cái “ranh đất liền”. Tương tự như khi làm nhà thì ta xác định ranh đất
của ta tới đâu để xây nhà khỏi phạm lộ giới vậy.
Lẽ ra “ranh đất liền” của một
nước là phải lấy đường bờ biển của nước ấy. Nhưng đường này trên thực tế
đôi lúc quá quanh co khúc khuỷu, dẫn tới việc xác định bề rộng lãnh hải
phức tạp, nên các nhà lập pháp quốc tế phải đưa ra một khái niệm gọn
gàng, dễ xác định hơn, là đường cơ sở. Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về
Luật biển, thì đường cơ sở là một đường gần gũi với đường bờ biển. Người
ta xác định đường này để từ đây đo ra ngoài khơi nhằm xác định lãnh hải
của nước mình.
Nhưng với Trung Quốc, “ranh đất
liền” mà họ xác định vào năm 1958 ấy hoàn toàn không gần gũi với đường
bờ biển của họ chút nào, mà họ kéo tuốt nó ra ngoài khơi, quàng vào các
đảo xa xôi, trong đó có những đảo họ mới “giành lấy” chủ quyền ngay
trong bản tuyên bố này. Như vậy vấn đề căn bản đầu tiên là xác định
“ranh đất liền”, họ đã quá sai. Xác định tiền đề sai, dẫn theo hàng loạt
cái sai khác. Rõ ràng đường cơ sở của nước bạn Trung Quốc là một khái
niệm không phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 mà
chính họ đã phê chuẩn. Có thể nói đây là một đường cơ sở “không giống
ai”. Lẽ ra sau khi tham gia Công ước 1982, họ phải điều chỉnh lại đường
này mới đúng nhưng họ đã không làm thế.
2. Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký công hàm 1958 là đúng vai trò:
Một số người thắc mắc vì sao Thủ
tướng Phạm Văn Đồng lại có thể tự mình ký công hàm 1958 mà không được
sự ủy nhiệm của chủ tịch nước đương nhiệm khi ấy là Chủ tịch Hồ Chí Minh
hoặc được sự ủy nhiệm của Quốc hội. Từ đó họ cho rằng Thủ tướng Phạm
Văn Đồng ký sai vai trò.
Chúng ta cần biết, thủ tướng,
trong vai trò người đứng đầu chính phủ, hoàn toàn đủ tư cách ký công hàm
nêu rõ quan điểm của chính phủ mình đối với một vấn đề quốc tế mà không
cần bất kỳ sự ủy nhiệm nào (một số chức danh có thể ký những điều ước
quốc tế liên quan mà không cần ủy nhiệm thư như nguyên thủ quốc gia,
người đứng đầu chính phủ, bộ trưởng ngoại giao, người đứng đầu cơ quan
đại diện ngoại giao, trưởng phái đoàn tại hội nghị quốc tế, tổ chức quốc
tế..).
3. Công hàm 1958 không có giá trị “thỏa thuận lãnh thổ biên giới”.
Quan điểm cho rằng công hàm 1958
mặc nhiên thỏa thuận về một số vùng đảo và biển thuộc Trung Quốc như
tuyên bố 1958 của nước bạn Trung Quốc là sai lầm. Theo Luật quốc tế, giá
trị của công hàm chỉ là nêu quan điểm của chính phủ một nước về một vấn
đề quốc tế, nói nôm na giống như là một tiếng vỗ tay đồng thuần hay một
lời la ó phản đối. Chỉ khi nào Việt Nam ký hiệp định với Trung Quốc
trong đó nêu rõ những vùng biển và đảo nào đó thuộc Trung Quốc thì khi
đó mới có giá trị thực thi.
Chúng tôi lấy ví dụ, với Tuyên
bố 1958 của Trung Quốc, Thủ tướng Canada hoặc Thủ tướng Ý chẳng hạn, nếu
muốn thì họ cũng có thể ra công hàm ủng hộ Trung Quốc như công hàm 1958
của chúng ta, mặc đầu họ không có chung biên giới với Trung Quốc. Có
nghĩa là, công hàm không có giá trị thỏa thuận.
4. Sự khéo léo của Công hàm 1958:
Vào thời kỳ 1958, bề rộng lãnh
hải của các nước tiếp giáp biển chưa thống nhất. Trước đó đa phần đều
lấy bề rộng 3 hải lý tính từ đất liền. Cho đến năm 1958, một số nước đã
tăng bề rộng lãnh hải lên 12 hải lý. Và Trung Quốc cũng tăng lên như thế
trong Tuyên bố 1958. Điều này chẳng có gì đáng nói nếu như họ xác định
đường cơ sở đúng như thông lệ quốc tế khi đó.
Vào năm 1958, trong bối cảnh
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đang quan hệ với Trung Quốc, việc ra công hàm
ủng hộ Tuyên bố 1958 của nước bạn Trung Quốc là không thể không làm. Khổ
nổi tuyên bố của nước bạn quá ngạo ngược về cái “ranh đất không giống
ai” đó. Như vậy thì công hàm phải viết thế nào đây?
Nghiên cứu Tuyên bố 1958 của Trung Quốc chúng tôi thấy, tuyên bố đề cập đến 4 vấn đề như sau:
Bề rộng lãnh hải là 12 hải lý tính từ đường cơ sở (đường căn bản).
- Kéo đường căn bản quàng lên các đảo thuộc và chưa thuộc chủ quyền của Trung Quốc tít ngoài khơi.
- Xác lập chủ quyền lãnh hải và không phận của Trung Quốc nêu trong Tuyên bố 1958.
- Nêu vấn đề Ðài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác.
Tuy nhiên, Công hàm 1958 của Thủ
tướng Phạm Văn Đồng đã khéo léo công nhận chỉ 1 vấn đề là bề rộng lãnh
hải 12 hải lý mà thôi. Công hàm viết: “Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ
Cộng Hòa tôn trọng quyết định ấy và chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có
trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong
mọi quan hệ với nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa trên mặt biển”.
Công nhận hải phận 12 hải lý là
phù hợp thông lệ quốc tế khi đó và phù hợp Công ước Liên Hiệp Quốc về
Luật biển 1982 về sau. Nhưng cũng chỉ là vấn đề hải phận 12 hải lý. Công
hàm không hề nhắc đến 3 vấn đề còn lại. Chúng ta lưu ý, vấn đề thuộc
luật pháp cần được hiểu, cái gì được nói ra thì chỉ là cái đó. Nếu như
công hàm 1958 viết rõ: “Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ủng hộ
toàn bộ nội dung của Tuyên bố…” thì mới bao hàm cả 4 vấn đề.
Từ đó chúng tôi kết luận: Công
hàm 1958 không thể là nguyên nhân dẫn đến các rắc rối về sau liên quan
đến chủ quyền biển đảo giữa Việt Nam và nước bạn Trung Quốc. Việc nước
bạn Trung Quốc có những tuyên bố thiếu phù hợp gần đây là do sự chủ động
của họ.
TP.HCM ngày 11/12/2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét