*
5. MAO TRẠCH ÐÔNG VÀ CÔNG XÃ NHÂN DÂN
Ngay
sau khi trở lại Trung Quốc, Mao bắt đầu chiến dịch toàn diện để gia
tăng năng suất. Trước hết Mao và Giang Thanh ở lại Hàng Châu hai tuần
rồi bay qua Nam Ninh, thuộc khu tự trị Quảng Tây để tham dự hội nghị
Trung Ương đảng. Nhân lúc Bí Thư Hồ Nam là Châu Tiểu Châu đến yết kiến
Mao, Mao vặn hỏi ông ta “Tại sao Hồ Nam lại không thể gia tăng năng
suất lúa gạo ? Tại sao nông dân Hồ Nam lại không thể sản xuất hai vụ
mùa một năm ?”. Họ Châu đáp rằng tại vì thời tiết Hồ Nam chỉ cho phép
sản xuất một mùa mỗi năm. Mao không đồng ý, cho rằng tại sao tỉnh Triết
Giang, nơi có thành phố Hàng Châu nỗi tiếng, lại có thể sản xuất hai
mùa được mặc dù điều kiện tự nhiên tương tự với Hồ Nam. Mao phê bình họ
Châu “Vấn đề là đồng chí ngay cả không chịu học tập kinh nghiệm”. Châu
Tiểu Châu đáp một cách lễ độ “Chúng tôi hứa sẽ nghiên cứu”. Mao gắt
gỏng “Cái việc nghiên cứu của đồng chí rồi cũng chẳng được gì đâu, đi
ra ngay”. Tiểu Châu bị sỉ nhục cúi đầu đi ra nhưng nửa đường quay đầu
khép nép thưa “Mao Chủ Tịch, chúng tôi sẽ bắt đầu hai vụ mùa ngay”. Mao
chán nản than “Thật là vô dụng”.
Phiên
họp của Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng ở Nam Ninh là một trong những nỗ
lực đầu tiên của Mao lôi kéo toàn đảng vào chiến dịch. Nam Ninh là
thành phố cỗ, đầy màu sắc và sạch sẽ. Dân Nam Ninh đơn giản và thật
thà. Các viên chức địa phương rất hãnh diện được tiếp đón Mao. Bộ máy
tuyên truyền Cộng Sản mô tả vợ chồng Mao như là những con người đơn giản
và tiện tặn. Các viên chức Nam Ninh nghe riết nên tưởng vợ chồng Mao
là những con người đơn giản thiệt. Nên sau khi đến Nam Ninh, Mao và
Giang Thanh, thay vì được ở trong các dinh thự nguy nga, lại được mời ở
trong hai chỗ được trang bị đơn giản. Mao thì không nói gì vì bản chất
nông dân của y nhưng Giang Thanh thì phàn nàn đủ thứ chuyện trên đời.
Ngày thì nóng nhưng đêm xuống thì trời trở lạnh. Cái máy sưởi bằng điện
lại không có bộ phận tự điều chỉnh nên khi mở lại quá nóng mà tắt đi
thì lại lạnh. Nhà khách tỉnh thì không có buồng tắm nhưng Giang Thanh
thì có thói quen tắm trước khi ngủ. Cán bộ phục vụ của bà ta phải nấu
cả chục thùng nước nóng để dành để Giang Thanh tắm. Khổ nỗi những thùng
đầu thì đủ ấm nhưng càng tắm thì những thùng sau lạnh dần. Giang Thanh
đổ thừa các bà phục dịch cố tình làm cho bà ta bị bịnh. Giang Thanh
hết đổ thừa các cán bộ phục vụ rồi lại đổ thừa tôi vì tôi có trách
nhiệm toàn bộ y đội. Chịu hết nỗi tôi đem chuyện nầy trình lên Mao, Mao
bảo tôi “Giang Thanh là con cọp giấy, đừng thèm để ý làm gì”.
Hội
Nghị Nam Ninh được tham dự từ cấp Trung Ương cho đến địa phương. Ngay
từ ngày đầu không khí đã bắt đầu căng thẳng vì hầu hết các nhà kế hoạch
kinh tế đều không thể chia xẻ quan điểm “đuổi kịp Anh Quốc trong mười
lăm năm” của Mao. Mao dành suốt mười một ngày để tấn công các thành
phần do dự, ngay cả Chu Ân Lai, Trần Vân cũng không tránh khỏi bị phê
bình. Bốn ngày sau khi Hội Nghị khai mạc, Ủy Viên Dự Khuyết Bộ Chính Trị
Trần Bá Ðạt gọi tôi vào phòng. Ông ta bị cảm và cần được chửa trị. Họ
Trần bị bịnh thật và muốn trở lại Bắc Kinh nhưng y đang bị Mao phê
bình, không dám bỏ họp vì sợ Mao tố cáo là trốn tránh trách nhiệm. Suốt
đêm Trần Bá Ðạt ngủ không được nằm dán mắt trên trần trong lúc một
người khác là Phù Nhất Bá, Chủ Tịch Ủy Ban Kinh Tế Nhà Nước, cũng không
thể ngủ và đang đi lang thang ngoài hành lang hẳn nhiên y cũng đang bị
Mao phê bình thậm tệ. Chồng cũ của Giang Thanh là Hoàng Kính, Chủ Tịch
Ủy Ban Kỷ Thuật Nhà Nước cũng đang lo sốt vó. Mao tấn công họ Hoàng
nặng nề. Khi Hội Nghị căng thẳng tột độ, Thị Trưởng Thượng Hải Kha
Khánh Thi nhờ tôi khám giùm sức khỏe của Hoàng Kính vì ông ta có nhiều
hành vi điên điên khùng khùng rất kỳ lạ. Hoàng Kính nằm trên giường,
mắt mở trân tráo và miệng thì lẫm bẩm những gì không ai hiểu nỗi. Khi
thấy tôi bước vào thì y nói như cầu khẩn van xin “cứu tôi với , cứu tôi
với”. Dương Thượng Côn nhờ Lý Phú Xuân, Phó Thủ Tướng kiêm Chủ Tịch Ủy
Ban Kế Hoạch Nhà Nước Ðồng đưa Hoàng Kính, bằng máy bay, qua bịnh viện
quân đội ở Quảng Châu để tìm cách chửa trị. Trên máy bay, họ Hoàng cứ
quì gối xin họ Lý tha mạng. Tới bịnh viện thì y nhảy lầu chạy trốn vị
gảy một chân. Tôi nghe rằng y đã chết vào năm 1958. Hội nghị Nam Ninh
chỉ là thứ nhất trong hàng loạt hội nghị Mao triệu tập trong những
tháng sau đó. Cứ mỗi cuối phiên họp, năng suất nông nghiệp và kỷ nghệ
phải được gia tăng.
Ðầu
năm 1958, lần đầu tiên tôi cảm nhận sự thay đổi ở Mao. Những nghi ngờ
mới và cũ dồn nén trong người ông ta nhiều năm mãi đến Cách Mạng Văn
Hóa. Sau cuộc đấu tranh chống hữu khuynh đã tạm ngưng vài tháng, giờ
thì Mao chuẩn bị cuộc đấu tranh mới, lần nầy thì chống nội bộ đảng. Ðầu
tháng 3 chúng tôi đáp máy bay bay xuống Thành Ðô, thủ phủ Tỉnh Tứ
Xuyên, vựa lúa chính của Trung Quốc. Ở đó Mao đang tổ chức một phiên họp
khác. Tôi rất vui mừng khi trở lại Thành Ðô sau 14 năm xã cách. Ngay
khi trở lại, tôi hối hả tìm cách viếng thăm Trường Ðại Học Y Khoa Hoa
Tây và vườn bách thảo đẹp tuyệt vời. Không lâu lắm sau khi chúng tôi
đến. Bí Thư tỉnh mời Mao đi coi đoàn văn công Tứ Xuyên trình diễn. Mao
thì thích coi đoàn Bắc Kinh diễn hơn nhưng ngạc nhiên sau đó Mao gần như
bị cuốn hút vào âm nhạc đến nỗi ông ta thắp thuốc ngồi giữa rạp phì
phà một cách đắc ý. Phiên họp đảng được tổ chức từ ngày 3 đến 28 tháng
3. Mao, trong hội nghị nầy, đã phê bình các cấp lãnh đạo về các chính
sách kinh tế. Mao thường nói “Chủ nghĩa Cộng Sản không phải là của trời
cho. Chúng ta không nên chỉ làm theo một cách cứng ngắc những điều
trong sách vở”. Mao phê bình sự nô lệ trí thức của cán bộ đảng tương tự
việc mấy ông đồ nho sùng bái Ðức Khổng Tử như bậc Thánh. Cái gì Ðức
Khổng Tử nói cũng là khuôn vàng thước ngọc, không thể nào sữa đổi. Ðiều
mỉa mai ở đây là dù Mao tấn công vào việc sùng bái Ðức Khổng Tử thì
chính bản thân Mao cũng là Thánh. Những gì thoát ra khỏi cửa miệng ông
ta cũng là chân lý. Theo Mao, chủ nghĩa Mác, một thứ chủ nghĩa Khổng
nho hiện đại cũng đang làm què quặt sức sáng tạo của con người Trung
Quốc. Mao hối thúc các nhà kinh tế giống như giục ngựa “nhanh hơn, cao
hơn, mạnh hơn, tốt hơn”. Theo quan điểm của Mao, hội nghị Tứ Xuyên là
một thành công. Năng suất nông nghiệp đã tăng so với trước đó. Tiếng
nói của Mao mạnh đến nỗi không muốn đồng ý cũng không được. Nói trái ý
Mao là bị chụp mủ là hữu khuynh ngay. Những chống đối dần dần bị im
lặng và thay vào đó là sự lừa dối.
Mùa
hè 1958, cả nước bị động viên để xây dựng hệ thống trữ nước khổng lồ.
Ðề án không chỉ đơn giản về kinh tế mà còn, qua hệ thống dự trữ nước,
để cả thiện hệ thống thủy lợi và mục đích tối hậu là tăng năng suất lúa
gạo. Mao cũng muốn xử dụng đề án để sản xuất ra một số anh hùng lao
động làm gương mẩu trong việc thi đua sản xuất. Tại Bắc Kinh, hàng trăm
ngàn người xung phong đi làm việc trong đề án nầy. Tất cả viên chức
chính phủ các ngành các cấp, từ trung ương đến địa phương đều có bổn
phận phải tham gia đề án. Sau đó thì các nhà lãnh đạo tối cao cũng bắt
đầu tham gia. Buổi chiều ngày 25 tháng 5 năm 1958, sáu chiếc xe buýt chở
đầy các lãnh tụ cao cấp của đảng và chính phủ rời Trung Nam Hải đi làm
công tác thủy lợi, xe buýt của Mao dẫn đầu. Mao vui mừng và hớn hở ra
mặt. Ông ta ngồi trong băng ghế gần chót, nói chuyện thoải mái với mọi
người chung quanh. Mao nói “thường thì việc nặng nhọc chúng ta dành cho
những người khác, bây giờ tới phiên chúng ta phải làm. Ai cũng nói
công việc chân ta là việc nên làm nhưng khi thực sự làm thì họ lại
thoái thoát. Nhiều người đang làm việc trong đề án nầy nghĩ là họ bị
bắt buột, nhiều người khác thì cho là cơ hội tốt. Nói chung thì làm
chân tay vẫn còn hơn không làm gì cả”. Mao vừa bước chân xuống khu thủy
lợi là cả rừng người tung hô như sấm động. Tướng Dương Thành Vũ, Tư
Lịnh Quân Khu Bắc Kinh kiêm Giám Ðốc đề án nầy chào mừng Mao khi ông ta
vừa bước xuống xe. Trước mặt chúng tôi là một biển người. Hàng hàng
lớp lớp người đang đào đất bằng những dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng.
Mao đi trước, các cấp lãnh đạo theo sau. Mao đào đất chừng nữa tiếng
đồng hồ thì mặt y bắt đâu đỏ gay và mồ hôi bắt đầu nhỏ giọt. Tướng
Dương Thành Vũ khẩn khoản xin Mao dừng tay. Mao dừng tay và đi về trại
chỉ huy ngồi nhâm nhi tách trà nóng. Sau đó, Mao hạ lệnh cho tôi và
những viên chức trong bộ tham mưu của ông ta phải đến làm việc trong đề
án nầy một tháng. Nhưng may mắn là chỉ mười lăm ngày thì chúng tôi
được viên tướng họ Dương cho về. Dù sao trong dịp lao động nầy tôi được
bầu làm cá nhân xuất sắc nhất trong toàn đội.
Vào
31 tháng 7 năm 58, Khrushchev bất ngờ viếng thăm Trung Quốc một cách
bí mật. Thay vì đáp lại sự tiếp đón long trọng Khrushchev đã dành cho
Mao trước đây, cách đón tiếp của Mao chẳng khác gì tát vào mặt
Khrushchev. Mao đón tiếp Khrushchev một cách đơn giản bên cạnh hồ bơi
của ông ta. Ðáp ứng lời mời của Mao cùng ông ta bơi, Khrushchev thay đồ
và nhảy xuống hồ, mặc dù ông ta không biết bơi chút nào. Cuộc thảo luận
trong hồ bơi giữa hai lãnh tụ Cộng Sản chẳng có kết quả gì khả quan.
Thay vì ở lại một tuần, Khrushchev chỉ ở lại ba ngày rồi trở về Liên Xô.
Những bất đồng giữa hai nước ngày càng sâu đậm. Trên đường trở lại Bắc
Ðái Hà, Mao nói với tôi “Mục đích tối hậu của Liên Xô là kiểm soát
chúng ta, trói tay trói chân chúng ta”. Mao tố cáo Khrushchev đã xử
dụng Trung Quốc như một con cờ để cải thiện mối quan hệ giữa họ và Hoa
Kỳ. Khrushchev muốn Trung Quốc cùng với Liên Xô thành lập một một hạm
đội Hải quân hổn hợp, muốn Mao chính thức cam kết rằng sẽ không tấn
công Ðài Loan và cũng không quên phê bình chính sách kinh tế của Mao
qua việc tập trung lực lượng sản xuất nông nghiệp thành các công xã
khổng lồ. Mao kể “tôi nói với Khrushchev rằng chúng ta có khả thành lập
các đài viễn thanh nhưng Liên Xô phải cung cấp kỹ thuật để chúng ta tự
làm lấy, chúng ta cũng có thể thành lập hạm đội liên hợp nhưng Liên Xô
chỉ có bổn phận cung cấp tàu bè còn thuyền trưởng phải là người Trung
Quốc. Còn chuyện Ðài Loan là chuyện riêng của Trung Quốc không dính
dáng gì tới Liên Xô”. Những xung đột trầm trọng giữa hai nước từ đó đã
bắt đầu. Trên đường trở lại Bắc Ðái Hà, Mao trình bày với chúng tôi
quan điểm của ông ta đối với vấn đề Ðài Loan “một vài đồng chí của
chúng ta không hiểu tình hình, cứ muốn vượt biển chiếm Ðài Loan. Ðó là
sai, cứ để Ðài Loan như vậy. Ðài Loan tạo áp lực và nhờ vậy tạo nên sự
đoàn kết trong nội bộ chúng ta”.
Lúc
3 giờ sáng ngày 2 tháng 8 năm 1958, cận vệ của Mao đánh thức tôi dậy
để dạy Mao học Anh Ngữ. Tôi hối hả chạy vào trình diện Mao thì ông ta
đang nằm trên giường đọc sách. Mao thật sự chẳng bao giờ chịu học Anh
Ngữ một cách nghiêm túc. Cái học đối với Mao chỉ là cách giải trí.
Thông thường những lớp học như vậy là chỉ để nói chuyện. Tôi ở lại với
Mao tới sáu giờ sáng. Mao dặn tôi ở lại dùng cơm sáng với ông ta. Trong
bữa ăn Mao cho phép tôi đọc những bản tin mật được gọi là Tư Liệu Lưu
Hành Nội Bộ. Những tài liệu bí mật nầy chỉ được phép lưu hành trong hàng
ngũ tối cao của Ðảng. Trước đây thì tài liệu nầy tổng kết ghi những
phản ảnh từ dân chúng, từ các nhà báo, nhà văn về những sai lầm của
Ðảng. Nhưng từ sau chiến dịch chống hữu khuynh tong tầng lớp trí thức và
sau đó thì trong hàng ngũ đảng viên thì chẳng còn ai dám phê bình đảng
nữa. Tài liệu chỉ còn là những lời nịnh hót khoe khoang. Hôm đó, Mao
cho đưa tôi đọc một bản tin về sự hình thành của Công Xã Nhân Dân. Mao
cho rằng “đây là một biến cố đặc biệt. Danh từ Công Xã Nhân Dân thật là
vĩ đại. Các hợp tác xã nhỏ đã tập trung lại thành một hợp tác xã khổng
lồ gọi là Công Xã Nhân Dân. Theo Mao, Công Xã Nhân Dân là chiếc cầu
nối liền chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”. Nhưng Mao cũng thú
nhận “còn rất nhiều điều chúng ta không biết, họat động của nó thế nào ?
cách tổ chức thế nào ? phân phối lợi tức thế nào ?”. Mao muốn tôi cùng
với Diệp Tử Long đi điều tra hoạt động của vài Công Xã Nhân Dân và về
báo cáo lại cho ông ta. Kiến thức về nông thông của tôi còn rất là giới
hạn nhưng lịnh của Mao là tuyệt đối, chúng tôi phải chuẩn bị khăn gói
lên đường. Bảy giờ sáng hôm sau thì Mao lại cho cận vệ đến gọi tôi. Mao
đổi ý. Thay vì để chúng tôi đi coi về báo cáo lại, Mao quyết định đích
thân đi thăm các Công Xã Nhân Dân. Hai ngày sau chúng tôi tháp tùng
Mao đáp xe lửa xuôi nam.
Trạm
dừng chân của Mao và đoàn tùy tùng là tỉnh Hà Bắc, nơi có hàng loạt
Công Xã Nhân Dân mới thành lập. Nhân dân Trung Quốc chưa biết công xã
nhân dân là gì nên còn có vẻ lạc quan trước những lời hứa hẹn vinh
quang về tổ chức mới mẻ nầy. Rời Hồ Bắc, Mao tiếp tục viếng thăm tỉnh Hà
Nam. Ngô Di Phố, Bí Thư Thứ Nhất Ðảng Ủy Hà Nam tháp tùng Mao xuyên
qua những con đường không tráng nhựa gồ ghề của tỉnh ông ta. Vì thời
tiết mùa hè rất oi bức nên đảng ủy địa phương chở thêm đàng sau một xe
dưa hấu để chúng tôi giải khát. Mao không thích dưa hấu nhưng chúng tôi
thì là rất thích. Mao gốc nông dân nên rất dể hòa đồng với khung cảnh
nông thôn. Ngay cả khi Mao lỡ chân bước vào đống phân trâu, ông cũng
không cần phải bận tâm lau sạch nó đi, Mao nói “đó là phân bón, tại sao
phải lau đi chứ”.
Ngày
6 tháng 8, Ngô Di Phố hướng dẫn chúng tôi đi thăm làng Thất Ly. Dọc
hai bên đường là cây sợi cao tới ngực với những bông to như nắm tay
đang tới mùa gặt. Ðầu làng là một tấm khẩu hiệu dài “Công Xã Nhân Dân
Thất Ly”. Mao tán thưởng ngay “Danh từ Công Xã Nhân Dân thật là vĩ đại.
Công nhân Pháp tạo nên công xã Paris khi họ chiếm được quyền lực. Nhân
dân chúng ta đang tạo nên công xã nhân dân như một tổ chức chính trị và
kinh tế đang trên đường dẫn tới chủ nghĩa Cộng Sản. Ba ngày sau, Mao
lại lần nữa lập lại lời tán thưởng “Công Xã Nhân Dân thật vĩ đại”. Một
thông tín viên của Tân Hoa Xã nghe được câu nầy và tức khắc ngày hôm đó
các báo Ðảng đều chạy tám cột dài to lớn trên trang đầu câu nói của
Mao như một khẩu hiệu chung cho cả nước từ đó.
Trở
lại Bắc Ðái Hà, Mao vẫn còn hồi hộp. Tôi chưa bao giờ thấy Mao vui
mừng như thế. Trong đầu Mao, Công Xã Nhân Dân là đáp số cho bài toán
khan hiếm thực phẩm từ lâu ở Trung Quốc. Bốn ngày sau, Mao triệu tập
một phiên họp của Bộ Chính Trị. Câu trả lời cho Khrushchev của Mao đã
trở nên rõ ràng và dứt khoác khi Mao ra lịnh pháo kích vào đảo Kim Môn
và Mả Ðảo của Ðài Loan. Ðó là thách thức của Mao để tạo ra sự căng thẳng
quốc tế trong lúc Khrushchev đang cố tình làm hòa dịu. Mao đang chứng
tỏ vai trò quan trọng của Trung Quốc trong quan hệ giữa Hoa Kỳ, Liên Xô
và Trung Quốc. Mao tiếp tục pháo kích một tuần lể trước khi đơn phương
ra lịnh ngừng bắn. Khi hải quân Hoa Kỳ di chuyển đến khu vực để bảo vệ
eo biển Ðài Loan thì Mao lại ra lịnh tái pháo kích. Thật ra, việc
chiếm Ðài Loan chưa bao giờ là ý định của Mao. Việc pháo kích Kim Môn
và Mả Ðảo chỉ một thách thức, một trò chơi để chứng tỏ cho Eisenhower
và Khrushchev thấy rằng Trung Quốc không dể dàng gì để bị kiểm soát.
6. QUÁI THAI KINH TẾ: CÁC NHÀ MÁY LUYỆN KIM SAU HÈ
Ngày
10 tháng 9 năm 1958, Mao Trạch Ðông thực hiện chuyến thăm dân một lần
nữa để tận mắt chứng kiến những đổi thay trong cả nước. Trước hết Mao
và đoàn tùy tùng đáp máy bay đi Vũ Hán. Hai trong số những người thán
phục Mao nhất là Trương Trị Trung và Tân Ðế Thánh đến yết kiến Mao.
Trương Trị Trung trước đây là đảng viên Quốc Dân Ðảng đào ngũ theo Mao.
Y chào Mao bằng một câu nịnh bợ thật trơ tráo “Ðiều kiện đất nước ta
thật tuyệt vời, phù hợp hoàn toàn với câu thiên thời, địa lợi và nhân
hòa”. Tân Ðế Thánh cũng không quên nịnh bợ Mao bằng nhiều câu tương tự,
y còn thỉnh mời Mao thăm viếng Tỉnh An Huy. Mao đồng ý.
Chúng
tôi đi An Huy bằng thuyền dọc sông Trường Giang đến thành phố An Kinh,
ngay sát ranh giới tỉnh Anh Huy rồi chuyển sang xe đi Hợp Phố, thủ phủ
tỉnh Anh Huy. Tại đây chúng tôi cũng chứng kiến một “kỳ diệu mới” là
những “nhà máy luyện kim sau hè”. Mỗi “nhà máy luyện kim sau hè” gồm
một lò đúc bằng gạch cao chừng 4 hay 5 mét. Lửa đang phun ngùn ngụt và
bên trong lò đúc đó không phải là hợp kim thép hay sắt được khai từ mỏ
địa chất mà toàn là nồi niêu xoong chảo từ nhà bếp của dân chúng và các
dụng cụ nhà cửa khác !!. Khi chúng chúng tôi đến thì những vật dụng
nầy đang được đốt và đang cháy xì xèo. Tân Ðế Thánh chỉ chúng tôi xem và
gọi những thứ nầy là thép !!. Thú thiệt mãi cho tới nay, tôi vẫn chưa
hiểu nỗi sáng kiến “nhà luyện kim sau hè” nầy phát xuất từ đâu. Nhưng
lý luận thì rất dể hiểu: tại sao phải tốn kém nhiều tiền của để khai
thác thép và xây những nhà máy hiện đại trong khi có thể sản xuất dụng
cụ bằng những phương pháp ít tốn kém như thế nầy. Kiến thức khoa học
trẻ con nầy dù sao đã dẩn đến sự hình thành của các quái thai kinh tế:
“nhà máy luyện kim sau hè” vậy.
Tôi
hết sức ngạc nhiên. Lò đúc nầy đang đốt cháy những đồ dùng trong nhà
thành những quặng mà họ gọi là thép. Ðốt chảy một con dao chỉ để chế
một con dao khác. Tôi không biết phẩm chất của chúng có đủ tốt hay
không nhưng cảm thấy thật không thích hợp chút nào nếu chỉ đốt chảy dao
để làm dao, đốt chảy sắt thành sắt. Những lò đúc kiểu đó nhan nhản ở An
Huy.
Cuối
chuyến viếng thăm Anh Huy, Trương Trị Trung đề nghị Mao nên ngồi xe
mui trần đi qua các đường phố để nhân dân có dịp chiêm ngưỡng dung nhan
của vị lãnh tụ kính yêu. Tài nịnh bợ khéo léo của họ Trương đã thuyết
phục được Mao. Năm 1949, Mao tiến vào Bắc Kinh cũng trên chiếc xe nhỏ
mui trần giữa tiếng hoan hô vang dội của hành triệu nhân dân Trung Quốc
đứng dọc hai bên đường. Một lần nữa vào năm 1956, trong một chuyến
viếng thăm Nam Dương, Tổng Thống Sukardo đã mời Mao ngồi trên một xe mui
trần. Hôm ấy là lần thứ 3 Mao đã ngồi trên xe mui trần đi ngang qua
đường phố Hợp Phố. Ba trăm ngàn người đứng dọc hai bên đường để chiêm
ngưỡng dung nhan của lãnh tụ vĩ đại Mao Trạch Ðông. Cả rừng người cùng
cất tiếng hoan hô vang dội “Mao Chủ Tịch muôn năm”, “Công Xã Nhân Dân
muôn năm”, “Bước Tiến Nhảy Vọt Muôn Năm”. Ðám đông nầy cũng đã được cục
an ninh tỉnh Anh Huy chọn lựa cẩn thận.
Mao
bắt đầu thuyết giảng về việc thiết lập hệ thống cung cấp thực phẩm tự
do trong các Công Xã Nhân Dân ở khu vực thôn quê. Trong những Công Xã
nầy, người dân có toàn quyền ăn những món gì họ muốn mà không cần phải
trả tiền. Mao cũng thuyết về việc chấm dứt phương pháp trả lương cho
công nhân và nông dân. Những nhu cầu căn bản sẽ do nhà nước cung cấp,
người dân chỉ cần một số phụ cấp nhỏ để trang trải cho các chi phí đột
xuất.
Vào
hôm 15 tháng 9, Trương Xuân Kiều, giám đốc cơ quan tuyên truyền Ðảng
Bộ Thượng Hải viết một bài báo cổ vỏ cho phương pháp cung cấp thực phẩm
tự do. Mao rất thích bài báo và cho vời họ Trương đến gặp Mao trên xe
lửa. Ðây là lần đầu tiên tôi gặp họ Trương, con người đã trở nên một
lãnh tụ hàng đầu trong Cách Mạng Văn Hóa và sau đó là một phần tử trong
“Bọn Bốn Người”. Ngay từ lần đầu mới gặp tôi đã không ưa họ Trương vì
bản tính lạnh lùng, thiếu thân thiện của y. Không ai trong bộ tham mưu
của Mao muốn hệ thống cung cấp tự do nầy sống lại. Dương Tử Long là một
ví dụ. Họ Dương thích đời sống xa xỉ và lương cao. Ðặt quyền đặc lợi đã
cho phép hắn đạt đến tất cả những gì hắn muốn nhưng hắn vẫn thích được
trả lương. Họ Dương cũng biết tôi không đồng ý với phương pháp cung
cấp thực phẩm tự do nên khuyến khích tôi để đệ trình ý kiến lên Mao.
Nếu được thì y có lợi nhưng nếu không được thì tôi sẽ bị phê bình là
phần tử lạc hậu chứ không ảnh hưởng gì đến tương lai chính trị của y.
Mao
thì vẫn còn do dự. Khi thấy tôi bước vào, Mao ngẩng đầu hỏi “có tin
tức gì không ?”. Tôi đáp “Chúng tôi đang thảo luận với nhau về hệ thống
cung cấp tự do”, Mao lại hỏi “Có sáng kiến gì không ?”. Tôi giải thích
những khó khăn tôi phải đương đầu trong trường hợp không có lương mà
có quá nhiều người trong gia đình cần được săn sóc. Mao còn nghĩ đến
việc thiết lập các công xã nhân dân ngay cả trong thành phố.
Mao
đồng ý đây là vấn đề quan trong “trước khi quyết định dĩ nhiên chúng
ta tính toán cẩn thận số lượng lao động hiện đang có và khả năng của
Công Xã để cung cấp cho những thành phần không sản xuất. Nếu có quá
nhiều người già và quá trẻ thì quả thật là có vấn đề”. Sau khi tôi ra
khỏi phòng, thái độ hăng hái của Mao về hệ thống cung cấp tự do đã giảm
đi nhiều. Mặc dù Mao vẫn cảm thấy phấn khởi về những đổi thay nhanh
chóng trong sản xuất, y vẫn chú để tâm nhiều đến những ý kiến khác trong
việc đánh giá kết quả của các chính sách mà Mao đề ra. Tôi nghĩ chính
bản thân Mao cũng có một mức độ hoài nghi nào đó về thành quả của các
“lò luyện kim sau hè” đã đem lại rằng liệu là các lò sản xuất sắt thép
lẻ tẻ đó có thể giúp cho sản lượng sắt thép Trung Quốc qua mặt Anh trong
mười lăm năm hay không ?. Ðiều Mao muốn biết là tại sao tại các nước
tây phương, họ phải xây dựng các nhà máy luyện kim khổng lồ, trong khi
ngay cả mấy cái lò đúc bằng đất ở Trung Quốc cũng có thể sản xuất ra sắt
thép, chẳng lẽ bọn nước ngoài ngu đến thế hay sao ?.
Ngoài
ra, một nhân vật khác là Ðiền Gia Anh cũng có những quan điểm lo ngại
về phương pháp cung cấp tự do mà Trương Xuân Kiều viết trong bài báo
của y. Ðiền Gia Anh tố cáo Trương Xuân Kiều viết báo một cách vô trách
nhiệm, nhằm mục đích duy nhất là làm vừa lòng Mao Trạch Ðông. Họ Ðiền
biện luận rằng “chúng ta không thể loại bỏ các nhu cầu căn bản về dinh
dưỡng và ăn mặc của quần chúng lao động, thật là sai lầm khi nghĩ rằng
chúng ta có thể tiến lên chủ nghĩa Cộng Sản kéo lê lết các tầng lớp lao
động trần truồng và đói rách theo sau”. Họ Ðiền phàn nàn “Trong quá
khứ, Ðảng ta luôn chủ trương tìm sự thật qua các sự kiện, bây giờ thì
việc đó không còn nữa. Mọi người đang lừa dối, khoác lác và mất cả ý
niệm thế nào là xấu hổ”. Ðiền Gia Anh cũng nhắc lại câu chuyện vua nhà
Chu ngày xưa đi tìm một cô gái có thân hình mảnh khảnh thay vì đẩy đà
thì cả mấy ngàn cung nữ lo nhịn ăn để cho ốm bớt. Ngụ ý của họ Ðiền ví
Mao như Chu Hoàng Ðế và đám cán bộ đảng là cung nữ, họ chỉ biết làm mọi
cách để thỏa mãn ước muốn của Mao mà không cần biết điều Mao muốn là
đúng hay sai. Ðám cán bộ cao cấp vừa muốn nịnh bợ Mao vừa lo sợ cho
tương lai chính trị của chúng nên chỉ biết chuyển áp lực lên đầu lên cỗ
nhân dân.
Các
nhà tâm lý học quần chúng có thể có một lời giải thích về những sai
lầm trong chính sách kinh tế của Mao vào cuối năm 1958. Trung Quốc rơi
vào tình trạng hỗn loạn về tâm lý do Mao nuôi dưỡng và chính bản thân
Mao cũng trở thành nạn nhân của chính sách kinh tế của ông ta. Khi
chúng tôi trở lại Bắc Kinh để tham dự ngày lễ Tháng Mười, tôi nhận thấy
chính Mao cũng tin vào khẩu hiệu “Bước Tiến Nhảy Vọt”, bằng chứng là
Mao ra lịnh thiết lập “lò luyện thép” ngay cả tại trung tâm quyền lực
Trung Nam Hải. Vào ban đêm cả khu dinh thự trung ương gần như ngập chìm
trong biển lửa phát ra từ cái lò đúc bằng đất mà Mao gọi là “lò luyện
kim” nầy. Tất cả các lãnh tụ cao cấp đều không ai dám bình luận điều
gì, duy mỗi một tiếng nói duy nhất phát ra trong giai đoạn nầy là tiếng
của Mao.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét