Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011

M T Đ : Cuộc Đời Chính Trị Và Tình Dục (4/12)

http://tintuchangngay4.wordpress.com/2011/10/15/mao-tr%E1%BA%A1ch-dong-cu%E1%BB%99c-d%E1%BB%9Di-chinh-tr%E1%BB%8B-va-tinh-d%E1%BB%A5c-412/

Mao Trạch Đông là một lãnh tụ kiệt xuất của Đảng CSTQ, một nhân vật lịch sử nổi bật của lịch sử Trung Quốc cận đại, người đã có công thống nhất và bành trướng để đưa Trung Quốc từ vai trò của một quốc gia nhược tiểu, chia rẽ và phân tán với các cuộc nội chiến đẫm máu triền miên trở thành một cường quốc như hiện nay. Nhưng đằng sau con người quỷ quyệt và vĩ đại ấy còn nhiều điều bí mật mà chúng ta nhiều người còn chưa biết.
*
Sau ngày lễ Tháng Mười, chúng tôi lại tháp tùng Mao đi kinh lý miền Nam. Mùa lúa đang đến. Trên cánh đồng mênh mông chúng tôi chỉ thấy toàn là đàn bà và em bé gái. Lực lượng lao động chính đã bị động viên làm việc trong các “lò luyện kim sau hè” của Mao. Các trạm tin tức được thành lập trong các công xã để công bố những tin tốt lành về cả sản xuất nông nghiệp lẫn sắt thép. Tự nhiên tôi cảm thấy thắc mắc làm thế nào mà Trung Quốc lại chuyển hóa một cách mau lẹ đến thế. Một buổi tối trên chuyến xe lửa, tôi và Lâm Khắc chia xẻ tâm sự chung về những biến chuyển kinh tế, Lâm Khắc nói cả nước Trung Hoa đang diễn một vở kịch nhiều màn mà khán giả và cũng là đạo diễn là Mao Trạch Ðông.
Các bí thư đảng địa phương ra lịnh xây dựng lò đúc dọc hai bên đường xe lửa mà Mao hay qua, phụ nữ thì phải ăn mặc sặc sở hai màu xanh đỏ. Tại tỉnh Hồ Bắc, viên bí thư tỉnh còn thậm chí chỉ thị nông dân để dời cả những thửa ruộng nằm sâu trong làng ra sát đường rầy xe lửa để gây cho Mao cái ấn tượng là mùa màng đang dư dã. Lúa được trồng quá sát với nhau đến nỗi dân địa phương phải đặt quạt điện bốn góc ruộng để thổi không khí vào cho thông, nếu không thì lúa sẽ chết. Lâm Khắc nói với rằng con số thống kê lúa gạo đều là con số giả vì không có đất nào có có thể thu hoạch được mỗi mẫu 20 hay 30 ngàn cân thóc. Còn đồ đạc sản xuất từ những “lò luyện thép sau hè” đều trở thành vô dụng. Sắt thành phẩm mà chúng tôi thấy ở An Huy được khoe là thành phẩm của công xã theo Lâm Khắc thì chúng chẳng qua là sắt thật mang đến từ nhà máy luyện kim hiện đại. Báo chí thì in theo lệnh cấp trên và dĩ nhiên là đăng đầy tin xạo. Thật vậy, nếu tờ Nhân Dân Nhật Báo mà đăng thì ai dám cho đó là tin giả.
Nếu Lâm Khắc nói thật thì chẳng lẻ chưa một ai báo cáo sự thật với Mao hay sao ?. Những cố vấn của Mao đâu hết rồi ? Những người như Ðiền Gia Anh, Hồ Kiều Mộc, Trần Bá Ðạt, Vương Kính Tiên, Lâm Khắc, ngay cả Chu Ân Lai đâu mất rồi ? Nếu họ biết sự thật tại sao họ lại không báo cáo lên Mao ? Nhưng tôi không thấy bất cứ ai nói lên điều gì.
Từ những buổi trao đổi trò chuyện giữa tôi và Mao, tôi nghi ngờ rằng Mao có thể không biết một cách chính xác những gì đang xảy ra. Ðiều Mao nghi ngờ không phải là những con số thống kê ma nhưng lo ngại việc nhiều người đang cho rằng chủ nghĩa Cộng Sản đang tới trong tầm tay. Mao không nghĩ vậy, ông ta nói với tôi “Dĩ nhiên Công Xã là một cái mới nhưng phải cần làm rất nhiều để biến chúng thành những cơ chế thịnh vượng được. Nhiều cán bộ nóng lòng muốn đẩy mạnh lên chủ nghĩa Cộng Sản, đây là vấn đề mà chúng ta phải đối đầu”.
Khi Mao triệu tập hội nghị trung ương và các lãnh đạo cao cấp địa phương tại Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam thì phong trào vẫn còn rất mạnh. Theo Mao thì Bước Tiến Nhảy vọt và Công Xã Nhân Dân phải được xác định lần nữa. Ðối với sự chuyển tiếp lên chủ nghĩa Cộng Sản thì cần phải kiên trì. Nông dân hiện đang làm việc quá sức họ. Cán bộ các cấp phải chú ý đến sự an nguy của quần chúng. Mấy tháng trước Mao ra sức động viên cán bộ để lao vào hoạt động bây giờ thi Mao lại ráng để giảm bớt đà lại. Mao trong giai đoạn nầy cũng chẳng e dè kiêng nể gì ai. Hằng đêm Mao và cô y tá của y xuất hiện công khai trong những buổi dạ vũ, tôi cũng biết cô y tá nầy đã ở lại đêm với Mao.
Ðoàn quân chí nguyện Trung Quốc cuối cùng vừa từ Bắc Hàn trở về và Ðoàn Văn Công thuộc binh đoàn thứ 20 được chính Mao đích thân chào đón. Hàng chục cô gái trẻ măng quấn quít chung quanh Mao, tranh giành nhau để được nhảy với Mao. Tôi còn nhớ một cô gái trẻ nhảy nhịp nhàng với Mao, càng lúc càng trở nên dạn dĩ hơn, dựa người vào Mao theo nhịp múa. Mao hẳn nhiên cũng vui mừng thích thú và thường ở lại cho đến 2 giờ sáng.
Sau Hội nghị Trịnh Châu, tôi tháp tùng Mao sang Vũ Hán bằng xe lửa. Tại Vũ Hán Mao triệu tập Hội nghị Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng thứ sáu. Trong hội nghị nầy, Mao chính thức từ chức Chủ Tịch Nhà Nước nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Nhưng Mao chỉ từ bỏ chức vị chủ tịch để trở nên một hoàng đế. Mọi quyền lực vẫn còn tập trung trong tay Mao.
Sau vài ngày được phép Mao cho về thăm gia đình, tôi trở lại thì hội nghị sắp sử bế mạc. Trong buổi tiệc chiêu đãi dành cho đại biểu cao cấp của đảng, tôi lại một lần nữa được nghe những lời tâng bốc. Chu Ân Lai tuyên bố “Ðồng chí Trần Bá Ðạt có lần đã nói một ngày trong một chủ nghĩa xã hội thật sự sánh bằng hai mươi năm trong một xã hội không Cộng Sản. Hôm nay chúng ta mới thấy được năng suất mạnh mẻ đó”. Kha Khánh Thi cũng phát biểu đúng theo nhịp ” Thật là sai nếu nói rằng không ai có thể có những thành tựu vượt qua được Karl Marx, có phải chúng ta đã qua mặt Marx cả trong lý thuyết lẫn ngoài thực tế đó sao “. Rồi ngay sau đó có người phê bình cả Liên Xô “Nhiều thập niên trôi qua, Liên Xô đã cố gắng thiết lập một cơ chế tiến bộ trong phát triển xã hội nhưng họ hoàn toàn thất bại. Chúng ta đã hoàn thành mục tiêu trong vòng chỉ mười năm”. Ðêm đó mọi người thay phiên nhau nâng chén chúc mừng. Mao dù rất ít uống cũng đã uống khá nhiều, mặt mày đỏ gay.
Sản xuất nông nghiệp vụ mùa thu theo thống kê là cao nhất trong lịch sử nhưng giữa tháng 12 thì thực phẩm bắt đầu khan hiếm trầm trọng. Tai họa bị che đậy trong nhiều tháng bắt đầu lộ diện. Trong những gia đình trung bình thịt cá đã biến mất, rau cải cũng hiếm hoi dần. Thực tế thì quá nhiều điều đã đi lạc đường. Mùa màng không ai gặt. Lao đông chính bị đưa đi sản xuất sắt thép, đàn bà trẻ con thì không đủ sức gặt đành phải đứng nhìn lúa rả mục trên đồng. Nhiều người bắt đầu chết đói.
Ðể giảm thiểu tổn thất và tiết kiệm thực phẩm. Các Công Xã thông báo rằng mùa màng bị thất thu là do thiên nhiên. Tình trạng tại các lò đúc cũng tệ hại không kém. Than đá không đủ để đốt lò nên dân chúng phải tận dụng cả gỗ, bàn ghế và giường chiếu. Nhưng những đồ làm được thì hoàn toàn vô dụng. Mao nói rằng Trung Quốc chưa bước vào chủ nghĩa Cộng Sản nhưng một số cơ cấu theo kiểu Cộng Sản đã hình thành. Quyền tư hữu đã bị xóa bỏ bởi vì tài sản tư nhân đã bị trưng dụng để xử dụng trong các lò đúc. Những lời phê bình manh nha nhắm vào Mao đã bắt đầu.
Ngày 26 tháng 12, Mao và bộ tham mưu của ông dừng lại ở Quảng Châu nhân dịp sinh nhật lần thứ 65 của Mao. Bí Thư thứ nhất Quảng Ðâu là Ðào Trú tổ chức một tiệc mừng sinh nhật thật lớn nhưng Mao từ chối tham dự, viện cớ “khi tôi còn nhỏ thì rất thích tổ chức sinh nhật, nhưng bây giờ mỗi lần sinh nhật đến có nghĩa là già thêm một tuổi, trưởng thành hơn và cũng gần ngày chết hơn một năm”. Tôi nghĩ Mao không muốn xuất hiện vì cảm thấy bị mất sĩ diện. Chính sách “Bước Tiến Nhảy Vọt” đã không đem lại kết quả như Mao muốn và y đang cố tình tìm hiểu lý do. Suốt đêm sinh nhật, Mao nằm trên giường. Mao dặn tôi về báo cáo ông ta biết về buổi tiệc sinh nhật của ông ta nhưng tôi uống khá say, về tới nhà là lăn đùng ra ngủ quên mất việc phải đi báo cáo với Mao.
Lý Ngân Kiều đánh thức tôi dậy ngay nửa đêm để lên đường đi Bắc Kinh. Giang Thanh không ngủ được. Bà ta thức dậy rất sớm để chỉ thị cô y tá đưa bà ta thêm một viên thuốc ngủ nhưng tìm mãi từ phòng trực đến phòng riêng cũng không thấy cô y tá của mình ở đâu. Bản tánh nghi ngờ, Giang Thanh mở cửa bước vào phòng Mao thì đúng là cô y tá đang ngủ với Mao. Lý Ngân Kiều kể tôi nghe những gì xảy ra. Ðó cũng là lần đầu tiên kể từ khi tôi biết bà, Giang Thanh đã nỗi ghen với Mao như vậy. Ngoài ra, cách đó không lâu cũng xảy ra một chuyện loạn dâm giữa Mao với cả hai mẹ con của một bà trước đây đã phục vụ Mao. Dù thời gian qua, Mao vẫn duy trì việc tiếp xúc với bà phục dịch và khuyến khích con gái bà ta về việc học hành. Có lần Mao gởi tặng bà 300 đồng để con gái bà ghi danh vào trường học. Cô con gái viếng thăm Mao và ở lại trong phòng ngủ của Mao suốt những ngày nghĩ mùa đông của trường. Một lần viếng thăm khác xảy ra vào tháng mươi một ở Vũ Hán. Giang Thanh khám phá ra và nghi ngờ chồng mình đã ăn nằm không những với bà phục dịch trước đây mà cả với con gái của bà ấy. Mỗi lần có chuyện cải cọ với Giang Thanh, phản ứng quen thuộc của Mao là bỏ đi. Lần nầy thì Mao hạ lệnh trở về Bắc Kinh tức khắc.
Tình hình Bắc Kinh bước vào đầu năm 1959 thật là hỗn loạn, kinh hoàng. Tin đồn rằng Công Xã Nhân Dân sẽ sớm được thiết lập lan tràn khắp thành phố. Mọi người lo sợ là tài sản cá nhân của họ bị trưng công. Thành phố vì vậy trở thành khu chợ trời khổng lồ. Người ta lo bán đổ bán tháo đồ dùng để kiếm tiền mặt. Gia đình tôi cũng sa sút nhiều kể từ khi chính sách “Bước Tiến Nhảy Vọt” của Mao ra đời. Tôi dành suốt năm 1958 để tháp tùng Mao, nên ai cũng vui mừng khi thấy tôi trở lại. Mẹ tôi lo sợ rằng bà ta sẽ bị bắt làm việc trong công xã đô thị nhưng bà thì quá già lại sẽ lo lắng cho hai đứa con tôi khi vợ tôi phải đi làm suốt ngày. Ai sẽ là người chăm sóc trẻ con khi công xả đô thị được thành lập. Mao đã nghĩ đến việc thiết lập các nhà giữ trẻ công cộng.
Mùa đông đầu năm 1959, tình trạng thực phẩm bị thiếu hụt trầm trọng. Vợ tôi vẫn ăn cơm chung với tôi tại nhà ăn Trung Nam Hải. Thịt cá là món ăn không có trong những bữa ăn, phẩm chất đã giảm sút rất nhiều nhưng số lượng thì vẫn còm đầy đủ. Trung Nam Hải là cơ sở đầu não của Ðảng nên cũng là nơi cuối cùng bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng thực phẩm. Tình trạng của mẹ tôi thì khác, bà gặp khó khăn ngay cả đi tìm mua những món cần dùng căn bản nhất. Thịt hẳn nhiên là không có nhưng ngay cả gạo và dầu cũng rất khó mua. Dân chúng phải sắp hàng dài để mua những món cần thiết.
Ðoàn tụ với gia đình không được bao lâu thì tôi lại phải tháp tùng Mao viếng thăm Mãn Châu. Lịnh khẩn cấp đến nỗi tôi không kịp xếp áo quần, quên cả mặc đồ ấm và đem theo những vật dụng cần dùng như kem và bàn chải đánh răng. Vài giờ sau chúng tôi bước xuống phi trường Sầm Giang, khu vực lạnh nhất của Trung Quốc. Mao nhìn tôi trơ trụi không có áo ấm hay áo choàng, nói chơi “Có phải đồng chí bán áo quần đi vì sợ Bước Tiến Nhảy Vọt ? hay là gởi tặng cho nhân dân các công xã hết rồi ?”. May mắn là Mao đã thăm viếng khu vực nầy chỉ năm ngày.
Lý do Mao đi thăm miền Bắc là vì khu vực nầy là vùng công nghiệp nặng của Trung Quốc, nơi tập trung các mỏ sắt thép. Mao muốn biết làm thế nào sắt thép được sản xuất và liệu sản phẩm của các “lò đúc” của công xã có tốt hay không. Trong thâm tâm Mao muốn phân tán nhỏ việc sản xuất sắt thép nhưng cứ băn khoăn một điều là tại sao các quốc gia tây phương lại luôn dựa vào những nhà máy luyện kim khổng lồ để sản xuất sắt thép.
Những gì Mao học trong chuyến viếng thăm ngắn nầy đã trả lời thắc mắc của ông ta rằng sắt thép phẩm chất cao chỉ có thể được sản xuất từ những nhà máy hiện đại với những chất đốt thích hợp như than đá chẳng hạn. Khi trở lại, tuy nhiên, Mao vẫn chưa ra lịnh các cho lò đúc ngưng việc sản xuất sắt thép lý do là y không muốn làm giảm nhiệt tình của quần chúng đang lên. Chúng tôi trở lại Bắc Kinh một thời gian ngắn, Mao lại lên đường đi Thiên Tân, Tế Nan, Nam Kinh và Hàng Châu. Mao chỉ thị La Thoại Khanh và Dương Thượng Côn cùng đi với ông ta nhằm mục đích “giáo dục” họ. Trước đây, cả hai đều không được Chủ Tịch ưa chuộng nên nhận được lời mời của Chủ Tịch họ vui mừng hớn hở. Mục đích chuyến đi là để “thanh tra” và viếng thăm các nhà máy, trường đại học, công xã nhân dân. Các lãnh đạo địa phương, quân đội vẫn tiếp tục ca ngợi Mao ngay cả lúc nền kinh tế đang trên đà thoái hóa. Nếu thực phẩm khan hiếm, mọi người đổ lỗi cho cán bộ địa phương chứ Mao thì chẳng có lỗi gì cả. Người ta vẫn nghĩ Mao Chủ Tịch đã đề xướng một điều đúng. Ðặc tính tôn thờ bắt nguồn sâu xa trong truyền thống Trung Hoa: “Hoàng Ðế không bao giơ sai”. Mao muốn Dương Thượng Côn và La Thoại Khanh thấy sự ủng hộ của quần chúng dành cho y mãnh liệt như thế nào.
Ðối với hai họ Dương và La được mời đi chung với Mao là điều họ hãnh diện lắm rồi. Ðiều hối tiếc duy nhất của Dương Thượng Côn là không ghi lại được những lời nói của Mao đã nói trong chuyến tham quan các cơ sở địa phương lần nầy.
Dương Thượng Côn có lần trình mới Mao cho phép một tốc ký viên tháp tùng Mao để ghi lại những lời Mao nói nhưng Mao từ chối. Sau đó không lâu, một nhóm chuyên viên tư Bộ An Ninh Công Cộng cũng đã bí mật gắn các dụng cụ thu âm trong toa xe lửa của ông ta, trong phòng ngủ và những khu tiếp tân mà Mao hay tổ chức hội họp. Dương Tử Long bắt tôi và các nhân viên trong Nhóm Một thề để giữ bí mật. Việc thu âm Mao hoàn toàn không biết nếu ông ta mà biết được thì hậu quả rất to lớn và dĩ nhiên chúng tôi ai nấy đều im lặng.
Khi hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng thuộc Ðại Hội Ðảng Thứ Tám tổ chức tại Thượng Hải từ ngày đến ngày 5 tháng 4 năm 1959, Mao vẫn còn tỏ ra lạc quan. Sự trung thành của ông ta đối với Bước Tiến Nhảy Vọt và Công Xã Nhân Dân rõ ràng không thể làm giảm sút được. Có một số vấn đề phát sinh nhưng vẫn có thể giải quyết được. Tổ chức Công Xã cần phải được kiện toàn, việc phân phối lao động giữa các lò đúc và nông nghiệp cần phải đặt ra. Thủ tục trả tiền công trong vòng mỗi công xã phải được tái duyệt xét. Mối sợ hãi nhất của Mao không phải là việc thiếu hụt thực phẩm hay mục đích quá cao, ông ta chỉ sợ năng lực sáng tạo của quần chúng sẽ bị giảm sút bởi Bước Tiến Nhảy Vọt.
Mao không ở nhà khách chính phủ nhưng ngủ trên xe lửa riêng trong suốt thời gian hội nghị vì y vẫn phải bận rộn với các nàng y tá riêng của ông ta. Mao chẳng e dè gì, hằng đêm, các cô gái trẻ tháp tùng Mao đến câu lạc bộ do Pháp thành lập trước đây, để du hí. Biết Chủ Tịch ham thích cặp đàn bà, cơ quan an ninh Thượng Hải sắp xếp để Mao gặp gỡ những cô đào và nữ ca sĩ nỗi tiếng nhất Thượng Hải. Tuy nhiên không bà nào làm Mao thích vì các bà dù nỗi tiếng nhưng nhan sắc đã tiều tụy, già nua đi nhiều. Mao chỉ thích các cô còn trẻ đẹp và càng ít kinh nghiệm càng tốt. Sau đó thì cục an ninh Thượng Hải mới biết ra và sắp xếp cho Mao xem những buổi trình diễn của các vũ công trẻ và ngây thơ vô tội hơn nhiều.
Trong lúc đó, Mao cũng bày tỏ sự bất mãn của y đối với các cấp lãnh đạo đảng. Ông ta đổ thừa họ đã làm sai đường lối của Bước Tiến Nhảy Vọt. Mao nói với tôi “Tại sao lại phải dối chứ, khi có một áp lực từ cấp trên xuống thì lại có sự dối trá từ cấp dưới lên”. Theo tôi thì chính Mao đã không muốn được nghe những điều thật. Nếu Mao biết được sự thật theo đúng như quan niệm của ông thì Mao đã ngưng chương trình Bước Tiến Nhảy Vọt từ lâu. Sự thật, theo Mao, không kèm theo những lời chỉ trích nhắm vào ông ta và cũng không đến từ những đối thủ chính trị của ông ta. Sự thật phải đến những người vô tội vạ về chính trị.
Mao trở về Bắc Kinh sau hội nghị Trung Ương Ðảng để tham dự Hội Nghị Ðại Biểu Nhân Dân, hay là quốc hội trên danh nghĩa. Theo chỉ thị của Trung Ương Ðảng, Hội Nghị Nhân Dân cuối vùng đã chính thức chấp thuận việc từ chức Chủ Tịch Cộng Hòa của Mao và bầu cữ Lưu Thiếu Kỳ thay thế. Chu Ðức được bầu vào chức Chủ Tịch Hội Nghị Nhân Dân tức Quốc Hội, Tống Khánh Linh và Ðồng Biêu được bầu làm phó chủ tịch nhà nước. Tại Trung Quốc hiện nay có hai người cùng giữ chức vụ Chủ Tịch. Chúng tôi không còn gọi Lưu Thiếu Kỳ là đồng chí Lưu nhưng gọi là Chủ Tịch Lưu. Họ Lưu đánh giá chức vụ Chủ Tịch rất cao, dần dần mở rộng quyền kiểm soát các vấn hằng ngày của cả nước và thường hoạt động không cần có sự tham khảo với Mao. Cuộc đấu tranh của Mao để tái xác nhận quyền lực tối cao đã bắt đầu.
Sau đại hội Hội Nghị Nhân Dân, chúng tôi ở lại Bắc Kinh một tháng rồi tháp tùng Mao đi miền Nam. Mọi thứ đang thay đổi. Lửa trong những lò đúc sắt thép sau hè đã tắt. Phụ nữ không còn mặc những bộ đồ màu sác. Ðồng ruộng hoang vu, không mùa màng, gặt cấy. Vũ Hán dưới sự lãnh đạo của người bạn Mao là Vương Nhậm Trọng trở nên tệ hại trầm trọng. Chúng tôi vẫn ở lại trong Nhà Khách dọc theo Ðông Hồ nhưng không còn được đầy đủ tiện nghi như trước. Trước đây nhà khách đầy thuốc lá, trà và mỗi bữa ăn là một bữa tiệc, bây giờ thì hết thịt vì trâu bò thì chết đói và heo thì quá ốm để làm thịt. Kho hàng nào cũng trống trơn, mọi thứ đều được mua sạch. Chỉ cách đây vài tháng họ Dương ca ngợi Hồ Bắc sản xuất từ 10 đến 20 ngàn tấn thóc mỗi mẫu ruộng mà bây giờ thi đang bị đói. 

 8. MAO VỀ THĂM NƠI CHÔN NHAU CẮT RỐN
Nhân dịp dừng chân ở Hồ Nam, Mao quyết định về thăm nơi chôn nhau cắt rốn của mình, làng Thiều Sơn, sau hơn 32 năm xa cách. Ngoài việc về thăm quê, Mao còn có dụng ý khác là để chính mình có cơ hội tìm hiểu sự thật. Mao không tin cán bộ đảng đã báo cáo những con số thật về kết quả của chiến dịch Công Xã Nhân Dân và Bước Tiến Nhảy Vọt do Mao đề xướng.
Ngày 25 tháng 6, chúng tôi tháp tùng Mao khởi hành từ Trường Sa đi Xương Ðàm, viên bí thư phụ trách an ninh Quận Xương Ðàm là Hoa Quốc Phong ra chào đón Mao và phái đoàn. Ðây là lần đầu tiên tôi gặp con người sẽ kế vị Mao trong mười sáu năm sau. Nhưng họ Hoa chỉ đưa đi một chặng đường rồi trở lại chứ không đi theo chúng tôi về làng Thiều Sơn.
Làng Thiều Sơn cách Xương Ðàm bốn mươi lăm phút lái xe. Cả ban ngày lẫn ban đêm trời đều oi bức. Mao nghĩ đêm trong nhà khách nằm trên sườn đồi, còn chúng tôi thì ở lại trong một trường học dưới chân đồi. Trời oi bức đến nỗi không tài nào ngủ được. Gần 5 giờ sáng Mao cho gọi tôi để cùng đi bộ. Tôi cùng với Lý Ngân Kiều, Vương Nhậm Trọng, Châu Tiểu Châu và một đám vệ sĩ tháp tùng Mao đi bộ xuống làng. Mao dừng chân trước một ngôi mộ. Ðây là lần đầu tiên và duy nhất tôi thấy Mao Trạch Ðông cúi đầu vái ngôi mộ trong một tư thế thành kính như thế. Tôi cũng ý thức ngay được rằng ngôi mộ đó là nơi yên nghỉ cuối cùng của cha mẹ Mao Trạch Ðông. Một viên cận vệ nhanh trí chạy quanh vườn nhặt một bó hoa dại dâng lên Mao, Mao cầm lấy và kính cẩn đặt lên mộ và vái ba lần nữa. Chúng tôi cũng sắp hàng sau lưng Mao và vái theo như Mao. Mao nói “Trước đây có tấm bia nhưng rồi cũng biến mất theo thời gian”.
Chúng tôi tiếp tục theo chân Mao đi xuống chân đồi theo hướng nhà thờ tộc của Mao. Lần nữa Mao dừng lại, nhìn quanh như đang tìm kiếm một cái gì. Chúng tôi đang đứng trước nền của một ngôi chùa nhỏ mà Mao thường hay nhắc trong những cuộc mạn đàm về chuyện riêng tư của đời y. Nơi nầy mẹ của Mao thường hay đến khấn vái mỗi lần Mao bị bệnh. Bà ta thường thắp hương cầu nguyện cho con trai và lấy nước tro của hương nhang đem về cho Mao uống với hy vọng nhờ đó mà Mao được khỏe mạnh. Ngôi chùa nhỏ nầy bây giờ đã biến mất, bị đập để lấy gạch xây “lò luyện kim” cho công xã.
Mao bước chầm chậm và không nói một lời. Sự tàn phá ngôi chùa nhỏ nầy đã làm Mao đau lòng. Một lâu sau Mao mới cất tiếng “thật tội nghiệp, lẽ ra ngôi chùa nên để lại. Không có tiền đi bác sĩ, nông dân ít ra còn có nơi để cầu nguyện và xin nước tro về uống. Chùa giúp cho họ lên tinh thần và có thêm hy vọng. Con người cần những điều kích thích nầy”. Nghe Mao nói tôi cười thầm nhưng Mao thì lại nói rất trân trọng. Quay sang tôi Mao nói “Tàn hương giúp cho con người thêm can đảm để chiến đấu với bệnh tật, bác sĩ nghĩ có đúng không ? Ông là bác sĩ, chắc ông nên biết vai trò của tâm lý quan trọng biết bao.”
Chúng tôi vào viếng thăm nhà cũ của Mao. Không ai sống trong đó. Căn nhà được giữ giống như xưa. Trước mặt nhà là một ao nước. Mao chỉ “đó là nơi tôi hay bơi và cũng là nơi trâu bò uống nước. Cha tôi thật là nghiêm khắc. Ông ta hay đánh đập con cái. Một lần ông ta đuổi tôi chạy quanh bờ ao, chửi bới tôi là thứ con hư, tôi vừa chạy vừa cãi, cha không nên thì con hư cũng phải”. Mao kể rằng mẹ của y rất hiền lành và hay giúp đỡ người khác. Bà ta thường “liên minh” với hai con trai để tạo thành một “mặt trận đoàn kết” chống lại chồng.
Mao tìm dân làng để hỏi thăm về kết quả của Bước Tiến Nhảy Vọt và Công Xã Nhân Dân nhưng chẳng còn người đàn ông nào ở nhà. Mao chẳng cần phải tốn nhiều thời gian để tìm hiểu sự thật. Ngay cả nồi niêu xong chảo đang dùng cũng bị tịch thu để đi “luyện thép” mà chẳng bao giờ được hoàn trả. Gia đình không có một cái nồi để nấu cơm. Mọi người phải ăn uống trong nhà ăn tập thể dơ dáy. Buổi chiều chúng tôi đi tắm trong một hồ dự trữ nước và dân chúng ai cũng phê bình đề án đầy thiếu sót nầy. Hồ được xây thiếu kích thước cần thiết. Mỗi khi trời mưa thì phải xả bớt nước không thì bị lụt.
Buổi tối Mao tổ chức một buổi chiêu đãi cho bà con trong làng. Ban giám đốc công xã kêu gọi tất cả đàn ông đang làm việc trong lò đúc trở về gặp Mao. Khoảng chừng 50 người cả thảy, tập trung trong nhà khách. Mọi người đều phàn nàn về cái nhà ăn hổn tạp. Những người già cả thì than phiền ăn uống không kịp bọn trẻ. Những người trẻ thì than phiền không đủ cơm ăn. Tình trạng đánh nhau để giành ăn thường hay xảy ra. Khi Mao hỏi thăm về tình trạng các lò đúc sắt thép thì cũng lại nghe những lời phàn nàn. Không đủ nhiên liệu để đốt và cũng không đủ nguyên liệu để nấu. Muốn đạt chỉ tiêu của thượng cấp cách duy nhất là phải tịch thu hết dụng cụ nấu ăn, cuốc xẻng, ngay cả mấy cái tay cầm cửa của nhân dân trong xóm. Nhưng những sản phẩm sản xuất ra lại không biết để làm gì. Cuối cùng thì dân chúng chẳng còn gì để nấu nướng, ngay cả nấu một nồi nước.
Mao ngừng hỏi. Không khí trong phòng ăn ngưng lại. Bước Tiến Nhảy Vọt không tiến triển tốt đẹp ở làng Sao San chút nào cả. Mao chỉ thị “nếu các đồng chí không lo nỗi bữa ăn cho đồng bào trong nhà ăn tập thể thì tốt nhất là giải tán nó”, Mao tiếp ” cả cái hồ chứa nước cũng vậy, nếu không biết cách xây hồ dự trữ thì cũng tai hại vô cùng, không nhất thiết mỗi làng phải xây một cái”. Về tình trạng các lò đúc sắt, Mao chỉ thị “nếu các đồng chí không thể tạo ra sắt tốt thì để mấy cái lò đúc đó làm gì. “
Với những chỉ thị trên của Mao, có lẽ quê hương của Mao là nơi đầu tiên hủy bỏ chế độ ăn uống tập thể, ngưng xây hồ dự trữ nước và phá hủy các lò đúc sắt. Chỉ thị của Mao chưa bao giờ trở thành văn bản nhưng truyền rộng bằng miệng. Các địa phương khác cũng bắt đầu hủy bỏ nhà ăn và lò đúc. Dù sao tình trạng tại Thiều Sơn vẫn còn tốt hơn nhiều so với những nơi khác. Nạn đói đang hoành hành cả nước Trung Hoa. Trong số các bị đói nặng thì tỉnh An Huy là chịu đựng nặng nhất. Nhớ lại hồi tháng 8 năm 1958, tôi tháp tùng Mao đi Hà Nam để tận mắt chứng kiến Công Xã Nhân Dân thì chính tỉnh đó bây giờ đang chìm trong nạn đói. Những nông dân trồng lúa nhưng không có gạo mà ăn. Hàng ngàn người phải bỏ làng mạc đi kiếm sống như một phản ứng truyền thống mỗi khi gặp nạn đói xảy ra.

.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét