Ngày 25/11, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Chu Đức Tính gửi thư đến Nhà Xuất bản (NXB) Giáo dục thuộc Bộ GD-ĐT phản hồi về việc sách giáo khoa (SGK) phiên âm sang tiếng Việt tên người đã bào chữa và bảo vệ thành công cho Tống Văn Sơ - một tên của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh tại tòa án Hồng Công năm 1931 là chưa chính xác. Cụ thể, tên luật sư Loseby trong sách giáo khoa có phiên âm là "Lô dơ bai".
Nguyễn Ái Quốc lúc ở Hồng Công với tên gọi Tống Văn Sơ và luật sư Frank Loseby năm 1931 ở Hồng Công. |
Một phiên âm, sáu lý do
Ông Chu Đức Tính đưa ra 6 luận điểm để chứng minh có việc SGK phát âm tên của luật sư Loseby.
Đầu tiên là trong bản thảo bút tích tách phẩm “Vừa đi đường vừa kể chuyện”với bút danh T.Lan, Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng từ nguyên gốc tiếng Anh là Loseby để gọi tên vị luật sư, và trong bản in của Nxb Sự thật, Hà Nội, 1963, in là Lôdơbi.
Sau đó là minh chứng từ cuộc gặp trực tiếp của đồng chí Trịnh Ngọc Thái – Nguyên phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam với vị luật sư tại sân bay Gia Lâm năm 1960: “Khi đón gia đình tại sân bay Gia Lâm, tôi chào: Kính chào ông luật sư Lôdơbai. Ông Loseby lập tức sửa ngay lại cho tôi là: Tên tôi đọc là Lôdơbi chứ không phải Lôdơbai”.
Điểm quan trọng dẫn tới quyết định “cần phải gửi công văn lên đến Bộ trưởng” theo ông Tính là vì, lời của con gái và cháu ngoại của gia đình luật sư muốn bảo tàng sửa cho đúng tên của bố, ông ngoại mình.
Công văn cũng viện dẫn một số tài liệu minh chứng khác mà hiện nơi này còn lưu giữ được. Theo ông Chu Đức Tính: “Bảo tàng Hồ Chí Minh đã nhiều lần đính chính trên tạp chí, báo và các phương tiện thông tin đại chúng, song không có kết quả. Mình không nói ai đúng sai, nhưng thiết nghĩ đây là việc cần làm để thể hiện sự tôn trọng với gia đình luật sư. Hơn nữa, trước đó, chính Bác Hồ đã có chắp bút viết tên luật sư như vậy rồi (tức Lôdơbi – PV)”.
PGS.TS Vũ Thị Thanh Hương, Trưởng phòng Ngôn ngữ học ứng dụng, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng: “Nếu đọc sai tên cũng tức là không tôn trọng người đó đúng mức. Tên gọi là một phần quan trọng của bản sắc cá nhân. Khi gia đình luật sư có đề nghị sửa cách gọi tên luật sư thì đây là chứng cớ xác đáng để sửa, nên sửa.
Đôi khi ta phát âm sai tên người nước ngoài vì chưa biết chính xác cách đọc tên đó của người bản ngữ. Tôi nghĩ Bộ GD-ĐT và NXB Giáo dục không khó khăn gì để sửa cả”.
Cần sửa không?
Trong cuộc trao đổi ngắn với VietNamNet, ông Nguyễn Quý Thao, Tổng biên tập NXB Giáo dục cho biết: “Chúng tôi đã nhận được kiến nghị của phía Bảo tàng Hồ Chí Minh. Hiện NXB đang xem xét, họp để thống nhất phương án trình lên Bộ GD-ĐT cho ý kiến cuối cùng.
Tuy nhiên, hiện nay việc phiên chuyển tên nước ngoài dù có quy định nhưng thực hiện lại không thống nhất. Sửa SGK không khó nhưng nó ảnh hưởng đến cả hệ thống nên cần phải thận trọng, không thể vội vàng”.
PGS.TS Vũ Thị Thanh Hương cho biết: “Từ những năm 60 – 70 của thế kỷ XX, Nhà nước, mà cụ thể ở đây là Ủy ban Khoa học Việt Nam đã có những cuộc họp, hội thảo và quy định về việc phiên âm tên riêng, tiếng nước ngoài. Tuy nhiên, việc phiên chuyển tên riêng nước ngoài ở ta vẫn còn nhiều chỗ chưa thống nhất, rất cần được chuẩn hóa.
Hơn bao giờ hết, chúng ta cần có một bộ quy tắc về việc phiên âm tên riêng, thuật ngữ khoa học để mọi người cùng sử dụng, tránh tình trạng rối ren như hiện nay. Đấy cũng là cách bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt.
Trao đổi với VietNamNet, một số giáo viên giảng dạy môn Lịch sử và tiếng Anh trong trường THPT đều cho rằng họ vẫn đọc và dạy học sinh tên của vị luật sư là “Lôdơbai”, có giáo viên còn ngạc nhiên khi biết vị luật sư này tên “Lôdơbi”.
Cô Lê Thị Thu, giáo viên dạy Lịch sử, Trường Nguyễn Tất Thành (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Tên của vị luật sư và nội dung bài học này nằm trong một phần nhỏ của SGK môn Lịch sử lớp 12. Lâu nay, chúng tôi vẫn đọc và dạy học sinh là Lôdơbai”.
"Chúng tôi không có chuyên môn về ngoại ngữ nên chủ yếu là qua đọc tài liệu và xem trên TV. Và mọi người thì vẫn đọc là Lôdơbai thôi” – cô Phạm Thị Thủy, một giáo viên môn Lịch sử khác cũng của trường này chia sẻ.
Không quen với việc sử dụng phiên âm tiếng Anh sang tiếng Việt nhưng cô Nguyễn Hương Thảo, giáo viên dạy tiếng Anh của trường cũng khẳng định cần phải đọc âm cuối tên riêng của vị luật sư người Anh này là “bai”.
- Văn Chung
*****************************
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét